Nhìn một cách khái quát nhất, phê bình đạo đức dựa trên tiền đề cho rằng có một mối quan hệ giữa tác giả và người đọc thông qua tác phẩm văn học. Bằng hình thức sử dụng ngôn ngữ đặc thù để thể hiện nội dung tư tưởng tình cảm của tác giả, tác phẩm văn học có thể gợi nên những cảm xúc, sự đồng cảm, tác động đến tâm hồn, đạo đức và do đó chi phối hành động của người đọc, đồng thời qua đó tác động đến thực tiễn đời sống xã hội [100;
tr.75]. Vì vậy, nhà văn phải có trách nhiệm với hành vi sáng tạo của mình theo nghĩa là họ phải sáng tạo những tác phẩm đem đến những tác động tốt đối với người đọc, trau dồi phẩm chất đạo đức và vun bồi tâm hồn cho người đọc. Theo nghĩa đó, Joshua Landy cho rằng: “văn học thiện hảo, nói một cách ngắn gọn, không chỉ đơn thuần đem lại cho ta một sự lựa chọn, mà còn đem đến cho ta một sự vun bồi, bồi đắp tâm hồn” [126; tr.71].
Ngược lại với quan niệm phê bình đạo đức là quan niệm phê bình dựa trên thái độ tôn trọng tính tự trị của văn học, tính tự trị của nghệ thuật. Ở ý này, Nguyễn Văn Trung cho rằng: “Vấn đề luân lý được đặt ra khi xét tới mục đích hay công dụng của văn chương. Phê bình luân lý dựa vào một quan niệm văn học, coi văn học văn chương không có một cứu cánh tự tại và phải phục vụ cho một cái gì khác văn chương và luân lý, xã hội nhân loại ..v..v.”
[84; tr.140]. Hiểu theo nghĩa như vậy thì phê bình đạo đức không chỉ có trong quan niệm thẩm mỹ truyền thống, mà có trong cả quan niệm thẩm mỹ hiện đại, khi một thời đại đặt ra yêu cầu trách nhiệm về mặt tư tưởng đạo đức cho tác giả và tác phẩm văn học. Nói cách khác, nó luôn tồn tại như là một chiều kích ý thức đạo đức trong lý giải và tiếp nhận văn học.
Chiều kích ý thức đạo đức là nhân tố thuộc về những chuẩn mực, giá trị của cộng đồng chuyển hóa vào trong nhận thức, quan niệm và hành động của mỗi cá nhân. Đó là tính tất yếu khách quan của lý giải thể hiện ở cách mỗi thời đại có xu hướng chọn lựa cho nó nghĩa nào là đúng đắn, phù hợp đối với quan niệm về con người, quan niệm về ý nghĩa cuộc sống của con người, quan niệm về lý tưởng tối cao trong cuộc sống. Điều này tác động mạnh mẽ đến người đọc, tạo thành một hệ quy chuẩn mà người đọc luôn có sẵn trong quá trình lý giải ý nghĩa văn bản văn học.
Trong lý giải và thấu hiểu tác phẩm, ý thức đạo đức không trực tiếp tạo nghĩa cho văn bản văn học nhưng nó có vai trò quyết định thái độ tiếp nhận của chủ thể trên cơ sở đồng tình hoặc phản đối, chấp nhận hoặc không chấp nhận, ngưỡng vọng, cởi mở hoặc khinh miệt đối với mỗi tác phẩm. Và do đó, chính nó là động lực vận hành quá trình tiếp nhận.
Ý thức đạo đức của mỗi thời đại có sự vận động, biến chuyển về mặt nội dung và về quan hệ giữa nó với ý thức thẩm mĩ. Mức độ ảnh hưởng của ý thức đạo đức đối với sự tiếp nhận một tác phẩm nghệ thuật ở mỗi thời đại
cũng không bất biến, cố định. Tuy nhiên, cho dù phạm vi và ranh giới của ý thức đạo đức trong tiếp nhận và lý giải tác phẩm có thể chuyển biến theo thời đại, nhưng bản thân nó không mất đi với vai trò là giới hạn của sự nhận thức nội dung tác phẩm trên cơ sở tính người, trên cơ sở quan niệm về ý nghĩa cuộc sống của con người, trên cơ sở lý tưởng tối cao về cuộc sống mà thời đại đã thiết lập. Điều đáng chú ý là trong quá trình chuyển biến theo quan niệm của từng thời đại, ý thức đạo đức sẽ tạo nên sự xung đột giữa các giới hạn lý giải, và vì vậy, nó thúc đẩy các quá trình tiếp nhận.
Trong phạm vi chân trời chờ đợi của phê bình đạo đức, đặc biệt là phê bình đạo đức truyền thống nho giáo, không chỉ có nội dung của tác phẩm được đánh giá ở góc độ đạo đức, mà ngôn ngữ của văn bản cũng được xem xét dưới góc độ đạo đức thẩm mỹ. Trần Đình Hượu cho rằng nho giáo quan niệm: “Là văn chương thì phải hay và cũng chỉ có văn chương hay mới được lưu truyền. Nhưng cái hay trước đây là ở chỗ nói được Đạo, được Tâm” [32;
tr.529]. Quan niệm này chi phối quan niệm về tính nghệ thuật và tính thẩm mỹ của văn học. Việc làm thơ cũng là một hình thức tu dưỡng đạo đức nhân cách: ngôn từ phải được lựa chọn công phu, luyện chữ, đúc chữ; thơ ca phải góp vào sự vận hành hài hòa muôn thuở của đạo. Do đó, cũng theo Trần Đình Hượu, “Công phu nghệ thuật mà từng người trau dồi là ở từ chương, ở cách lựa từ, chọn vần điệu, ở ý, ở tứ…”; “Cái đẹp mà họ theo đuổi là nội dung hợp đạo lý, có tác dụng giáo hóa, ở sự mực thước trung hòa, cao nhã, ở từ chương mỹ lệ…” [32; tr.529,530]. Thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm, dù có đưa vào “bè rau muống”, “lảnh mùng tơi”, hay “mai”,
“cuốc”, “cần câu” của làng quê thôn dã thì vẫn để nói lên cái tâm thanh sạch của nhà nho, nên tính chất giản dị nôm na này cũng không đi ra ngoài vẻ đẹp cao nhã, hợp tâm, hợp đạo.
Quan niệm về mối quan hệ giữa thơ ca và đạo đức như trên chi phối việc miêu tả những hình ảnh thiên nhiên cảnh vật trong thơ. Thiên nhiên là nơi các nhà nho bảo tồn nhân cách cao khiết, đối lập với chốn nhân thế “lao xao” (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Và do vậy, “Thiên nhiên được nhân cách hóa, trở thành những biểu tượng cho những phẩm chất của con người” [61;
tr.357]. Cây tùng như bậc lương tướng, là rường cột quốc gia; cây trúc có khí tiết của người quân tử; cây mai mang phẩm chất cao khiết của nhà nho; cây cúc toát lên vẻ đẹp của những con người ẩn dật. Tính thẩm mỹ của hình tượng trong thơ, do vậy, cũng được nhìn từ góc nhìn đạo đức nhân cách.
Ngay cả thể loại thơ của thơ ca thời trung đại cũng thể hiện sự hài hòa thông qua vần luật, ngôn từ, cấu tứ. Thơ Đường toát lên vẻ đẹp đăng đối, hài hòa trong sự phối hợp giữa các phương diện ngôn từ, vần luật, hình ảnh, nội dung. Trong bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tâm thế nhàn toát lên từ trong cả nhịp điệu, ngôn từ, hình ảnh, đến ý thơ. Vẻ đẹp hài hòa trong thơ Đường luật cổ điển thể hiện một quan niệm thẩm mỹ có tính chất đạo lý sâu sắc: cái hài hòa góp phần đưa con người không xa rời khỏi Đạo.