3.1. CHÂN TRỜI PHÊ BÌNH
3.1.1. Sự khám phá cái cá nhân
Sự tìm tòi khám phá cái cá nhân trong văn học gắn liền với sự xuất hiện và ý thức về gía trị của cái cá nhân trong lịch sử 1. Sự tìm tòi khám phá này thể hiện qua tiếng nói của cái tôi cá nhân trong văn học. Nhưng sự biểu hiện và sự ý thức của cái cá nhân trong sáng tác văn học không phải là một hiện tượng bất ngờ, đột xuất, mà nó là cả một tiến trình từ sơ khai đến hoàn thiện, từ cá biệt đến phổ biến, từ thứ yếu đến trở thành tiêu biểu trong thời hiện đại hóa.
Ngay từ thời trung đại, văn học đã có những biểu hiện của cái tôi cá nhân. Trong thơ Thiền Lý-Trần, cái tôi cá nhân chủ yếu được ý thức trong việc tìm kiếm ý nghĩa của nó trên tiến trình hòa nhập vào cái đại ngã của vũ trụ [16; tr.177]. Đến thời Lê, cái tôi cá nhân trong thơ của Nguyễn Trãi, tuy
“thể hiện nổi bật trong sự lựa chọn day dứt giữa các tư tưởng, các con đường lập thân, dưỡng thân, và nhất là bảo thân” [16; tr.180]; nhưng vẫn là cái tôi cá nhân trăn trở tìm kiếm ý nghĩa của nó trong lý tưởng của nhà nho, nghĩa là sự trăn trở của một cái tôi cá nhân lấy giá trị đạo đức cộng đồng làm chuẩn mực. Cái tôi cá nhân ấy vẫn xác định giá trị của mình thông qua giá trị cộng đồng.
Chỉ đến thế kỷ XVIII – XIX, trong truyện thơ Nôm, tiêu biểu là Truyện Kiều, mới xuất hiện cái tôi cá nhân ý thức về chính mình, với những cảm nhận về nỗi đau, về hạnh phúc, về thân phận. Khi Thúy Kiều ví mình như cánh bèo dạt, cảm nhận xung quanh mình là một nỗi cô đơn khủng khiếp
“ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”, hay thấy mình chỉ là một hồn ma hiện về mai hậu; thì đó là lúc cái cá nhân được cảm nhận sâu sắc nhất. Nó thấy mình tách lìa khỏi không gian, khỏi thời gian, tách lìa ngay cả với tình
1 Chúng tôi tạm phân biệt: 1/ “cái cá nhân” đối lập với tập thể hay cộng đồng, xét ở phương diện nhân học, xã hội học và triết học, 2/ “cái tôi cá nhân” như là tính chủ thể trong sáng tác văn học. Tiếng nói của cái tôi cá nhân thể hiện quan niệm và sự ý thức về cái cá nhân.
yêu đầu đời của mình, và đối lập ngay cả với cái bản thân “dày gió dạn sương”, “bướm chán ong chường” của mình nữa. Đó là lúc sự biểu hiện của cái tôi cá nhân đã vươn đến chiều kích tự ý thức, tự phản tỉnh, tự phê phán.
Khi Thúy Kiều nghĩ mình như một “thân lươn bao quản lấm đầu”, hay tự giễu mình là đã “học lấy những nghề nghiệp hay”, đó là lúc cái tôi cá nhân thấy mình như một “cái tôi”, đúng theo nghĩa đen của nó, tức là cái gì nhỏ bé, tội nghiệp, nhưng có một thân phận riêng, có một ý nghĩa sống riêng. Gía trị sống và ý nghĩa sống của cái tôi cá nhân nằm ngay trong sự tồn tại của nó.
Nó tồn tại như thế nào, nó có giá trị và ý nghĩa như thế ấy. Nó không còn đi tìm ý nghĩa sống của mình trong sự quy chiếu đến cái gì khác, trong tính cộng đồng hay trong sự vận hành chung của đạo đức truyền thống lẫn Đạo uyên nguyên của trời đất. Ý nghĩa và giá trị sống của nó là hạnh phúc mà nó quan niệm hay mong mỏi, chờ đợi; là thực tại đời sống mà nó đang đối diện và trải nghiệm. Cái tôi cá nhân đến đây, như “đơn tử” của Leibniz, là một tồn tại tự quy định bằng tính đơn nhất và tính độc nhất của chính mình, nó lấy nó làm quy chiếu và giá trị.
Khi cái tôi cá nhân lấy chính nó làm hệ chuẩn và giá trị, thì nó bắt đầu đòi hỏi một sự khẳng định mới, hay nói cách khác, nó đòi hỏi sự thay đổi hệ chuẩn của đạo đức truyền thống lâu đời, bằng cách đưa ra những phê phán,
“hạ bệ” các mẫu mực và điển hình của hệ chuẩn này. Đó là sự xuất hiện của tiếng nói của cái tôi cá nhân trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Tiếng nói này không chỉ xem hạnh phúc là giá trị sống của nó, mà bằng một hình thức biểu hiện có tính chất thách thức, nó xem hạnh phúc có từ tính dục và nhục thể/thân thể mới là hạnh phúc đích thực. Và vì vậy, thơ của nữ sĩ ngập tràn các hình ảnh của thân thể. Hình ảnh thân thể mà hệ thống quan niệm nho giáo xem là cái gì uế tạp, tầm thường, vô giá trị, thì trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương lại trở thành một giá trị, thậm chí là giá trị cao nhất; theo nghĩa là nó
có ý nghĩa đối với cuộc đời riêng của cá nhân con người trong thơ. Đó là một bước ngoặt trong quan niệm về cái tôi cá nhân, nhưng đồng thời cũng là một bước ngoặt trong sự thể hiện hình ảnh con người: con người được nhìn nhận từ góc độ thân thể.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã bắt đầu lan tỏa một luồng gió mới:
cái cá nhân đến từ phương Tây. Cái cá nhân đến từ phương Tây vốn là cái cá nhân đã trải qua một tiến trình phát triển phong phú, sâu sắc, mạnh mẽ, là linh hồn của lịch sử văn hóa tư tưởng phương Tây từ thời Phục hưng, Khai minh, sang thời cận hiện đại. Ảnh hưởng từ luồng gió mới mạnh mẽ như vậy, quan niệm về cái cá nhân tại Việt Nam phát triển cả theo chiều rộng lẫn chiều sâu. Cái cá nhân giờ đây không chỉ khẳng định giá trị của nó bằng cách quy chiếu vào hình ảnh bản thân (thân phận, thân thể), nó yêu sách một sự thừa nhận giá trị từ bên ngoài, từ cộng đồng; thậm chí, nó yêu sách một cơ sở có tính khách quan và tất yếu cho sự tồn tại của nó. Nó đòi hỏi gia đình phải thừa nhận giá trị của riêng nó, nó đòi hỏi quyền lập hội, lập đoàn, tức là một hình thức tập thể bao gồm các cá nhân có chung quan niệm, mục đích, nó đòi hỏi quyền tự do ngôn luận nữa [82]. Sự khẳng định cái cá nhân xuất hiện nhiều nhất trong văn học và ý thức văn học. Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đề cao tình yêu và hạnh phúc cá nhân, chống lại gia đình phong kiến truyền thống, thơ Mới không cảm nhận thế giới này bằng con mắt của cổ nhân, của thẩm mỹ nho giáo, mà bằng một đôi mắt “xanh non”, run rẩy và bỡ ngỡ của cái tôi cá nhân giàu cảm xúc.
Từ góc độ văn hoá, sự tiếp xúc với văn hoá khác làm cho văn hoá dân tộc ý thức lại chính mình. Song song với tiếp biến và dung hợp, thời đại văn hoá mới có nhu cầu tìm sự cổ vũ cho giá trị mới của nó từ truyền thống. Bên cạnh đối thoại với truyền thống, nó gạn lọc truyền thống và huy động truyền thống vào hiện đại. Các nhà phê bình hướng về những tác phẩm thể hiện ý
thức cá nhân trong văn học truyền thống. Họ ca ngợi Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, nhìn nhận lại Thuý Kiều… Trên cơ sở đó, các nhà phê bình nhìn nhận lại thơ Hồ Xuân Hương, như một hiện tượng cá nhân độc đáo xuất hiện thời hậu kì trung đại. Trên cơ sở quan niệm con người mới, quan niệm đạo đức mới, các nhà phê bình đối thoại với cách diễn giải của quan niệm đạo đức truyền thống.
Đặc biệt là trong ý thức văn học, phê bình văn học quan tâm đến cái cá nhân trong sáng tác. Lần đầu tiên, phê bình nhân vật trở thành một thể loại (Thiếu Sơn), phê bình tiểu sử trở thành một hình thức quen thuộc (Trần Thanh Mại), và như một điều tất yếu, phê bình phân tâm học là điểm đến cuối cùng của sự tìm tòi khám phá về cái cá nhân trong ý thức văn học. Cái cá nhân trong sáng tác ở đây được phân tích, mổ xẻ, không chỉ trong khía cạnh tiểu sử, đời tư, mà còn trong các khía cạnh thầm kín của tâm lý, ẩn ức.
Khi Nguyễn Văn Hanh căn cứ vào những bài thơ như Quả mít đối chiếu với hình ảnh “những kẻ ngộ nạn tình ở nhà thương điên Maison Blanche tại Paris” để làm cơ sở giải thích cho kết luận về tâm lý học rút ra từ văn bản thơ Hồ Xuân Hương, điều chưa từng có trong phê bình văn học trước đó; thì đó không chỉ là điểm đến cuối cùng của cả một tiến trình lịch sử tìm tòi, biểu hiện và giải thích cái cá nhân trong văn học; mà hơn nữa, nó còn gợi nên một nhu cầu đặc thù chỉ có trong thời đại mới: nhu cầu khoa học hóa nhận thức và lý giải cái cá nhân. Nhu cầu này biểu hiện thành hình thức của một trò chơi ngôn ngữ viện dẫn các quy tắc của phương pháp khoa học. Qua đó, sự tìm tòi, giải thích cái cá nhân ở phương diện phê bình văn học có một đòi hỏi mới mang dấu ấn của hiện đại hóa: nó đòi hỏi chứng minh sự tồn tại của cái cá nhân trong văn học từ góc nhìn có tính khoa học.
Đầu thế kỷ XX, tiếp xúc với lối tư duy phê bình của phương Tây, nhất là phê bình văn học Pháp, chân trời tiếp nhận trong thời đại mới giờ đây yêu
cầu một góc nhìn của phương pháp khoa học. Hình thức tiếp nhận cảm thụ của phê bình văn học truyền thống đã dần lùi vào hậu trường, hình thức tiếp nhận mới đang dần hình thành. Đó là khoa phê bình, môn phê bình do các trí thức có học vấn phương Tây thực hiện.
Qua lời phê phán của Ưng Qủa về lối phê bình của các nhà nho được Thiếu Sơn dẫn lại sau đây, ta thấy những khía cạnh của phương pháp khoa học đã trở thành tiêu chuẩn cho phê bình thời đại mới:
“Các nhà nho ta thủa trước (từ đây, chúng tôi chép nguyên văn cách ghi âm chữ quốc ngữ trong các văn bản đầu thế kỷ, kể cả lỗi sắp chữ, nếu có– HPT) chẳng hề dụng công nghiên cứu về thân thế và những tác phẩm của các bậc văn gia. Bất quá các ông chỉ chú thích bằng những câu văn vắn tắt, khen câu thơ nầy, bẻ câu thơ kia, cắt nghĩa qua một ít điển tích vậy thôi.
Nhưng mà tuyệt nhiên chẳng có thống hệ, chẳng có phê bình theo phương pháp, chẳng có nghiên cứu về toàn thể” [63; tr.8].
Trong đoạn văn trên, những khái niệm như “nghiên cứu”, “thống hệ”
(hệ thống), “phương pháp”, “toàn thể” là những khái niệm du nhập từ phương pháp khoa học của phương Tây. Những khái niệm này được đưa ra như là tiêu chuẩn cần đạt tới của phê bình văn học để nó có tính khoa học, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh văn hóa văn học đang trên đường hiện đại hóa những năm 30-40 đầu thế kỷ XX. Và chúng nhanh chóng trở thành những khái niệm chi phối ở bề sâu hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học, hay nói cách khác, trở thành những quy tắc của một trò chơi ngôn ngữ viện dẫn phương pháp khoa học.
Những quy tắc của trò chơi ngôn ngữ viện dẫn phương pháp khoa học trong hình thức phê bình giai đoạn này thể hiện một bước chuyển của ý thức tiếp nhận văn học, tiêu biểu cho một bước chuyển của hiện đại hóa văn học.
Văn học không chỉ là những sáng tác biểu hiện tình cảm, là đối tượng cho
nhận thức, đồng cảm, tri âm giữa những cá nhân; mà nó còn là một đối tượng của nhận thức có tính khoa học, đối tượng của khảo sát, nghiên cứu khoa học, là một lĩnh vực của tri thức nhân loại, hay nói cách khác, nó là một đối tượng của môn khoa học: khoa học phê bình.
Mặt khác, những quy tắc về tính khách quan, khoa học trong phê bình văn học biểu hiện sự chú trọng về tính truyền thông của phê bình văn học trong thời đại mà báo chí và sách in đóng vai trò quan trọng. Kết quả phê bình không chỉ là những tác động tâm lý cho riêng cá nhân, mà nó trở thành những thông tin được công bố rộng rãi trên báo chí, in thành sách, nên nó phải có sự thuyết phục ở tính khách quan khoa học, đáp ứng nhu cầu tinh thần, trí tuệ của một công chúng giờ đây đã tiếp xúc với sách báo khoa học phương Tây trong một hình thức cuộc sống mới. Bước chuyển này, do đó, đánh dấu quá trình hiện đại hóa văn học ở mặt phê bình, tiếp nhận, đưa ý thức văn học hòa nhập vào dòng chảy chung của thế giới, chủ yếu là phương Tây và Châu Âu; mặt khác, nó tạo điều kiện cho sự vận dụng viện dẫn phương pháp khoa học của phê bình phân tâm học đối với thơ Nôm Hồ Xuân Hương.