Chương 2. THỰC TRẠNG QUAN HỆ GIỮA ĐỔI MỚI KINH TẾ VÀ ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
2.1. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị và quan hệ giữa chúng
2.1.2. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quan hệ giữa đổi mới
Đảng Cộng sản Việt Nam khởi đầu công cuộc đổi mới bằng đổi mới toàn diện và sớm chú trọng giải quyết đúng đắn quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Đại hội VII (1991) xác định “Về quan hệ giữa đổi mới
kinh tế và đổi mới chính trị, phải tập trung sức làm tốt đổi mới kinh tế, đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của nhân dân về đời sống, việc làm và các nhu cầu xã hội khác, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của CNXH, coi đó là điều kiện quan trọng để tiến hành thuận lợi đổi mới trong lĩnh vực chính trị. Đồng thời với đổi mới kinh tế, phải từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy ngày càng tốt quyền làm chủ và năng lực sáng tạo của nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.
Vì chính trị đụng chạm đến các mối quan hệ đặc biệt phức tạp và nhạy cảm trong xã hội, nên việc đổi mới trong hệ thống chính trị nhất thiết phải trên cơ sở nghiên cứu và chuẩn bị rất nghiêm túc, không cho phép gây mất ổn định chính trị, dẫn đến sự rối loạn. Nhưng không vì vậy mà tiến hành chậm trễ đổi mới hệ thống chính trị, nhất là về tổ chức bộ máy và cán bộ, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, bởi đó là điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện dân chủ” [12, tr.70-71]. Đại hội X (2006) tiếp tục khẳng định “Đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp... Đổi mới tất cả các mặt của đời sống xã hội nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, có những bước đi thích hợp; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ giữa ba nhiệm vụ: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội” [12, tr.70-71].
Trong những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã xử lý thành công quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị trên bốn vấn đề then chốt.
Một là, đã xây dựng, vận hành nền kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và dân tộc. Hai là, đã xây dựng, vận hành nền kinh tế thị trường phù hợp với chế độ chính trị XHCN. Ba là, đã xác lập hệ thống chính trị với mô hình, cơ cấu và cơ chế hoạt động phù hợp với nền kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và dân chủ XHCN. Bốn là, đổi mới chính trị cần gắn liền với ổn định chính trị.
Xây dựng, vận hành nền kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và dân tộc là một đòi hỏi khách quan, có cơ sở lý luận và thực tiễn không thể bác bỏ. Chỉ tính riêng kinh tế thị trường TBCN, cũng đã có kinh tế thị trường tự do Mỹ - Anh, kinh tế thị trường xã hội của một số nước bắc Âu, kinh tế thị trường có kế hoạch của Nhật Bản, kinh tế thị trường có sự kết hợp giữa quản lý tập trung cao của nhà nước với phát huy vai trò điều tiết của thị trường do các NIC ở Đông Á áp dụng... Sở dĩ đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế thị trường khác nhau là vì, cùng với những đặc trưng chung, tồn tại nhiều tính chất riêng, quyết định nội dung và phương thức vận động của mỗi nền kinh tế thị trường. Các tính chất riêng gắn liền với các điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hoá, xã hội... của mỗi nước và đặc điểm, xu thế của thế giới trong từng giai đoạn cụ thể. Có thể nêu một số điều kiện cụ thể như: i) Chế độ sở hữu và cơ cấu các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất. ii) Quy mô kinh tế - xã hội và đặc điểm lịch sử của từng quốc gia. iii) Bản sắc văn hoá dân tộc. iv) Đặc điểm và xu thế của thế giới. Ngày nay, thế giới đang trở thành một chỉnh thể dưới tác động của toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế; đang lấy hoà bình, hợp tác và phát triển làm chủ đề chung... thì trong bối cảnh đó, các quốc gia đi sau không cần trải qua tuần tự các bước hình thành và phát triển của kinh tế thị trường đã trải qua hàng trăm năm, nhưng cũng không thể rập khuôn các mô hình kinh tế thị trường có sẵn, mà phải sáng tạo ra các mô hình mới, đáp ứng đòi hỏi của hiện thực khách quan.
Xây dựng, vận hành nền kinh tế thị trường phù hợp với chế độ chính trị XHCN cũng là một đòi hỏi khách quan, phù hợp với chế độ chính trị và nguyện vọng của đông đảo nhân dân Việt Nam. Toàn bộ lịch sử kinh tế thị trường của hàng trăm năm qua chứng minh rằng, bàn tay vô hình của cơ chế thị trường hoàn toàn không đủ để vận hành nền kinh tế đó, mà cần phải có cả bàn tay hữu hình của bộ máy nhà nước do từng chế độ chính trị, chế độ xã hội xây dựng nên. Mỗi nhà nước quản lý, điều tiết, vận hành nền kinh tế thị trường theo mục tiêu, lợi ích của mình trên cơ sở tôn trọng những quy luật
kinh tế chung. Do nhận thức kịp thời những vấn đề lý luận quan trọng nêu trên, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động và tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN vừa phù hợp với các quy luật khách quan, vừa phù hợp với các đặc điểm, điều kiện của đất nước và chế độ xã hội ở Việt Nam. Sự phù hợp của thể chế kinh tế thị trường với chế độ xã hội, trong đó quan trọng nhất là thể chế chính trị và hệ thống chính trị, là biểu hiện nổi bật, là thực chất của mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta. Thông qua sự phù hợp này, những tất yếu kinh tế và những đòi hỏi chính trị khách quan đã đồng thời được đảm bảo, gắn kết với nhau và tạo tiền đề cho nhau trong cả thể chế kinh tế thị trường và hệ thống chính trị XHCN ở Việt Nam.
Trong xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, sự gắn kết nêu trên được thể hiện ngay trong mục đích của nền kinh tế, chế độ sở hữu, phương thức vận hành, chế độ phân phối và trong phương châm kết hợp tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Mục đích phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam không thuần túy chỉ là làm gia tăng giá trị, lợi nhuận kinh tế; mà là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là nền kinh tế đa hình thức sở hữu, đa thành phần kinh tế, trong đó chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất được duy trì và kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế cả nước. Phương thức vận hành nền kinh tế vừa theo cơ chế thị trường, vừa phát huy cao độ vai trò điều tiết và chức năng quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội do Nhà nước triển khai.
Hiện nay, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam đang cần các giải pháp kinh tế và chính trị phù hợp. Về phát triển kinh tế, cần chuyển từ quá trình phát triển về lượng (chỉ lo tăng trưởng) sang quá trình phát triển về chất (thể hiện ở trình độ công nghệ cao trong các doanh nghiệp, chất lượng thương hiệu Việt Nam, hình thành lực lượng lao động và lực lượng quản lý
chuyên nghiệp trình độ cao…). Sớm chuyển hướng phát triển hiện nay sang hướng phát triển đồng thuận giữa kinh tế với xã hội và môi trường (phát triển bền vững vì sự phát triển con người và cộng đồng). Về phát triển chính trị, thúc đẩy hình thành tổ chức và thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, bởi chỉ khi định hướng phát triển kinh tế bền vững và Nhà nước pháp quyền có hiệu quả thì mới có nội hàm "định hướng xã hội chủ nghĩa" trên thực tế. Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, các hội trong thực hiện chiến lược phát triển, nhằm thực hiện mục tiêu "dân là chủ, làm chủ" của Đảng. Tiền đề để thực hiện các giải pháp trên là đổi mới tư duy kinh tế, chính trị cần dựa trên và vận dụng phép biện chứng giữa kinh tế và chính trị. Đồng thời đổi mới phương pháp lãnh đạo, quản lý theo phương pháp hệ thống, khắc phục tình trạng cục bộ, địa phương.
Trong xây dựng, đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta, sự gắn kết được thể hiện trước hết qua bước chuyển từ hệ thống chuyên chính vô sản sang hệ thống chính trị XHCN, trong đó nổi bật là bước chuyển từ nhà nước chuyên chính vô sản sang nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Tiếp đó, hệ thống chính trị XHCN được thể hiện qua việc xác định cơ cấu thành phần gồm 8 thành tố và cả 8 thành tố đó đều là công cụ nhằm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh: mọi quyền hành và lực lượng đều tập trung ở nơi dân. Theo tinh thần này, Đảng và Nhà nước (hai thành tố quan trọng nhất trong hệ thống chính trị) đã nỗ lực phấn đấu để các đường lối, chủ trương, chính sách ban hành phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và hợp lòng dân. Mặt trận Tổ quốc được giao thêm một chức năng quan trọng là tổ chức phản biện xã hội đối với một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy, hệ thống chính trị Việt Nam đã dần thích ứng với bối cảnh mới của kinh tế thị trường, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế”
[53, tr.17-18].
Đổi mới chính trị cần gắn liền với ổn định chính trị. Điều này tưởng như một nghịch lý nhưng hoàn toàn có lý và khoa học. Ổn định về chính trị, khái quát là giai cấp cầm quyền phải tăng cường quyền lực chính trị của mình; Nhà nước của giai cấp đó phải mạnh và có hiệu lực, luật pháp phải nghiêm minh; chế độ xã hội đã xác lập phải được giữ vững. Đối với nước ta hiện nay, ổn định về chính trị thực chất là giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường vai trò của Nhà nước XHCN, bảo vệ và xây dựng thành công CNXH.
Thực tiễn thế giới cho thấy, ổn định chính trị là điều kiện hết sức cơ bản để phát triển kinh tế. Nó tạo ra môi trường thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh. Những thành tựu trong những năm đổi mới ở nước ta cũng khẳng định điều đó. Những thành tựu đó không thể tách rời việc giữ được ổn định chính trị. Ổn định chính trị lại không thể tách rời đổi mới về chính trị. Nhưng đổi mới chính trị lại là để giữ vững ổn định chính trị, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò tổ chức quản lý của Nhà nước XHCN. Đổi mới chính trị phải gắn liền với đổi mới kinh tế, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thì mới có thể tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò tổ chức quản lý của Nhà nước XHCN, và nhờ đó mới giữ vững ổn định về chính trị. Song đổi mới về kinh tế cũng không phải là đổi mới một cách tuỳ tiện mà phải theo định hướng. Đó là chuyển nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang “nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN”. Chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” là cơ sở để giữ vững ổn định về chính trị. Như vậy, ổn định và đổi mới về chính trị là hai mặt đối lập nhưng thống nhất biện chứng với nhau. Có ổn định thì mới đổi mới và đổi mới là điều kiện để ổn định. Hai mặt đó tác
động qua lại với nhau và gắn bó chặt chẽ với đổi mới kinh tế, trên nền tảng của đổi mới kinh tế.
Trong những năm tới, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước có nhiều vận động mang tính bước ngoặt tạo ra đòi hỏi cấp thiết về tiếp tục đổi mới toàn diện cả thể chế kinh tế và hệ thống chính trị. Bước ngoặt lớn nhất sẽ là nền kinh tế chuyển từ giai đoạn tăng trưởng để thoát nghèo kéo dài suốt 25 năm qua sang giai đoạn tăng trưởng để cất cánh. Giai đoạn tăng trưởng mới không cho phép tiếp tục duy trì kiểu tăng trưởng về số lượng, mà đòi hỏi tăng trưởng chất lượng cao chủ yếu dựa vào sự gia tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, đảm bảo sự bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái. Trước yêu cầu mới, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đi đôi với tích cực đổi mới hệ thống chính trị.
Để đảm bảo mối quan hệ thuận chiều giữa hai quá trình đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị, cần dân chủ hoá và minh bạch hoá hơn nữa quá trình ra các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đảng lãnh đạo, nhưng không đưa ra trước các quyết định, mà trước hết là phải tạo điều kiện, cơ chế cho giới chuyên môn, cho nhân dân thảo luận, nêu các phương án khác nhau. Vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện trong việc đưa ra quyết định cuối cùng, lựa chọn một phương án cụ thể. Kiên quyết phòng chống nguy cơ một số nhóm lợi ích chi phối quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách. Đổi mới thể chế kinh tế là để giải phóng sức sản xuất, phát triển sức sản xuất; đổi mới hệ thống chính trị là để tập hợp toàn dân, tổ chức toàn dân thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chung. Chỉ có như vậy, quá trình đổi mới mới tiếp tục được đẩy mạnh đồng bộ, hài hoà cả về kinh tế và chính trị, đưa Việt Nam tới đích dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.