Chương 1: ĐẢNG BỘ HUYỆN MỸ ĐỨC LÃNH ĐẠO KINH TẾ NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 1996 – 2000
1.3. Quá trình chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng bộ huyện Mỹ Đức giai đoạn 1996 - 2000
1.3.2. Tiếp tục đổi mới mô hình quản lý kinh tế nông nghiệp
Sau 4 năm thực hiện Luật HTX, Nghị định 43/CP ngày 29/4/1997 của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của các bộ, các ngành Trung ương, Chỉ thị số 20 – CT/TU, ngày 1/4/1997 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tây, kinh tế hợp tác và HTX nông nghiệp huyện Mỹ Đức đã có sự chuyển biến tích cực.
* Kinh tế hộ:
Từ sau Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (tháng 4/1998), nhất là sau khi thực hiện Nghị định 64/CP của Chính phủ về giao ruộng đất ổn định lâu dài cho hộ nông dân, hộ gia đình được xác định là đơn vị kinh tế cơ sở, vừa là một đơn vị sản xuất, vừa là một đơn vị tiêu dùng, đã từng bước tự chủ trong sản xuất, ngoài hoạt động nông nghiệp còn tham gia hoạt động phi nông nghiệp với mức độ khác nhau. Toàn huyện Mỹ Đức có 34.699 hộ nông dân, chiếm 94% số hộ sống ở nông thôn, có 100% số hộ nông dân ở HTX cũng tham gia HTX mới, có 4.192 hộ nông dân tham gia thành viên quỹ tín dụng nhân dân, chiếm 12% tổng số hộ nông dân. Vì vậy, giữa hộ gia đình và HTX có mối quan hệ gắn bó với nhau.
Nhằm tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển, thực hiện Chỉ thị số 14 – CT/TU (ngày 12/2/1997) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh sản
xuất trên cơ sở đổi ruộng từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn gắn với quy hoạch sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nông dân.
Ngày 10/3/1997, UBND huyện Mỹ Đức đã ra Kế hoạch số 55 – KH/UB, Kế hoạch chuyển đổi ruộng đất, tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất chính thức cho hộ nông dân. Trong 2 năm 1997 – 1998, UBND huyện đã chỉ đạo 23/23 HTX chuyển đổi ruộng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho 34.217 hộ nông dân, tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư cho 11.639 hộ bằng 33,25%, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân yên tâm, chủ động đầu tư, thâm canh tăng vụ hiệu quả, thúc đẩy quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn…Bên cạnh đó, việc giao đất đồi, rừng ở các xã Đồng Tâm, Tuy Lai, Hương Sơn, Hợp Tiến, An Phú, Hồng Sơn được tiến hành kịp thời, giúp các hộ nông dân phát triển sản xuất, khẳng định nông dân Mỹ Đức có thể làm giàu trên vùng đồi gò của mình.
Xu thế phát triển kinh tế hộ hiện nay là từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa nhưng còn ở quy mô nhỏ với đa dạng sản phẩm. Hiện nay có khoảng 30% số hộ có điều kiện vươn lên làm giàu, đời sống khá, có 56% số hộ đủ ăn, 14% số hộ còn nhiều khó khăn cần có sự giúp đỡ của xã hội.
Hộ gia đình tuy đã tự chủ trong sản xuất, nhưng không thể tự chủ một cách độc lập hoàn toàn mà vẫn cần tới vai trò của HTX nông nghiệp ở các lĩnh vực, các khâu hộ không làm được hoặc làm hiệu quả thấp như: thủy nông, bảo vệ thực vật, bảo vệ đồng ruộng, làm đất, giống mới, tiến bộ kỹ thuật, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…
* Kinh tế HTX:
Thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, các HTX ở Mỹ Đức đều lúng túng trong việc chuyển đổi nội dung, phương thức hoạt động. Từ chỗ có quyền chi phối toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, các HTX nông nghiệp đã phải chuyển sang làm dịch vụ cho kinh tế hộ theo cơ chế thị trường. Nghiêm chỉnh
thi hành Luật HTX đã được Quốc hội khóa IX thông qua ngày 20/3/1996, các HTX trong huyện đã có những chuyển biến tích cực, đang dần thích nghi với cơ chế quản lý mới, làm tốt hơn vai trò hỗ trợ cho kinh tế hộ gia đình.
Nghị quyết số 02 – NQ/HU, ngày 24/10/1996, của Huyện ủy Mỹ Đức về tổ chức thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn đến năm 2000 theo hướng CNH, HĐH đã đưa ra quan điểm chỉ đạo đối với các HTX là: “Căn cứ Luật HTX, tiếp tục đổi mới các loại hình HTX trên các lĩnh vực: thủ công nghiệp, thương mại, tín dụng, giao thông vận tải…trước hết cần đổi mới quản lý HTX nông nghiệp nhằm phát huy vai trò kinh tế HTX, thực hiện đúng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, quản lý dân chủ.
Nhiệm vụ của HTX là làm tốt công tác quy hoạch, hướng dẫn sản xuất, đưa tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi đến các hộ xã viên, phát triển kinh doanh, đảm nhiệm các khâu dịch vụ mà từng hộ xã viên không làm được, hoặc làm không có hiệu quả. Cùng với chính quyền chăm lo sự nghiệp phúc lợi xã hội” [41; 4].
Thực hiện chủ trương của Đảng về chuyển đổi HTX theo luật; căn cứ vào Nghị quyết số 01 – NQ/TU (ngày 01/10/1996) và Chỉ thị số 20 – CT/TU (ngày 01/4/1997) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tây; căn cứ vào Đề án chuyển đổi HTX nông nghiệp, số 28 – ĐA/BKT (ngày 26/3/1997) của Ban Kinh tế Tỉnh ủy Hà Tây và Hướng dẫn làm điểm đổi mới HTX nông nghiệp, số 440 – NN/HD/QKSC (ngày 15/12/1996) của Sở NN & PTNT tỉnh Hà Tây.
UBND huyện Mỹ Đức đã xây dựng Đề án chuyển đổi HTX nông nghiệp của huyện Mỹ Đức theo Luật HTX (số 107 – ĐA/UB, ngày 20/4/1997) và lập Ban chỉ đạo, tiến hành làm điểm ở 2 HTX: Phùng Xá, Mỹ Thành. Trên cơ sở kết quả làm điểm chuyển đổi ở 2 HTX trên, ngày 12/9/1997, UBND huyện đã ra Kế hoạch số 223 – KH/UB về chuyển đổi HTX theo Luật HTX, đề ra một số nội dung chủ yếu chuyển đổi HTX nông nghiệp như sau:
2- Kiểm kê tài sản, vốn, quỹ của HTX.
3- Xây dựng dự thảo Điều lệ HTX.
4- Xây dựng các đề án sản xuất kinh doanh dịch vụ.
5- Đại hội xã viên (Đại hội đại biểu xã viên).
6- Đăng ký kinh doanh.
7- Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của UBND xã đối với HTX nông nghiệp.
8- Khuyến khích phát triển các hình thức kinh tế hợp tác đa dạng.
Tuy nhiên, thực tế các HTX nông nghiệp Mỹ Đức trong quá trình chuyển đổi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Một số HTX sau khi chuyển đổi lại lâm vào bế tắc do cán bộ lãnh đạo không có đủ trình độ và năng lực để điều hành sản xuất và kinh doanh. Dẫn tới nhiều HTX kinh doanh không có lãi hoặc bị lỗ, nhân dân không thật gắn bó với HTX.
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, Ban chỉ đạo thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật của huyện đã có cố gắng trong triển khai, tổ chức thực hiện theo đúng trình tự hướng dẫn của tỉnh và của trung ương, làm tốt công tác tập huấn và chuẩn bị đủ tài liệu cho các xã, thị trấn. Các HTX đều thành lập Ban trù bị chuyển đổi theo Luật HTX, tuyên truyền cho các xã viên về chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện kiểm kê tài sản, vốn, quỹ, đất đai, xác định xã viên tham gia HTX, xây dựng Điều lệ HTX, phương án sản xuất kinh doanh và tiến hành tổ chức đại hội chuyển đổi theo Luật HTX.
Sau 4 năm thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật mới, toàn huyện có 23 HTX nông nghiệp vẫn giữ quy mô toàn xã đã chuyển đổi theo Luật HTX và được cấp đăng ký kinh doanh. Tổng số có 81.747 xã viên ở HTX cũ tham gia HTX chuyển đổi theo Luật đạt 100% (bình quân 1 HTX có 3.553 xã viên).
Trong đó, cả 23 HTX đều tham gia hoạt động trên cả 3 khâu dịch vụ (dịch vụ thủy nông, dịch vụ bảo vệ thực vật, dịch vụ giống). Đối với dịch vụ làm đất
chủ yếu do hộ xã viên tự đảm nhiệm. Đã có 19 HTX dịch vụ có lãi 802,2 triệu đồng (bình quân 1 HTX lãi 42,2 triệu đồng), còn 4 HTX chưa quản lý, hạch toán kinh doanh dịch vụ là Hợp Thanh, An Tiến, Hùng Tiến, An Phú. Đã có 5 HTX chia lãi cho xã viên, bình quân từ 5.000 – 7.000 đồng/sào/năm là Mỹ Thành, An Mỹ, Lê Thanh, Phù Lưu Tế, Tế Tiêu. Sau khi thực hiện chuyển đổi và đi vào hoạt động, kết quả phân loại HTX cho thấy: có 12 HTX đạt loại khá (chiếm 52%), 6 HTX loại trung bình (chiếm 26%), còn lại là 5 HTX loại yếu (chiếm 22%).
Có thể nói, quá trình chuyển đổi HTX theo tinh thần Luật HTX đã thu được những kết quả bước đầu khá khả quan. Hầu hết các HTX chuyển đổi đã kế thừa, tiếp nhận, quản lý, sử dụng các công trình thủy lợi, điện, nước, đường giao thông, vốn, quỹ và kinh nghiệm tổ chức các dịch vụ được tích lũy từ những năm qua để phục vụ sản xuất và đời sống của xã viên cũng như nhân dân trên địa bàn. Ở đa số các HTX mới thành lập, xã viên tin tưởng vào HTX nên một số đã tự nguyện tham gia góp vốn để xây dựng HTX.
Về tổ chức chỉ đạo, điều hành sản xuất: HTX nông nghiệp sau khi chuyển đổi đã đổi mới và chuyển biến trong chỉ đạo, điều hành sản xuất, bỏ hình thức điều hành trực tiếp đến hộ. Ban quản trị HTX đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn cho xã viên thực hiện về chuyển đổi: cơ cấu giống cây trồng, hướng dẫn thời vụ, cung ứng tổ chức sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, tổ chức khuyến nông, phòng chống khắc phục thiên tai. Trách nhiệm của Ban quản trị được nâng lên, có sự phân công, kiểm tra, giám sát của Ban kiểm soát HTX.
Cán bộ HTX được tinh giảm, chất lượng cán bộ từng bước được nâng cao. Đồng thời cơ sở vật chất kỹ thuật của HTX được tăng cường, các tiến bộ kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất ngày càng nhiều, đã tạo việc làm cho người lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cho hộ xã viên, góp phần xóa đói
và từng bước cải thiện, xã viên tin tưởng vào HTX, nên đã góp phần củng cố quan hệ sản xuất mới ở nông thôn.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế HTX vẫn có những vấn đề còn tồn tại như:
Ban quản trị, Ban kiểm soát của 5 HTX hoạt động còn yếu. Những HTX này chỉ tổ chức được 2 - 3 dịch vụ. Số vốn quỹ không tăng so với lúc chuyển đổi, công tác cán bộ thấp. HTX không quản lý điều hành sản xuất được đến thôn, đội sản xuất, mà thôn tự điều hành, thu chi kinh tế, HTX không thanh toán được đến hộ xã viên dẫn đến một số cán bộ thôn, đội sản xuất vi phạm về quản lý kinh tế.
Trình độ cán bộ HTX nhìn chung còn hạn chế trong việc tổ chức quản lý, hạch toán kinh doanh dịch vụ, đầu tư sản xuất…Tổng số cán bộ quản lý HTX trong huyện có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng là 11,5%, trung cấp là 16,6%, sơ cấp là 34%, còn lại chưa qua đào tạo. Do đó chưa đáp ứng được yêu cầu của HTX kiểu mới.
Tình trạng nợ đọng sản phẩm vẫn tăng, chưa có biện pháp hữu hiệu giải quyết để HTX có vốn hoạt động, mặt khác đã gây nên sự mất công bằng giữa các hộ xã viên trong HTX.
Những tồn tại trên đây là những vấn đề đặt ra để Đảng bộ và nhân dân Mỹ Đức phấn đấu giải quyết tốt trong nhiệm kỳ tới.