KIỂM SOÁT VÀ HẠN CHẾ NHẬP CẢNH NHƯNG CÓ ƯU TIÊN NỚI LỎNG VỚI NHỮNG ĐỐI TƯỢNG ĐẶC BIỆT

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ lịch sử chính sách của các vương triều việt nam đối với người hoa đh KHXH NV TP HCM (Trang 22 - 25)

5. Những đóng góp của luận án

1.1. KIỂM SOÁT VÀ HẠN CHẾ NHẬP CẢNH NHƯNG CÓ ƯU TIÊN NỚI LỎNG VỚI NHỮNG ĐỐI TƯỢNG ĐẶC BIỆT

Việc kiểm soát và hạn chế nhập cảnh, cả trên đường bộ và đường biển tất yếu được triển khai ngay sau khi Đại Việt giành được quyền tự chủ. Sự kiểm soát được thực thi với tất cả mọi sắc người nhập cảnh, trong đó có người Hoa. Tuy nhiên, sự kiểm soát và hạn chế nhập cảnh đối với người Hoa bị chi phối bởi những đặc điểm tình hình của thực tế đất nước:

- Những nhu cầu bức thiết của một đất nước mới giành được độc lập, đang cần tập trung phát triển nhanh để bảo vệ quyền độc lập, tự chủ. Đó là những nhu cầu về vật chất cụ thể, không phải là lương thực mà là hàng tiêu dùng các loại phục vụ cho cả dân thường và bộ máy quan lại triều đình. Những hóa vật này trước kia vốn lưu thông dễ dàng từ phương Bắc đến, bây giờ không thể trong một thời gian ngắn có thể tự lực được. Đó còn là những nhu cầu khác về tinh thần, kiến thức, tay nghề thủ công, kể cả kinh phật và sách vở thánh hiền vốn là thế mạnh của văn hóa phương Bắc. Trong những giai đoạn nhất định của thời kỳ đầu tự chủ, những nhu cầu này nổi lên vượt trên khả năng của hoạt động giao lưu về kinh tế và văn hóa thông thường. Người Hoa đến từ phương Bắc là nhân vật chính có thể đáp ứng trước mắt phần nào các nhu cầu thực tế đó. Do vậy đối với người Hoa việc nhập cảnh không phải lúc nào cũng kiểm soát nghiêm ngặt và hạn chế.

- Công việc phòng thủ đất nước nhất là trong những giai đoạn quan hệ hai nước xấu đi với những cuộc chiến tranh lớn thời nhà Tống và quân Nguyên Mông cai trị Trung Quốc. Việc nhập cảnh lúc này bị kiểm soát nghiêm ngặt và người Hoa đến từ Trung Quốc là đối tượng chính trong sự kiểm soát và hạn chế. Tuy nhiên, lại có một tình hình khác: những nhóm người Hoa là dân quân Nam Tống bị quân Mông Nguyên đánh đuổi chạy sang Đại Việt tỵ nạn và đã được vua tôi nhà Trần ưu ái tiếp nhận, vỗ về và sử dụng trong các đoàn quân kháng Nguyên.

- Còn có những trường hợp nhập cảnh đặc biệt. Đó là trường hợp của các tù hàng binh người Tống vào Đại Việt theo chân đoàn quân của Lý Thường Kiệt, Tôn Đản. Sử cũ có ghi chép việc mùa xuân năm Kỷ Mùi, 1079, ta trao trả các tù

binh Tống, "...nhà Tống đòi ta trao trả một nghìn người bị bắt; đến đây ta thả cho về hai trăm hai mươi mốt người mà thôi..."[87, 01, tr. 356]. Như vậy số người ở lại đất Việt đã nhiều hơn số người trao trả. Trong số những tù binh ở lại đất Việt thời Lý, Trần có cả những nhân vật nổi tiếng được ghi vào sử sách như nhà sư Thảo Đường, người sáng lập Thiền phái thứ ba ở Đại Việt thời Lý; là Lý Nguyên Cát, tù binh Nguyên Mông ta bắt được sau trận tiêu diệt đoàn quân của Toa Đô, là người sáng tác các tuồng truyện hát theo điệu phương Bắc; là Trâu Tôn, thầy thuốc trong đoàn quân Nguyên Mông sang xâm lược Đại Việt bị bắt làm tù binh, sau được phép chữa bệnh cho các vương hầu, nổi tiếng vì thuốc rất hiệu nghiệm, sau có con là Trâu Canh, cũng là danh y đời Trần...

Những trường hợp nhập cảnh đặc biệt không chỉ là tù binh chiến tranh. Đó là trường hợp của những trí thức Nho giáo muốn sang Đại Việt đem khả năng tài trí thi thố được đặc cách nhập cảnh. Những nhà sư tên tuổi người Hoa cũng đã được đón tiếp nồng hậu như vậy dưới cả triều Lý và Trần.

Nhìn chung chính quyền các triều vua Đại Việt luôn kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh của người Hoa. Tuy nhiên, những người Hoa có tri thức, khả dĩ tham gia tích cực vào đời sống xã hội của nhân dân Đại Việt, đáp ứng được các nhu cấu bức thiết của quốc gia Đại Việt mới bước đầu tự chủ...đã được đặc cách nhập cảnh và đón tiếp nồng hậu.

Việc nhập cảnh của người Hoa vào Đại Việt có thể khái quát trên mấy phương thức như sau:

- Bằng đường bộ qua các cửa ải biên giới, chịu sự kiểm soát và cho phép của các viên quan trấn giữ biên giới, vào Đại Việt vì nhiều mục đích, rồi ở lại cư trú lâu dài, hòa nhập cùng cư dân Đại Việt. Số người nhập cảnh theo phương thức này chắc chắn không nhiều. Ngược lại với phương thức đó là sự nhập cảnh lén lút vượt biên giới, số lượng chắc chắn cũng không nhiều. Dưới cả hai vương triều Lý, Trần, một phần nhờ sử dụng chính sách thân gia với thổ hào các châu mục vùng cao biên giới nên an ninh quốc gia vùng phên dậu luôn được bảo đảm.

- Bằng đường biển, theo các thuyền buôn vào các cửa biển được triều đình quy định. Năm Kỷ Tỵ, 1144, triều Lý đặt trang Vân Đồn để thuyền buôn các nước (trong đó có thuyền buôn của người Hoa) đến cập bến tập trung hàng hóa, mua bán, dâng tiến các sản vật địa phương [53, 1, tr.317]. Chữ "trang" (莊) trong sách vở xưa có nghĩa là nơi tập trung chứa các loại hóa vật trước khi vận chuyển đi nơi khác. Trang Vân Đồn là một hòn đảo vùng biển Hải Đông, cách đất liền 125 dặm về phía Đông. Cả sách Đại Thanh Nhất Thống Chí của Trung Quốc cũng ghi chép khá rõ về địa thế: "...ở giữa biển cả đứng sững ở không trung, hai ngọn đối nhau, một dòng nước thông ở giữa, dựng sách gỗ, đặt cửa quan, nhân dân ở dăng hai bên bờ; đời Lý đời Trần, thuyền buôn các nước phần nhiều đậu ở đây..."[83, 4, 24].

Nhưng không phải cả nước thời Lý chỉ có trại Vân Đồn là nơi thuyền buôn nước ngoài được phép cặp bến. Theo một tài liệu khác, Toàn Thư khi ghi chép về việc nhà Trần đặt các chức quan trấn, quan lộ và sát hải sứ ở trấn Vân Đồn vào năm Kỷ Sửu, 1349, đã ghi chú rõ rằng: "...Trước đây thời nhà Lý, thuyền buôn tới thì vào các cửa biển Tha, Viên ở châu Diễn. Đến nay, đường biển đổi dời, cửa biển nông cạn, thuyền buôn phần nhiều tụ tập ở Vân Đồn..."[53, 02, tr.131]. Như vậy thời Lý, ngoài Vân Đồn, thuyền buôn nước ngoài, có cả thuyền buôn Trung Hoa có thể cặp bến ở châu Diễn (Nghệ An), vào hai cửa Tha và Viên. Tha và Viên ngày nay là địa phương nào chưa rõ, nhưng với chi tiết này cho thấy, thời Lý, Trần, người Hoa nhập cảnh vào Đại Việt bằng đường biển, theo các thuyền buôn không chỉ ở Vân Đồn. Chắc chắn dọc theo bờ biển khá dài với nhiều vịnh và cửa sông của Đại Việt, các vua triều Lý và Trần đã thiết lập một số cảng biển, nơi người Hoa và các người ngoại quốc khác có thể nhập cảnh Đại Việt. Những nơi này chắc đã phải hoạt động sầm uất và lâu dài nên đến triều Hậu Lê, chúng mới được tiếp tục sử dụng và đã được Nguyễn Trãi ghi chép lại trong bộ Dư Địa Chí.

- Qua hoạt động của các hỗ thị (互巿): Các tài liệu lịch sử cho thấy thời Lý, Trần, quan hệ trao đổi hàng hóa giữa cư dân vùng biên giới hai nước được thực hiện một phần thông qua các chợ biên giới. Trong sách vở cũ, những chợ như vậy được gọi bằng tên "hỗ thị", là chợ trao đổi hàng hóa không dùng tiền của cư dân

vùng biên. Nhưng những tài liệu lịch sử mà ngày nay chúng ta có được chỉ cho biết về những chợ biên giới nằm trên phần đất của Trung Quốc. Ngay từ thời Lê Long Đỉnh, Đại Việt đã có người coi việc trao đổi hàng hóa ở hai hỗ thị tại Liêm Châu và trấn Như Hồng. Các hỗ thị khác cũng đã hoạt động ở vùng Ung Châu đất Tống. Những cuộc chiến tranh giữa hai nước tất yếu sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động của các hỗ thị đó, nhưng chắc chắn trải qua thời gian mấy thế kỷ giao dịch, những hỗ thị tương tự sẽ xuất hiện nhiều hơn, không chỉ trên đất Trung Quốc mà cả trên đất Đại Việt. Theo tài liệu Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, có thể tạm giả thiết rằng đến cuối thời Trần đã có một số hỗ thị hoạt động trên đất Đại Việt ở các vùng như Vạn Ninh (Móng Cái), Thống Lĩnh (Lạng Sơn), Tam Kỳ (Tuyên Quang), Trúc Hoa (Sơn Tây)...

Trong các hỗ thị đó, các nhóm thương gia người Hoa thường xuyên làm ăn với Đại Việt sẽ có đại diện của mình để thu nạp và quản lý hàng hóa. Đây cũng là một hình thức nhập cảnh công khai, hợp pháp, gắn liền với trao đổi hàng hóa ở các hỗ thị.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ lịch sử chính sách của các vương triều việt nam đối với người hoa đh KHXH NV TP HCM (Trang 22 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(206 trang)