5. Những đóng góp của luận án
2.1. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA CỦA CHÍNH QUYỀN LÊ TRỊNH Ở ĐÀNG NGOÀI
2.1.1. Những yếu tố chi phối đến việc hình thành nội dung và thực thi chính sách
2.1.1.1. Ấn tượng nặng nề sau 20 năm Minh thuộc.
Chính sách cai trị của nhà Minh trong hai thập kỷ đô hộ Đại Việt thực chất là sự áp bức, cướp đoạt của cải về mặt xã hội và ngu dân, hủy diệt văn hóa, tiến tới đồng hóa về văn hóa.
Quân Minh dùng mọi thủ đoạn nham hiểm và tàn độc để thực hiện chính sách ấy. Chúng giết người, cướp đoạt mọi tài sản quý giá của cá nhân và cộng đồng mang về Kim Lăng, kể cả những người Việt có tay nghề cao và lớp thợ cả các ngành nghề. Chúng vừa hủy diệt vừa tịch thu mang về nước mọi tài liệu, sách vở các loại của người Việt, phá hủy các bia đá, bắt buộc nhân dân ta phải thay đổi cả phong tục, tập quán, cho đến cả cách ăn mặc cũng phải theo lối phương Bắc.
Nhìn chung, quân Minh đã thực hiện nghiêm chỉnh và có hiệu quả ý chỉ của Minh Thành Tổ ra lệnh cho viên tướng Chu Năng khi chuẩn bị xâm lược Đại Việt :
"...Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách vở và bản in của đạo Phật và Đạo Lão, còn thì mọi sách vở, văn tự, cả những dân ca, sách dạy trẻ (...) đều phải
đốt hết, một mảnh, một chữ cũng không chừa. Những bia nào Trung Hoa xây dựng từ trước thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam xây dựng thì phá hủy cho hết..." [43, 02, tr.131].
Trong 20 năm dưới ách đô hộ đó, người dân Việt tất yếu đã nảy sinh ý thức phản kháng toàn diện những gì quân Minh hành động và áp đặt. Ý thức phản kháng đó kết hợp với tinh thần bất khuất không chịu cúi đầu làm nô lệ đã thúc giục nhân dân Đại Việt đoàn kết tham gia nghĩa quân Lê Lợi quyết tâm đánh đuổi quân Minh, khôi phục chủ quyền quốc gia, độc lập tự do của dân tộc, giành lại quyền sống của nhân dân và phẩm giá của con người. Nhưng ý thức phản kháng đó còn có một phương thức tồn tại khác: tâm lý bài Minh mạnh mẽ và nổi trội trong các tầng lớp nhân dân.
Tâm lý đó có hai mặt biểu hiện :
- Đánh đồng tất cả những người đến từ phương Bắc với hình ảnh của quân Minh tàn bạo, tham lam và nham hiểm. Đó là sự qui kết: người Hoa = quân Minh xâm lược.
- Thái độ ác cảm đối với loại văn hóa mà quân Minh đem tới Đại Việt, cưỡng bức người Việt tuân theo. Đó là sự qui kết: văn hóa Trung Hoa = văn hóa nô dịch. Kiên quyết từ chối mọi thứ được quân Minh tải đến. Gắn với sự cố kết này còn là thái độ kiên quyết bảo tồn văn hóa bản xứ.
Sau khi giành chiến thắng, tâm lý bài Minh không chấm dứt theo sự cai trị của quân Minh mà tiếp tục tồn tại trong tinh thần nhân dân Đại Việt và trong ý thức xây dựng đất nước của giới quý tộc. Tâm lý bài Minh, do đó, phảng phất trong nội dung chính sách đối với người Hoa của triều đình Hậu Lê.
2.1.1.2. Các diễn biến phức tạp của tình hình trong nước.
Triều Hậu Lê chỉ thực sự ổn định và vững mạnh trong 100 năm đầu. Sau đó là những biến cố chính trị dẫn đến cục diện cát cứ lâu dài và thường xuyên xung đột giữa Nam-Bắc triều và Đàng Trong-Đàng Ngoài.
Cục diện Nam Bắc triều (1533-1592) chỉ kéo dài 60 năm. Chính quyền họ Mạc cai quản vùng Bắc bộ. Triều đình Lê-Trịnh chỉ nắm quyền vùng đất từ Thanh
Hóa vào Quảng Nam. Cả hai bên đều cố sức tăng cường thực lực quân sự và kinh tế, đồng thời thi hành chính sách quản lý chặt chẽ mọi sắc dân, trong đó có người Hoa. Hệ quả là một sự kiểm soát nghiêm ngặt và đối xử cứng rắn được thể hiện trong nội dung chính sách đối với người Hoa của chính quyền Lê-Trịnh. Tình hình đó tiếp tục thể hiện trong cục diện Đàng Trong-Đàng Ngoài nhưng hệ quả rất khác nhau giữa hai miền. Đàng Ngoài với chính quyền Lê Trịnh, do nhiều nguyên nhân, tiếp tục thi hành chính sách kiểm soát nghiêm ngặt và cứng rắn đối với người Hoa.
2.1.1.3. Các diễn biến của tình hình Trung Quốc.
Khi Lê Lợi lên ngôi, nước Trung Hoa nhà Minh vẫn đang trong thời kỳ thịnh trị. Nhưng bắt đầu thời vua Anh Tông (1435-1449) trở đi, nhà Minh đi vào suy vong và cuối cùng mất nước vào tay Mãn Thanh (1644).
Khi quân đội Mãn Thanh xâm lược và nhanh chóng bình định Trung Hoa cục diện vùng Hoa Nam đã trở nên cực kỳ phức tạp với hoạt động của các thế lực chống lại nhà Thanh. Đàng Ngoài có địa thế liền núi, liền sông với Trung Quốc, mọi động tịnh ở Vân Nam và Lưỡng Quảng đều tức khắc ảnh hưởng đến Việt nam, chính quyền Lê-Trịnh luôn luôn ý thức về điều này.
2.1.1.4. Quan hệ chính trị và ngoại giao của chính quyền Lê-Trịnh đối với chính quyền Minh, Thanh của Trung Quốc.
Lê Lợi đánh bại quân Minh, giải phóng đất nước, lập nên vương triều Hậu Lê nhưng vẫn khôn khéo xây dựng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Trong quan hệ ngoại giao đó, Đại Việt là một quốc gia độc lập nhưng bên ngoài vẫn giữ là một nước phiên thuộc, giữ lệ triều cống. Riêng đối với việc phong vương, vua nhà Minh vẫn cố tình trì hoãn, lấy lý do là phải tìm cho được con cháu nhà Trần để nối ngôi. Suốt cả thời vua Lê Thái Tổ, nhà Minh vẫn không phong vương mà chỉ giao cho tạm quyền cai quản Đại Việt (Quyền thự An Nam Quốc Sự). Tình hình đó tiếp tục diễn ra dưới thời Lê Thái Tông. Mãi đến năm Thiệu Bình thứ tư (1437), tức là 10 năm sau khi Đại Việt tự chủ, vua Minh Anh Tông mới sai sứ mang chiếu sắc và ấn vàng sang sắc phong cho Thái Tông làm An Nam Quốc Vương [87, 02, 904]. Tình hình tương tự cũng đã diễn ra trong quan hệ với chính
quyền Mãn Thanh. Quan hệ ngoại giao chính thống với Trung Quốc trong cả hai thời Minh, Thanh là yếu tố chi phối nhất định đến chính sách của chính quyền Lê- Trịnh đối với người Hoa, những di dân đến từ Trung Quốc.