5. Những đóng góp của luận án
3.3. PHÂN ĐỊNH CÁC LỆ THUẾ
3.3.3. Thuế đánh vào các thuyền buôn người Thanh nhập cảng
Thương nhân người Thanh là nhân vật chính của ngoại thương triều Nguyễn. Triều Nguyễn có những ưu đãi đặc biệt đối với thương nhân người Hoa, tuy nhiên, thuyền buôn của người Thanh khi cập bến cảng Việt Nam vẫn phải chịu các mức thuế khác nhau trong một lệ thuế khá đặc trưng của triều Nguyễn.
Trước tiên là thuế đánh vào thuyền buôn
Thoạt đầu, Gia Long nhất loạt đánh thuế thuyền buôn đến từ các tỉnh Quảng Đông, phúc Kiến, Thượng Hải, Ma Cao tiền thuế cảng và các khoản đóng
góp khác, tất cả nộp thay bằng tiền tổng cộng 4.000 quan. Thuyền buôn đến từ Triều Châu nộp 3.000 quan, đến từ Hải Nam 724 quan. Các khoản đóng góp khác ở đây bao gồm tiền các lễ dâng vua, tiền lễ quan cai tàu, các lễ cơm nước, xem xét, sai phái…mỗi thứ từ một đến vài trăm quan, khác nhau giữa các thuyền đến từ những địa phương khác nhau.
Năm Gia Long thứ hai (1803), vua đã chuẩn y lời bàn của đình thần, cho rằng nguồn lợi của các thuyền buôn có khác nhau khi cập vào các bến cảng khác nhau của Việt Nam, do vậy, nếu nhất loạt đánh thuế như nhau là không thoả đáng, từ nay về sau thi hành lệ mức thuế và các khoản đóng góp khác nộp thay bằng tiền của thuyền buôn cập các cảng biển Việt Nam, lấy mức vào cảng Gia Định làm chuẩn để có gia giảm.
Biểu thuế cảng và các khoản đóng góp khác của thuyền buôn Trung Hoa vào cảng Gia Định được quy định bằng với mức nộp nhất loạt ở trên, tức là thuyền đến từ Quảng đông, Phúc Kiến, Thượng Hải, Ma Cao nộp tổng cộng 4.000 quan, đến từ Triều Châu nộp 3.000 quan, từ Hải Nam nộp 724 quan. Vào các cảng biển khác có các mức gia giảm là:
- Thuyền vào những cảng biển của các trấn Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, giảm chung 4/10
- Vào Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Bình Hoà, Bình Thuận và Bắc Thành giảm 2/10.
- Vào Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hoá giảm 3/10 (Quảng Ngãi đến năm Minh Mạng thứ nhất mới định thuế cảng).
- Riêng Hà Tiên đến năm Minh Mạng thứ 6 (1825) mới định thuế cảng, cho phép so với Gia Định giảm 3/10; Quảng Yên đến năm Gia Long thứ 10 (1811) mới định thuế cảng, giảm 5/10 so với Gia Định.
Như vậy theo cơ quan Tào Ty của Triều Nguyễn thì các thuyền vào cảng Gia Định buôn bán sẽ sinh lợi hơn so với những cảng biển ở các địa phương khác, do đó mức thuế tàu thuyền cập cảng Gia định cao hơn.
Nhìn chung, thuyền buôn nước ngoài đến Việt Nam buôn bán, chỉ có thuyền của thương nhân Trung Hoa là được phép cập bến ở bất kỳ cảng nào, thuyền của thương nhân Tây phương chỉ được phép cập bến Đà Nẵng. Lệ thuế của triều Nguyễn đối với thuyền buôn của người Hoa cập các bến cảng ở các vùng khác nhau như trên đã có các mức khác nhau. Điều này có thể đã tạo ra những động thái tích cực cho ngoại thương của triều Nguyễn, giúp những địa phương khác không có lợi thế như Gia Định có điều kiện thu hút được thuyền buôn Trung Hoa vào buôn bán.
Tuy nhiên, chỉ mới với định mức của lệ thuế trên, một thuyền buôn Trung Hoa cập cảng đã phải nộp một số tiền khá lớn, ví dụ như thuyền Quảng Đông cập cảng Gia Định, phải nộp các khoản là: 546 quan 5 tiền các lễ dâng vua, 375 quan tiền lễ quan cai tàu, 3.098 quan 5 tiền thuế cảng và các lễ cơm nước, xem xét, sai phái. Tổng cộng là 4.000 quan cho một chiếc thuyền cập cảng iv mà chưa cần biết thuyền ấy kích thước, tải trọng bao nhiêu, chở hoá vật gì đáng giá hay không.
Nhưng sau đó, cũng ngay trong năm 1803, lệ thuế này lại được điều chỉnh.
Đình thần cho rằng các thuyền buôn lớn nhỏ khác nhau, nếu đánh thuế nhất loạt như nhau thì không thoả đáng, nên đo thước tấc bề ngang lòng thuyền mà định mức đánh thuế. Gia Long chuẩn y lời bàn, từ đó lệ thuế tàu thuyền cập cảng có sự phân định theo địa phương xuất xứ, theo địa phương cảng biển thuyền đến và theo tải trọng lớn nhỏ của thuyền qua thước tấc bề ngang lòng thuyền.
Lệ đo thước tấc bề ngang lòng thuyền được quy định như sau:
- Lấy thước quan bằng đồng làm mức
- Bề dài của thuyền được hiểu là khoảng cách từ tấm ván phẳng đầu thuyền đến tấm ván giữa cuối thuyền
- Trung tâm thuyền là vị trí ở giữa khi lấy bề dài chia làm đôi
- Bề ngang được hiểu là khoảng cách từ mặt tấm ván bên tả qua tấm ván bên hữu ở vị trí trung tâm thuyền. Bề ngang ấy được chẵn bao nhiêu thước tấc chiếu theo đó thu thuế, nếu có lẽ một vài phân đều không tính [65, 04, tr.417].
Cách đo thước tấc này được xác định từ năm Gia Long thứ hai và không thay đổi trong suốt triều Nguyễn.
Mức thuế nộp của các loại thuyền, lấy cảng Gia Định làm chuẩn như sau:
- Thuyền Quảng Đông, Phúc Kiến, Ma Cao, bề ngang từ 25 đến 14 thước, mỗi thước thuế nộp bao gồm thuế cảng và các khoản đóng góp khác (lễ dâng vua, lễ quan cai tàu, lễ cơm nước, xem xét, sai phái), tổng cộng 160 quan; bề ngang từ 13 thước đến 7 thước mỗi thước nộp tổng cộng 100 quan.
- Thuyền Triều Châu, bề ngang từ 25 đến 14 thước mỗi thước nộp tổng cộng là 120 quan, từ 13 đến 7 thước nộp 80 quan.
- Thuyền Hải Nam, bề ngang từ 20 đến 14 thước, mỗi thước nộp tổng cộng 120 quan, từ 13 đến 10 thước là 60 quan.
Nếu thuyền cặp cảng ở các tỉnh khác thì mức nộp thuế theo thước sẽ giảm theo các tỷ lệ như đã nêu trên. Ví dụ thuyền Quảng Đông cập cảng Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, được giảm 4/10, mỗi thước chỉ nộp tổng cộng 96 quan;
cập cảng ở Bình Định, Phú Yên …thì được giảm 2/10, mỗi thước chỉ nộp tổng cộng 128 quan.
Lệ thuế tàu thuyền phân định như trên được sử dụng suốt thời Gia Long, không có thay đổi, bổ sung gì lớn. Đến năm Minh Mạng thứ 12, tức năm 1831, mức thuế được điều chỉnh thấp xuống như sau:
- Đến buôn ở Gia Định, thuyền Quảng Đông, Phúc Kiến, Ma Cao, bề ngang từ 25-14 thước nộp 140 quan/thước; bề ngang 13-11 thước nộp 90 quan/ thước; bề ngang 10-9 thước nộp 70 quan/thước; bề ngang 8-7 thước nộp 35 quan/thước.
Thuyền Triều Châu, mỗi thước bề ngang nộp theo các mức 110-70-50-30 quan, theo khung thước tấc bề ngang như trên.
- Đến buôn ở các trấn khác ngoài Gia Định thì mức nộp có giảm theo các tỷ lệ đã có từ thời Gia Long. Ví dụ đến buôn ở Hà Tiên sẽ được giảm 3/10, buôn ở Quảng Ngãi, Thanh Hoá, Nghệ An được giảm 3/10…
- Quy định thêm thuyền Quảng Đông, Phúc Kiến đến Gia Định mà có bề ngang từ 26-29 thước phải nộp mỗi thước tổng cộng 160 quan, từ 30-36 thước nộp
180 quan/thước. Thuyền Triều Châu từ 30-36 thước, nộp 130 quan/thước. Vào buôn bán ở cảng các tỉnh khác mức thuế trên thước bề ngang cứ giảm bớt theo lệ đã định [83, 10, tr.244-245].
Năm 1833, vua Minh Mạng đã chuẩn y đề nghị giảm bớt ngạch thuế cho thuyền buôn Phúc Kiến. Trước đây mức thuế của thuyền buôn Phúc Kiến ngang bằng mức của thuyền Quảng Đông và cao hơn mức của thuyền Triều Châu, nay giảm xuống bằng mức thuế thuyền Triều Châu.
Dưới thời Tự Đức, lệ thuế đối với thuyền buôn Trung Hoa vẫn không có gì thay đổi hay bổ sung. Riêng sở quan thuế trên sông Bạch Đằng từ năm 1853 có lệ riêng, "…thuyền buôn nước Thanh đến buôn, mỗi lần tiền thuế 12 lạng bạc" [83, 27, tr.370].
Triều Nguyễn cũng có lệ miễn, giảm thuế cho thuyền buôn bị nạn bão và những thuyền vào cảng tránh gió chờ thuận gió lại đi tiếp. Nhưng vì có nhiều trường hợp gian dối trốn thuế nên triều đình ra lệnh các địa phương phải tra xét thật chặt chẽ. Thời Tự Đức một số thuyền buôn người Hoa có công giúp triều đình tiểu trừ cướp biển nên được đặc cách miễn thuế.
Nhìn tổng quát, nội dung lệ thuế của triều Nguyễn đối với người Hoa có các đặc điểm:
- Tính chất nổi bật trong toàn bộ lệ thuế đối với người Hoa của triều Nguyễn là sự tuỳ tiện và thiếu thống nhất trong việc ấn định các mức thuế.
- Mức thuế trong các loại thuế được ấn định thiếu hẳn ý thức sử dụng lệ thuế như một công cụ điều chỉnh thị trường mà chỉ đơn thuần là một nguồn thu về tài chánh.
- Nhìn chung, người Hoa chịu các mức thuế khá cao so với người Việt.
- Trong loại thuế đánh vào đầu người, triều Nguyễn sau nhiều lần điều chỉnh đã tính thuế người Hoa chung nhất trong biểu thuế đối với người Minh Hương. Điều này có thể rút ra được những nhận định như sau:
+ Triều Nguyễn cương quyết thực hiện các quy tắc về quốc tịch đối với người Hoa, ngay cả trong việc đánh thuế trên đầu người. Việc áp dụng biểu thuế của người Minh Hương vào người Thanh là sự chuẩn bị về tâm lý cho quá trình đưa con cháu của những người Thanh sinh ra ở Việt Nam vào sổ bộ Minh Hương một cách thuận lợi hơn. Người Minh Hương được xem như người Việt về mọi quyền lợi. Đánh thuế người Thanh như người Minh Hương phản ánh tư tưởng của triều Nguyễn về vấn đề nhập tịch Việt Nam thể hiện trên phương diện thuế khoá.
+ Nhưng ngược lại, khi ấn định thuế thân người Minh Hương và người Thanh chung một mức, triều nguyễn chưa tính đến tâm lý bất lợi trong người Minh Hương. Họ được xem như người Việt về mặt xã hội nhưng lại phải chịu thuế như người Hoa (được hiểu là có phân biệt khác với người Việt). Điều này có thể làm nảy sinh tâm lý kiều dân trong người Minh Hương.
+ Như vậy, cần thiết có sự phân biệt về lệ thuế giữa người Minh Hương và người Việt hay không? Tại sao triều Nguyễn không để người Minh Hương cùng chung mức thuế thân với người Việt để người Minh Hương và con cháu họ nhanh chóng và dễ dàng hội nhập vào xã hội ? Con cháu của người Minh Hương chỉ sau vài thế hệ đã hoàn toàn là người Việt, nhưng nếu theo lệ thuế có sự phân biệt này họ sẽ chịu lệ thuế nào, Việt hay Minh Hương ?
- Lệ thuế của triều Nguyễn đối với người Hoa biểu lộ khá rõ đặc điểm lấy hiện vật làm nguồn thu chính.
- Việc miễn giảm thuế đối với người Hoa được triều Nguyễn thực hiện khá rộng rãi ở tất cả các loại thuế.
- Tuy có nhiều hạn chế nhưng lệ thuế của triều Nguyễn đối với người Hoa, đặc biệt ở hai loại thuế biệt nạp và thuế nhập cảng đã có những tác dụng tích cực như:
+ Đem lại một nguồn ngân sách đáng kể cho nhà nước. Chỉ riêng thuế cảng biển đã là một nguồn thu quan trọng, dù mới chỉ có nhiều nhất là thương thuyền người Hoa ra vào buôn bán.
+ Lệ thuế các loại nhìn chung có cao, việc xác lập các mức thuế có tuỳ tiện thiếu thống nhất nhưng nhìn chung người Hoa đã chấp nhận để đem tay nghề và các khả năng tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh và trao đổi hàng hoá qua cảng biển. Nhờ vậy kinh tế xã hội triều Nguyễn có lúc đã có những mặt thịnh vượng và ổn định dù ngắn ngủi.
+ Trong thuế thân, việc thống nhất chung một loại thuế của người Minh Hương và người Thanh, tuy còn nhiều khía cạnh đáng bàn thêm nhưng đây là tác động tích cực trong quá trình hội nhập của người Hoa vào xã hội Việt Nam theo một trực tiếp biến : người Thanh-người Minh Hương-người Việt.
Thuế lệ đối với người Hoa là một bộ phận trong chính sách thuế chung của triều Nguyễn, vốn khá phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu trên nhiều mặt.