CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG VỀ TỔ CHỨC CÔNG TÁC KẾ TOÁN VÀ KẾ TOÁN QUẢN TRỊ TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG NAI
2.2.2. Đánh giá những ưu điểm và nhược điểm, nguyên nhân
- Nhà trường luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân tỉnh Đồng Nai và Sở tài chính Đồng Nai. Sự kết hợp chặt chẽ giữa Đảng- Chính quyền- Công đoàn - Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong đơn vị, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng ban, khoa đã phát huy cao tính dân chủ đem lại hiệu quả cao tạo điều kiện tốt đế cán bộ công nhân viên chức hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Trường Đại học Đồng Nai sử dụng phần mềm kế toán nên đây là điều kiện thuận lợi rất lớn trong việc hỗ trợ bộ phận kế toán cung cấp thông tin được chính xác và kịp thời hơn.
- Trường Đại học Đồng Nai có cơ sở vật chất và trang thiết bị tốt đáp ứng được nhu cầu giảng dạy. Phần lớn đội ngũ cán bộ công nhân viên chức nhiệt tình, tận tâm với nghề.
- Có thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ tương đối phù hợp với đơn vị sẽ giúp cho trường có cơ sở khách quan trong việc lập dự toán và kiểm soát các chi phí tại đơn vị. Căn cứ vào lập dự toán có sự phân tích và so sánh với số liệu kỳ thực hiện trước đó làm cơ sở và giúp cho bộ phận lập dự toán sẽ lập ra các bản dự toán sát với thực tế nhiều hơn. Từ đó thuận lợi cho công tác điều hành và hoạch định chính sách của bộ phận quản lý.
- Định kỳ hàng quý có lập báo cáo công khai tài chính giúp cho công tác kiểm tra giữa kế hoạch và thực hiện trở nên thuận lợi hơn. Mặt khác công tác kế toán tại trường chủ yếu là kế toán tài chính nhưng bên cạnh đó cũng thực hiện một số lĩnh vực kế toán quản trị như sau: có tổ chức đánh giá trách nhiệm chặt chẽ ngoài việc đánh giá trách nhiệm quản lý của các nhà quản lý cấp thấp nhất đến cấp cao nhất, còn đánh giá trách nhiệm của từng cá nhân trong nhà trường để có thể đưa ra nhận định chính xác về tình hình hoạt động của đơn vị từ đó đưa ra phương hướng, nhiệm vụ cho các năm tiếp theo.
2.2.2.2 Nhƣợc điểm
- Hiện nay bộ phận kế toán chỉ có 01 trưởng phòng mà chưa có phó phòng do đó khối lượng công việc của trưởng phòng rất lớn. Vì vậy đôi lúc cũng làm cho công việc bị tồn đọng, tuy nhiên đã có sự phân công nhiệm vụ cho cấp dưới nhưng trưởng phòng vẫn là người cuối cùng chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động của phòng. Do đó khi có các chứng từ cần ký duyệt nhưng trưởng phòng đi công tác thì nghiệp vụ đó sẽ không thực hiện được, làm cho công tác kế toán dẫn đến không được kịp thời.
- Chưa có xây dựng các chỉ số tài chính để đo lường thành quả hoạt động của nhà trường. Ngoài ra thông tin về kế toán quản trị cung cấp cho nhà quản trị rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhưng hiện nay trường chưa có bộ phận nào đáp ứng các thông tin này mà chỉ trong bộ máy kế toán chỉ đề cập đến chủ yếu là kế toán tài chính, còn kế toán quản trị chưa nói đến.
- Công tác phân tích và cung cấp thông tin chưa hiệu quả vì phần lớn nhu cầu của bộ phận quản lý chưa nhiều nên các báo cáo phân tích việc biến động chi phí chưa được lập thường xuyên.
2.2.2.3 Nguyên nhân
- Chưa hiểu biết được lợi ích từ việc có bộ phận am hiểu về kế toán quản trị để giúp cho nhà quản trị trong công tác quản lý nên trường chưa có bộ phận chuyên sâu về kế toán quản trị điều đó dẫn đến thiếu sự chuyên nghiệp trong việc áp dụng kế toán quản trị để hỗ trợ cho công tác kiểm soát điều hành của bộ phận.
- Chưa có sự liên kết giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị trong phần mềm kế toán. Chưa quan tâm đến lợi ích cũng như hiệu quả hoạt động mang lại từ việc áp dụng kế toán quản trị tại đơn vị.
- Đội ngũ cán bộ công nhân viên chức tương đối lớn tuổi, sức khỏe cũng giảm sút ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, quản lý và phục vụ. Số giảng viên mới tuyển dụng ngày càng nhiều, trẻ, khỏe, có năng lực nhưng kinh nghiệm chưa có.
Mặt khác kế toán quản trị chủ yếu được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, còn trong các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu như trường học thì chưa có hướng dẫn nào cụ thể về việc áp dụng KTQT. Từ đó việc xây dựng công tác kế toán quản trị còn khá mới mẻ.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trong chương hai tác giả đã tổng hợp được thực trạng về tổ chức công tác kế toán và kế toán quản trị tại Trường Đại học Đồng Nai. Về cơ cấu tổ chức của trường gồm Ban giám hiệu, các phòng ban, cơ quan đoàn thể, lớp học, sinh viên và nhiệm vụ, chức năng của các bộ phận trong bộ máy nhà trường. Về chế độ tài chính áp dụng tại trường được thực hiện theo Quyết định 19/2006/QĐ-BTC ban hành ngày 30/3/2006, Thông tư 185/2010/TT-BTC ban hành ngày 15/11/2010. Về công tác quản lý tài chính có các văn bản của nhà nước hướng dẫn về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở sự nghiệp công lập theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 và Thông tư 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2013 hướng dẫn thực hiện Nghị định 43. Về công tác dự toán thu- chi có các văn bản hướng dẫn, yêu cầu các quy trình về công tác lập dự toán.
Qua nghiên cứu thực tiễn về công tác kế toán cho thấy bộ phận kế hoạch tài chính chỉ thực hiện chủ yếu chức năng kế toán tài chính chưa có biểu hiện cụ thể về chức năng kế toán quản trị mặc dù có một số báo cáo có liên quan đến kế toán quản trị nhưng chủ yếu phục vụ cho công tác báo cáo lên cơ quan quản lý.
Thông qua thực trạng về tổ chức công tác kế toán và kế toán quản trị tại Trường Đại học Đồng Nai, tác giả đưa ra ưu điểm, nhược điểm, nguyên nhân tại nhà trường.
Công tác tổ chức kế toán tại đơn vị tuân thủ đúng theo những quy định tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế mà nguyên nhân của những hạn chế chủ yếu là do sự mới mẻ của kế toán quản trị trong các tổ chức không vì lợi nhuận. Đây là cơ sở để đề xuất giải pháp thực hiện tổ chức công tác kế toán quản trị tại Trường Đại học Đồng Nai.