CHƯƠNG 2: LÝ LUẬN CHUNG VỀ HỆ THỐNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VÀ KIỂM SOÁT NỘI BỘ ĐỐI VỚI RỦI RO HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG
2.2 Hệ thống kiếm soát nội bộ tại ngân hàng thương mại
2.2.2 Rủi ro trong hoạt động của NHTM
Là rủi ro do các quy trình nội bộ quy định không đầy đủ hoặc có sai sót; do con người; do các hệ thống hoặc do các yếu tố bên ngoài. Rủi ro hoạt động không bao gồm rủi ro danh tiếng và rủi ro chiến lược.
Ngân hàng là loại hình tổ chức tài chính cung cấp một danh mục các dịch vụ tài chính đa dạng nhất, đặc biệt là tín dụng, tiết kiệm và dịch vụ thanh toán, và thực hiện nhiều chức năng tài chính nhất so với bất kỳ một tổ chức kinh doanh nào trong nền kinh tế.
Hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh tiền tệ, sử dụng số tiền này để cấp tín dụng và cung ứng các dịch thanh toán nhằm mục tiêu lợi nhuận.
Hoạt động ngân hàng với các sản phẩm dịch vụ truyền thống như: trao đổi tiền tệ, chiết khấu thương phiếu, cho vay thương mại, nhận tiền gửi, bảo quản vật có giá, tài trợ các hoạt động của Chính phủ, cung cấp các tài khoản giao dịch và dịch vụ ủy thác...
Hoạt động ngân hàng ngày càng phát triển theo hướng trở thành tập đoàn gồm nhiều công ty trực thuộc cung cấp các dịch vụ tài chính vì vậy các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cũng ngày càng đa dạng và phong phú đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của DN và cá nhân như: cho vay tiêu dùng, quản lý ngân quỹ, tư vấn tài chính, cho thuê tài chính, tài trợ dự án, kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng đầu tư và ngân hàng bán buôn, dịch vụ ngân hàng quốc tế, thanh toán thẻ…
Chính từ những dịch vụ kinh doanh đa dạng, phạm vi hoạt động rộng trong và ngoài nước như vậy thì rủi ro trong hoạt động ngân hàng cũng ngày càng gia tăng.
2.2.2.2 Các loại rủi ro hoạt động trong NHTM
Những rủi ro chính trong hoạt động kinh doanh ngân hàng có thể được chia thành các loại: rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, rủi ro ngoại hối, rủi ro hoạt động, rủi ro uy tín.
Do tính phức tạp và khối lượng giao dịch lớn, cùng với tính dễ biến động của tiền tệ nên trong hoạt động của mình ngân hàng thường gặp nhiều rủi ro:
- Rủi ro tín dụng: Phát sinh trong trường hợp NH không thu được đầy đủ cả gốc và lãi của khoản vay, hoặc việc thanh toán nợ gốc và lãi không đúng kỳ hạn.
- Rủi ro lãi suất: Rủi ro phát sinh trong trường hợp có sự thay đổi về lãi suất ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng.
- Rủi ro ngoại hối: Rủi ro phát sinh khi có sự biến động tỷ giá và xuất hiện trạng thái hối đoái mở trong kinh doanh ngoại tệ.
- Rủi ro thanh khoản: Rủi ro phát sinh khi ngân hàng không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu rút tiền gửi của khách hàng do thiếu tiền mặt dự trữ, việc chuyển đổi các tài sản khác sang tiền mặt khó khăn, ảnh hưởng của các hợp đồng cho vay.
- Rủi ro hoạt động ngoại bảng: Rủi ro khi các tài sản ngoại bảng chuyển vào nội bảng sẽ ảnh hưởng đến Bảng cân đối kế toán.
- Rủi ro tác nghiệp: Là rủi ro phát sinh từ những sai sót của hệ thống thông tin hoặc KSNB dẫn đến thất thoát tài sản.
Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do con người không tuân thủ đúng quy trình hoặc quy trình không đầy đủ hoặc do tác động từ yếu tố khách quan bên ngoài, thì các rủi ro đó cũng bắt nguồn từ rủi ro hoạt động. (Ví dụ: nhân viên tín dụng không thực hiện đúng
quy trình tín dụng không giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay, dòng tiền và tình hình kinh doanh của khách hàng nên không kịp thời phát hiện khách hàng kinh doanh thua lỗ, dẫn tới phá sản, không trả nợ vay cho ngân hàng).
Do rủi ro hoạt động có tác động đến những rủi ro khác, nó cần được quản lý một cách thống nhất và toàn diện trên mọi khía cạnh của tổ chức. Bởi vậy, cơ chế quản lý rủi ro cần đề cập tới mọi loại rủi ro, cũng như mọi chiến lược để xác định, đo lường, điều khiển và kiểm soát rủi ro hoạt động.
2.2.2.3 Các yếu tố rủi ro hoạt động
Với ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực tài chính NH thì mức độ rủi ro hoạt động còn lớn hơn rất nhiều so với các lĩnh vực hoạt động kinh doanh khác và khi rủi ro xảy ra thường gây ra hậu quả nghiêm trọng do tài sản bị thất thoát lớn.
Rủi ro hoạt động là rủi ro gây ra tổn thất do các nguyên nhân như con người, sự không đầy đủ hoặc vận hành không tốt các quy trình, hệ thống; các sự kiện khách quan bên ngoài. Rủi ro hoạt động bao gồm cả rủi ro pháp lý nhưng loại trừ về rủi ro chiến lược và rủi ro uy tín.
Như vậy, rủi ro hoạt động là do các nhóm yếu tố sau tạo ra:
a) Quy trình
Rủi ro hoạt động tăng theo mức độ phức tạp của giao dịch. Các quy trình bao gồm công tác quản trị DN và thẩm quyền từ cấp Hội đồng quản trị tới Ban điều hành, lãnh đạo các phòng nghiệp vụ và nhân viên. Mọi chức năng hay bộ phận trong một tổ chức tín dụng từ việc lập kế hoạch, nhận tiền gửi, huy động nguồn lực thông qua tín dụng và các hợp đồng, thỏa thuận; ra quyết định từ đầu tư, xử lý giao dịch…đều chịu rủi ro.
b) Con người
Rủi ro hoạt động tăng lên cùng với sự tham gia của con người vào hoạt động khởi tạo, phê duyệt, báo cáo, hoặc điều chỉnh một giao dịch. Các biểu hiện cụ thể của rủi ro hoạt động bao gồm hành vi gian lận, lỗi, sự bỏ sót và lạm dụng và đạo đức nghề nghiệp của nhân viên.
c) Hệ thống
Rủi ro hoạt động từ hệ thống công nghệ bao gồm: đầu tư công nghệ không phù hợp, lỗi tích hợp từ vận hành hệ thống, lỗ hổng an ninh hệ thống. Ngoài ra, những biến cố
có thể rất đơn giản như máy chủ bị treo trong thời gian ngắn hoặc có thể toàn mạng lưới bị hỏng phần cứng hoặc phần mềm…Tổn thất hệ thống khó có thể định lượng vì trong phần lớn trường hợp đó chính là chi phí cơ hội do ngân hàng không thể tiến hành hoạt động như bình thường.
d) Các sự kiện bên ngoài
Các vấn đề về cơ sở hạ tầng (bao gồm điện, nước, điện thoại, hệ thống dữ liệu, giao thông, vận chuyển…), đình công, các thay đổi về pháp lý, chính trị và ngay cả thời tiết khắc nghiệt có thể tạo ra hoặc làm tăng thêm các rủi ro cho ngân hàng.
e) Các vấn đề khác
Bao gồm số tiền của các giao dịch và số lượng các thay đổi mà một ngân hàng đang gặp phải (quyền sở hữu mới, lãnh đạo mới, nhân viên mới, những thay đổi về chính sách, quy trình, hệ thống…)
Các nhóm nhân tố trên bao trùm đến tất cả các hoạt động kinh doanh của ngân hàng vì vậy rủi ro có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, mọi vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng đều có thể gây ra rủi ro hoạt động như chiến lược kinh doanh, các chính sách, các quy trình tác nghiệp, công tác tổ chức, các hoạt động nghiệp vụ, hoạt động hổ trợ, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, CNTT, các biện pháp kiểm soát, công tác kiểm toán