Chương 2 THỰC TRẠNG KIỂM TOÁN NỢ CHÍNH PHỦ Ở VIỆT NAM,
2.3. Kinh nghiệm quốc tế tổ chức kiểm toán nợ Chính phủ
2.3.1. Kinh nghiệm về kiểm toán nợ Chính phủ của một số nước
(1) Kinh nghiệm của Cộng hoà Liên bang Đức
Cộng hoà Liên bang Đức là nước kinh tế phát triển, có truyền thống về quản lý tài chính, ngân sách cũng như quản lý nợ Chính phủ. Cơ quan KTNN Cộng hoà Liên bang Đức là cơ quan có kinh nghiệm kiểm toán lâu đời ở châu Âu trong đó kiểm toán nợ Chính phủ luôn được quan tâm và chú ý. Mặc dù là nước công nghiệp phát triển hàng đầu ở Châu Âu nhưng Cộng hoà Liên bang Đức là nước có tỷ lệ nợ tương đối lớn với mức trả lãi hàng năm lên tới 40 tỷ ER.
Đây là chi phí vay nợ tương đối lớn và cần được kiểm soát nghiêm ngặt. Cơ quan KTNN Cộng hoà Liên bang Đức thực hiện kiểm toán vay nợ Chính phủ
hàng năm để đảm bảo việc kiểm soát vay nợ. Báo cáo kiểm toán vay nợ Chính phủ của KTNN Cộng hoà Liên bang Đức được gửi Chính phủ, Quốc hội và công bố công khai. Chúng ta có thể khái quát tình hình kiểm toán nợ Chính phủ của KTNN Cộng hoà Liên bang Đức ở một số nét chính sau đây:
- Nội dung kiểm toán nợ Chính phủ của KTNN Cộng hoà Liên bang Đức bao gồm:
+ Xác định cơ cấu nợ: xem xét rủi ro về tỷ giá + Phân tích giữa rủi ro và chi phí vay nợ
+ Hàng năm có báo cáo nợ gồm nợ ở trung ương và địa phương; hàng tháng có báo cáo nợ về tình hình cơ cấu, tỷ giá;
+ Phân tích mức nợ và trả nợ: gồm phân tích tình hình diễn biến vay nợ theo thờ gian, tổng mức vay và trả nợ; diễn biến tổng lãi vay phải trả, chi trả lãi;
mức nợ của từng cấp đơn vị nhà nước; Tình hình diễn biến vay nợ thuần;
+ Phân tích và đánh giá các khoán thâm hụt ngân sách;
+ Những thông số đặc trưng về quản lý nợ: ngoài các chỉ tiêu để đánh giá vay nợ như Tỷ lệ nợ (Tổng nợ/tổng sản phẩm trong nước (GDP)); Tỷ lệ thâm hụt: Tổng thâm hụt/GDP; Tỷ lệ đầu tư bằng vay nợ (Tỷ lệ đầu tư được đáp ứng bởi các khoản vay mới); Tỷ lệ trả lãi (Tổng chi trả lãi vay/tổng chi NSNN) ... Cơ quan KTNN Liên bang Đức đã đưa ra chỉ số: Nợ bình quân đầu người (Tổng mức nợ Chính phủ/Số dân) để đánh giá mức nợ bình quân đầu người dân phải gánh chịu vì hành vi vay nợ của Chính phủ. Đây là chỉ tiêu cần được quan tâm để đánh giá công tác quản lý, vay nợ của Chính phủ.
- Về tổ chức kiểm toán nợ Chính phủ: KTNN Cộng hoà Liên bang Đức tổ chức bộ phận kiểm toán nợ Chính phủ riêng biệt và được thực hiện kiểm toán hàng năm. Các kiểm toán viên thực hiện kiểm toán nợ Chính phủ của Đức là những nhà am hiểu sâu sắc về nợ Chính phủ. Bộ phận kiểm toán nợ Chính phủ hàng năm có trách nhiệm kiểm toán theo các chuyên đề lựa chọn để đánh giá về tình hình quản lý nợ của Chính phủ Liên bang. Công việc kiểm toán vay nợ không chỉ hành vi vay nợ của Chính phủ Liên bang mà còn cả hành vi vay nợ của các Bang. Trong quản lý nợ Chính phủ, toàn bộ số nợ bao gồm của Liên
bang và các bang được hạch toán và tổng hợp chung về nợ Chính phủ mà một số chuyên gia coi đây là nợ Nhà nước. Khái niệm nợ Nhà nước ở Cộng hoà Liên bang Đức được hiểu và nợ của Chính phủ Liên bang và nợ của chính quyền Bang.
- Báo cáo kiểm toán vay nợ Chính phủ: Cơ quan KTNN Liên bang Đức thực hiện kiểm toán nợ Chính phủ hàng năm và báo cáo kết quả kiểm toán với Chính phủ, Quốc hội Liên bang cùng với báo cáo kết quả kiểm toán hàng năm. Nội dung báo cáo chủ yếu liên quan đến vấn đề vay nợ trong tổng thể ngân sách Chính phủ hàng năm, việc quản lý vay nợ, chi phí trả lãi vay. Riêng chi phí trả lãi vay hiện nay của ngân sách Liên bang đã là gánh nặng mà hàng năm Chính phủ Liên bang phải đảm nhận. Ngoài ra, cơ quan KTNN Liên bang còn thực hiện kiểm toán và báo cáo về cơ cấu bộ máy quán lý nợ, hạch toán vay nợ của Chính phủ, chiến lược quản lý nợ và kế hoạch trả nợ hàng năm. Đây là những vấn đề quan trọng luôn được chú ý xem xét khi thực hiện kiểm toán.
(2) Kinh nghiệm của Mexico
Mexico là nước có tỷ lệ nợ công tương đối cao và đã từng phải đối diện với tình hình mất khả năng thanh toán trong những năm đầu của thế kỷ XXI khi cuộc khủng hoảng nợ ở Nam Mỹ xảy ra. Trước đây, việc quản lý, kiểm toán vay nợ Chính phủ của Mexico cũng không được chú ý và chưa phải là nước kinh nghiệm tốt để nghiên cứu học tập. Tuy nhiên, sau khi cuộc khủng hoảng về nợ Chính phủ xảy ra mà Mexico là nước chịu ảnh hưởng nặng nề thì việc quản lý, nợ Chính phủ được siết chặt, công tác kiểm toán được tăng cường. Việc kiểm toán nợ Chính phủ luôn được quan tâm và là nhiệm vụ kiểm toán thường niên để đảm bảo công tác quản lý nợ Chính phủ được kiểm soát nghiêm ngặt.
- KTNN Mexico thẩm tra các lĩnh vực sau đây của quản lý nợ công trong Chính phủ trung ương và các công ty do nhà nước kiểm soát:
+ Điều kiện hợp đồng: Các khoản vay phải đảm bảo các điều kiện của hợp đồng vay nợ, đảm bảo rằng, việc vay nợ phải được sử dụng theo các điều kiện hợp đồng đã được thoả thuận, tránh tình trạng sử dụng vào các nhiệm vụ không đúng mục đích đã được cam kết khi ký kết hợp đồng tín dụng.
+ Chi trả dịch vụ (lãi, hoa hồng và chi phí): Chi phi vay nợ luôn được chú trọng và là cơ sở để đánh giá việc quản lý vay nợ Chính phủ. Do việc vay nợ được tiến hành thông qua thị trường do vậy việc đưa ra các ưu đãi khi một nhà đầu tư, người dân hay một tổ chức cho Chính phủ vay luôn được chú trọng để đánh giá trình độ quản lý vay nợ trong mối quan hệ với chi phí vay nợ của các cơ quan quản lý nợ Chính phủ.
+ Đánh giá lại các khoản nợ nước ngoài: Cơ quan KTNN chú ý đánh giá các khoản vay nợ nước ngoài trong mối quan hệ tổng thể với vị thế tài chính của Chính phủ. Thông qua đánh giá lại các khoản vay, bảo đảm tính thanh khoản và chi phí trả nợ, cơ quan KTNN có thể đưa ra các cảnh bảo để Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý có biện pháp quản lý nợ tốt hơn, đưa ra chiến lược quản lý nợ hợp lý.
+ Sử dụng các nguồn lực từ việc phát hành cổ phiếu ra nước ngoài:
Ngoài vay thị trường trong nước, Chính phủ, các doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát còn phát hành trái phiếu, cổ phiếu ra thị trường nước ngoài. Đây là khoản vay nợ nước ngoài do vậy việc kiểm soát đòi hỏi hết sức chặt chẽ để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Cơ quan KTNN ngoài việc kiểm toán quy trình vay nợ nước ngoài, chi phí vay còn tiến hành kiểm toán việc sử dụng các nguồn lực vay nợ nước ngoài để đảm bảo tính mục đích của việc sử dụng khoản vay nợ. Cơ quan KTNN đặc biệt chú ý đến việc sử dụng nguồn lực từ việc phát hành cổ phiếu ra nước ngoài của các công ty do nhà nước kiểm soát. Đây là khoản vay nợ chứa đựng nhiều rủi ro cần phải giám sát chặt chẽ.
- Về báo cáo kiểm toán nợ Chính phủ: Cơ quan KTNN thực hiện kiểm toán nợ Chính phủ và báo cáo kết quả kiểm toán cho Quốc hội hàng năm đồng thời báo cáo kiểm toán nợ cũng được công bố công khai để có sự tham gia giám sát của công chúng. Trên cơ sở báo cáo kiểm toán cũng như các khuyến nghị được đưa ra trong báo cáo kiểm toán, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm hoàn thiện công tác quản lý nợ Chính phủ để đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống tài chính quốc gia.