Chương 3 ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP
3.3. Điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng kiểm toán nợ Chính phủ
3.3.1. Đào tạo đội ngũ cán bộ
Đào tạo đội ngũ cán bộ đủ năng lực kiểm toán nợ Chính phủ là yêu cầu đặt ra đối với KTNN. Do các nghiệp vụ nợ, công tác quản lý nợ Chính phủ cũng như đánh giá chính sách quản lý nợ, chiến lược nợ Chính phủ là công việc hết sức phức tạp. Ngoài ra, những tác động của các công cụ tài chính mới, những rủi ro đối với tài chính, ngân sách quốc gia đòi hỏi phải có lực lượng cán bộ chuyên môn có trình độ cao mới có thể đánh giá, đưa ra những khuyến cáo ngăn ngừa, hạn chế, rủi ro. Theo thoả thuận Mexico của INTOSAI, khi kiểm toán nợ Chính phủ, cơ quan kiểm toán tối cao cần làm sao để cán bộ nhân viên của mình có những kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu hoặc có thể sử dụng hiểu biết chuyên môn ở bên ngoài. Do nội dung kiểm toán phức hợp với những điều kiện thường xuyên thay đổi đòi hỏi phải không ngừng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ
nhân viên, các cơ quan kiểm toán tối cao cần dự kiến việc điều chỉnh hợp lý cơ cấu tổ chức để qua đó đạt được những mục tiêu đã xác định. Cơ quan kiểm toán tối cao cần tiếp tục xây dựng năng lực của mình để có thể đánh giá được những tác động và những rủi ro của các công cụ tài chính mới.
Trong đào tạo đội ngũ kiểm toán viên thực hiện nhiệm vụ kiểm toán nợ Chính phủ cần chú trọng đào tạo kiến thức và những am hiểu về nợ Chính phủ, nợ công. Kiến thức về nợ Chính phủ cần được đào tạo chuyên sâu về các nghiệp vụ nợ, về tỷ giá hối đoái, các nghiệp vụ vay, trả nợ, hạch toán nợ Chính phủ.
Các nội dung này về cơ bản đã được các định chế tài chính quốc tế biên soạn cẩm nang về nghiệp vụ nợ và quản lý nợ Chính phủ. Ngoài ra, các kiểm toán viên cần được đào tạo các kiến thức về kinh tế vĩ mô và các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế, chính sách tài khoá. Bởi các kiến thức này liên quan đến việc hình thành các ý kiến, nhận định về quản lý nợ, chính sách nợ của Chính phủ. Các kiến thức về ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách nhà nước, vị thế ngân sách, bền vững ngân sách nhà nước cũng là những nội dung quan trọng cần được trang bị để kiểm toán viên am hiểu.
Cần trang bị để các kiểm toán viên luôn có ý thức rằng vấn đề nợ và quản lý nợ Chính phủ là vấn đề khó, phức tạp liên quan đến nhiều vấn đề về chính sách kinh tế vĩ mô cũng như liên quan đến tình hình chính trị và an ninh quốc gia. Do vậy, mỗi bản thân phải luôn có ý thức để trang bị hành trang về kiến thức kinh tế, xã hội, chính trị nói chung cũng như những kiến thức về kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý nợ nói riêng.
3.3.2. Tăng cường mối quan hệ với các cơ quan quản lý nợ Chính phủ
Đây là điều kiện để thay đổi nhận thức các cơ quan quản lý nợ ở Việt Nam. Cơ quan KTNN chỉ có thể tiến hành kiểm toán nợ một cách đầy đủ, có chất lượng khi được cung cấp một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về quản lý nợ Chính phủ. KTNN phải được tiếp xúc với mọi thông tin liên quan đến nợ Chính phủ ở các cơ quan quản lý. Để thực hiện được điều đó một mặt, các cơ quan quản lý nợ Chính phủ phải có nhận thức được một cách đầy đủ về vị
trí, vai trò của kiểm toán nợ Chính phủ. Đây là nhiệm vụ không thể thiếu của cơ quan KTNN đồng thời cũng là nhiệm vụ không quan trọng trong quản lý nợ hiệu quả theo các thông lệ quốc tế. Cơ quan KTNN cần xây dựng mối quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý nợ để luôn cập nhật một cách đầy đủ, kịp thời thông tin liên quan đến nghiệp vụ quản lý nợ Chính phủ. Cả KTNN và cơ quan quản lý nợ đều có được hiểu biết về vai trò của quản lý và kiểm toán nợ Chính phủ, mục đích của kiểm toán nợ Chính phủ và điều đó sẽ là cơ sở và điều kiện để xây dựng mối quan hệ phối hợp nhằm mục tiêu kiểm soát nợ Chính phủ một cách hiệu qủa nhất.
3.3.3. Xây dựng cơ sở pháp lý về quản lý và kiểm toán nợ Chính phủ
Hiện nay, vấn đề quản lý và kiểm toán nợ Chính phủ mới được đề cập một cách hạn chế, chưa rõ ràng trong Luật Kiểm toán nhà nước. Các văn bản pháp luật khác như Luật Ngân sách nhà nước và tới đây là Luật Quản lý nợ công. Do vậy để công tác kiểm toán nợ Chính phủ đi vào nề nếp cần được xác định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Theo chúng tôi cần có giải pháp hoàn thiện công tác quản lý nợ công nói chung, nợ Chính phủ nói riêng và hoàn thiện môi trường pháp lý cho việc kiểm toán nợ Chính phủ. Các văn bản pháp luật cần quy định rõ phạm vi, nội dung kiểm toán nợ Chính phủ, trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến nợ Chính phủ.
Hoàn thiện quản lý nợ Chính phủ nói riêng và quản lý nợ công nói chung là yêu cầu quan trọng để đưa công tác quản lý nợ vào nề nếp, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia.
Trong việc hoàn thiện công tác quản lý nợ công thì việc sắp xếp lại các cơ quan quản lý nợ là yêu cầu cấp thiết. Chúng tôi cho rằng việc hình thành văn phòng quản lý nợ trước mắt trực thuộc Bộ Tài chính và về lâu dài có thể là văn phòng quản lý nợ độc lập trực thuộc Chính phủ sẽ là giải pháp tối ưu đưa công tác quản lý nợ Chính phủ vào nề nếp. Trong điều kiện sắp xếp cơ quan quản lý nợ thì vấn đề ban hành Luật Quản lý nợ công là giải pháp quan trọng để đưa công tác quản lý nợ Chính phủ vào quản lý theo đúng chuẩn mực và thông lệ đảm bảo tính
minh bạch. Hoàn thiện công tác quản lý nợ công cũng là tiền đề quan trọng để hoàn thiện môi trường pháp lý cho kiểm toán nợ Chính phủ.
Luật Quản lý nợ công cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan KTNN trong việc kiểm toán nợ Chính phủ, nợ công. Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nợ trong việc cung cấp thông tin liên quan đến quản lý nợ; trách nhiệm báo cáo định kỳ, đột xuất cho KTNN về các vấn đề quản lý nợ Chính phủ.
Luật Ngân sách nhà nước cần quy định rõ phạm vi ngân sách và bù đắp thâm hụt ngân sách thông qua hình thức vay nợ để làm cơ sở cho KTNN thực hiện kiểm toán và đánh giá công tác quản lý nợ Chính phủ. Quy định việc hạch toán các khoản vay nợ vào ngân sách nhà nước như thế nào, nhất là các khoản vay của ngân sách địa phương. Tránh tình trạng nợ Chính phủ không được hạch toán đầy đủ như hiện nay.
3.3.4. Công khai minh bạch quản lý nợ và kết quả kiểm toán nợ Chính phủ Việc công khai, minh bạch trong quản lý nợ là hết sức cần thiết một mặt phục vụ cho việc quản lý tốt hơn, mặt khác phục vụ cho công tác kiểm toán nợ Chính phủ được thuận lợi. Công khai quản lý nợ Chính phủ tạo điều kiện cho tất cả các cơ quan và công chúng có thể đánh giá tình hình ngân sách nhà nước, thúc đẩy công tác quản trị tài chính nói chung, quản lý nợ Chính phủ nói riêng được tốt hơn. Cơ quan KTNN cần tác động sao cho Chính phủ và công chúng nắm được thông tin về nợ Chính phủ một cách đầy đủ, tin cậy và minh bạch.
Công khai nợ chính phủ cần được thực hiện thường xuyên ngoài việc tổ chức họp báo còn đăng trên trang Web của Bộ Tài chính hay văn phòng quản lý nợ. Ngoài ra cần định kỳ phát hành bản tin quản lý nợ để đông đảo dư luận quan tâm.
Kết quả kiểm toán cũng được công khai theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước. KTNN ngoài việc công khai như hiện nay, tiến tới khi thực hiện kiểm toán nợ Chính phủ riêng rẽ với tư cách là báo cáo tài chính riêng biệt, kiểm toán chuyên đề về nợ thì KTNN có thể phát hành riêng bản tin về kết quả kiểm toán
nợ Chính phủ. Đây cũng là giải pháp quan trọng để đưa công tác quản lý nợ Chính phủ vào nề nếp, minh bạch và hiệu quả.