Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ CÔNGCẤP HUYỆN
1.1. Cơ sở lý luận về quản lý đầu tư công cấp huyện
1.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý đầu tư công trên địa bàn huyện Tân Phú
1.1.4.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp trong quản lý đầu tư công
Đây là yếu tố mang tính quyết định đến kết quả đạt được trong đầu tư công. Để các chương trình, dự án đầu tư công đạt được kết qủa mong muốn, cần có sự chỉ đạo quyết liệt xuyên xuốt từ lãnh đạo địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn trong quản lý dự án đầu tư công. Các cơ quan thực hiện đầu tư công và quản lý đầu tư công cần phải bảo đảm đáp ứng được nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng (sự hiểu biết, trình độ, năng lực).
Phẩm chất đạo đức của cán bộ, viên chức thực hiện đầu tư công ảnh
hưởng rất lớn tới hiệu quả đầu tư. Nguồn đầu tư công thường là vốn ngân sách cấp, nguồn tài trợ từ tổ chức cá nhân... vì mục đích phục vụ cộng đồng.
Nếu người đầu tư không có phẩm chất đạo đức trong sạch, tham nhũng, tiêu cực cửa quyền... thì nguồn đầu tư sẽ không được đưa vào thực hiện như kế hoạch do thất thoát, sử dụng sai mục đích... từ đó dẫn tới hiệu qủa đầu tư thấp.
Vai trò giám sát, đánh giá của cơ quan chuyên môn đối với hoạt động đầu tư xây dựng, để đảm bảo cho nguồn vốn đầu tư được sử dụng đúng mục đích, sử dụng đủ, không thất thoát, lãng phí gây ra tình trạng hiệu quả thấp trong quản lý đầu tư.
Năng lực và khả năng hấp thụ nguồn đầu tư của đối tượng được đầu tư là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả cuối cùng của nguồn đầu tư.
Giống như việc đầu tư cho sản xuất, việc một cỗ máy vận hành tốt hay không không chỉ do sự đầu tư ban đầu cho chính cổ máy đó mà còn phụ thuộc vào người vận hành cỗ máy hoạt động. Nguồn vốn đầu tư khi được đưa đến với đối tượng đầu tư thì việc nguồn vốn ấy phát huy được hiệu quả hay không, không phụ thuộc lớn vào người sử dụng nó. Vì vậy việc cung cấp cho đối tượng được đầu tư kỹ năng, phương pháp để sử dụng nguồn đầu tư hiệu quả là việc chính quyền địa phương cần quan tâm, như địa bàn các xã vùng sâu vùng xa Tà Lài, Đak Lua, Phú An, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, việc nâng cao dân trí, tăng cường công tác giáo dục, khuyến nông, khuyến công là vấn đề tối quan trọng tạo tiền đề cho hiệu quả các dự án đầu tư đang và sẽ được đầu tư.
1.1.4.2 Chủ đầu tư, nhà thầu
Chủ đầu tư đóng vai trò quyết định đến kết quả, hiệu quả công tác đầu tư công, là nhân tố chính ảnh hưởng đến công tác đầu tư công trên địa bàn huyện Chủ đầu tư có năng lực kinh nghiệm tốt thì quản lý dự án đầu tư công tốt, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt cao và ngược lại.
Chủ đầu tư có quyết liệt, sâu sát với dự án, tích cực nắm bắt đôn đốc các nhà thầu triển khai theo tiến độ thì dự án mới triển khai hiệu quả, đảm bảo theo kế hoạch.
Nhà thầu và đơn vị tư vấn cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đầu tư công. Nhà thầu và đơn vị tư vấn uy tín và có đủ năng lực sẽ giúp cho dự án được triển khai đảm bảo đúng yêu cầu, kỹ thuật, chất lượng và tiến độ thực hiện. Ngược lại việc lựa chọn phải những nhà thầu không đảm bảo năng lực sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình và tiến độ, hiệu quả dự án đầu tư công.
1.1.4.3. Thể chế và chính sách về đầu tư công
Nhân tố quan trọng chi phối hoạt động đầu tư công trong nhóm nhân tố khách quan là nhân tố thể chế và chính sách của Nhà nước, Chính phủ và địa phương. Thể chế, chính sách được cụ thể hoá qua các văn bản pháp luật.
Khung pháp luật của hoạt động đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng ở nước ta được quy định qua các văn bản chính như: Luật đầu tư công (2019), Luật ngân sách nhà nước 2015 và các văn bản dưới Luật.
Trong thể chế của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Các cơ quan hoạt động phối hợp chặt chẽ nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong phát triển kinh tế - xã hội. Đối với hoạt động đầu tư công, khi có sự thống nhất cao giữa Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ tài chính với các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương thì nguồn đầu tư công sẽ được đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng với quy mô phù hợp, không chồng chéo, dàn trải, vì thế hiệu quả đầu tư công cũng được nâng cao. Tương tự như thế, ở quy mô cấp huyện, để đầu tư công có hiệu quả thi cần phải có sự thống nhất phối hợp chặt chẽ giữa Sở Kế hoạch - Đầu tư với Sở Tài chính, với phòng Tài chính – Kế hoạch huyện và với các xã tiếp nhận nguồn vốn đầu tư.
Bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, các cấp chính
quyền thì việc phân cấp trong quản lý của nhà nước cũng là một yếu tố quan trọng tác động tới đầu tư công. Việc phân cấp thẩm quyển về tài chính cho chính quyền địa phương mang lại những cơ hội lớn sau: Việc địa phương quản lý ngân sách có thể giúp huy động và phân bổ nguồn lực đầu tư có hiệu quả hơn (Nếu phân cấp tốt, nguồn vốn huy động cho đầu tư công sẽ sớm đi vào thực tiễn hơn, do không phải qua khâu trung gian và thời gian chờ đợi cấp phép, chuyển kinh phí từ cấp trên về địa phương); làm cho việc cung cấp hàng hoá dịch vụ phù hợp hơn, đáp ứng tốt hơn, sát thực hơn nhu cầu và mong muốn của cấp huyện, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của cấp huyện
Việc các thể chế, chính sách không phù hợp, không ổn định sẽ ảnh hưởng rất lớn và rõ rệt đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Chẳng hạn như vừa qua, việc ban hành quy định về tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy đã gây rất nhiều khó khăn cho chủ đầu tư trong lập, phê duyệt hồ sơ dự án, việc thay đổi thường xuyên hàng năm cũng gây khó khăn cho việc nắm bắt, ảnh hưởng đến tiến độ lập hồ sơ của các đơn vị tư vấn.
1.1.4.4. Về công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được biết đến là một trong những trở ngại lớn ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đầu tư công từ trung ương đến địa phương. Việc giá đất biến động thường xuyên là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khiếu nại của người dân, không đồng ý nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng, dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài, chậm được đưa vào sử dụng, giảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.