Chương III CÁC THÀNH PHẦN NGÔN NGỮ KIẾN TRÚC SỨC BIỂU
I. Các yếu tố tạo hình hình học cơ bản
1.4.2. Sức biểu cảm của hình khối kiến trúc
Bất kỳ một hình dạng cấu trúc nào cũng được tạo nên từ các hình khối cơ bản (hình khối platông). Le Corbusier, bậc thầy của kiến trúc hiện đại đã viết: “Hình cầu, hình lập phương, hình côn, hình trụ hay hình tháp là những hình dạng vĩ đại đầu tiên mà ánh sáng làm dậy lên trước mắt chúng ta. Hình ảnh của chúng rất khác nhau khiến chúng ta không thể lẫn lộn được. Đó chính là lí do khiến chúng trở nên những hình dạng đẹp nhất…”.
Mỗi một hình khối cơ bản đều có một ngôn ngữ riêng, có sức biểu cảm mạnh vì nó luôn tương phản với các đường nét tự nhiên vốn có của địa hình, của cây cối và bầu trời. Các khối được tạo thành bởi kích thước theo chiều hướng khác nhau, biểu hiện một cảm xúc khác nhau:
- Khối lập phương: cho ấn tượng ổn định, chắc khoẻ, chính xác đồng thời mang tính khẳng định, tính quy tắc cũng như đặc điểm giản khiết trong sáng (h.3.59).
- Khối kim tự tháp: tạo cảm giác vững chãi, ổn định, bền vững, bám chặt mặt đất và tính phương hướng (h.3.60, 3.61) còn kim tự tháp ngược gây ấn tượng lạ lùng và mạnh mẽ, tạo ra xu thế vận động (h.3.62).
- Khối cầu, chỏm cầu: dễ mất ổn định nhưng cho cảm giác của sự vận động, gây ấn tượng lạ lùng, mạnh mẽ (h.3.63).
- Khối chữ nhật đứng (chiều cao hơn 5 lần các cạnh còn lại): cho cảm giác vươn cao thanh thoát trong khi khối hộp nằm ngang tạo ấn tượng ổn định tĩnh lặng hoà nhập địa hình bằng phẳng (h.3.64).
- Khối trụ đặt đứng: tạo vẻ thanh thoát, vươn cao, song mềm mại hơn so với khối chữ nhật đặt đứng, khối trụ còn mang tính chất tập trung nhấn mạnh cảm giác bề thế (h.3.65).
- Các hình khối, đường cong vút cao: tạo cảm giác thanh thoát bay bổng, sự mạnh mẽ khoáng đạt, mang đến nhiều sự liên tưởng nghệ thuật sâu sắc và thú vị (h.3.66).
- Các khối vát, đường xiên luôn tạo tính động rõ ràng tạo sự độc đáo và cảm giác bất ngờ phá đi sự tĩnh lặng đơn điệu của các góc vuông trong khi góc vuông, cung cong tròn, đường nằm ngang hay thẳng đứng lại tạo cảm giác yên ả, êm đềm, sự chính xác toán học, tính ổn định, độ cân bằng bền vững (h.3.67, h.3.68).
Các hình khối chỉ được phát huy hiệu quả truyền cảm thông qua ánh sáng và chất liệu vì thế việc tổ chức ánh sáng tự nhiên, nhân tạo cần phải được chú ý.
Không những mỗi một hình khối cơ bản có sức biểu cảm riêng mà khi tổ hợp các hình khối cơ bản với nhau, với phong cảnh tự nhiên, hay kiến trúc có sẵn ở xung quanh cũng tạo được những ấn tượng xúc cảm nhất định:
- Các khối cùng một loại khối cơ bản có kích thước giống nhau hoặc khác nhau sắp xếp theo các quy luật. Mỗi quy luật sắp xếp lại có những sức biểu cảm riêng biệt:
+ Sắp xếp các khối giống nhau tăng hoặc giảm dần tụ về một tâm tạo cảm giác ổn định, hài hoà, thường sử dụng cho các khu quy hoạch.
+ Sắp xếp các khối giống nhau hoặc khác nhau theo nhiều theo chiều hướng khác nhau nhưng vẫn tuân theo quy luật sẽ tránh được cảm giác đơn điệu, buồn tẻ của nhịp điệu đơn giản đều đều như một khu nhà lắp ghép (h.3.69).
+ Hình khối phát triển theo chiều ngang dễ gây cảm giác ổn định do tâm của nó gần mặt đất (h.3.70). Hình khối phát triển theo chiều đứng lại quá mảnh, dễ gây cảm giác mất ổn định, song lại thể hiện sự thanh mảnh (h.3.71).
- Dùng các khối thuộc nhiều loại khối cơ bản xắp xếp theo nhiều vị trí chiều hướng khác nhau.
+ Nếu các khối nối tiếp nhau liên tiếp theo một chuỗi dài thì gây cảm giác mệt mỏi, nhàm chán. Còn nếu các khối được ngắt ra những phần phân cách quá mức sẽ gây cảm giác rời rạc, biệt lập.
+ Trong một bố cục hình khối có khối chính và khối phụ, hoặc có khối cùng loại nhưng được xắp xếp theo hướng khác với các khối khác cùng chiều hướng tạo được diểm nhấn, dễ gây được sự chú ý của mọi người (h.3.72).
+ Các khối có đường cong được kết hợp với các khối hình vuông, chữ nhật…được xắp xếp không đối xứng sẽ gây cảm xúc mạnh, vui tươi, phóng khoáng, hấp dẫn vì nó gây nên sự đột biến trong bố cục như nhà văn hoá, nhà hát…(h.3.73, h.3.74, h3.75).
Công trình cung văn hoá Shonandai center Fusisawa, Nhận Bản có khối cầu lớn. Khối cầu có đặc điểm bao dung, tập trung, phong phú và mềm mại hình thái bề mặt khối cầu ảnh hưởng mạnh đến sự diễn đạt kiến trúc. Bề mặt khối cầu của công trình bộc lộ rõ kết cấu của kiến trúc, tăng khả năng dùng hình thức biểu đạt nội dung, đồng thời tránh cảm giác nhàm chán
Khi thiết kế hình khối của công trình kiến trúc là thiết kế hình thức bên ngoài của công trình, nhằm đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ trong khi phải thoả mãn các yêu cầu thích dụng, vững bền và kinh tế. Hình thức bên ngoài từ các khối hình cơ bản kết hợp vào là những yếu tố đầu tiên gây cảm xúc, gây ấn tượng hay truyền cảm đến con người đầu tiên.
- Hình khối thể hiện được đặc điểm tính chất mà ý đồ sáng tác định trước. Ví dụ một trụ sở cơ quan phải thể hiện được tính trang nghiêm, đồ sộ, hoành tráng hay một công trình văn hoá phải thể hiện được sự vui tươi, linh hoạt…
- Hình khối phải thể hiện được cơ cấu mặt bằng, tổ hợp không gian bên trong của công trình.
- Hình khối hoà nhập với khung cảnh thiên nhiên môi trường và không gian kiến trúc xung quanh nó.