Chương III CÁC THÀNH PHẦN NGÔN NGỮ KIẾN TRÚC SỨC BIỂU
IV. Ánh sáng, màu sắc và chất cảm, hoa văn của vật liệu
4.1. Ánh sáng và bóng đổ
Ánh sáng và bóng đổ là hai yếu tố luôn song hành và phù trợ lẫn nhau, làm duyên dáng thêm cho không gian hai chiều và nổi bật không gian ba chiều. Chúng khẳng định các tuyến, phân biệt các diện và làm nổi bật các hình khối.
Tuỳ theo cường độ ánh sáng và độ tương phản ánh sáng - bóng đổ trên các bộ phận, chi tiết kiến trúc hay trong nội thất mà gây cho con người những trạng thái cảm xúc khác nhau – làm tăng hay giảm trạng thái cảm xúc như ở nơi này có thể vui hơn, yên tĩnh hoặc thân mật hơn, ở nơi kia có thể buồn, bất an hoặc thành kính, thậm chí sợ hãi hơn (h.3.108, 3.109, 3.110).
Ví dụ: quần thể Acrôpôn ở Aten, ánh sáng chan hoà và bóng đổ mạnh mẽ, tinh tế trên các chi tiết của nó tạo một không khí vui tươi như ngày lễ hội. Lăng Tagiơ Mahan, với ánh sáng chuyển động phủ bóng từ đậm đặc đến nhạt dần trên các vòm đá trắng tạo khung cảnh tinh khiết, lộng lẫy. Ánh sáng huyền ảo trong các ngôi đình, chùa cổ kính càng tăng thêm vẻ thiêng liêng, thoát tục… Vì vậy, kiến trúc còn được mệnh danh là một “trò chơi của ánh sáng và bóng đổ”.
Kiến trúc cao tầng có nhiều giải pháp để tạo bóng đổ cho mặt đứng công trình tạo ra hình thức kiến trúc phong phú, tránh sự đơn điệu hơn. Ví dụ như công trình Trụ sở Công ty phần mềm BMC, Houston, Texas, Mỹ có giải pháp sử lý tầng dưới trống và một phần mặt đứng dật cấp vào trong hình thành các mảng bóng đổ tạo khối bên ngoài giàu cảm giác tầng lớp không gian.
4.2. Màu sắc
Màu sắc của các chi tiết bộ phận kiến trúc có thể là màu tự nhiên của vật liệu, hay do sơn quét lên. Nó chỉ “sống dậy” dưới tác dụng của ánh sáng và cất lên tiếng nói riêng của mình. Màu sắc - bằng khả năng truyến cảm của mình có thể làm thay đổi cảm giác đối với các thành phần kiến trúc: cùng một hình khối, với gam màu ấm ta cảm thấy kích thước của nó như lớn hơn, khoảng cách gần gũi hơn trong khi với gam màu lạnh lại cảm thấy kích thước như nhỏ đi và khoảng cách xa vời hơn
Màu sắc có những đặc điểm sau:
- Về mặt sinh học, người ta đã chứng minh được tác động của màu sắc tới tâm sinh lý con người. Màu sắc có thể làm tăng huyết áp, căng thẳng cơ bắp hay hưng phấn tinh thần làm tăng năng suất lao động, đồng thời có thể gây cảm giác thư giãn, an toàn hay lo lắng, bất an. Những nghiên cứu Ecgônômi màu sắc đã rút ra một số kết quả sau:
+ Màu Đỏ: màu của thép tôi, của lửa và máu. Nó gây kích thích, cảnh giác, gây cảm giác ấm nóng, tăng căng thẳng cơ bắp, huyết áp và tần số hô hấp, có tác dụng huy động sức lực cao nhưng không lâu.
+ Màu Xanh lá cây: màu của thiên nhiên, có tác dụng sinh lý tốt, hơi làm giảm huyết áp và giãn mạch, giảm căng thẳng thị giác, thúc đẩy khả năng lao động kéo dài.
+ Màu Xanh da trời: màu của bầu trời và nước biếc, có tác dụng làm bình tâm và kích thích tư duy tốt.
+ Màu Vàng: gây cảm giác an toàn, ấm áp và kích thích thị giác.
+ Màu Tím: màu của mệt mỏi, lo âu hồi hộp, gây cảm giác buồn.
+ Màu Trắng: cảm giác sạch sẽ, thư giãn, không gây các phản ứng sinh lý.
Ví dụ: Trong các lớp học nên dùng các màu sắc vui tươi để các em nhỏ có thêm hưng phấn trong học tập ngược lại trong các phân xưởng rèn, người công nhân thường xuyên phải tiếp xúc với màu đỏ của thép luyện vì vậy các phân xưởng phải dùng màu tường thật dịu mát như màu ghi sáng, màu xanh nhạt…, hoặc như trong bệnh viện thường sử dụng các màu trắng để tạo cảm giác sạch sẽ, thư thái…
- Màu sắc có ý nghĩa ước lệ, trở thành biểu tượng, tượng trưng:
+ Màu đỏ tượng trưng: cho đấu tranh và tình yêu.
+ Màu trắng tượng trưng: cho sự tinh khiết.
+ Màu xanh lá cây: tượng trưng cho sự sống.
+ Màu lam: tình hữu nghị.
+ Màu đen: cái chết và sự huyền bí.
+ Màu vàng: lộng lẫy phô trương và quyền lực…
Ví dụ: ở Việt Nam, màu sắc kiến trúc phụ thuộc vào đối tượng sử dụng: Kiến trúc dân gian và kiến trúc cung đình có cách dùng màu khác nhau. Kiến trúc dân gian có màu sắc thanh đạm, mộc mạc, cột làm bằng những thân gỗ lớn trong các đình chùa thường để gỗ mộc. Trong khi đó, kiến trúc cung đình lăng tẩm Triều Nguyễn ở Huế dùng các màu sắc sặc sỡ như các màu vàng, đỏ, lục….
- Màu sắc góp phần hữu hiệu hơn cho kiến trúc về mặt hoàn thành chức năng tuyển chọn và định hướng.
Ví dụ: trong các công trình công cộng lớn ở các nước, sàn mỗi tầng nhà lại được dùng một màu khác nhau bằng các vật liệu hiện đại, hoặc không gian sảnh được dùng màu khác với các không gian kề cận tạo ra khung cảnh nội thất hiện đại, giàu sức biểu hiện, tạo khả năng phân biệt các hệ thống không gian khác nhau. Công trình nhà hoà nhạc Nhật Bản thể hiện chất liệu mặt nền khác nhau để làm giới hạn cho hành vi hoạt động của con người, có thể biểu thị khu vực đi lại hoặc nhìn ngắm, giải lao.
- Màu sắc còn được khai thác sử dụng để chống nóng cho kết cấu bao che (tường, mái) vì vật liệu có màu sáng ít hấp năng lượng bức xạ mặt trời, còn màu sẫm hấp thụ nhiệt lớn bất lợi cho biện pháp chống nóng của kiến trúc.
Ví dụ: ở các nước hàn đới các màu nóng, sặc sở thường được áp dụng trên tường ngoài nhà làm cho không gian kiến trúc sinh động trong khi các tường ngoài kiến trúc nhiệt đới hay dùng màu trắng sáng, trắng để phản xạ nhiệt tốt, không gây cảm giác chói loá… như thành phố trắng Casablanca, thủ đô Tuynidi với đại bộ phận các ngôi nhà đều quét sơn màu trắng.
Như vậy, màu sắc không chỉ mang lại vẻ đẹp cho kiến trúc mà còn có những tác động trực tiếp đến con người khi sử dụng công trình. Do đó, tuỳ theo thể loại, nội dung công trình mà sử dụng màu sắc hợp lý, phù hợp tâm sinh lý người sử dụng, tăng cường hiệu suất sử dụng của công trình.
Ví dụ: Trong các công trình thương mại, màu sắc tươi tắn có lợi cho việc làm tăng không khí thương mại, có thể có tác dụng thu hút khách hàng như trung tâm Thương nghiệp thế giới Imabary… hoặc quán ăn Nhật ở khu cảng Tokyo dùng màu xanh lá cây giản khiết và trang nhã gây cảm giác yên tĩnh và thanh khiết (h.3.111).
3.3. Chất cảm và hoa văn của vật liệu:
Chất cảm và hoa văn là đặc tính về cấu trúc bề mặt của vật liệu – là những yếu tố có sức mạnh trong sự biểu đạt sức truyền cảm của kiến trúc. Đó là các tính chất phụ thuộc từng loại vật liệu như tính chất đặc hay trong suốt, thô nhám hay trơn nhẵn, phẳng hay gồ gề…tuỳ từng trường hợp gây ra các hiệu quả khác nhau (h.3.112):
+ Vật liệu Đá: tạo cảm giác vững chãi, chắc nặng và ổn định.
+ Vật liệu Gạch trần xây không trát, Gốm, Gạch đất sét nung: tạo cảm giác ấm áp, gần gũi, ngăn nắp.
+ Vật liệu Bê tông trần: tạo cảm giác thô mộc, chắc chắn và khoẻ khoắn.
+ Vật liệu Kính: tạo cảm giác trong suốt, nhẹ nhàng.
+ Vật liệu Thép: tạo cảm giác chắc gọn.
+ Vật liệu Sứ: cho cảm giác mượt mà.
Ví dụ: Trong kiến trúc Việt Nam, nhà dân gian được xây bằng đá ong thô nhám, vàng nâu như làng cổ Đường Lâm – Hà Tây, hay tháp Bút – Hà Nội được xây bằng đá xanh rất vững chãi, khoẻ khoắn…
Chất cảm của vật liệu cũng có những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của con người, cảm giác ấm cúng hay lạ lùng. Ví dụ như ghế gỗ ưu được ngồi vì cảm giác ấm cúng, quen thuộc, đá granit hay đá cẩm thạch có hoa văn đẹp gây cảm giác sang trọng thường được dùng ở các đại sảnh hoặc các công trình lớn như lăng Chủ Tịch Hồ Chí
Ngoài ra, sự phân chia hoa văn của vật liệu có thể gây cảm giác tăng hay giảm diện tích bề mặt tấm vật liệu: cùng một diện tích bề mặt, tấm vật liệu có hoa văn nhỏ trong sẽ có diện tích lớn hơn tấm có hoa văn lớn.
Chất cảm được chia làm ba loại:
- Chất cảm từ cấu trúc vật liệu (h.3.114): Kiểu dáng bề mặt của vật liệu, màu sắc, ánh sáng, tạo những cảm nhận phông phú về hình khối trong không gian kiến trúc:
+ Bề mặt có vân cho cảm giác bề mặt diện bào trí như rộng thoáng hơn.
+ Bề mặt thô, tạo cảm giác xíc lại gần.
+ Kích thước, tỷ lệ, tầm nhìn…kiểu dáng của bề mặt chất liệu, lựa chọn bài trí phù hợp sẽ cho cảm giác đầy đủ, phong phú của không gian vật thể.
- Chất cảm từ hiệu quả chiếu sáng (h.3.113):
+ Hướng sáng hợp lý làm nổi cấu trúc không gian của bề mặt chất liệu, làm vật đẹp lên phong phú sinh động.
+ Tỷ lệ sáng tối còn giúp phân biệt các chất liệu liền kề nhau, chất liệu này sẽ làm tăng vẻ đẹp của chất liệu kia.
- Chất cảm qua tổ hợp không gian:
+ Chất liệu có khả năng biểu hịên cấu trúc và cấu tạo đi theo nó như cấu trúc giàn không gian, vòm đá, …
+ Cùng với một loại vật liệu có cách tổ hợp khác nhau cũng tạo thành những hiệu quả xúc cảm khác nhau.
Trong nhiều công trình thường kết hợp nhiều loại vật liệu khác nhau tạo nên những hiệu quả bất ngờ như hãng bảo hiểm ở Osaka – Nhật Bản màu sắc và chất cảm của kính ở mặt bên kiến trúc khiến hình dáng của bộ phận tường đặc ở giữa rõ ràng và tinh khiết.
Hình 3.111a. Trung tâm Thương
nghiệp thế giới Imabary Hình 3.111b. Quán ăn ở Nhật Bản
Chất cảm vật liệu đá Chất cảm vật liệu kính
Hình 3.112. Chất cảm của vật liệu
Hình 3.113. Màu sắc phân chia các khu vực chức năng trong nhà máy thuỷ điện Itaipu
3.4. Kết hợp ngôn ngữ kiến trúc với ngôn ngữ của các ngành nghệ thuật tạo hình khác (điêu khắc, hội hoạ, mỹ thuật công nghiệp):
Những nghành nghệ thuật tạo hình đã làm giàu thêm ngôn ngữ cho môi trường kiến trúc bằng cách đóng góp thêm vào đó ngôn ngữ của mình. Sức biểu hiện của kiến trúc tăng thêm rất nhiều với sự đóng góp trước hết của điêu khắc, hội hoạ, phù điêu, môdaich (tranh tường gán bằng các loại gốm, đá nhỏ các màu) và maiolich (tranh
tường gắn bằng các mảnh sứ) cũng như hình thức mỹ thuật công nghiệp (design) (h.3.115, h.3.116, h.3.117).
Trong kiến trúc hiện đại, do hình khối kiến trúc đơn giản, do xây dựng công nghiệp hoá, kiến trúc ngày càng có tính lập thể, những ngôn ngữ của nghành nghệ thuật tạo hình khác sẽ giúp cho kiến trúc không những “phong phú hơn” mà còn “mềm dịu” đi. Ý nghĩa của tượng tròn, phù điêu, hội hoạ, các hình thức mỹ thuật công nghiệp là đa dạng, tươi vui cho môi trường kiến trúc.
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Đối với công trình thuỷ lợi nói chung và công trình đập nói riêng, khi thiết kế tạo hình công trình có thể khai thác những yếu tố tạo hình như thế nào để phản ánh đặc trưng công trình?
2. Đối với kiến trúc công trình thuỷ lợi-thuỷ điện, có thể khai thác vẻ đẹp từ các ngành nghệ thuật tạo hình khác như thế nào để tăng tính thẩm mỹ cho hình thức và cảnh quan công trình?
3. Khi thiết kế công trình nhà máy thuỷ điện, có thể sử dụng những loại cấu trúc kiến trúc nào và cần chú ý gì về mặt ngôn ngữ kiến trúc? (lấy một số ví dụ và vẽ hình minh hoạ).
4. Lấy ví dụ các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện cụ thể và phân tích các yếu tố tạo hình tuyến đã được sử dụng như thế nào?
5. Khi thiết kế công trình nhà máy thuỷ điện, có thể sử dụng những loại cấu trúc kiến trúc nào và cần chú ý gì về mặt ngôn ngữ kiến trúc? (lấy một số ví dụ và vẽ hình minh hoạ).