Các phương thức tiếp cận vốn của DNNVV

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP HỖ TRỢ NHẰM TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG TIẾP CẬN NGUỒN VỐN SẢN XUẤT KINH DOANH CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH (Trang 63 - 68)

CÁC DNNVV TẠI BÌNH ĐỊNH

2.2. THỰC TRẠNG TIẾP CẬN CÁC NGUỒN VỐN KINH DOANH CỦA DNNVV TRÊN ĐỊA BÀN BÌNH ĐỊNH TRONG THỜI GIAN QUA

2.2.2. Các phương thức tiếp cận vốn của DNNVV

Nhìn chung, các DNNVV ở Bình Định đều có cách thức tiếp cận vốn giống nhau và tương tự như phần lớn DNNVV tại Việt Nam, trình tự phổ biến là vốn tự có - vốn chiếm dụng - vốn vay - vốn phát hành cổ phần.

* Vốn chủ sở hữu

Khi bắt đầu khởi nghiệp và tại giai đoạn đầu đi vào hoạt động, gần như tất cả các DNNVV đều sử dụng vốn tích lũy, vốn tự có. Nhìn chung quy mô vốn tương đối nhỏ < 1 tỷ đồng. Đây là mức khởi nghiệp khá dễ dàng vì thường các doanh nghiệp thực hiện góp vốn bằng chính các tài sản của mình như nhà cửa, máy móc, phương tiện vận tải…

Tại thời điểm này, bên cạnh nguồn vốn tự có một số doanh nghiệp có vay mượn người thân, bạn bè nhưng không nhiều, thường từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Việc tiếp cận nguồn vốn nhỏ này không quá khó vì độ rủi ro về khả năng bị mất vốn rất thấp hoặc so với mối quan hệ thân quen mà chủ doanh nghiệp đã tạo dựng. Số liệu thu thập từ các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng trên địa bàn cho thấy, hầu hết các DNNVV trước khi tìm đến ngân hàng đều đã có một khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm đi vào hoạt động. Điều này chứng tỏ các DNNVV đều có thể tự hoạt động trong giai đoạn khởi nghiệp ban đầu mà không cần bất kỳ nguồn vốn bên ngoài nào khác.

Có hai cách tăng vốn tự có thông dụng là: Bổ sung thêm vốn chủ sở hữu từ chính các thành viên góp vốn hoặc Giữ lại lợi nhuận hàng năm. Hai biện pháp này nhìn chung khó thực hiện do một số nguyên nhân sau :

- Người dân Bình Định nhìn chung thích ăn chắc mặc bền nên có lợi

nhuận là thực hiện chia hoặc chuyển thành các tài sản cá nhân. Khái niệm giữ lại một phần lợi nhuận để phát triển doanh nghiệp lên quy mô cao hơn chỉ hiện hữu trong một số chủ doanh nghiệp có tầm nhìn, tham vọng và số lượng này không nhiều. Ngoài ra do quy mô nhỏ nên tỉ lệ lợi nhuận trong DNNVV không cao, nếu trích lại một phần lợi nhuận để bổ sung vào vốn tự có thì tỉ lệ tăng vốn cũng rất thấp, nếu lấy bình quân lợi nhuận / vốn chủ sở hữu là 15 - 20%, doanh nghiệp dự định trích 30 - 50% lợi nhuận để tăng vốn thì mức tăng vốn từ lợi nhuận để lại chỉ từ 5 - 10% so với vốn tự có hiện hữu.

- Thành viên góp vốn trong các DNNVV tại Bình Định nói chung thường là các thành viên trong gia đình, bạn bè hoặc vợ chồng. Khi góp vốn để khởi nghiệp, hầu hết đều đã góp phần lớn tài sản, vốn liếng của mình (ngoại trừ trường hợp các DNNVV là công ty con do công ty mẹ thành lập).

Khi đã hoạt động từ 1 - 2 năm, nếu không có lợi nhuận được chia thì các thành viên góp vốn có khuynh hướng muốn rút vốn hoặc bán lại phần vốn góp, trong khi nếu doanh nghiệp có lợi nhuận thì các thành viên góp vốn đều muốn được chia ngay. Vì vậy, nếu không có nhu cầu, áp lực mở rộng quy mô, tăng đầu tư tài sản cố định thì gần như không ai chấp nhận tăng thêm vốn.

Tuy nhiên, trong các ngành tạo ra lợi nhuận lớn, thời gian có lợi nhuận nhanh trong các năm gần đây như khai thác khoáng sản, chế biến gỗ dăm tại Bình Định, các DNNVV đang hoạt động vẫn có thể tăng vốn nhờ kêu gọi thành viên mới góp vốn tham gia. Tuy nhiên số ngành nghề dạng này không nhiều, quá nhiều doanh nghiệp tham gia cạnh tranh gay gắt (tăng giá mua gỗ nguyên liệu) cộng với việc Chính phủ tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ (cấm xuất thô, không cấp mỏ mới khiến tỉ lệ lợi nhuận không còn được cao như trước.

* Vốn chiếm dụng dưới dạng nợ phải trả

Đây là nguồn vốn có khả năng tiếp cận dễ dàng nhất đối với mọi

DNNVV. Ngay khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp nói chung và các DNNVV nói riêng ngay lập tức có xu hướng tăng chiếm dụng vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Những nguồn vốn chiếm dụng này thường không nhiều so với tổng nguồn vốn và thường mang tính gối đầu (trả nợ khoản cũ trước khi cho nợ khoản mới). Nhìn chung, mức độ chiếm dụng vốn phụ thuộc khá nhiều vào danh tiếng, hình ảnh, thương hiệu và quy mô của doanh nghiệp. Theo số liệu khảo sát Báo cáo tài chính của 273 doanh nghiệp tại địa phương, bao gồm 250 DNNVV và 23 doanh nghiệp lớn cho thấy các DNNVV có quy mô vốn <

10 tỷ có tỉ lệ vốn chiếm dụng 24%, trong khi các doanh nghiệp quy mô > 10 tỷ, có tỉ lệ vốn chiếm dụng từ 29 - 30%.

Việc tiếp cận nguồn vốn chiếm dụng cũng phụ thuộc khá lớn vào ngành nghề hoạt động của DNNVV. Đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối thực phẩm, hàng hóa ít quan trọng thường được các đại lý cung cấp hàng hóa chào mời để trở thành một kênh bán hàng đến người tiêu dùng. Do các mặt hàng này chỉ đạt được lợi nhuận cao khi bán số lượng lớn và tính chất cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung cấp, hầu như các chủ DNNVV tham gia phân phối không phải bỏ vốn ra trước. Việc chiếm dụng khá dễ dàng với việc chỉ cần nhận hàng về bán, chỉ trả trước một phần nhỏ hoặc có thể chấp nhận bảo lãnh của người quen, ngân hàng. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng thiết yếu như xăng dầu, sắt thép, thuốc men, thực phẩm đắt tiền,… để được nhận hàng về bán phải chấp nhận mức đặt cọc cao hơn, thậm chí trả tiền trước để giữ hàng, do đó mức vốn chiếm dụng không cao.

Nguồn vốn chiếm dụng còn đến từ chính nội bộ của doanh nghiệp qua việc giữ lại một thời gian khoản lương phải trả cho CBNV. Hiện nay, các DNNVV hoạt động trong ngành chế biến gỗ XK tại KCN Phú Tài đều nợ lương công nhân tối thiểu 1 tháng. Nhiều chủ doanh nghiệp lấy lý do tiền

hàng về chậm, tình hình khó khăn,…vv để lấy cớ không trả lương đúng hạn.

Ngoài ra, việc chậm trả các chi phí hàng tháng như điện, nước, thuế phải nộp cũng góp phần gia tăng nguồn vốn chiếm dụng đáng kể cho DNNVV. Đây là các khoản chiếm dụng tiêu cực, nếu quá lạm dụng sẽ dẫn đến các cuộc đình công, lãn công trong người lao động hoặc có khi chịu các mức phạt lớn hơn lợi ích khi chiếm dụng như phạt chậm nộp thuế, cắt điện, cắt nước,…

* Vốn vay

Tại một giai đoạn phát triển nhất định, nguồn vốn chủ sở hữu không còn đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp, các khoản chiếm dụng cũng không thể tăng cao mãi do các đại lý, người bán luôn muốn giữ ở mức nhất định tương ứng với khả năng quy mô tiêu thụ của doanh nghiệp. Do đó, hầu như các DNNVV sau khi đi vào hoạt động từ 6 tháng đến 1 năm đều tìm đến nguồn vốn vay: các TCTD hoặc các cá nhân trên thị trường không chính thức (tín dụng đen).

Để tiếp cận nguồn vốn này, các chủ doanh nghiệp phải chứng tỏ quy mô, hiệu quả hoạt động của mình, khả năng tạo ra lợi nhuận, khả năng trả nợ,…. Ngoài ra mức vốn được vay phụ thuộc rất nhiều yếu tố như tài sản đảm bảo, ngành nghề hoạt động, uy tín của chủ doanh nghiệp, quy mô hoạt động, khả năng đáp ứng các yêu cầu của người cho vay, các mối quan hệ khác …

- Tài sản đảm bảo là thông tin rõ ràng, trung thực nhất về khả năng đảm bảo rủi ro giữa người đi vay và cho vay. Những doanh nghiệp thế chấp tài sản lớn nhưng vay số tiền ít hơn sẽ được ngân hàng dễ đồng ý hơn trường hợp ngược lại. Trong giai đoạn bắt đầu tiếp xúc nguồn vốn ngân hàng, hầu hết DNNVV đều thế chấp tài sản là nhà cửa, máy móc thiết bị có giá trị lớn để vay vốn.

- Các ngành nghề hoạt động trong các lĩnh vực xuất khẩu, tạo ra ngoại tệ cho nền kinh tế, thuộc đối tượng quan tâm, ưu đãi của Chính phủ cũng như

các ngân hàng thường dễ tiếp cận nguồn vốn vay hơn. Chỉ cần có đơn hàng xuất khẩu, có hệ thống sản xuất, thu mua đáp ứng được đơn hàng xuất, khả năng thanh toán đảm bảo (có L/C hoặc thanh toán điện TT ứng trước,…) rất nhiều ngân hàng trên địa bàn sẵn sàng cung ứng lượng vốn lớn với chi phí cực kỳ thấp. Đối với DNNVV tại Bình Định do nền vốn yếu, khả năng sản xuất, thu mua hạn chế nên thường chỉ có các đơn hàng nhỏ, tham gia các ngành phân phối, thu gom nông sản dạng nguyên liệu hoặc có quy trình sản sản xuất đơn giản như sắn lát, điều, chế biến dăm gỗ,…vừa thu được lợi nhuận nhanh và vừa sớm quay vòng vốn. Ngược lại, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ít được ưu tiên như phân phối rượu, thuốc lá, sản xuất các mặt hàng có thị trường tiêu thụ hẹp như thủ công mỹ nghệ, than,.., tham gia các dịch vụ có mức cạnh tranh cao như vận tải, ăn uống, giải khát thường được ngân hàng đánh giá kỹ hơn, có nhiều điều kiện hơn khi được cấp vốn

- Uy tín của chủ DNNVV chủ yếu là mức độ tin cậy mà chủ doanh nghiệp tạo được với bên cấp vốn. Đối với ngân hàng, đó là vai trò, vị trí của chủ DNNVV trong xã hội, trong ngành nghề lĩnh vực đang hoạt động,… Một chủ doanh nghiệp là người đứng đầu hiệp hội ngành gỗ, có tiếng nói có thể thay đổi nhận định về thị trường của ngành, hoặc chủ doanh nghiệp là người luôn có lịch sử trả nợ tốt thường được các doanh nghiệp cho vay thông thoáng hơn. Một số doanh nghiệp lớn hoạt động rất hiệu quả lập ra các DNNVV như một công ty con và do chính thành viên lãnh đạo doanh nghiệp lớn ấy quản lý, có đầu ra được bao tiêu toàn bộ cũng sẽ được ngân hàng tạo điều kiện cấp vốn.

- Khả năng đáp ứng các điều kiện của người cấp vốn là đặc điểm mà nhiều DNNVV ít quan tâm. Do quá trình cho vay và thu hồi vốn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người cho vay, mượn nên để kiểm soát và hạn chế rủi ro này, thông thường bên cấp vốn luôn đặt ra một số điều kiện cho vay nghiêm

ngặt và bắt buộc người đi vay phải tuân theo như trả nợ đúng hạn, cung cấp chứng từ, hợp đồng, hóa đơn đầy đủ,… hoạt động chắc chắn, bài bản tuân thủ luật pháp, mọi nguồn thu đều luân chuyển qua nơi mà người cho vay có thể kiểm soát được,…. Nếu chủ doanh nghiệp thực hiện đúng các cam kết này, các lần xin vay tiếp theo sẽ giải quyết nhanh, gọn, mức vốn được vay có thể gia tăng và chi phí vay vốn sẽ giảm đi theo thời gian. Ngược lại nếu chủ doanh nghiệp thường xuyên vi phạm cam kết, dùng tiền thu được mua bất động sản hoặc tài sản riêng, không trả nợ đúng hạn, không cung cấp chứng từ, thủ tục đầy đủ,…người cấp vốn sẽ hạn chế dần vốn cho vay và gia tăng chi phí vay vốn để bù đắp khả năng rủi ro có thể xảy ra.

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP HỖ TRỢ NHẰM TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG TIẾP CẬN NGUỒN VỐN SẢN XUẤT KINH DOANH CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH (Trang 63 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)