CÁC DNNVV TẠI BÌNH ĐỊNH
2.2. THỰC TRẠNG TIẾP CẬN CÁC NGUỒN VỐN KINH DOANH CỦA DNNVV TRÊN ĐỊA BÀN BÌNH ĐỊNH TRONG THỜI GIAN QUA
2.2.3. Khả năng tiếp cận vốn của DNNVV trên địa bàn tỉnh Bình Định
* Khả năng tiếp cận thông tin về nguồn vốn
Khả năng tiếp cận vốn của DNNVV phụ thuộc vào thông tin tìm hiểu và nhận biết đâu là nơi có vốn, yêu cầu của người sẵn lòng cấp vốn là gì và chi phí của nguồn vốn đó ra sao. Ngoài ngân hàng là đơn vị cung cấp đầy đủ và rõ ràng nhất về các thông tin này. Có rất nhiều nguồn vốn khác dành cho DNNVV mà đa số các chủ doanh nghiệp đều không biết và khó tiếp cận được.
Do DNNVV là đối tượng quan trọng trong việc bình ổn thị trường lao động, góp phần ổn định kinh tế xã hội, đồng thời cũng là doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất khi khủng hoảng kinh tế xảy ra nên thường được chính quyền và nhiều tổ chức phi chính phủ quan tâm hỗ trợ.
Theo thông tin của Cục Phát triển Doanh nghiệp (trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) [4], việc thành lập Quỹ hỗ trợ DNNVV là một trong những giải pháp quan trọng nhằm triển khai Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 - 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Hiện Bộ Kế hoạch và
Đầu tư đang trình Chính phủ Đề án thành lập Quỹ phát triển DNNVV và dự kiến sẽ được triển khai ngay trong năm 2012. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Định chưa có nguồn quỹ này, tuy nhiên, DNNVV có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi theo nhiều nguồn vốn hỗ trợ khác nhau như :
- Cho vay theo chương trình tín dụng SMEDF-EU2 sử dụng nguồn vốn Quỹ phát triển DNNVV do Liên minh châu Âu tài trợ.
- Cho vay theo chương trình tín dụng JBIC do Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tài trợ nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực và phát triển DNNVV Việt Nam thông qua cho vay vốn trung dài hạn, được triển khai trong bốn NHTM tại Việt Nam là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Đông Á và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
- Ngoài ra, còn có Dự án tài chính nông thôn I, II do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam quản lý thực hiện cho vay gián tiếp qua các Ngân hàng TMCP khác đến các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nông thôn, các hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông lâm hải sản; phát triển các ngành nghề truyền thống như may mặc, thêu đan, thủ công mỹ nghệ, ... ; các dịch vụ hỗ trợ sản xuất - kinh doanh như vận chuyển, chế tạo cơ khí và xây dựng ở khu vực nông thôn.
Nhìn chung, đây là các chương trình tín dụng hỗ trợ trực tiếp từ nguồn vốn ODA cho DNNVV nhưng có đặc điểm chung là triển khai qua hệ thống ngân hàng và lãi suất ưu đãi thấp hơn mặt bằng chung. Do đó, nguồn thông tin về các chương trình này có đến được với DNNVV hay không phụ thuộc hoàn toàn vào việc phổ biến của các Ngân hàng. Do thủ tục cho vay phức tạp (kể cả từ ngân hàng và người đi vay), cộng với việc phải cạnh tranh với chính các chương trình tín dụng của Ngân hàng nên các thông tin về nguồn vốn giá
rẻ này thường ít đến được DNNVV.
Thông tin vốn phổ biến nhất và đến được tận tay DNNVV là các chương trình tín dụng riêng cho DNNVV của mỗi Ngân hàng với lãi suất ưu đãi, thường thấp hơn lãi suất cho vay các Doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, việc nắm bắt được nguồn thông tin chỉ là giai đoạn đầu, để tiếp cận và vay được nguồn vốn từ các ngân hàng, đòi hỏi DNNVV phải đáp ứng nhiều thủ tục hơn nữa.
Khả năng tiếp cận vốn của DNNVV còn phụ thuộc vào nguồn thông tin thu thập được về các dự án, công trình sẽ được thực hiện tại địa phương.
Từ đó các DNNVV có cơ sở kế hoạch để huy động bố trí nguồn vốn hợp lý cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Cơ sở hạ tầng của việc cung cấp thông tin như tính minh bạch về thông tin nguồn vốn, mối quan hệ để có thông tin về vốn vay, độ mở của các trang web của các tổ chức cho vay vốn.
Bảng 2.10 - Tính minh bạch và tiếp cận thông tin của DN
Chỉ tiêu ĐVT Giá trị
DN đánh giá các thông tin về nguồn vốn là không
minh bạch % 63
DN cho rằng cần có "mối quan hệ" để có được các thông tin về vốn vay
% 48
DN cho rằng thương lượng với cán bộ cho vay là phần thiết yếu khi phát sinh nhu cầu vốn kinh doanh
% 36
Đánh giá về độ mở các trang web các tổ chức cho vay vốn
% 54
(Nguồn: Số liệu tự khảo sát)
* Khả năng về tài sản thế chấp
Để tạo được niềm tin đối với người cho vay, doanh nghiệp phải chứng tỏ rất nhiều thông tin. Tuy nhiên, một số thông tin có thể kiểm chứng, xác nhận trước khi cho vay như thân thế chủ doanh nghiệp, lịch sử vay mượn,..
các thông tin về phương án kinh doanh, khả năng phương án có hiệu quả, có thể thu nợ đầy đủ, đúng hạn,… đều là những thông tin trong tương lai và luôn tiềm ẩn sự sai sót. Nói cách khác, luôn tiềm ẩn thông tin bất cân xứng trong giao dịch vay mượn giữa người đi vay và người cho vay. Do đó, để kiểm soát và phòng ngừa rủi ro cũng như tăng cường sự thấu hiểu lẫn nhau giữa hai bên, cách dễ dàng và đảm bảo nhất là gia tăng tài sản thế chấp, đặc biệt là các tài sản có giá trị cao. Đây là biện pháp phổ biến mà mọi ngân hàng, mọi người cho vay đều thực hiện. Các doanh nghiệp thế chấp tài sản của bản thân hoặc của doanh nghiệp như nhà xưởng, nhà cửa, bất động sản có độ khả mại cao giúp cho người cấp vốn tin tưởng khả năng bù đắp nếu chủ doanh nghiệp không trả được nợ. Tài sản thế chấp cũng buộc người đi vay phải sử dụng vốn cẩn trọng hơn, hiệu quả hơn vì nếu không trả được nợ họ sẽ mất tài sản của chính mình. Do đó, số tiền cho vay sẽ tùy thuộc rất nhiều vào giá trị tài sản thế chấp. Một số Ngân hàng thậm chí có thể không quan tâm các thông tin còn lại (khả năng trả nợ, phương án kinh doanh,…) nếu người đi vay thế chấp tài sản có giá trị lớn hơn rất nhiều so với số tiền cho vay.
Bảng 2.11 - Quy mô TSCĐ và tỷ trọng TSCĐ/TTS của doanh nghiệp
Số LĐ bình quân (người)
Nguồn vốn bình
quân (tỷ đồng)
TSCĐ và đầu tư dài
hạn bình quân (tỷ đồng)
Tỉ trọng TSCĐ/
Tổng TS
Tỉ trọng TS ngắn hạn/ Tổng
TS
Doanh nghiệp lớn
2006 303 120,4 79,7 66% 34%
2007 254 161,7 89,6 55% 45%
2008 220 172,0 95,6 56% 44%
2009 206 178,6 97,2 54% 46%
2010 310 197,1 102,1 52% 48%
2011 345 217,5 107,3 49% 51%
DNVVV
2006 53 6,3 2,1 32% 68%
2007 48 7,6 2,3 30% 70%
2008 43 7,9 2,6 32% 68%
2009 37 9,6 3,4 35% 65%
2010 35 10,7 3,8 36% 64%
2011 31 11,9 4,3 36% 64%
(Nguồn: Khảo sát báo cáo tài chính của 273 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2011)
Sau khi đã thế chấp nhà cửa, các DNNVV chỉ có thể thế chấp thêm tài sản đảm bảo là các tài sản cố định của chính doanh nghiệp. Để có tài sản cố định, các doanh nghiệp phải vay được tiền để đầu tư, mua sắm. Khi đến các ngân hàng, DNNVV lại được yêu cầu cung cấp tài sản đảm bảo. Đây chính vòng luẩn quẩn của phần lớn DNNVV khi giá trị tài sản cố định của DNNVV
thường rất thấp, hồ sơ chứng từ lại không đảm bảo... Như đã phân tích tại Mục 2.2.1, do mức tăng tài sản cố định rất ít (trong 5 năm bình quân 1 DNNVV chỉ tăng 2,2 tỷ đồng tài sản cố định) so với doanh nghiệp lớn (mức tăng 28,6 tỷ đồng), đồng thời tỉ trọng tài sản cố định trong tổng tài sản (cũng bằng chính tổng nguồn vốn) lại thấp, không quá 35% nên khi thế chấp thêm bằng tài sản cố định của chính doanh nghiệp, số tiền được vay cũng không được nhiều. Đó là chưa kể do quy mô vốn dành cho đầu tư thấp nên các DNNVV thường lựa chọn các loại máy móc thiết bị cũ kỹ, hầu hết đã qua sử dụng lâu năm hoặc tận dụng các máy móc, nhà xưởng gần như đã hết khấu hao để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, khi đem các tài sản này thế chấp, các ngân hàng không mặn mà do độ khả mại thấp (thậm chí có khi chỉ ngang giá trị sắt vụn nếu phải thanh lý) nên càng hạn chế khả năng vay vốn của DNNVV.
Hình 2.6 - Quy mô TSCĐ và tỉ trọng TSCĐ/Tổng tài sản của DN lớn
Hình 2.7 - Quy mô TSCĐ và tỉ trọng TSCĐ/Tổng tài sản của DNNVV
* Khả năng quản trị và kinh nghiệm hoạt động
Do hầu hết các DNNVV đều sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng để tài trợ cho các hoạt động của mình nên việc đáp ứng các yêu cầu của ngân hàng về khả năng quản trị và kinh nghiệm hoạt động rất quan trọng. Các thông tin này chứng tỏ trình độ quản lý của chủ DNNVV đối với nguồn vốn được cấp ra sao, khả năng điều hành doanh nghiệp, kinh nghiệm của chủ DNVNVV trong lĩnh vực hoạt động chính của mình… nhằm ứng xử với các biến động của thị trường để tạo ra lợi nhuận. Các thông tin về mà chủ DNNVV cung cấp cho bên cho vay càng đầy đủ, càng có chất lượng thì khả năng tiếp cận được vốn vay càng cao. Một số nguyên tắc căn bản cần chứng tỏ với người cho vay để tiếp cận nguồn vốn thông thường như sau:
- Tạo dựng độ tin cậy của doanh nghiệp
Trước mỗi quyết định tài trợ vốn, người cho vay thường căn cứ vào độ tin cậy và uy tín của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp muốn sớm nhận được quyết định tài trợ vốn, thì một bộ tài liệu chứng minh độ tin cậy của doanh
nghiệp là rất cần thiết. Văn bản này càng trung thực và rõ ràng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Các nhà tài trợ sẽ tiến hành xác minh, nếu phát hiện có chi tiết thiếu trung thực, lập tức họ sẽ đặt dấu hỏi về độ tin cậy của doanh nghiệp.Bên cạnh đó, một bộ máy kế toán tài chính hiệu quả cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng độ tin cậy của doanh nghiệp.
- Tạo dựng hình ảnh về năng lực của doanh nghiệp
Nếu doanh nghiệp chứng minh được với các người cho vay vốn về khả năng quản lý, kỹ năng hoạt động, năng lực tài chính cũng như sự nhạy bén trong kinh doanh, thì doanh nghiệp đó sẽ rất thuận lợi trong việc huy động vốn, bởi năng lực doanh nghiệp là một trong những yếu tố tiên quyết mà các nhà tài trợ vốn xem xét và cân nhắc trước khi đưa ra quyết định tài trợ vốn.
Ngoài việc chủ động huy động vốn và trình bày các năng lực kinh doanh, chủ doanh nghiệp còn phải thể hiện cam kết tài chính của doanh nghiệp đối với những hoạt động kinh doanh cụ thể. Nhà tài trợ vốn sẽ luôn nhìn vào giá trị thực của doanh nghiệp và các hệ số chuẩn mực về tài chính.
Chủ doanh nghiệp nên chuẩn bị các bản báo cáo tài chính về hiệu quả kinh doanh, năng lực quản lý (chứng nhận tiêu chuẩn ISO, TQM…)..., bởi chúng là những biểu hiện rõ ràng nhất khả năng của doanh nghiệp trong con mắt các nhà tài trợ. Thông thường báo cáo tài chính chính là hồ sơ sẽ “tiết lộ” hoạt động của doanh nghiệp chủ doanh nghiệp, đồng thời cung cấp những thông tin cần thiết cho các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư hiện tại và tương lai, các chủ nợ,… về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Vì vậy, tính trung thực trong báo cáo tài chính có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
- Hạn chế rủi ro đối với nhà tài trợ vốn
Trong các kế hoạch huy động vốn, vấn đề lo ngại nhất của người cho vay là những rủi ro tài chính do sự biến động của thị trường, như giá ngoại tệ lên xuống thất thường, đồng nội tệ mất giá, thị trường bất động sản thay đổi,
tình trạng trượt giá phi mã,… Các người cho vay vốn sẽ luôn xem xét và suy tính rất kỹ về các rủi ro xấu nhất có thể xảy ra. Chính vì vậy, để giúp các người cho vay sớm ra quyết định, doanh nghiệp nên có các phương án giải thích rõ ràng về tính tối ưu và khả thi của khoản tiền huy động, đồng thời việc giải thích càng chi tiết, rõ ràng bao nhiêu sẽ càng có lợi cho chủ doanh nghiệp bấy nhiêu.
Doanh nghiệp tuyệt đối không nên huy động vốn để trang trải các khoản lỗ của công việc kinh doanh hiện tại, bởi việc này có thể kéo chủ doanh nghiệp lún sâu vào “vũng lầy” với tình trạng khó khăn hơn về tài chính, đồng thời nếu người cho vay phát hiện được việc sử dụng vốn sai mục đích sẽ là một vết nhơ trong lịch sử vay vốn của doanh nghiệp. Thay vào đó, doanh nghiệp có thể cắt giảm các loại chi phí, hợp lý hoá hoạt động kinh doanh sao cho tốt hơn và hiệu quả hơn.
Trong các nguyên tắc căn bản trên, các DNNVV tại Bình Định hầu như yếu kém nhất trong tất cả các khâu, đặc biệt là trong khâu lập Báo cáo tài chính. Để tiết kiệm nhân lực, các DNNVV thường sử dụng dịch vụ kê khai báo cáo tài chính bên ngoài, do một số người có hiểu biết chút ít về tài chính để lập nên các báo cáo này. Các cá nhân này không phải là người của doanh nghiệp, hoạt động bán thời gian, thường chỉ gặp doanh nghiệp khoảng 1 tháng/lần để thu thập các hóa đơn, chứng từ… để lập báo cáo thuế. Việc lập một báo cáo đầy đủ chỉ thực hiện 1 lần/năm và cũng dựa hoàn toàn vào các thông tin do chủ doanh nghiệp cung cấp. Vì vậy, việc thấu hiểu và nắm vững các nguồn vốn, các khoản phải thu, phải trả của doanh nghiệp để cung cấp cho ngân hàng rất thiếu chính xác và thường không đầy dủ. Ngay cả khi doanh nghiệp có một bộ phận chuyên trách kế toán, tài chính thì nhân lực cũng chỉ từ 1 - 2 người và gần như phụ trách toàn bộ. Nhìn chung với thực trạng như vậy, tỉ lệ doanh nghiệp có báo cáo tài chính được kiểm toán rất
thấp, chỉ hiện hữu ở một số ít DNNVV được cổ phần hóa hoặc có sự tham gia góp vốn của nhiều thành viên. Trong tổng số dữ liệu thu thập Báo cáo tài chính của 250 DNNVV, số lượng đơn vị có báo cáo tài chính được kiểm toán chỉ có 6 doanh nghiệp, chiếm tỉ lệ 2,4%. Trong 6 doanh nghiệp này hết 5 đơn vị là công ty cổ phần (Cty CP Cosevco 75, Cty CP Thủy điện Định Bình, Cty CP du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn và Cty CP chế biến gỗ nội thất Pisico), một doanh nghiệp còn lại là Công ty TNHH AVSS nhưng do một chủ doanh nghiệp là người Việt kiều điều hành.
Do vốn được xem như dòng máu lưu thông hàng ngày của doanh nghiệp, “dòng máu” này khi có thặng dư sẽ được chuyển trả lại nơi cung cấp là ngân hàng, khi thiếu và nếu không tìm được nguồn cung ứng kịp thời, hầu hết địa chỉ mà mọi doanh nghiệp tìm đến cũng chính là ngân hàng. Tuy nhiên lúc này ngân hàng cần nắm vững được vì sao “dòng máu” này thiếu, nó đã chảy đi đâu, khi đã sử dụng vào chỗ nào đó (mua sắm vật tư, nguyên liệu, trả nợ, …) thì các chứng từ hoặc hàng hóa tương ứng là gì, mức độ rõ ràng ra sao,… Vì vậy, để tiếp tục cấp vốn, bộ phận tài chính của DNNVV phải hiểu cặn kẽ từng chân tơ kẽ tóc việc phân phối “nguồn máu” đã nhận được, có kế hoạch sử dụng “nguồn máu” mới như thế nào, phương án đó có hiệu quả ra sao,… và cung cấp thông tin cho ngân hàng để nơi này yên tâm giải ngân. Với thực trạng nhân lực làm công tác tài chính kế toán như trên thì các chủ DNNVV không thể có thông tin một cách đầy đủ nhất để cung cấp cho ngân hàng hoặc nếu có cung cấp thì mức độ sai lệch, không chính xác của các thông tin này khá lớn.
Đối với năng lực của chủ doanh nghiệp, người cho vay thường có khuynh hướng tài trợ cho các doanh nghiệp có biện pháp quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương thức hiện đại, bài bản, khoa học. Nếu toàn bộ điều hành, kiểm soát của doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ thông tin,
nếu doanh nghiệp là người có trình độ học vấn cao sẽ được ngân hàng tin cậy tài trợ vốn hơn một chủ doanh nghiệp điều hành theo kiểu “chụp giựt”, “ăn xổi ở thì”, quản lý toàn bộ sổ sách, số liệu trên một cuốn vở học sinh. Tại Bình Định, gần như hầu hết các DNNVV đều có trang bị máy tính và được nối mạng Internet do chi phí lắp đặt các thiết bị này đã giảm khá nhiều trong thời gian qua, tỉ lệ doanh nghiệp có sử dụng máy tính đạt 60% trong năm 2009 đã tăng lên 86% trong năm 2011, trong số 250 DNNVV được khảo sát thì tỉ lệ này đạt xấp xỉ 100%. Tuy nhiên, hầu hết các máy vi tính chỉ được sử dụng làm công cụ soạn thảo văn bản, in ấn tài liệu, thỉnh thoảng có sử dụng thêm các chức năng tính toán đơn giản trong chương trình Excel, số lượng doanh nghiệp được trang bị các phần mềm chuyên dụng để quản lý nhân sự, hàng hóa, công nợ, kế hoạch,… rất thấp, nếu có cũng chỉ cài đặt một số phần mềm lập báo cáo tài chính để theo dõi hàng ngày.
Về trình độ học vấn, nhìn chung các DNNVV ở mức độ tương đối tốt, trong số 250 DNNVV được khảo sát, có trên 70% chủ doanh nghiệp có trình độ đại học, khoảng 2% có trình độ cao học. Các chủ doanh nghiệp còn lại hầu hết vận hành doanh nghiệp đi lên từ các hình thức cửa hàng, cửa hiệu nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất nhỏ do người thân để lại.
Về kinh kinh nghiệm hoạt động, trong số 250 DNNVV được khảo sát, có khoảng 126 doanh nghiệp, tương ứng 50% tổng số DNNVV được khảo sát có thời gian hoạt động < 3 năm, trên 72% doanh nghiệp hoạt động dưới 5 năm, và 91,6% DNNVV có thời gian hoạt động dưới 10 năm. Tuy nhiên khi tính đến thời gian quan hệ với ngân hàng, có 167 doanh nghiệp này có quan hệ với ngân hàng dưới 3 năm, 225 doanh nghiệp, chiếm 90% tổng số DNNVV được khảo sát có thời gian quan hệ với ngân hàng dưới 5 năm. Nhìn chung, với thời gian quan hệ với ngân hàng trên 3 năm thì sự thấu hiểu lẫn nhau giữa các DNNVV và ngân hàng là tương đối đầy đủ.