DNNVV TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
3.2. CÁC GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT
3.2.1. Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin về nguồn vốn
- Đối với việc tiếp cận thông tin về nguồn vốn ngân sách, các khoản vốn được tạm ứng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện nay các doanh
nghiệp phần lớn tiếp cận được các thông tin là quen, tạo quan hệ và được các cá nhân, tổ chức có chức năng phụ trách các mảng công việc này. Vì vậy, chỉ một số các doanh nghiệp có thời gian hoạt động lâu năm trên thị trường, các doanh nghiệp chịu bỏ chi phí bỏ ra để có những thông tin này thì mới khả năng tiếp cận, còn những doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ, mới thành lập thì việc chen chân để có được những nguồn vốn này là rất khó khăn. Do đó, để tạo được sự bình đẳng, đảm bảo tất cả doanh nghiệp đều có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn này thì Chính quyền địa phương nhất thiết phải công bố thông tin về các dự án đầu tư này một cách rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cương quyết mạnh tay với những tổ chức cá nhân cố ý nhũng nhiễu để trục lơi. Nhà nước cần phải giải quyết triệt để nạn tham nhũng, cửa quyền ở các Ban quản lý đầu tư xây dựng, kho bạc và những tổ chức liên quan đến việc quản lý và cung ứng nguồn vốn.
- Các nguồn vốn được tài trợ của các tổ chức nước ngoài như nguồn vốn JBIC, EIB, CBD… cũng tương đối nhiều nhưng tại Bình Định, các DNNVV cũng ít có cơ hội được tiếp cận do các thông tin về vốn từ các nguồn này không được quan tâm nhiều và cũng không có bộ phận nào quan tâm đến việc cung cấp thông tin về tiêu chí lựa chọn bỏ vốn của các quỹ đầu tư. Việc tài trợ vốn của các tổ chức nước ngoài thường là có lãi suất rẻ nhưng đòi hỏi thủ tục tương đối phức tạp và có tính minh bạch cao, hơn nữa các nguồn vốn này thường được tài trợ thông qua các tổ chức tín dụng, các ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng hiện đang trong tình trạng cố ý che dấu hoặc không công khai mức lãi suất giá rẻ của các nguồn vốn hỗ trợ này mà thường ngầm thu lợi về cho họ. Vì vậy, Nhà nước phải công bố, thông tin rộng rãi các nguồn vốn này đến các doanh nghiệp thông qua các hình thức như tuyên truyền trên các phương tiện báo đài, các website của các ngành chức năng của tỉnh, tổ chức tập huấn, phổ biến đến các doanh nghiệp… Có như vậy, các
DNNVV mới có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận các nguồn có chi phí giá rẻ này.
- Các thông tin về vốn vay ngân hàng hiện đang được các ngân hàng công bố và quảng cáo khá nhiều, vì vậy DNNVV hiện cũng không gặp nhiều khó khăn về thông tin của các nguồn vốn vay ngân hàng. Cái khó nhất hiện nay của DNNVV là thiếu thông tin về các loại hồ sơ thủ tục, các điều kiện, phương thức để được vay vốn. Nhà nước có thể giải quyết trở ngại này bằng cách thường xuyên mở các lớp đào tạo về năng lực quản trị điều hành của các chủ doanh nghiệp, ngoài ra chính quyền địa phương cũng có thể phối hợp với các tổ chức tín dụng tổ chức những buổi hội thảo, tọa đàm, các buổi trao đổi thông tin… để các chủ doanh nghiệp có điều kiện nắm rõ hơn các quy định, quy trình, cách thức tiếp cận vốn để từ đó con đường đến với vốn vay ngân hàng của các DNNVV sẽ dễ dàng và rộng mở hơn.
3.2.2. Cải cách thủ tục hành chính
* Nâng cao năng lực cán bộ công chức trong bộ máy quản lý nhà nước
- Để nâng cao năng lực cho cán bộ công chức quan tâm đến sự phát triển DNNVV thì trước hết cần phải tuyên truyền giáo ý thức về sự tồn tại và phát triển DNNVV như là một trong những nhân tố quyết định thúc đẩy sự nghiệp “dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh”.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ công chức về những qui định của pháp luật liên quan đến DNNVV như WTO và toàn cầu hóa, luật doanh nghiệp, luật đầu tư, luật đất đai, luật xây dựng, luật sở hữu trí tuệ... nhằm có kiến thức nền tảng cơ bản trong việc tiếp xúc, giải quyết các khó khăn của DNNVV.
* Cải cách theo hướng tinh giản các thủ tục cần thiết trong việc xử lý các hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp
Trước hết, về mặt quan điểm chung, chính quyền địa phương cần nâng
cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Để thực hiện được giải pháp này, một mặt các cơ quan quản lý Nhà nước cần đổi mới theo hướng chuyển từ trọng tâm phục vụ công tác quản lý Nhà nước sang trọng tâm phục vụ hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, mặt khác, để đảm bảo các doanh nghiệp có thể cạnh tranh một cách bình đẳng giữa các thành phần kinh tế
Các giải pháp cụ thể như sau :
- Công khai và thông báo rộng rãi đến mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV về thông tin kế hoạch đầu tư KTXH tỉnh hàng năm, các nguồn vốn được bố trí cho từng công trình, thời hạn và khả năng ứng vốn cũng như các thủ tục cần thiết để các DNNVV được ứng vốn sau khi tham gia đấu thầu, nhận thầu và hoàn thiện thi công. Các thông tin này nên được công bố rộng rãi trên website các Sở, Ban ngành và ở ở những vị trí dễ nhìn, dễ thấy nhất
- Các thủ tục về thành lập doanh nghiệp; cấp/đổi/gia hạn các giấy phép;
đăng ký, điều chỉnh các giấy tờ về sở hữu, thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất.... cần giải quyết nhanh gọn (hiện nay thời gian cấp, đổi, điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tới 55 ngày làm việc) và thông báo rộng rãi tiến độ cho doanh nghiệp, giúp chủ doanh nghiệp chủ động trong việc hoàn thiện hồ sơ vay vốn hoặc cung cấp các giấy tờ pháp lý cần thiết khi ngân hàng yêu cầu. Điều này sẽ giảm bớt một phần trở ngại cho DNNVV khi tiếp cận nguồn vốn vay.
- Chi nhánh NHNN Tỉnh Bình Định cần phát huy vai trò kiểm tra kiểm soát của mình trong hoạt động huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn. Đồng thời có chế tài nghiêm khắc đối với các tổ chức tín dụng huy động vốn vượt trần cho phép, hạn chế các chi phí huy động vốn trái pháp
luật nhằm giảm chi phí huy động vốn của hệ thống ngân hàng và từ đó giảm lãi suất cho vay.
3.2.3. Đa dạng hóa nguồn vốn
- Ngoài kênh vay vốn từ ngân hàng và các quỹ của Chính quyền, cần phát triển rộng rãi hơn hình thức huy động vốn từ cổ phần hóa nhằm giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn giá rẻ và kỳ hạn dài, phù hợp cho các phương án đầu tư phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Trước mắt cần khảo sát và tư vấn các doanh nghiệp hạng vừa về các thủ tục và lợi ích của loại hình huy động vốn này.
- Đối với việc huy động vốn từ trái phiếu, hình thức này tương đối quá tầm của DNNVV và ngay cả đối với các doanh nghiệp lớn do quy mô yêu cầu một phần phát hành rất lớn từ 300 - 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu nhiều doanh nghiệp nhỏ với đầu mối là Hiệp hội ngành nghề có thể tạo thành “bó đũa” để sử dụng biện pháp huy động này. Về hình thức thực hiện chắc chắn cần nhiều thời gian để thảo luận và cân nhắc, nhưng đây là biện pháp huy động vốn đáng lưu ý với ưu điểm lãi suất chắc chắn ưu đãi hơn vốn ngân hàng và kỳ hạn vay vốn rất dài (từ 5 - 10 năm).
- Một nguồn vốn khác không thể không để tâm đến là đầu ra của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy Bình Định có bất lợi là ở xa địa bàn trú đóng của các quỹ này, tuy nhiên nếu biết tận dụng các thế mạnh riêng biệt về ngành nghề, đặc điểm hoạt động của mình, các DNNVV tại Bình Định vẫn có cơ hội được các quỹ này để mắt đến. Ví dụ, hiện nay Bình Định là khu vực có nhiều mỏ quặng Ilmenite và hoạt động khai thác chế biến xỉ titan đã được quy hoạch tương đối bài bản, nếu các doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, có hồ sơ giới thiệu doanh nghiệp đầy đủ, minh bạch, chi tiết các lợi ích khi góp vốn, đội ngủ quản lý được đào tạo quy củ, bài bản thì chắc chắn các quỹ đầu tư sẽ đưa vào danh sách xem xét. Một đặc điểm của các quỹ này mà các
DNNVV tại Bình Định có thể tận dụng là nguyên tắc đa dạng hóa rủi ro khi đầu tư, do đó, khi đã tập trung quá nhiều vào các doanh nghiệp xung quanh TPHCM và Hà Nội, một phần vốn đầu tư vào các tỉnh miền Trung như Bình Định sẽ là phương án phân tán rủi ro phù hợp.
- Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai hình thành Quỹ phát triển DNNVV. Đây là hướng hỗ trợ tài chính đã được dự trù từ năm 2006 nhưng việc hình thành vẫn kéo dài quá lâu do các hình thức góp vốn, quản lý nguồn vốn cho quỹ này vẫn còn trong quá trình tranh cãi. Chắc chắn quỹ phát triển DNNVV sẽ là nơi được nhiều doanh nghiệp tìm đến. Tuy nhiên, cần đảm bảo hoạt động của quỹ phải đảm bảo nguyên tắc có lợi nhuận, không thực hiện cấp vốn theo cơ chế xin cho và tuân thủ đầy đủ các quy định quản lý quỹ của pháp luật hiện hành.
3.2.4. Nâng cao năng lực quản trị của chủ doanh nghiệp
- Các trung tâm đào tạo của tỉnh như Đại học Quy Nhơn, Trung cấp kế toán nên khảo sát nhu cầu đào tạo về lập kế hoạch kinh doanh, quản lý kế toán tài chính của các DNNVVV từ đó lên các chương trình đào tạo ngắn hạn đáp ứng đúng mong muốn của doanh nghiệp, góp phần xây dựng lớp nhân viên tài chính kế toán, kế hoạch tổng hợp vừa nắm vững nghiệp vụ, vừa bắt kịp các chuẩn mực quản lý trong thời đại mới. Các lớp cán bộ này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt các yêu cầu quản trị tài chính từ phía ngân hàng khi cho vay. Do đặc điểm các DNNVV thường tiết giảm tối đa chi phí, do đó kinh phí của các khóa học này có thể lấy từ Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ hoặc Quỹ hỗ trợ DNNVV nếu được hình thành trong tương lai.
- Đẩy mạnh việc thực thi Quyết định số 1690/QĐ-CTUBND ngày 10/08/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc phê duyệt Dự án khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bình Định giai đoạn
2011-2015. Theo đó, phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu của dự án là thu thập thông tin, điều tra khảo sát hiện trạng khoa học tại 110 doanh nghiệp trong tỉnh (chọn mẫu đại diện). Trong đó có sự hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phần mềm quản trị nguồn lực, phục vụ quản lý sản xuất, doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh.
3.2.5. Phát huy vai trò bảo lãnh vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB)
- Hoàn thiện các cơ chế xử lý các khoản bảo lãnh cho DNNVV gặp các khó khăn do khách quan như thiên tai, lũ lụt, mưa bão… nhằm giúp các Chi nhánh VDB sớm có phương án xử lý các khoản nợ của các doanh nghiệp này tại các ngân hàng, tạo dựng niềm tin vào hiệu lực của Thư bảo lãnh do VDB cung cấp. Có như vậy, việc giải quyết khó khăn về TSĐB cho các DNNVV khi vay vốn ngân hàng sẽ được khơi thông.
- Về phía doanh nghiệp, cần quán triệt việc phải trả thêm khoản phí 0,05%/số tiền được bảo lãnh là chi phí thông thường khi một dịch vụ hiệu quả như thế được cung cấp và chi phí bảo lãnh này là rất thấp. Phần lớn các Ngân hàng thương mại hiện đều thu tối thiểu 0,8%/năm cho một thư bảo lãnh phát hành ra. Tuy nhiên, cần cải cách các thủ tục thẩm định để được cấp bảo lãnh nhằm hạn chế chi phí thực hiện thủ tục cho DNNVV, ví dụ nên quy định rõ ràng, minh bạch các loại giấy tờ cần thiết ngay khi doanh nghiệp đến tìm hiểu tại VDB, bộ hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh có thể chỉ nộp một lần tại VDB được xem như đảm bảo tính pháp lý, các Ngân hàng khác khi cho vay đảm bảo bằng bảo lãnh của VDB sẽ sử dụng lại một phần các giấy tờ của hồ sơ này, doanh nghiệp chỉ cần bổ sung các giấy tờ khác chưa nộp/chưa có trong hồ sơ xin cấp bảo lãnh vay vốn.
3.2.6. Các nhóm giải pháp khác
- Nếu đứng riêng lẻ mỗi doanh nghiệp, các DNNVV đều yếu và rơi vào
tình trạng thiếu vốn, tuy nhiên nếu nhiều DNNVV có mối quan hệ cộng sinh (đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác) sẽ giải quyết được đáng kể đầu ra và đẩy nhanh vòng quay luân chuyển vốn. Hoặc các DNNVV có thể nằm trong sự liên kết với một doanh nghiệp lớn, nhằm tận dụng nguồn vốn ứng trước của doanh nghiệp này (trong mọi hợp đồng kinh tế đều có thể có điều khoản đặt cọc hoặc ứng trước để thực hiện hợp đồng), khoản vốn ứng ứng trước nhỏ của một doanh nghiệp lớn có thể là cứu cánh cực kỳ hữu dụng đối với doanh nghiệp nhỏ.
- Các giải pháp về hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, liên kết doanh nghiệp giữa các tỉnh trong khu vực,… tuy không trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nhưng sẽ giúp doanh nghiệp có biện pháp quản lý vốn hiệu quả hơn theo hướng sử dụng tiết kiệm, khoa học, chi tiêu đúng chỗ vào mục tiêu phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này cũng hữu ích không kém các biện pháp hỗ trợ tiếp cận vốn.
- Miễn giảm thuế cần thực hiện kịp thời, đúng đối tượng và có sự thưởng/phạt kịp thời các DNNVV chấp hành đúng/sai quy định, chẳng hạn như DNNVV nộp thuế đầy đủ, đúng hạn sẽ được gia hạn thời gian nộp thuế trong các kỳ tiếp theo và ngược lại. Khoản thời gian này cần phù hợp nhằm tránh tạo tư tưởng chây ì cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn cho phép doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn chậm nộp trong thời gian nhất định để hoạt động sản xuất kinh doanh.