Chương 3. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CỐT TRUYỆN TRUYỀN
3.2. Các ki ểu nhân vật Voi
3.2.1. Ki ểu nhân vật Voi trung thành với chủ
Lúc đầu, Voi là con vật hung dữ sống trong rừng, thường xuyên quấy nhiễu cuộc sống của người dân. Chúng là loài động vật hoang dã, to lớn, mỗi lần xuất hiện đều gây tai họa cho con người, những người bình thường không thể bắt và thu phục được chúng. Voi trở thành một loài động vật hung dữ, có sức mạnh ghê gớm mà chỉ có những con người kiệt xuất, đủ tài đức mới có thể làm chung quy phục và phục vụ với tất cả lòng trung thành. Trong các truyền thuyết, những con voi vốn to lớn, chuyên phá phách hại người, đứng trước những người anh hùng
bỗng trở nên thật hiền lành, nhỏ bé và biết nghe lời. Khi nghe các vị tướng quân tài ba dựng cờ khởi nghĩa thì chúng tự tìm đến, quy hàng. Từ đó, chúng cùng chủ tướng của mình xông trận đánh giặc, một lòng trung thành với chủ.
Con vật vốn dĩ cũng có tình cảm như con người. Tuy nó không thể hiện tình cảm bằng ngôn ngữ nhưng thông qua các hành động ta có thể cảm nhận được tình cảm của nó. Một trong những đức tính tuyệt vời của loài vật đó chính là lòng trung thành.
Bất kể trước đây, con Voi có hoành hành ngang dọc, có quấy nhiễu dân làng đến đâu đi chăng nữa nhưng sau khi được thuần phục nó cũng đã thay đổi.
Nó biết nghe lời hơn và tuân thủ nội quy như một người lính. Thời gian gắn bó giữa nó với chủ tướng hay với người quản tượng cũng giúp nó thêm gần gũi và biết suy nghĩ hơn.
Trong truyện “Con Voi và người quản tượng già”, làm chúng ta xúc động vô cùng. Hành động tự nguyện chịu đau đớn của con Voi già là một hành động giàu tình nghĩa. Sau bao nhiêu năm không gặp, con Voi già nhận ra người quản tượng năm xưa đang trong cảnh nghèo túng. Nó muốn giúp đỡ ông ấy, nên nó nói với người quản tượng hãy gỡ ba cái đai vàng đeo ở cổ nó ra. Nhưng người quản tượng từ chối vì biết rằng nếu làm thế, con Voi sẽ phải chịu đau đớn. Ông cứ từ chối, nhưng con Voi lại hết sức năn nỉ. Rồi người quản tượng cùng con trai gỡ được hai đai vàng ở cổ Voi ra, máu chảy đầm đìa. Người quản tượng đã ôm chầm lấy con Voi mà khóc. Sau khi giúp đỡ được người quản tượng già, Voi chảy thẳng vào rừng. Dường như ở đây ta không nhìn thấy bóng dáng của sự tàn ác, dữ tợn vốn có của Voi nữa. Mà trước mắt ta là một con vật với tấm lòng nghĩa hiệp, biết cảm thông, biết giúp đỡ người khác trong khó khăn, hoạn nạn.
Trong truyện “Con Voi của Trần Hưng Đạo”, chúng ta cảm nhận được tình nghĩa gắn bó giữa vị chủ tướng tài ba với người lính đặc biệt của mình. Dù bị sa lầy, không thể nào đi được nữa nhưng con Voi vẫn như năn nỉ được tiếp tục lên đường đi đánh giặc. Nó vẫn muốn được cùng chủ tướng xông pha ra trận. Chính
hành động kiên cường này của con Voi và sự cổ vũ nhiệt tình của quân sĩ, của nhân dân đã tiếp thêm sức mạnh cho Trần Hưng Đạo. Ở đây, lòng trung thành của con Voi chính là ý chí muốn tiếp tục được ở bên chủ tướng. Nó phải chịu đau đớn nhưng vẫn muốn được tiếp tục hành quân. Tiếng rống vang của nó như chính là tiếng lòng của nó. Nguyện vọng muốn được kề vai sát cánh bên chủ tướng trong trận chiến này hiện rõ trong ánh mắt năn nỉ của nó.
Còn trong “Chú Voi què hóa núi”, hình ảnh một chú Voi bị què vẫn lưu luyến, không chịu dừng lại, cố lết theo nhà vua cho đến khi kiệt sức đã đủ để chứng minh sự trung thành của loài vật này. Ở đây, con Voi hiện lên với đầy đủ phẩm chất của một người lính kiên cường, dù thể xác đau đớn vì thương tích nhưng tấm lòng trung quân vẫn mãi sáng ngời.
Hay là trong truyện “Bà Triệu”, cũng xuất hiện một con Voi trắng một ngà từ ruộng sâu, nổi tiếng hung dữ. Thế nhưng, nó đã được Bà Triệu thuần phục.
Kể từ đó, bà cưỡi con Voi này ra trận đánh giặc và dành nhiều tình cảm cho nó.
Đối với loạt truyện về nữ anh hùng Bùi Thị Xuân, chúng ta cũng nhận thấy được hình ảnh những chú Voi hung dữ, sống tự do trong rừng được bà thuần phục và huấn luyện. Cùng với một đội quản tượng toàn là nữ, chế độ huấn luyện nghiêm ngặt đã tạo ra được một đàn Voi chiến hơn trăm con tuân theo kỉ luật, hăng hái ra trận và hết mực nghe lời chủ tướng. Khi vua Gia Long bắt con Bạch tượng mà bà thường cưỡi ra làm nhiệm vụ hành quyết bà, nó đã quỳ xuống vái lạy bà, rống lên một tiếng kinh hồn, quật chết người quản tượng, định cướp pháp trường nhưng không thành nên nó chạy vào rừng sâu. Hành động này của con Voi quả thật cao cả, giàu tính nhân văn. Nó cư xử như một con người thực sự.
Đầu tiên, nó vái lạy chủ như lời từ biệt, lời cảm ơn. Tiếng rống kinh hồn đó chính là tiếng lòng của nó, nó đang đau đớn đến tột cùng. Nó dám kháng chỉ vua, quật chết tên quản tượng, tính cướp pháp trường để cứu chủ. Hành động dũng cảm này của nó thể hiện tấm lòng trung thành cao độ. Nó bỏ chạy vào rừng sâu vì không cứu được chủ, vì không muốn nhìn chủ bị giày vò phải chịu đau
đớn. Chạy trốn khỏi pháp trường, trở lại với rừng xanh nơi trước đây nó đã từng sinh sống là cách duy nhất nó có thể làm lúc này. Chúng ta có thể cảm nhận được sự đau đớn tột cùng trong lòng con vật này.
Các con Voi dũng mãnh theo hầu chủ tướng, cùng đoàn quân đánh giặc khắp nơi nhưng khi bị thương vẫn một lòng trung thành, vẫn muốn tiếp tục được đi đánh giặc. Nhưng do vết thương quá nặng, chúng thường nằm phủ phục trên một đỉnh núi nào đó, đợi chủ cho đến chết.
Những con voi ấy không phải là những con vật vô tri, chúng có nhận thức rõ ràng, chúng biết thế nào là chính nghĩa, chúng nhận ra những con người anh hùng, hào kiệt – chỉ những con người ấy mới xứng đáng trở thành chủ của chúng. Những con voi ấy hung dữ, chúng hoang dã và tưởng như bất trị nhưng trước mặt các vị anh hùng chúng sẵn sàng quỳ gối phục tùng. Qua hình tượng con voi trung thành, nhân dân ta muốn khẳng định sự kính trọng với những người anh hùng như Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân…, khẳng định sự chính nghĩa trong sự nghiệp của Bà Triệu, Quang Trung, Lê Lợi… Thông qua hành động quy phục của những con voi hoang dã, nhân dân muốn cất lên tiếng nói ngợi ca, tiếng nói ủng hộ với những con người ấy, với sự nghiệp chính nghĩa ấy.
Hàng ngàn năm nay, bao thế hệ nhân dân Việt Nam vẫn suy tôn những anh hùng lịch sử ấy, những câu chuyện cảm động về các vị tướng và những con voi trung thành ấy, khi đọc lên ta vẫn còn đó những niềm xúc động. Những con voi ấy có tình cảm, có chính kiến, chúng chỉ thờ những người xứng đáng. Vì chủ mình, chúng sẵn sàng hi sinh cả tính mạng, không tiếc xương máu của mình.
Chú voi què của Nguyễn Huệ dù bị thương nặng vẫn một lòng muốn cùng chủ xông pha nơi chiến trận.
Tuy bị què nhưng chú Voi vẫn cứ quỳ hai chân trước xuống để nghênh đón nhà vua lên. Vua Quang Trung thấy Voi bị thương nặng lại vẫn như năn nỉ được tiếp tục đưa nhà vua đi đánh giặc thì vô cùng cảm kích. Nhà vua xoa xoa đầu vào đầu Voi, vuốt nhè nhẹ lên chiếc ngà dài, nói như với bề tôi:
- Ngươi đã theo ta đánh đông dẹp bắc, trên mình đầy chiến tích vinh quang. Ta rất lấy làm biết ơn. Nay không may nhà ngươi bị ngã què, không thể cùng ta ra trận được. Hãy nằm lại đây nghỉ ngơi, chờ ta đánh xong giặc xâm lăng sẽ quay về chữa cho ngươi khỏi rồi cùng ta trở về Phú Xuân.
Vua Quang Trung nổi hiệu lệnh xuất quân. Các cánh quân hùng hổ hướng Thăng Long thẳng tiến. Chú Voi què nghe lời vua nói, hiểu ý vô cùng cảm kích, lết theo đoàn quân một đoạn nữa rồi không thể nào đi được, hóa thành núi đá, hướng đầu về phía Thăng Long.
Trong các truyền thuyết cuối cùng những con voi trung thành đều hi sinh anh dũng, nhưng chúng mãi không bao giờ chết trong lòng những người chủ của nó và cả ngàn năm sau cũng vậy. Thời gian cứ trôi, nhưng lòng người mãi không quên. Tượng đá kia bao năm vẫn còn đó, câu chuyện về chú voi què năm xưa chưa bao giờ phai mờ trong trái tim hàng triệu con người Việt. Mỗi lần nhắc đến núi Voi phục, ta mãi không quên chú Voi què trung thành ấy – nó đã cùng vua Quang Trung chinh chiến khắp nơi, đuổi bọn xâm lược. Tượng đá như tấm bia đá ghi lại sự biết ơn, kính trọng của những người dân Việt với công lao to lớn ấy.
Những con Voi ấy, từ đầu đến cuối chúng chỉ thờ có một chủ. Kể cả đến khi chết cũng vẫn giữ mãi lòng trung thành, không bao giờ đổi thay. Dẫu cho chủ của nó đã hi sinh đi nữa. Con Voi trong truyền thuyết “đèo Rọ Tượng” là một ví dụ. Truyền rằng khi đánh thắng nhà Tây Sơn, vua Gia Long lên ngôi đã cho lệnh rước mười hai con Voi đang ở đất Khánh Hòa của nữ đô đốc Bùi Thị Xuân, đem về chầu ở kinh đô. Khi đi đến đèo cao, có con bỗng nhiên đứng lì không chịu đi tiếp theo đàn nữa. Nó cứ đứng một chỗ như vậy từ ngày này đến ngày khác, mặc cho người quản tượng hết sức năn nỉ. Một tuần sau, Vua ban lệnh; “Không tuân Vua là kháng lệnh, phạm thượng khi quân”, nên sai đóng rọ tại chỗ cho chết rục. Từ đó, nhân dân gọi cái đèo đó là đèo Rọ Tượng để tưởng nhớ đến con Voi trung thành. Hành động đứng lì ra đó, nhất định không chịu
bước tiếp chứng tỏ quyết tâm sắt đá trong lòng con vật này. Nó thà chịu phạt trong đau đớn cho đến chết chứ không “bán mạng cầu vinh”, không thờ hai chủ.
Nữ tướng Bùi Thị Xuân bị Gia Long giết chết, dường như những con Voi của bà cũng cảm nhận được điều này. Chủ của nó đã chết thì nó cũng mãi sẽ ở lại đây, chết ở chính nơi này, chứ không phục vụ cho kẻ khác, nhất là những kẻ đã giết bà. Dù cho có phải chết rục chứ nhất quyết không chịu rời đi. Người có thể ra lệnh cho Voi, người có thể khiến Voi phục tùng, chỉ có Bùi Thị Xuân. Dù Gia Long có là Vua đi nữa, là chủ của cả thiên hạ, nhưng cũng không thể điều khiển được nó.
Tóm lại, nội dung của những câu chuyện này cũng tương đối đơn giản và dễ hiểu. Nội dung chính nhằm ca ngợi sự thay đổi tính cách của các con Voi, ca ngợi lòng trung thành bất diệt của Voi.
Trong những truyền thuyết ấy, Voi gắn bó với những người anh hùng không chỉ bằng sự phục tùng trung thành của mối quan hệ chủ - tớ, mà còn như những người bạn chiến đấu cùng vào sinh ra tử, cùng chung chí hướng chống giặc xâm lược, bảo vệ đất nước.
Bùi Thị Xuân hiểu là voi tỏ cử chỉ tạ ơn và thuần phục, nên bà vỗ lên đầu voi nói một cách thân ái;
- Bạch Tượng, từ đây chúng ta sẽ trở thành bạn thân nhé?
Như hiểu biết tiếng người, voi trắng đưa vòi cạ vào vai Bùi Thị Xuân rồi đứng dậy vươn vòi thét lên mấy hồi vang xa khắp núi rừng. Từ phía xa, tiếng chân chạy rầm rập, cây rừng xào xạc, rồi một đàn voi xuất hiện chung quanh Bạch Tượng. Sau một tiếng thét dài của Bạch Tượng, đoàn voi đồng loạt quỳ xuống, co vòi như hành lễ bái kiến Bùi Thị Xuân. Trước cảnh tượng bầy voi rừng tạ ơn cứu tử cho chúa đoàn, lòng bà Bùi Thị Xuân ban đầu bỡ ngỡ sau đến vui mừng. Đàn voi theo bà về làng Xuân Hòa…
Sự xuất hiện của những con Voi giúp tô điểm thêm vẻ đẹp của những người anh hùng trong lịch sử, nhuốm chút màu thần thoại cho những câu chuyện
được lưu truyền trong dân gian. Sự xuất hiện của những chú Voi bên cạnh những nhân vật lịch sử càng khiến họ trở nên mạnh mẽ, huy hoàng, đầy khí thế.
Từng bước chân voi rầm rập, dũng mãnh, hiên ngang đã xuất hiện trong các trận chiến chống giặc ngoại xâm của Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung, Bùi Thị Xuân,…
…Bầy voi lúc trước ở thành Phú Xuân vì lo bảo vệ vua nên chỉ giữ thế thủ, lúc này được dịp chiến đấu nên mặc sức tung hoành. Cả đàn thét lên vang dậy, rồi xông vào đoàn ngựa đang rầm rộ chạy đến. Trước đàn voi hung dữ, ngựa thất kinh lồng lộn, hí vang trời, rồi quay mình bỏ chạy. Quân Nguyễn không đánh mà tan…
Voi của Vua Lê Lợi đã giúp vua đánh tan giặc Minh“đàn voi chiến của vua Lê trở nên có sức khỏe như một đàn voi thần, tiến đến đâu xéo nát thành trì quân Minh đến đó…
Tóm lại, những truyền thuyết về Voi Việt Nam mà chúng tôi đã sưu tầm được đa số đều thể hiện phẩm chất trung thành của Voi, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa con người và Voi. Sự hoang dã, hung dữ của Voi hầu hết đều được con người thuần hóa, thu phục. Voi đóng một vai trò khá quan trọng, góp công lớn trong những trận chiến của những nhân vật lịch sử. Cho đến ngày nay, những con Voi ấy vẫn gắn liền với tên tuổi, với những câu chuyện về những anh hùng năm xưa.
Hình ảnh những chú Voi to lớn, nặng nề nhưng thực sự có tấm lòng trung thành và nghĩa hiệp. Chúng hết lòng phục vụ minh chủ, cũng sẵn sàng hi sinh khi cần thiết. Chúng hiểu và luôn tìm cách giúp đỡ những người bên cạnh mình.
Ở kiểu Voi này, chúng ta nhận thấy rằng giữa người và vật có mối quan hệ thân thiết. Mối quan hệ này được xây dựng từ những hành động đẹp của con người. Đàn Voi của nữ tướng Bùi Thị Xuân hùng mạnh, nghe theo mệnh lệnh của bà là do lúc trước bà đã ra tay cứu giúp con Voi đầu đàn. Nữ tướng đã xem con Voi đầu đàn như một người bạn hiền. Bà nói chuyện với con Voi một cách
thân ái: “Bạch tượng, từ đây chúng ta sẽ trở thành bạn thân nhé?”. Tình cảm, cách đối xử đầy tình nghĩa của bà đã khiến cho con Voi cảm nhận được. Chính vì thế mà con Voi này đã tận trung, hết lòng vì chủ.
Con Voi của vua Quang Trung hay của Trần Hưng Đạo đều nhận được sự đối đãi tử tế của con người. Con vật này tuy to lớn, hung dữ nhưng lại có trái tim tình nghĩa, biết đền đáp công ơn chăm sóc, nuôi dưỡng.
Như vậy, kiểu nhân vật Voi này xuất hiện trong truyền thuyết với các hành động đẹp, giàu tình nghĩa. Nhìn những con Voi trong các câu chuyện trên, chúng ta cảm thấy rằng nó cư xử như những con người thực sự. Nó có suy nghĩ, tình cảm và lòng trung thành tột đỉnh. Những con Voi dưới sự điều khiển, huấn luyện của minh chủ đã thực sự trưởng thành; bản tính hoang dã dần nhường chỗ cho tính kỉ luật và lòng trung nghĩa. Chính điều này đã góp phần tạo nên động lực và sự giúp đỡ cho các vị minh tướng trong việc đánh đuổi kẻ thù.