Chương 3. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CỐT TRUYỆN TRUYỀN
3.3. Các mô típ tiêu bi ểu
3.3.4. Mô típ Voi khóc
Trong tổng số 16 truyện, chúng tôi nhận thấy có 3 truyện xuất hiện hình ảnh Voi khóc.
Trong tiểu loại mô típ về Voi chiến, chúng tôi thấy Voi thường khóc khi bị thương và không thể tiếp tục lên đường đi đánh giặc với chủ tướng. Điều này chứng minh cho ta thấy con vật này sau khi được huấn luyện, trong chúng hình thành nên những phẩm chất đặc biệt như một người lính thật sự. Chúng chịu đựng sự đau đớn về thể xác nhưng vẫn quyết tâm và mong muốn được ra trận đánh giặc. Tinh thần dũng cảm của con vật này đã trở thành động lực cho các vị chủ tướng. Những giọt nước đầy tình nghĩa thể hiện bản lĩnh kiên cương của các chú Voi chiến.
Trong truyện “Chú Voi què hóa núi”, nói về con Voi trắng một ngà của vua Quang Trung, bị thương nặng nên không thể tiếp tục cuộc hành quân ra Bắc. Dù
thế nó vẫn nghênh vòi lên và ánh mắt như năn nỉ nhà vua cho nó được tiếp tục đi đánh giặc. Nhà vua vô cùng xúc động trước cử chỉ này của người bạn đồng hành. Dường như ở đây, không có chỗ cho tình cảm chủ - tớ, con người – con vật, mà là tình cảm của những người bạn, những người đồng đội cùng chung chí hướng.
Trong truyện “Con Voi của Trần Hưng Đạo”, nói về con Voi của Trần Hưng Đạo bị sa lầy nên không thể tiếp tục hành quân. Khi vị tướng bỏ Voi lại, nó đã rống lên và ứa nước mắt nhìn theo vị chủ tướng. Hành động đầy xúc động của con Voi này thể hiện khát khao muốn được tiếp tục cùng chủ tướng đi đánh giặc. Đó là những giọt nước mắt đầy tiếc nuối khi nó phải ở lại một mình để dưỡng thương. Bản chất của một con Voi chiến anh dũng, mạnh mẽ nhưng chứa chan nghĩa tình đã trở thành một động lực cho các chủ tướng. Hành động rống lên rồi nhỏ xuống những giọt nước mắt như là bộc lộ sự tiếc nuối trong lòng.
Trước khi khóc, Voi thường rống lên thảm thiết. Tiếng rống đó chính là tiếng lòng của nó. Sau tiếng rống đó là những giọt nước mắt rơi xuống. Những giọt nước mắt của hai con Voi trên thể hiện sự nuối tiếc khi chúng bị thương phải ở lại, không được tiếp tục ra trận cùng đoàn quân. Đối với một người lính thực sự, việc không thể đi đánh giặc nữa là một nỗi đau lớn. Khát khao, hoài bão gây dựng nên chiến tích bị dừng lại vì vết thương là một nỗi đau về tinh thần đối với những con vật này.
Không chỉ có Voi chiến khóc khi không thể tiếp tục sự nghiệp đánh đuổi giặc thù, mà Voi còn khóc khi thấy chủ tướng của mình bị hành hạ. Hình ảnh cảm động biết bao khi giữa pháp trường con Voi không chịu giày nữ tướng Bùi Thị Xuân – người chủ của mình bị vua Gia Long khép vào tội hình. Bà phải gọi nó, vỗ về: “Mi hãy giết ta, nếu không mi sẽ chết oan, ta tha tội cho mi”. Con Voi chiến cúi đầu, cong vòi, bái bà ba cái, nước mắt giàn giụa, rồi dùng vòi quấn bà tung lên cao, đưa cặp ngà nhọn đón chủ, để bà chỉ đau một lần khi chết. Sau đó, Voi tìm cách phá xích chạy vào rừng sâu. Hành động nghe lời miễn cưỡng của
con Voi trong hoàn cảnh này thật đau đớn. Dường như nó cảm nhận được sự đau đớn của chủ nó. Nó nghe lời, nuốt nước mắt để hành động. Từ trước đến giờ, nó vẫn tuân lệnh bà. Nhưng lần này, thực sự nó nghe lời trong sự đau đớn tột cùng.
Chúng ta hiểu thấu được tấm lòng trung nghĩa, nghe lời chủ đến phút cuối cùng của con Voi. Sau khi chủ tướng chết, nó cũng bỏ chạy vào rừn sâu. Đó giống như một cách giải thoát cho chính mình trước nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn mà nó phải chịu đựng. Nước mắt giàn giụa, đau nhói khi chính mình phải ra tay với người chủ đã gắn bó bấy lâu nay là một sự thử thách quá lớn đối với con vật nghĩa tình này.
Trước khi nhỏ xuống những giọt nước mắt, con Voi thường rống lên những tiếng thảm thiết, vang động cả trời đất. Và chúng đưa cặp mắt hiền từ, đầy lưu luyến để nhìn chủ tướng. Chứng tỏ rằng chúng thật sự đau đớn, xót xa.
Còn trong truyện “Con Voi và người quản tượng già”, chúng ta cảm động trước tình cảm tuyệt vời của một con Voi già với người quản tượng năm xưa.
Sau một thời gian dài lưu lạc, con Voi già gặp lại Đội Mậu trong rừng, nó lấy vòi quấn ngang bụng ông, cắm ngà xuống đất, chảy nước mắt, tỏ tình thương nhớ. Đó là những giọt nước mắt nghĩa tình, giọt nước mắt mừng tủi vì được gặp lại người thân sau những ngày tháng xa cách. Ở đây, con Voi giống như một con người thật sự, có cảm xúc, có mong chờ, thương nhớ. Nó đã khóc như một đứa trẻ lâu ngày mới được gặp mẹ. Đến đây, hình ảnh một con vật to lớn, hung dữ dường như không còn nữa. Trước mắt chúng ta là một con vật có trái tim với những nhịp đập đầy cảm xúc.
Đâu phải chỉ con người mới biết yêu, biết ghét, biết thương, biết nhớ, biết cười, biết khóc. Con vật cũng có cảm xúc, suy nghĩ đầy tính nhân văn như thế.
Tuy nó không biểu hiện bằng ngôn ngữ nhưng thông qua hành động đã đủ để thể hiện lòng trung thành và những nghĩa tình mà nó dành cho chủ.
“Khóc” là hành động thể hiện sự buồn bã, nuối tiếc hay là nhớ mong. Nó phải xuất phát từ trái tim chân thành. Đó là một hành động đẹp của một con vật
vốn sống hoang dã và ngông cuồng. Khóc là cách con vật bộc lộ tình cảm, cảm xúc đối với người mà nó yêu quý.