CHƯƠNG I NH ỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ PHÁT TRIỂN CÂY CÀ PHÊ VÀ S Ự
1.2. Quá trình du nh ập cây cà phê và phát triển cây cà phê ở Đắk Lắk
2.1.4. Quy trình chăm sóc
Khâu chọn giống rất phức tạp, tỉ mĩ nhưng chỉ mới quyết định năng suất dự kiến, phẩm chất của hạt, gieo trồng là tiền đề cho sự thích nghi và phát triển của cây cà phê. Còn quy trình chăm sóc sẽ quyết định năng suất và phẩm chất thật của cà phê. Quy trình chăm sóc có những khâu cơ bản sau:
- Làm cỏ : Là một trong những phương pháp chăm sóc hiệu quả nhằm tránh bốc hơi nước, giữ ẩm cho đất và hạn chế cỏ dại. Cỏ dại tồn tại sẽ cạnh tranh dinh dưỡng, nước của cây cà phê.T hời gian làm cỏ thích hợp nhất là trong mùa mưa để tới đầu mùa khô cỏ mọc lại sẽ có một lớp cây xanh phủ cho đất khỏi bị hiện tượng bốc hơi mặt đất.
Tuy nhiên việc làm cỏ chỉ có hiệu quả đối với các loại cà phê trồng mật độ thưa, nhưng nếu trồng cà phê với mật độ dày và trong 2 năm đầu lại trồng xen, trồng gối các cây ngắn ngày thì cỏ sẽ không thể mọc, từ năm thứ 2 – 3 trở đi, do cây đã giao tán nên cỏ không thể mọc được. Thông thường, cà phê trong giai đoạn sinh
trưởng cần làm cỏ từ 4 đến 6 lần/ năm, cỏ được làm trên hàng cà phê. Đối với một số loại cỏ dại lâu năm như cỏ tranh, cỏ gấu thì cần sử dụng thuốc diệt trừ cỏ để đạt hiệu quả tốt.
- Tủ gốc: Mục đích của việc tủ gốc là để giữ độ ẩm cho đất và tạo ra chất mùn cung cấp cho cà phê sinh trưởng. Nguyên liệu dùng tủ gốc cà phê thông thường là rơm, vỏ lạc, thân bắp. Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên năm 1982 đã tiến hành thí nghiệm tủ gốc trên cà phê vối với 10 kg rơm/ cây trong vòng 3 năm liên tục. Kết quả cho thấy những cây được tủ gốc sinh trưởng mạnh hơn những cây cà phê không được tủ gốc, bộ rễ cà phê cũng phát triển tốt hơn do đảm bảo được yêu cầu về độ ẩm. Vì vậy tủ gốc có ý nghĩa hết sức quan trọng đặc biệt là mùa khô ở Đắk Lắk kéo dài nên khâu tủ gốc có tác dụng lớn trong việc bảo vệ nguồn nước trong đất, chống cỏ dại, chóng mất phân do bay hơi. Mặt khác,còn có thể thay thế một lượng phân bón hóa học bởi lớp phủ đã tự chuyển hóa thành mùn, cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cây cà phê. Ngay sau khi trồng mới, tiến hành tủ gốc ngay để đề phòng các tiểu hạn. Song bước vào thời kỳ cuối của mùa mưa, đầu mùa khô còn phải tiến hành tủ gốc giữ ẩm. Vào cuối mùa mưa, người ta làm cỏ sạch gốc, trên hàng,giữa hàng để lấy nguyên liệu hữu cơ. Để tiến hành tủ gốc cho vườn cà phê, cần tủ một lớp dày từ 20–30 cm, đường kính của thảm tủ rộng ra ngoài bộ tán của cà phê từ 20–30 cm, lớp nguyên liệu tủ cách gốc cà phê chừng 10 cm để chống mối làm hại cây. Trên bề mặt lớp tủ cần đắp len một lớp đất mỏng để tăng khả năng giữ ẩm, chống cháy và chống gió làm bay mất rác tủ.[72, tr. 21]
Ngày nay, quá trình làm cỏ và tủ gốc vẫn được kế thừa như trước kia, tuy nhiên để không mất thời gian, người trồng cà phê đã sử dụng phương tiện máy móc như máy cắt cỏ và chất hóa học như phun thuốc diệt cỏ, tuy có lợi về mặt thời gian nhưng gây tác hại đến môi trường và con người.
- Kỹ thuật đào bồn: Hiện nay ở Đắk Lắk đào bồn có thể xem như là một biện pháp kỹ thuật chống xói mòn độc đáo của nông dân. Theo nghiên cứu của tác giả Lê Ngọc Báu trong công trình khoa học điều tra nghiên cứu một số biện pháp thâm canh cà phê vối đạt năng suất cao tại Đắk Lắk. Khi đào bồn trọng lượng rễ tăng
20%, độ ẩm đất sau khi tưới 10, 20 ngày tăng bình quân 10% và cuối cùng là năng suất tăng 19,3% so với đối chứng (để đất tự nhiên, hàng năm chỉ tiến hành làm cỏ).
Bồn được đào xung quanh gốc cây ngay từ năm trồng mới với kích thước:
rộng 1m, sâu 20–25 cm, các năm sau tiếp tục mở rộng bồn vào giữa mùa mưa để hoàn chỉnh bồn với kích thước: rộng 2–2,5 m, sâu 20–25 cm. Sau đó cứ 3–4 năm tiến hành vét bồn một lần. Công việc này chỉ tiến hành từ năm 1983 trở lại đến nay, trước kia khi du nhập cây cà phê vào Buôn Ma Thuột người Pháp không tiến hành đào bồn, do việc canh tác của họ theo lối trồng tôn trọng tự nhiên, họ giữ độ ẩm bằng cách giữ rừng, mưa tự nhiên điều hòa không phải tưới nên việc đào bồn là không cần thiết.
Trong kỹ thuật đào bồn, sáng tạo của người trồng cà phê chính là việc kết hợp trồng âm tức là khi trồng phần cỗ rễ đặt thấp hơn mặt đất xung quanh từ 15 đến 20 cm.
- Tưới nước: Tác dụng của khâu tưới rất quan trọng nhất là khi cây cà phê ra hoa. Đây là điều kiện tiên quyết vì giai đoạn nở hoa cây cà phê cần rất nhiều nước, nếu thiếu nước hoa cà phê sẽ không thụ phấn được, thậm chí gây khô cành. Từ những năm 1960 trở đi, việc tưới nước chủ động ở một số đồn điền do diện tích phá rừng để trồng cà phê ngày càng tăng lên, thêm vào đó là sự thay đổi của khí hậu phần nào làm thay đổi việc tưới nước của các đồn điền trồng cà phê. Đối với khu vực bắc Tây Nguyên, tưới là kỹ thuật bắt buộc vì hạn kéo dài suốt mùa rụng lá sang thời kỳ ra hoa còn hạn hơn1 tháng. Còn ở Buôn Ma Thuột, nơi đại diện cho khí hậu của Tây Nguyên khí hậu nhiệt đới gió mùa nên 2 mùa (khô và mưa) tương phản rõ rệt. Mùa khô thường bắt đầu vào tháng 11 đến hết tháng 4 năm sau, gió mùa đông bắc đổ bộ vào đất liền khi gặp dãy Trường Sơn gây mưa ở các tỉnh ven biển miền Trung, sau đó trở thành khô hanh ở Đắk Lắk tạo thành mùa khô với những đặc trưng: ít mây nhiều nắng, gió mạnh bốc hơi nhiều, khô hạn kéo dài và trầm trọng.
Lượng mưa trong các tháng mùa khô chỉ chiếm từ 10 – 12% tổng lượng mưa của cả năm, vì vậy mùa khô là một trở ngại không chỉ trong sản xuất nông nghiệp, mà còn đối với cây cà phê, đòi hỏi phải tưới nước trong mùa khô. Tuy nhiên, đây lại là một
yếu tố hết sức cần thiết để cây cà phê phân hóa mầm hoa tối đa tạo tiền đề hình thành năng suất cao ở khu nực này [42. Tr11].
Khi được tưới nước đầy đủ theo yêu cầu sinh lý của giai đoạn nở hoa, hoa nở sẽ tập trung và đây là yếu tố thuận lợi cho các cây thụ phấn chéo bắt buộc như cây cà phê vối. Sau khi thụ phấn, quả cà phê vối sẽ trải qua một giai đoạn “ngủ nghỉ”
kéo dài 4 tháng, quả hầu như không tăng trưởng về kích thước và trọng lượng. Sau giai đoạn ngủ nghỉ, quả bắt đầu phát triển nhanh, cây đòi hỏi nhiều nước và dinh dưỡng để nuôi quả.
Rễ cà phê phân phối ở lớp đất sâu 30 cm, nên cung cấp nước để làm ẩm ở lớp đất sâu 30 cm với đất độ ẩm cho cà phê là 70-100%. Nhưng sau khi tưới độ ẩm mất dần do bốc hơi mặt lá cho nên độ ẩm giảm dần. Do đó cần tưới phun sẽ giảm một phần bệnh gỉ sắt do các bào tử nấm phát tán và có thể tưới tới khi có trận mưa đầu tiên khoảng trên 30 mm.
Nguyên tắc tưới nước phải tuân thủ hai điều kiện: Thứ nhất phải tưới đúng lúc, nếu tưới muộn cây không còn đủ sức sống, rụng lá, khô cành còn tưới quá sớm sẽ dẫn đến hoa cà phê ra sớm, không tập trung ảnh hưởng đến quy trình thu hoạch.
Thứ hai là tưới đủ nước để đảm bảo ra hoa đồng loạt.
Tưới gốc là kỹ thuật tưới truyền thống của người trồng cà phê. Gốc tưới từ 40-60 lít nước/lần tưới. Khoảng cách giữa 2 lần tưới từ 20-30 ngày. Nếu không có tủ gốc, thiếu cây che gió, che bong tạm thời thì khoảng cách giữa 2 lần tưới sẽ ngắn hơn. Khi cà phê đã bắt đầu vào giai đoạn ra hoa thì lượng nước tưới ở trên không còn đủ nữa. Tối thiểu một lần tưới là 100 lít trở lên, thời gian giữa 2 lần tưới sẽ ngắn hơn. Mặc dù vậy nhưng tưới gốc có hạn chế đó là tốn công sức của người trồng cà phê.
Cà phê ở vụ ra hoa bói rộ (thường sau khi trồng 16-18 tháng) và khi chuyển vào thời kỳ thu hoạch thì cần áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa. Đối với các vùng khô hạn, sau khi các mầm hoa đã phân hóa và phát triển hoàn chỉnh (hoa đã ở dạng mỏ sẻ nhỏ có màu xanh hoặc xám xanh) thì tiến hành tưới lần đầu với lượng nước 700-800m3/ha. Các lần sau tưới từ 500-600m3/ha. Khoảng cách giữa các lần tưới
tùy thuộc vào mức độ che phủ, chắn gió và loại đất mà biến động từ 15-20 ngày.
Thông thường trong một mùa khô ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng cần có số lần tưới từ 3-6 lần. Lượng nước tưới cần cho một ha trong một vụ tưới thông thường cần từ 3.200-3.800m3. Tưới phun mưa sẽ tạo được tiểu khí hậu trong lô, tăng độ ẩm không khí, vì vậy rất thuận lợi cho quá trình nở hoa của cà phê, [45, tr. 11]
- Trồng cây che bóng: Giúp điều tiết ánh sáng cho phù hợp với yêu cầu sinh lý của các giống cà phê, điều hòa nhiệt độ, ẩm độ trong không khí, giảm lượng bốc hơi từ trong đất, bảo vệ cấu tạo của đất, nâng cao độ phì của đất, hạn chế sinh trưởng của cỏ dại.
Trước đây khi lập các đồn điền người Pháp đã trồng xen cây che bóng và cây chắn gió để trái cà phê có độ lớn và hương vị đậm nhất, cây cho bóng là những cây trồng xung quanh gốc cà phê hay trồng thành một vòng cung phía hướng gió chính, khoảng cách từ gốc cây che bóng, che gió tạm thời đến gốc cây cà phê ít nhất phải xa từ 70 cm đến 80 cm.
Thông thường người ta sử dụng các loại cây che bóng lâu dài. Ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng thường dùng cây keo dậu gồm 2 chủng Leucaena glauca (thường gọi là cây táo nhơn hay cây bồ kết dại) và Leucaena leucocephala (thường gọi là keo Cu-ba). Cây muồng hoa vàng (Cassia seamia) là loại cây che bóng chủ yếu được trồng ở Đắk Lắk. Muồng hoa vàng rất thích hợp để che bóng và che gió cho cây cà phê, hơn nữa loại cây che bóng này dễ trồng, ít cạnh tranh ánh sáng và dinh dưởng với cây trồng chính, một số nơi như ở Lâm Đồng còn dùng cây keo tây. [42, tr. 297]
- Cây trồng xen: Mục đích trồng xen cây vào vườn cà phê để giảm rủi ro khi có biến đổi về thời tiết hạn chế sự phát triển của cỏ dại. Trước đây cây trồng xen chủ yếu là cây họ đậu như đậu đen, đậu xanh, đậu tương. Hiện nay, thực tế ở Đắk Lắk, cây trồng xen trong các vườn cà phê là trồng xen quế, trồng xen cây sầu riêng.
Đây còn là những cây có giá trị kinh tế cao đem lại lợi nhuận cho một số hộ gia đình ở huyện Đăk Mil, Buôn Hồ, Đoàn Kết. [72, tr. 21]
- Phòng sâu bệnh: Cây cà phê là một trong những cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao nhưng trong quá trình sinh trưởng và phát triển thường bị sâu bệnh phá hoại. Trong bảo vệ cây cà phê, vấn đề diệt sâu bệnh rất quan trọng, cà phê thường gặp các loại bệnh phổ biến như: bệnh gỉ sắt, khô cành, khô quả, bệnh lỡ cổ rễ, sâu đục thân, các loại rệp, mọt đục cành, mối.Với mỗi loại bệnh người trồng cà phê sẽ có biện pháp phòng trừ riêng để đảm bảo vườn cà phê phát triển tốt.
- Bón phân: Yêu cầu dinh dưỡng đối với cây cà phê rất cao nên cần bón phân đầy đủ, hai loại phân bón sử dụng chủ yếu cho loại cây trồng này là phân hữu cơ và phân hóa học.
+ Phân hữu cơ là loại rất tốt đối với cây trồng, có tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho cây, cải thiện môi trường, tăng tỷ lệ keo đất. Phân hữu cơ gồm phân chuồng, phân than bùn, vỏ cà phê. Cà phê mới trồng được bón phân hữu cơ bằng cách tiến hành đào rãnh ở hai bên mép bồn sau đó bón phân hữu cơ, lần tiếp theo đào rãnh và bón phân ở hai mép bồn còn lại. Bón phân hữu cơ nên tiến hành vào đầu cho đến giữa mùa mưa.
- Phân hóa học: Sử dụng phân hóa học chăm bón cây cà phê để tăng năng suất. Các loại phân hóa học thường dùng bón cho cây cà phê là phân đạm, lân, kali;
trong đó phân đạm và kali là hai loại quan trọng. Theo nghiên cứu của Viện Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cà phê vối trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có thể áp dụng năm thứ nhất bón 130 kg urê và 50 kg kali. Năm thứ 2 bón 220 kg urê, 180 kg kali và 650 kg lân. Năm thứ 3 bón 260 kg urê và 220 kg kali, 650 kg lân.Mỗi năm có thể bón từ 3 đến 4 lần, để hạn chế sự rửa trôi, nên bón phân vào đầu mùa mưa, giữa mùa mưa và gần cuối mùa mưa [72, tr. 22]
Trước khi bón phân cần làm sạch cỏ để cây hấp thụ được dễ dàng. Cây cà phê năm thứ nhất rãi phân xung quanh tán, sang năm thứ hai trở đi rãi phân theo hình vành khăn, xới trộn đều với lớp đất mặt.
- Tạo hình: Trong nghề trồng cà phê, tạo hình là một kỹ thuật bắt buộc để duy trì hay gia tăng các cành mang quả. Kỹ thuật tạo hình tốn nhiều công lao động và đòi hỏi trình độ kỹ thuật nhưng đạt nhiều mục đích:
+ Tạo cho cây có hình dáng thích hợp để sử dụng hợp lý khoảng không gian giữa các cây.
+ Tạo môi trường thuận lợi khiến cây có thể cho năng suất cao nhưng hạn chế được sự phát triển của sâu bệnh bằng cách loại bỏ các cành sâu bệnh, cành già yếu, cành có khả năng cho quả ít.
+ Tạo điều kiện cho các cành còn lại mọc khỏe, có đầy đủ ánh sáng để tiến hành quang hợp thuận lợi.Hạn chế được hiện tượng ra quả cách năm và giảm nguy cơ khô cành, khô quả.
+ Tạo sự cân bằng cho cây cà phê sinh trưởng và phát triển tốt [43, tr. 320].
Có hai kiểu tạo hình là: Tạo hình đa thân và tạo hình đơn thân. Tạo hình đa thân là phương pháp tạo hình mà người trồng cà phê để nhiều thân chính trên một hố trồng cà phê, ngược lại, tạo hình đơn thân, trong quá trình tạo hình chỉ để lại một thân chính. Đối với cà phê vối ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, tạo hình đơn thân có hiệu quả hơn so với tạo hình đa thân thường gặp ở các quốc gia trồng cà phê trên thế giới. Sự khác biệt về kỹ thuật tạo hình này là do ở Đắk Lắk cây cà phê có khả năng phát sinh cành thứ cấp mạnh, cây 2 năm tuổi đã có cành thứ cấp [42, tr. 28].
Kỹ thuật tạo hình được tiến hành như sau:
+ Nuôi thân: Tiến hành nuôi thêm thân phụ vào năm đầu tiên ở vị trí sát mặt đất càng tốt.
+ Hãm ngọn: Khi cây cao 1,3mtiến hành hãm ngọn ở độ cao 1,2m vào lần thứ nhất. Lần thứ 2 hãm ngọn là khi có từ 50 đến 70% cành cấp 1 và cành cấp 2 người trồng cà phê tiến hành nuôi chồi vượt trên đỉnh tán cũ. Mỗi thân nuôi chồi cao 0,4m, các chồi vượt phải được vặt bỏ thường xuyên.
+ Cắt cành: Được tiến hành 2 lần trong năm, lần đầu được tiến hành khi vừa thu hoạch xong người trồng cà phê ở Đắk Lắk cắt bỏ các cành khô, sâu bệnh, cắt ngắn các cành già để tập trung nuôi dưỡng các cành thứ cấp bên trong. Đồng thời cắt bỏ các cành mọc sát mặt đất. Lần thứ hai được thực hiện vào giữa mùa mưa để tán cây được thoáng tỉa thưa các cành mọc chen nhau, mọc ngược. Cắt cành có ý
nghĩa quan trọng vì nếu làm không tốt sẽ dẫn đến cây cà phê vối thiếu cặp cành cơ bản, dễ gây ra hiện tượng cà phê mới nhưng nhanh già cỗi.
+ Cưa đốn phục hồi: Mục đích là để phục hồi vườn cà phê sau một thời gian trồng, để nâng hiệu quả kinh tế. Ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng cưa đốn phục hồi tiến hành vào giữa tháng 3 đến giữa tháng 4. Thân cà phê được cưa cách mặt đất từ 30 đến 35 cm. sau khi cưa khoảng 2 đến 3 tháng sẽ có nhiều chồi vượt trên gốc chỉ giữ lại mỗi gốc 3 thân tốt nhất [72, tr. 29].