CHƯƠNG III TÁC ĐỘNG CỦA CÂY CÀ PHÊ ĐỐI VỚI KINH TẾ XÃ HỘI ĐẮK LẮK TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN NAY
3.2. Tác động về xã hội
3.2.3. Thay đổi đời sống dân cư (từ năm 1986 đến nay)
Trong quá trình canh tác, chăm sóc và thu hoạch cây cà phê đòi hỏi rất nhiều lao động. Để thực hiện các khâu chăm sóc làm cỏ, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh hại…. và thu hoạch trong một năm, trung bình 1 ha cà phê cần từ 300 – 400 công nhân lao dộng, riêng công thu hái chiếm trên 50%.
Ngành cà phê thu hút 300.000 hộ gia đình, trên 700.000 lao động chuyên nghiệp chiếm 1,9% tổng số lao động trong cả nước và 2,9% số lao động trong ngành nông nghiệp. Trong những năm qua, cây cà phê đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, nhất là những cư dân của địa phương. Thay vì mỗi năm các thanh niên nông thôn phải đi vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, hay vào Thành phố Hồ Chí Minh để lao động, tìm việc làm thì bây giờ, trước sự gia tăng diện tích đất trồng, sự cải tiến khoa học kỹ thuật, giúp cho năng suất cà phê tăng, đã khuyến khích, kích thích người dân bỏ công sức của mình đầu tư chăm sóc cây cà phê, thay vì họ phải đi tìm công việc khác.
Ngành cà phê của tỉnh đã giải quyết việc làm cho 200.000 lao động tham gia trực tiếp, khoảng 500.000 lao động tham gia xuất khẩu. Không chỉ giải quyết việc làm cho người dân địa phương, thành niên trong buôn làng, vào những mùa thu hoạch, khi cà phê chín rộ cần đến một lượng lớn lao động. Vào những thời điểm như vậy thường có hàng nghìn lao động từ các tỉnh ven biển miền Trung và các đồng bằng sông Cửu Long đến vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng để tham gia thu hái cà phê.
Như vậy, cà phê cũng góp phần vào việc giải quyết lao động cho những cư dân ở vùng khác đến, ít nhiều giúp họ có công ăn việc làm những lúc nhàn rỗi, có thêm thu nhập, tuy chỉ mang tính chất thời vụ. Điều này cũng góp phần quan trọng trong chính sách giải quyết việc làm của tỉnh, của trung tâm giới thiệu việc làm, đặc biệt họ cũng có thu nhập để cho con cái tiếp tục ăn học.
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất cả nước với 190.765 ha, trong đó diện tích kinh doanh 177.890 ha, năng suất ổn định khoảng 22 - 23 tạ/ha, sản lượng đạt 399.098 tấn cà phê nhân. Tại huyện Cư M’Gar - vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Đắk Lắk (có trên 30.000 ha cà phê kinh doanh). Theo đánh giá, niên vụ cà phê 2011 - 2012, huyện Cư M’Gar đạt năng suất bình quân 3 tấn cà phê nhân/ha, tăng 2 tạ/ha so với niên vụ cà phê năm 2010-2011. Nhiều hộ gia đình thâm canh tốt của các xã như Cư Điê M’nông, Ea H’Đing, Quảng Phú, Quảng Tiến, Ea Pốk, Ea Kiết có khả năng đạt năng suất từ 3,4 đến 4 tấn cà phê nhân/ha. [4, tr.171]
Hiện tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai thực hiện đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Với tổng đầu tư 1.647 tỷ nhằm mục tiêu duy trì kim ngạch suất khẩu hàng năm đạt 700 triệu USD, cải thiện những điểm yếu của sản xuất cà phê…
Cà phê là mặt hàng mang lại nguồn thu nhập cho một nhóm đông dân cư ở nông thôn, trung du đặc biệt là các tỉnh miền núi (Tây Nguyên và các vùng phụ cận). Số người có cuộc sống liên quan đến cây cà phê đã tăng lên con số triệu người vì cứ 500.000 ha cà phê đã tạo công ăn việc làm cho hơn cho 600.000 nông dân, sẽ làm giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp cho người dân.
Ngoài ra ngành cà phê một trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã đem về một lượng ngoại tệ lớn cho quốc gia. Vì thế mà hiệu quả cây cà phê đem lại giá trị rất lớn bởi hiệu quả kinh tế luôn luôn đi đôi với lợi ích xã hội và lợi ích sinh thái sao cho vừa khai thác triệt để được tiềm năng về nguồn lực, làm tăng khối lượng và chất lượng và mang lại giá trị cao.
Bên cạnh đó thì Đắk Lắk cũng gặp không ít khó khăn như hầu hết các hộ trồng cà phê bán sản phẩm của mình cho thương lái địa phương. Mặc dù tiếp cận được với các thông tin thị trường ở các vùng thuận lợi cho trồng cà phê rất dễ dàng, nhưng lại bị hạn chế ở các vùng không thuận lợi cho trồng cà phê hay các vùng sâu, vùng xa. Các nhà sản xuất ở những vùng này dường như chỉ nhận được mức giá cà phê tương đối thấp hơn so với các vùng khác. Chỉ khoảng 10 đến 15% hộ trồng cà phê theo hợp đồng ký kết với các doanh nghiệp nhà nước như Vinacafe.
Nông dân ở các vùng thuận lợi trồng cà phê thì tập trung vào chuyên trồng cà phê và là những người có thu nhập phụ thuộc vào thu nhập từ cà phê nhất. Các hộ dân này được hưởng lợi từ việc phát triển mạnh cà phê. Tuy nhiên, thu nhập của họ cũng giảm mạnh khi cà phê thế giới rớt giá đã làm cho thu nhập của các hộ dân này và phúc lợi xã hội bị giảm sút nghiêm trọng. Trong khi đó cả những hộ nông dân nghèo và hộ không nghèo đều phải hứng chịu hậu quả này. Vì khi giá cà phê cao, rất nhiều người trong số này đã từ bỏ việc tự sản xuất lương thực để tập trung vào trồng cà phê. Họ mua lương thực, thực phẩm và các vật dụng khác bằng nguồn tiền thu được từ trồng cà phê. Nhưng khi giá cà phê rớt mạnh, thì nhiều người nông dân không thể trụ vững thậm chí phải bán đất để trang trải cuộc sống và trả nợ cho ngân hàng.
Đồng thời quá trình công nghiệp hóa đã thu hút lực lượng lao động đến từ các vùng khác mà ngay cả bộ phận lực lượng lao động thanh niên trẻ, khỏe từ các vùng trồng cà phê về các thành phố, khu công nghiệp làm cho lực lượng lao động trong ngành cà phê ngày càng thiếu hụt trầm trọng. Như vậy có thể thấy rằng trong những năm tới việc thiếu hụt lao dộng sẽ là một áp lực nặng nề cho người trồng cà phê và chi phí công lao dộng sẽ ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong các khoản chi phí sản xuất.
Xuất phát từ điều kiện tự nhiên, xã hội nhiều năm qua, Đắk Lắk được xác định là vùng chuyên canh cây cà phê trọng điểm của cả nước. Cà phê là cội nguồn sức sống của Đắk Lắk, đại bộ phận người dân ở đây đều dựa vào cây cà phê. Thực trạng hiện nay của cà phê Đắk Lắk là phát triển một cách ồ ạt, không có quy hoạch.
Và các sản phẩm cà phê sau chế biến vẫn là nhân thô, chất lượng sản phẩm không đồng đều đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị hàng hóa trên thị trường.
Trong những năm qua, mặc dù sản lượng cà phê Đắk Lắk là rất lớn so với cả nước nhưng việc xây dựng cà phê vững mạnh vẫn chưa được các doanh nghiệp trong ngành sản xuất quan tâm đầy đủ.
Ngành cà phê là một trong những hàng hóa nông sản bị ảnh hưởng nhiều nhất trên thị trường và nó cũng chứa đựng nhiều thách thức cho nên vấn đề đặt ra là
phải làm sao để phát triển cà phê một cách hợp lý, vừa đảm bảo khai thác được tiềm năng vừa bảo vệ môi trường sinh thái.
Kinh tế khu vực Tây Nguyên phát triển rất nhanh nhờ có cuộc cải tổ kinh tế rộng lớn và phát triển trồng trọt chăn nuôi, đặc biệt là cà phê. Giá cà phê cao khuyến khích nông dân các địa phương mở rộng trồng cà phê. Trong giai đoạn này một lượng lớn dân di cư gồm cả khu vực thiểu số và các vùng khác nhau trên cả nước, trong đó phải kể đến dân số Đắk Lắk tăng lên một cách đáng kể do lượng người dân di cư đến đây.
Cà phê là mặt hàng nông sản chủ lực và đặc thù của Đắk Lắk. Trong những thập niên gần đây, ngành cà phê Đắk Lắk và đang phát triển với tốc độ rất nhanh, nằm trong top những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu đem lại kim ngạch xuất khẩu cao nhất đất nước, và thu về nguồn ngoại tệ không nhỏ góp phần vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế cho tỉnh nhà. Sản lượng trung bình 400.000 tấn/năm, giá trị xuất khẩu cà phê chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh.
Nhờ có cây cà phê mà cuộc sống người dân nơi được cải thiện, đời sống được nâng cao, nó đem lại nguồn lợi, thu nhập không nhỏ cho các hộ dân ở nơi đây.
Ngoài ra còn làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ đói.
Chính nghề trồng và chế biến cà phê đã tạo ra một nguồn thu nhập lớn và giảm tập quán đốt rừng làm nương rẫy, chuyển dần sang việc định cư lâu dài của đồng bào dân tộc ít người nơi đây.
Xác định được cây cà phê là cây trồng chủ lực nên tỉnh Đắk Lắk đã hình thành các vùng chuyên canh cây cà phê ở các huyện, liên kết giữa người trồng cà phê với các cơ sở, nhà máy thu, mua và chế biến như Trung Nguyên, Vina Cafe....và một số doanh nghiệp tư nhân khác để tăng thu nhập cho người dân. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về trình độ, nhận thức, song đồng bào dân tộc thiểu số Đắk Lắk đã và đang vươn lên làm chủ cuộc sống. Hầu hết, đồng bào dân tộc đều làm nông nghiệp, chủ yếu là trồng cà phê. Nên không còn du canh du cư nữa, các công ty cà phê như Phước An, Thắng lợi, Trung Nguyên, đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo cuộc sống đồng bào nơi đây nhờ sản xuất cà phê, họ đã trở thành
công nhân của các nhà máy, cơ sở chế biến. Đặc biệt, trong những điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương, có nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Diện mạo nông thôn đã thay đổi nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng heo hút bây giờ đã là những thị trấn, sầm uất với những vườn cà phê bạt ngàn như:
Ea H’Leo, Buôn Hồ, Krông Păk….. Đời sống của nông dân được cải thiện, nhà cửa, đường sá, công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng. Theo thống kê, tỉ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh ngày càng giảm. Năm 2005 tỉ lệ hộ nghèo là 48,26%, đến năm 2010 chỉ còn 21% [9, tr130]. Hạt cà phê đã thực sự làm “thay da, đổi thịt” vùng đất này.