Tác động về văn hóa

Một phần của tài liệu nghề trồng và chế biến cà phê ở đắk lắk từ đầu thế kỷ xx đến nay (Trang 120 - 125)

CHƯƠNG III TÁC ĐỘNG CỦA CÂY CÀ PHÊ ĐỐI VỚI KINH TẾ XÃ HỘI ĐẮK LẮK TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN NAY

3.3. Tác động về văn hóa

Trong thời gian qua Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã thực hiện chương trình du lịch kết hợp với lễ hội cà phê, vừa giới thiệu những cảnh quan hung vĩ của núi rừng Tây Nguyên, đồng thời giới thiệu “đặc sản” nơi đây – Cà phê Ban Mê. Việc làm này có ý nghĩa thiết thực, không chỉ là dịch vụ, thưởng thức cà phê của du khách mà thông qua đó quảng bá hình ảnh tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Từ đó mời gọi các nhà đầu tư đầu tư vào Đắk Lắk, việc làm này cũng mang tính chiến lược.

Làng cà phê Trung Nguyên - một bảo tàng sống tập trung những vật dụng pha chế cà phê từ các nơi trên thế giới. Hơn thế nữa, đây còn là một không gian xanh với những hàng cà phê cổ mà mỗi gốc cây như một câu chuyện thì thầm kể lại cho khách tham quan quá trình phát triển của cây cà phê ở Việt Nam.

Bước chân lên ngôi nhà dài đặc thù của người Tây Nguyên, du khách như ru mình vào thế giới cổ tích của hơn 10.000 hiện vật được thu thập từ khắp mọi nơi trên thế giới chuyên về cà phê.

Từ nhiều năm qua, Tây Nguyên được xem là nơi “đất lành chim đậu”, nơi hội tụ của người lao động từ khắp mọi miền đất nước tìm về lập nghiệp, là một trong những vùng đất đỏ bazan trù phú nhất của cao nguyên Trung Bộ.

Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà từ đầu thập niên 20 thế kỷ trước, người Pháp đã mang ý tưởng khai thác tiềm năng kinh tế đến với trung tâm Tây Nguyên là

tỉnh Đắk Lắk, Thành phố Buôn Ma Thuột. Với những ưu thế vượt trội của cây cà phê nơi đây, Buôn Ma Thuột được mệnh danh xứ sở của cây cà phê Việt Nam.

Ngoài diện tích, sản lượng, năng suất và kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt cao nhất nước, cây cà phê còn có tác nhân làm cho Đắk Lắk có một diện mạo mới, được xếp vào một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, được Chính phủ công nhận đô thị loại I (3/2010). Có thể nói, thiên nhiên không những ưu đãi cho Đắk Lắk đất bazan màu mỡ phì nhiêu, mà khí hậu và môi trường sinh thái tự nhiên nơi đây còn đặc biệt thích hợp với giống cà phê Robusta hơn hẳn mọi nơi khác, cho năng suất, chất lượng cao. Các thành phẩm cà phê hòa tan, cà phê bột chất lượng cao được chế biến từ cà phê Robusta Buôn Ma Thuột mang hương vị thơm ngon độc đáo, thật sự hấp dẫn người tiêu dùng trong và nước ngoài…

Những năm gần đây, khách du lịch khắp nơi tìm đến nhiều hơn với Đắk Lắk bởi sự hấp dẫn của hương vị, chất lượng cà phê Buôn Ma thuột. Du khách còn bị cuốn hút bởi những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được sản xuất từ nguyên liệu cây cà phê.

Đặc biệt, đến Đắk Lắk vào mùa cà phê trổ hoa và mùa thu hoạch,cảm nhận hết sắc, hương hoa cà phê diệu ngọt, vị ngọt gợi cảm của trái cà phê đỏ thẫm đến say lòng người. Trên phố núi sầm uất, rộn ràng quanh năm lại được thơm ngát, bao bọc bởi vườn cà phê rợp màu trắng mùa trổ hoa và óng ánh sắc đỏ bởi vô số những đồi cà phê chín mùa thu hoạch.

Cà phê – chính là món quà đặc biệt dành cho những du khách khi đến thủ phủ Tây Nguyên. Nó đã đưa du khách có được những trải nghiệm thú vị, mà chỉ khi đến đây du khách mới có thể cảm nhận được sự hấp dẫn. Đây chính là nét riêng và độc đáo chỉ có ở xứ sở của cây cà phê.

Trong văn hóa cà phê, Buôn Ma thuột là mô hình tiêu biểu nhất, với nhiều điều kiện thuận lợi phát triển hơn tiến đến khai thác như một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn và mang lại giá trị kinh tế cao cho cộng đồng địa phương.

Về ẩm thực

Nhu cầu thưởng thức cà phê ngày càng tăng, cà phê là thức uống phổ biến trong mọi tầng lớp vượt qua trà là thức uống truyền thống của người Việt. Từ lâu, ẩm thực cà phê đã trở thành nét đẹp văn hóa của con người nơi đây. Cà phê luôn hiện diện trong đời sống của từng người dân Đắk Lắk. Mỗi dân tộc, mỗi cá nhân chọn cho mình cách thưởng thức cà phê khác nhau. Trước đây khi chưa có sự xuất hiện của cây cà phê người Việt Nam nói chung sử dụng thức uống truyền thống là trà. Riêng đối với Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng cư dân với truyền thống uống rượu cần. Khi cây cà phê có mặt trên vùng đất này thì nhu cầu về ẩm thực nhất là uống đã thay đổi, cà phê giờ đã trở thànhthức uống không thể thiếu của cư dân nơi đây và rượu cần cũng vậy.

Người Ê Đê ở Đắk Lắk có phong cách thưởng thức cà phê đặc biệt, hơn 195.000 người Ê Đê thức dậy từ sáng sớm để thưởng thức ly cà phê đặc biệt do chính tay những người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị từ 3–4 giờ sáng. Cà phê được người Ê Đê lựa chọn từ vườn nhà những hạt cà phê chín nhất, ngon nhất sau đó đem rang xay mà không pha với bất kỳ tạp chất nào. Cà phê không pha bằng phin mà được cho vào những chiếc túi được làm bằng vải xô nhiều lớp. Một điểm đặc biệt nữa là ly cà phê của người Ê Đê được thưởng thức gia đình, nhiều người cùng chuyền tay nhau một ly cà phê. Uống cà phê mỗi buổi sáng trở thành tập tục truyền từ đời nay sang đời khác ở mỗi gia đình người Ê Đê

Người Kinh cũng có phong cách thưởng thức cà phê của riêng mình. Cũng giống như người Ê Đê, họ cũng chọn những hạt cà phê chín nhất, ngon nhất từ vườn nhà để rang xay, mỗi gia đình tùy theo khẩu vị và sở thích mà có công thức pha trộn và rang xay riêng để tạo nên hương vị mà họ yêu thích nhất. Cà phê được pha bằng phin và thưởng thức cùng gia đình, bạn bè xung quanh những câu chuyện cuộc sống. Thưởng thức cà phê phin ngày nay không chỉ là nét đặc trưng của nước ta mà có thể xem như là văn hóa thưởng thức cà phê khác biệt so với các nước khác.

Lịch sử thưởng thức cà phê đã có rất lâu trên thế giới với nhiều phong cách khác nhau. Khi tiếp xúc với cà phê qua người Pháp người Việt tiếp nhận một loại nước uống mới mẻ này rất tự nhiên và rất riêng của người Việt. Người Việt có

phong cách thưởng thức cà phê rất khác biệt trước đây chủ yếu là cà phê kho tức là cho cà phê bột vào một cái túi và luộc lên sau đó chế ra thưởng thức, nhưng từ khi sử dụng phin thì cà phê được thưởng thức theo một cách chỉ có ở Việt Nam mới có.

Ngoài ra, mỗi cá nhân còn có thể lựa chọn cho mình các phong cách thưởng thức cà phê với những sản phẩm cà phê khác nhau tại những địa điểm khác nhau tùy sở thích tại những thiên đường cà phê Ban Mê. Các sản phẩm đặc trưng bên cạnh cà phê rang xay có thể nhắc đến như cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê tươi, cà phê chồn....

Giờ đây thưởng thức một ly cà phê được gọi là chuyên nghiệp đó là ngồi đợi từng giọt cà phê rơi và ngẫm nghĩ về cuộc sống, mới thấy vị đắng của cà phê và hiểu được giá trị của nghề trồng và chế biến cà phê ở nơi đây.

Những du khách từng có dịp đến Buôn Ma thuột dường như đều bị thành phố này “mê hoặc” bởi những quán cà phê đầy quyến rũ. Nhiều con đường trở thành điểm hẹn của những quán cà phê như Lê Thánh Tông, Phan Chu Trinh, Y Ngông, Nguyễn Công Trứ… mỗi quán đều có phong cách riêng từ cách đặt tên, không gian, âm nhạc. Có lẽ không nơi nào bằng xứ sở cà phê này, người ta lại có thể đặt được những cái tên ấn tượng như thế, có những tên nghe gợi cảm giác bồng bềnh, hoài niệm cho du khách như Thương Thương, Chiều Nhớ, Cảm Xúc… Lại có những cái tên nghe co thể cảm nhận được cả vị của cà phê như quán Vị Đắng trên đường Y Ngông. Có những quán mang đậm chất màu hội họa như quán Văn trên đường Đinh Tiên Hoàng. Dường như thưởng thức cà phê trở thành thú vui thư giãn của người dân nơi đây và là ấn tượng êm dịu trong lòng du khách từng đến đây. Chính vì vậy mà quán cà phê trở thành điểm hẹn, nơi giao lưu hội tụ đủ phong cách.

Đến với Đắk Lắk, du khách có thể đi thăm một số địa danh từ lâu đã khá nổi tiếng như Buôn Đôn với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng; Biệt Điện của Vua Bảo Đại, di tích tháp Chăm Yang Proong được xây dựng từ thế kỷ XIV, hang đá Đăk Tuor… Nơi đây còn có sự phong phú, đa dạng về phong tục tập quán và sinh hoạt văn hóa. Bởi ở đây không chỉ có di sản văn hóa đồ sộ của các dân tộc bản địa như Ê Đê, Mnông với những áng sử thi hùng tráng Trường ca Đam San, Đam Bri,

Cây nêu thần…đã được sưu tập hoàn chỉnh phục vụ đời sống văn hóa của đồng bào cùng những di sản văn hóa vật thể quý giá như đàn đá, cồng chiêng…và cứ 2 năm 1 lần lễ hội cà phê sẽ được tổ chức tại xứ sở cà phê.

Lễ Hội cà phê Buôn Ma Thuột

Là một lễ hội được tổ chức ở Buôn Ma Thuột đây là một lễ hội lớn ở Tây Nguyên. Được Thủ tướng Chính phủ công nhận mang tầm vóc lễ hội cấp Quốc gia.

Tại đây, quảng bá hình ảnh Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk là vùng đất huyền thoại, giàu bản sắc dân tộc. Lễ hội nhằm tôn vinh cây cà phê, loài cây chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây trồng ở đây và chiếm đến 60% sản lượng cà phê của Việt Nam, loài cây đã đem lại sự ấm no, trù phú cho mảnh đất bazan này. Lễ hội mới chỉ bắt đầu được tổ chức từ năm 2005 trong chương trình quảng bá hình ảnh Thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột. Bên cạnh các hoạt động trao đổi về, quy trình, các thức, sản xuất, chế biến cà phê. Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi. Ở đây, có nhiều hoạt động đặc sắc như: Hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm thương hiệu Việt, hội thi pha chế cà phê, hành trình du lịch cà phê,... Đây là chương trình văn hóa quan trọng của tỉnh và đối với người trồng cà phê. Tại Buôn Ma Thuột cà phê Festival, du khách sẽ được thăm quan các gian hàng liên quan đến cà phê, tham dự buổi công bố cà phê Buôn Ma Thuột. Nằm trong khuôn khổ Festival thì các doanh nghiệp sẽ tham gia vào hội chợ triễn lãm cà phê để quảng bá các sản phẩm liên quan đến cà phê như: máy móc chế biến cà phê, cây giống cà phê, công trình khoa học về cà phê… đến với mọi người khi tham gia hội chợ này. Qua các lần lễ hội tại Buôn Ma Thuột thu hút được nhiều lượt khách tham quan và quy tụ được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Lễ hội lần thứ nhất thu hút được trên 300.000 lượt khách tham quan, quy tụ được 106 doanh nghiệp trong và ngoài nước với 400 gian hàng. Lễ hội lần thứ 2 với quy mô lớn hơn thu hút được trên 350.000 lượt khách tham quan, quy tụ 145 doanh nghiệp với trên 450 gian hàng. Lễ hội lần 3 sự thu hút lên tới gần 1 triệu lượt khách tới tham quan và trong năm 2013, Lễ hội cà phê lần thứ 4 sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 12.3.2013 với quy mô

hoành tráng hơn cùng 500 gian hàng của 150 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cà phê và các sản phẩm liên quan.

Một khu vườn thủ phủ cà phê, nơi trồng và thực hành cà phê đặc biệt nhất:

nuôi các loại thú tự chọn hạt cho con người như chồn… những người dân bản địa trong đó cũng trồng và chăm sóc cà phê theo đúng quy trình khoa học nhưng bên cạnh đó các nghi thức văn hóa để cầu nguyện, gửi gắm tinh thần sáng tạo, bền vững vào từng hạt cà phê, quy trình chế biến và rang xay cũng được làm tuyệt đối thủ công với một sự tỉ mỉ và kỳ công. Nơi đây sẽ là nơi tạo ra các loại cà phê tuyệt vời nhất được làm từ chính Thủ phủ cà phê.

Thông qua festival cà phê Buôn Ma Thuột quảng bá thương hiệu cà phê

“Buôn Ma Thuột”, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Đắk Lắk, festival cà phê thường được tổ chức vào tháng 3 khi cà phê nở hoa báo hiệu cho một vụ mùa mới. Tại Đắk Lắk vừa qua đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV – năm 2013 đã phát biểu “Với đặc điểm một tỉnh có số lượng cà phê xuất khẩu lớn nhất cả nước, nơi tổ chức thành công 4 lần lễ hội cà phê Việt Nam, tôi đề nghị lãnh đạo tỉnhĐắk Lắk, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao phối hợp đề xuất các biện pháp để Đắk Lắk không những là trung tâm cà phê của Việt Nam mà trở thành một trung tâm cà phê của Đông Nam Á”

Một phần của tài liệu nghề trồng và chế biến cà phê ở đắk lắk từ đầu thế kỷ xx đến nay (Trang 120 - 125)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)