CHƯƠNG 1: HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA CÁC HỘI KÍN Ở NAM KỲ
1.2. Lưu dân người Hoa và sự du nhập hội kín Thiên Địa hội vào Nam Kỳ
1.2.2. Lưu dân người Hoa và sự du nhập các hội kín Thiên Địa hội vào Nam Kỳ
Việc người Hoa di cư và định cư ở Việt Nam có một lịch sử lâu đời. Từ những năm đầu công nguyên, cùng với chính sách mở rộng lãnh thổ xuống phía nam của phong kiến Trung Quốc, người Hoa đã bắt đầu di cư sang Việt Nam. Quá trình này diễn ra trong suốt nhiều thế kỷ, khi ít khi nhiều, tuy vào tình hình Trung Hoa biến động hay ổn định. Trong những đớt di cư của người Hoa sang nước ta, đợt di cư vào các thế kỷ XVII, XVIII và XIX là đáng kể nhất.
Vào thế kỷ XVII, khi Trung Quốc bị người Mãn Thanh thống trị, một số đông dân chúng và các cựu thần nhà Minh đã rời bỏ quê hương ra nước ngoài sinh sống. Nơi họ tìm đến nhiều nhất là các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cũng trong thời gian này, người Việt bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động khai phá vùng đất phương Nam (Nam Bộ ngày nay). Công cuộc khai phá được chinh quyền Chúa Nguyễn ở Đàng Trong khuyến khích và bảo trợ. Đối với những lưu dân người Hoa, các Chúa Nguyễn cũng dung nạp và đưa họ vào mở mang vùng đất mới. Sử nhà Nguyễn đã ghi lại trường hợp hai cựu thần nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên đem theo 3.000 người đến thần phục chúa Nguyễn Phúc Tần (năm 1679). Chúa Nguyễn đã thu nhận và cho họ vào khai phá vùng đất tương ứng với Mỹ Tho và Biên Hoa ngày nay.
Sang thế kỷ XVIII, khi công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ được đẩy mạnh, các nhóm người Hoa cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Trên vùng đất còn hoang vu, người Hoa đã góp sức với người Việt bạt rừng vỡ đất, tạo lập xóm làng. Không chỉ vậy, họ còn bắt tay vào hoạt động
24
thương mãi và lập nên các phố chợ nổi tiếng một thời như Cù Lao Phố, Mỹ Tho đại phố... Do điều kiện sống trên vùng đất mới khai phá tương đối thuận lợi, phần lớn di dân người Hoa đã chọn nơi đây làm chốn định cư. Họ quần tụ thành những cộng đồng đông đảo và ổn định. Hầu như khắp vùng đất Nam Bộ, nơi nào cũng có người Hoa cư trú. Song, nơi họ tập trung đông nhất là Sài Gòn, Chợ Lớn. Điều đáng chú ý là người Hoa ở Việt Nam (trừ người Minh Hương) đều liên kết với nhau theo hình thức bang hội một cách chặt chẽ.
Từ đầu thế kỷ XIX trở đi, làn sóng di cư của người Hoa sang nước ta vẫn tiếp tục. Các vua nhà Nguyễn như Gia Long, Thiệu Trị, Tự Đức đều có những chính sách mềm mỏng đối với Hoa kiều. Thể theo nguyện vọng của những người Hoa có công trạng với triều đình, vua Gia Long đã cải tổ lại các bang hội và cho thành lập bảy bang là Phúc Kiến, Phúc Châu, Triều Châu, Quảng Châu, Quế Châu, Lôi Châu, và Hải Nam. Khi Lục tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay Pháp, các bang hội của Hoa Kiều có một số thay đổi. Tuy nhiên, không có xáo trộn gì lớn trong các tổ chức này [21, tr 21].
Trong quá trình nhập cư vào Việt Nam, người Hoa đã đem theo những yếu tố văn hoa, tín ngưỡng của dân tộc họ. Ở đâu có cộng đồng Hoa kiều là ở đó mọc lên chùa miếu, hội quán với những nét rất riêng. Họ luôn có ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa của riêng mình, không để nó hòa tan vào nền văn hoa bản địa. Ngoài văn hóa, tín ngưỡng, di dân người Hoa còn du nhập vào nước ta các tổ chức mang tính chất tôn giáo hoặc chính trị. Trong đó, đáng kể nhất là các hội kín Thiến Địa hội. Đây là tổ chức có ảnh hưởng khá đậm nét đối với hoạt động chống Pháp của người dân Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Như đã trình bày, Việt Nam là nơi di dân người Hoa đến định cư từ rất sớm. Trong các thế kỷ XVIII, XIX, họ chủ yếu đến làm ăn sinh sống tại vùng đất Nam Kỳ. Phần đông trong số này là những người có tư tưởng "Phản Thanh phục Minh". Vì vậy, hội kín Thiên Địa hội - một tổ chức phản Thanh có quy mô nhất miền Hoa Nam - có mặt ở Nam Kỳ là điều dễ hiểu. Các thành viên của Thiên Địa hội đã hòa vào dòng người di cư để đến miền Nam nước ta vào khoảng nửa sau thế kỷ XIX. Theo ý kiến và tài liệu của Emile Puech (Chủ tỉnh Hà Tiên, người từng ở Long Xuyên đàn áp cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa) thì Thiên Địa hội đã có từ trước khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây [15, tr 94]. Nếu thông tin này chính xác thì có thể khẳng định rằng, Thiên Địa hội của người Hoa đã xuất hiện ở Nam Kỳ trước năm 1867. Đến năm 1875,
25
thực dân Pháp đã bắt được vài nhóm Thiên Địa hội, trước tiên là vụ Trương Đế Điển. Nhân vật này là người Triều Châu, ở tại Biên Hòa, thuộc nhóm Nghĩa Hòa công ty [15, tr 92]. Trong báo cáo gởi Giám đốc nội vụ ngày 21-4-1875, viên Chủ tỉnh Chợ Lớn cho biết có hai ông bang (thuộc bang Triều Châu) đã tố cáo một lãnh tụ Thiên Địa hội tên Tsiao Sen(?) đang hoạt động tại Chợ Lớn, cưỡng bách giới Hoa kiều ở địa phương phải gia nhập [15, tr 93-94]. Ở Sóc Trăng, từ năm 1877 chính quyền cũng nhận ra sự hoạt động của Thiên Địa hội. Từ những năm 80 của thế kỷ XIX trở đi, các hội kín Thiên Địa hội xuất hiện ngày càng nhiều ở Nam Kỳ. Hoạt động của các hội kín này khiến chính quyền thực dân lo ngại. Vì vậy, chúng đã đưa ra nhiều biện pháp đối phó. Ngày 1-9-1882, Bộ Thuộc địa Pháp đã ra một công văn "Chuẩn y các biện pháp nghiêm khắc đối với hội kín có tên Thiên Địa hội" [17, tr 120]. Tuy nhiên các hội kín vẫn tiếp tục hoạt động mạnh và không ngừng thu nạp thêm thành viên mới. Báo cáo của các viên chức người Việt ở địa phương gởi cho các Chủ tỉnh, rồi báo cáo của Thống đốc Nam Kỳ gởi Toàn quyền Đông Dương... đã xác thực điều này. Xin được dẫn ra đây một vài trường hợp cụ thể.
Ngày 26-7-1894, ở Gò Công, viên phó quản Phạm Văn Ký đã có tờ bẩm gởi Chủ tỉnh về việc một số Hoa kiều đến địa phương này để "xúi giục" mọi người vào hội kín. Dựa vào tin tức do Chung Lộc và Châu Nhữ (bang trưởng và bang phó bang Quảng Đông ở Gò Công) cung cấp, Phạm Văn Ký cho biết: có ba người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn là Lý Quế, Lê Hớn và Long Phi đã đến trú tại nhà Trần Chiêu (cũng là một người Hoa). Một hôm, ba người này đến nhà các người Hoa là Thái Tường, Quản Đăng và Diệp Hữu để xúi giục việc thu nạp họ vào hội kín Thiên Địa hội. Tuy nhiên, Thái, Quản, Diệp đều từ chối và đi báo cho bang trưởng và bang phó biết. Sau đó, Lý Quế, Lê Hớn, Long Phi và Diệp Hữu đã bị bắt.
Ngày 15-11-1894, trong báo cáo gởi Toàn quyền Đông Dương về vụ Lý Quế, Lê Hớn, Thống đốc Nam Kỳ nêu ý kiến "Tôi nghĩ rằng trước khi trục xuất hai tên này ra khởi thuộc địa, nên đày chúng ra nhà tù Côn Đảo để cách ly chúng trong thời hạn năm năm. Nếu trục xuất ngay về Trung Hoa thì chúng có thể bắt mối để trở lại Nam Kỳ " [32].
Cũng trong năm này, một nhóm người Hoa đã đến Rạch Giá để lập hội kín tên là "Đệ huynh". Báo cáo của Xã trưởng xã Vĩnh Thanh Vân cho biết nhóm này có năm người Quảng Đông là Phùng Trác, Mạc Táo, Trần Nhâm, Thôi Hiền và Trương Hương. Họ đến nhà một
26
người Hoa ở Rạch Giá tên là Khứu Diệu để bàn định việc lập hội. Xã trưởng Vĩnh Thanh Vân cùng với viên phó quản sỏi đã đem lính đến vây bắt được cả năm người. Trong khi khám xét, họ thu được một lá bùa và hai tấm giấy hồng đào ghi tên 15 người Hoa khác. Vụ việc được chính quyền thực dân điều tra tỉ mỉ. Ngày 15-5-1894, một viên chức chịu trách nhiệm điều tra vụ này đã gởi cho Chủ tỉnh Rạch Giá một bản báo cáo (cuối bản báo cáo ghi là Le Huyện và kí tên không rõ). Ông ta cho rằng hội "Đệ huynh" là một tổ chức phạm pháp cần trấn áp ngay.
Còn trong bản báo cáo gởi Thống đốc Nam Kỳ (25-6-1894) về hội kín "Đệ huynh", viên Chủ tỉnh Rạch Giá đã viết "Ngay từ đầu tôi đã đoán (hội kín) đó là Thiên Địa hội". Viên Chủ tỉnh đề nghị đày Phùng Trác và Lợi Toàn (theo các quan chức thực dân, đây là hai người đầu sỏ) ra Côn Đảo hai năm và trục xuất khỏi thuộc địa [30], [31].
Nhìn chung, từ những thập niên cuối thế kỷ XIX, hội kín Thiên Địa hội đã theo chân Hoa kiều có mặt nhiều nơi ở Nam Kỳ. Từ các tỉnh miền Đông như Biên Hòa, Chợ Lớn, Gia Định cho đến các tỉnh miền Tây như Gò Công, Rạch Giá, Sóc Trăng... nơi nào cũng có cơ sở của Thiên Địa hội. Số người Hoa định cư đông đảo khắp Nam Kỳ là điều kiện thuận lợi để các tổ chức này hình thành và phát triển. Trên đất Nam Kỳ, các hội kín không chỉ theo đuổi lý tưởng
"Phản Thanh phục Minh" như các phong trào ở Trung Quốc. Chúng cũng không đơn thuần là các tổ chức tương tế của cộng đồng Hoa kiều. Điều đó thể hiện rất rõ qua các hoạt động phức tạp của hội cũng như biện pháp đối phó của chính quyền thực dân.
Trong quá trình hoạt động, các hội kín của người Hoa đã thu hút khá đông người Việt tham gia. Sau đó, người Việt tách ra thành lập các tổ chức riêng. Họ thay khẩu hiệu "Phản Thanh phục Minh" bằng khẩu hiệu "Phản Pháp phục Nam". Như vậy, bối cảnh Nam Kỳ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã tạo điền kiện cho sự xuất hiện các hội kín của người Việt. Với mục tiếu "Phản Pháp phục Nam", các tổ chức này thực sự trở thành một hình thức đấu tranh cứu nước mới của người dân nơi đây.
27