CHƯƠNG 2: HỘI KÍN Ở NAM KỲ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX
2.3. Ho ạt động chống Pháp của các hội kín
Tương tế và yêu nước là hai tính chất chủ yếu của các hội kín Nam Kỳ. Trong đó, tính chất yêu nước (Phản Pháp phục Nam) có phần nổi bật hơn. Lời thề của hội kín Nhị Bình khi tổ chức lễ kết nạp thành viên mới nêu rõ: "Chúng tôi xin thề... cùng nhau kết nghĩa tử sinh theo đuổi mục đích đền nợ nước, trả thù nhà... thề giữ trọn lời nguyền, làm tròn nghĩa vụ và hết lòng giúp rập nhà vua...". Hội viên hội Duy Tân thề: "Vì lợi ích của tổ quốc giúp vua lật đổ người Pháp, phục hồi nước Nam...". Lời thề của hội viên hội Phục Hưng còn có đoạn tố cáo tội ác của giặc Pháp: "Người Pháp chiếm nước ta bao nhiêu năm nay đã gây cho chúng ta nhiều tai họa.
Chúng đàn áp dân ta và cả vua ta... Cách thức cai trị và hình phạt ngày càng khắc nghiệt. Phong tục ngày càng đồi bại. Trời đất đều đau lòng nhìn thấy nhân dân phải khốn cùng như thế. Vậy nến ngày nay chúng ta thề cùng nhau một lòng cứu nước cứu dân". Hội Nghĩa Hòa ở Mỹ Lợi (Mỹ Tho) thề: "Tham gia phong trào chống Pháp giành độc lập cho nước Nam". Hội Nghĩa Hòa ở Thơi Sơn (Mỹ Tho) cũng thề: "Một lòng một dạ vì lợi ích đất nước, đánh Pháp phục Nam" [Dẫn theo: 22, tr. 337].
Những lời thề của các hội viên bộc lộ rõ tư tưởng yêu nước. Điều đó đã chi phối mạnh mẽ đến quá trình hoạt động của các hội kín. Bên cạnh hoạt động tương tế (cứu giúp nhau khi hoạn nạn, cùng chống lại bọn cường hào ở thôn xã...), các hội kín đã tích cực tiến hành hoạt động chống Pháp. Có lẽ vì vậy mà Coulet đưa ra nhận xét: "Hội kín, bản chất của nó không phải là tự vệ mà là tấn công, tấn công mới là chủ yếu..." [Dẫn theo: 3, tr. 573]
Theo tài liệu của thực dân thì từ giữa năm 1883, hội kín "Thiên Địa hội đã bắt liên lạc với một mưu đồ nổi dậy do một số quan lại, sĩ phu yêu nước vận động và đang nhen nhóm ở Nam Kỳ" [17, tr. 120]. Báo cáo của Sở Cảnh sát an ninh Sài Gòn ngày 11-7-1883 cho biết: "Nhiều người trong hội kín Thiên Địa hội ở Sóc Trăng (trong đó có người Hoa) đều đồng tình với các quan lại cũ và hương chức ở trong hạt cùng nổi dậy". Cũng tại Sóc Trăng, một hương hào ở Bãi Xâu đang chỉnh đốn lại hội kín Thiên Địa hội. Họ tính chuyện mua vũ khí về dấu trong đồng tràm và tính chọn ngày tiêu diệt tất cả người Pháp trong tỉnh. Người ta đồn rằng: khi có hiệu lệnh, bọn lính tập và lính khố đỏ sẽ hỗ trợ tích cực cho hội kín.
45
Một báo cáo khác của sở cảnh sát an ninh Sài Gòn đề ngày 23-11-1883 cho biết: có tin đồn rằng người An Nam và người Hoa tham gia hội kín ở Trà Vinh và Sóc Trăng đang tụ tập thành những toán đông người, có vũ trang, đi lại trên các sông lớn [17, tr. 120-121].
Các tư liệu trên cho thấy hoạt động chống Pháp của các hội kín đã bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ mới nhen nhóm, lẻ tẻ. Nguyên do là, các hội kín thực sự mang nội dung "Phản Pháp phục Nam" của người Việt lúc này chưa xuất hiện nhiều. Hơn nữa, trong những thập niên cuối thế kỷ XIX, phong trào yêu nước ở Nam Kỳ đang bị thực dân đàn áp mạnh. Các cuộc khởi nghĩa vũ trang đều lần lượt thất bại. Công cuộc kháng Pháp, giải phóng dân tộc lâm vào cảnh bế tắc. Trước tình hình đó, rõ ràng các hội kín không có điều kiện thuận lợi để tiến hành các cuộc nổi dậy với quy mô lớn. về phía chính quyền thực dân, họ chú ý đến các hội kín theo kiểu Thiên Địa hội từ rất sớm. Ngay từ năm 1882, giới chức cao cấp của thực dân đã ra công văn "Chuẩn y các biện pháp nghiêm khắc đối với Hội kín có tên Thiên Địa hội". (Hội kín ở đây được hiểu là cả của người Hoa và người Việt).
Thế nhưng thực dân không triệt tiêu được ngay các tổ chức "chống chính quyền" này. Có lẽ là do hội kín chưa nổi dậy mạnh mẽ nên chưa bộc lộ hết tổ chức và lực lượng. Mặt khác, cách tổ chức và hoạt động bí mật của họ đã khiến cho thực dân không dễ ra tay trấn áp. Một hội viên phản bội của hội kín Thiên - Địa - Hội - Sơn đã thú nhận việc truy bắt hội viên hoàn toàn không dễ dàng vì "họ rất cẩn trọng, nhất là việc bảo mật sổ sách của hội" [17, tr. 117].
Bước sang đầu thế kỷ XX, hoạt động chống Pháp của hội kín trỗi dậy mạnh mẽ. Hàng loạt hội xuất hiện trên khắp Nam Kỳ đã giương cao khẩu hiệu "Phản Pháp phục Nam". Vào khoảng thời gian trước và trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), các cuộc đấu tranh vũ trang của hội bắt đầu diễn ra ở nhiều nơi. Họ đứng lên tấn công bọn chức dịch gian ác, chống lại việc chính quyền thực dân bắt lính. Không những thế, các hội kín còn có kế hoạch bạo động giành chính quyền. Điển hình là kế hoạch tấn công vào Sài Gòn - Chợ Lớn của hội kín Phan Xích Long. Đêm 23 rạng 24-3-1913, những người lãnh đạo của tổ chức này đã cho đặt trái phá ở một số nơi trong châu thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Bốn ngày sau, khoảng 600 nông dân mặc quần trắng, áo đen, bịt khăn xéo trắng tiến vào Chợ Lớn. Họ hi vọng sẽ được nhìn thấy hoàng đế Phan Xích Long giáng trần để đánh đuổi người Pháp. Tuy nhiên, chính quyền thực dân đã sớm phát hiện kế hoạch nổi dậy và ra tay đàn áp. Hàng trăm người bị chúng bắt
46
đem ra xét xử tại Tòa Đại hình Sài Gòn. Mặc dù cuộc nổi dậy của hội kín Phan Xích Long không thành công, nhưng hành động của họ đã gây được tiếng vang lớn.
Cùng với các hoạt động trên, hội kín ở Nam Kỳ còn liên hệ với một số tổ chức yêu nước khác. Tác giả Nguyễn Văn Kiệm cho biết: sau khi thành lập Việt Nam Quang Phục hội, Phan Bội Châu đã cử Bùi Chi Nhuận về Nam Kỳ vận động các hội kín. Tháng 4-1913, sau vụ nghĩa quân Phan Xích Long đột nhập vào Sài Gòn - Chợ Lớn, ông lại cử Cường Để về Nam Kỳ quyên góp tài chính. Cường Để đã được các hội kín ủng hộ, suy tôn làm minh chủ và quyên được hơn 20 vạn đồng [22, tr. 344].
Ngoài Việt Nam Quang Phục hội, dường như hội kín có liên hệ với các giáo phái yêu nước. Khi đàn áp cuộc khởi năm 1916, Pháp đã thu được của nghĩa quân một lá cờ. Trên lá cờ có dòng chữ "Bửu Sơn Kỳ Hương, Thánh Minh Vương Phật". Ngay cả bùa mà nghĩa quân đeo khi lâm trận cũng có dòng chữ "Bửu Sơn Kỳ Hương". Những chi tiết vừa nêu cho phép chúng ta nghĩ tới khả năng hội kín Thiên Địa hội và Bửu Sơn Kỳ Hương đã phối hợp với nhau trong hoạt động cứu nước.
Năm 1914, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Là một nước tham chiến, thực dân Pháp đã tăng cường bóc lột về kinh tế và bắt lính ở các thuộc địa để phục vụ cho chiến tranh. Ở Nam Kỳ, các đợt bắt lính diễn ra ráo riết. Do vậy, hoạt động của các hội kín Nam Kỳ trong thời gian này chủ yếu nhằm vào hai việc lớn: một là phá nhà ngục Sài Gòn cứu Phan Xích Long (bị bắt ngay trước cuộc nổi dậy năm 1913) và tiếp tục kế hoạch giành chính quyền, hai là chống việc bắt lính của thực dân Pháp.
Sau một thời gian chuẩn bị, đêm 14 rạng 15-2-1916, nghĩa quân do Nguyễn Hữu Trí chỉ huy đã tấn công vào Sài Gòn. Cuộc tấn công này nhằm phá khám lớn giải cứu hoàng đế Phan Xích Long và lật đổ người Pháp giành chính quyền. Cũng như năm 1913, cuộc khởi nghĩa lần này bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp và thất bại.
Ngoài cuộc nổi dậy phá khám lớn Sài Gòn, các hội kín ở các địa phương cũng dấy lên phong tào đấu tranh mạnh mẽ.
Ở Trà Vinh, từ 20-1-1916, nhiều làng có những cuộc vận động chống bắt lính. Ở Biến Hòa, ngày 23-1, nông dân tổng Chánh Mỹ Trung phá các cuộc tuyển lính, đánh chức dịch và
47
lính cơ. Ở Bến Tre, khoảng 200 hội viên hội Nghĩa Hòa mang cờ, trống diễu hành và trừng trị bọn nhà giàu gian ác. Ở Thủ Dầu Một, nhiều nông dân tụ tập để nổi dậy vào đêm 14-2 nhưng bị Pháp đàn áp... [22, tr. 346].
Trong số 20 tỉnh của Nam Kỳ, có đến 13 tỉnh diễn ra các hoạt động nổi dậy. Nghĩa quân được tập hợp nhanh chóng và rất có tổ chức, tấn công thực dân và tay sai bằng vũ khí thô sơ.
Những người nổi dậy "đểu có tinh thần chiến đấu cao, họ tin vào bùa phép, tin rằng sắp đổi đời, tận thế... Khi xông trận mỗi chiến sĩ mang bùa trước ngực... để ngừa súng đạn đối phương" [14, tr. 144].
Coulet nhận xét: "Những vụ mưu loạn ở Nam Kỳ năm 1916 cho thấy các hội kín muốn chứng tỏ khả năng thực hiện một kế hoạch hoạt động chung, nhưng mỗi hội kín vẫn giữ được bản sắc riêng của từng khu vực...
Có thể nói khắp nơi trên địa bàn Nam Kỳ đã diễn ra hoạt động rất có tổ chức của các hội kín mà chính quyền Pháp chưa đánh giá thật đúng ảnh hưởng của nó để có biện pháp hữu hiệu..." [28, tr. 19-21].
Lời nhận xét của nhà nghiên cứu Coulet cho thấy phong trào hội kín năm 1916 đã diễn ra khá đồng bộ. Rõ ràng, đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Giữa các hội kín hẳn đã có liên hệ với nhau và thống nhất một hành động chung. Nhờ vậy, nó mới tạo nên sức mạnh khiến cho chính quyền thực dân có phần bất ngờ và ứng phó một cách vất vả.
Các cuộc nổi dậy của các hội kín Nam Kỳ cuối cùng đều thất bại. Mặc dù vậy, họ đã góp phần đáng kể vào phong trào dân tộc. Chỉ bằng giáo mác thô sơ, những người nông dân đã dũng cảm đứng lên chống lại ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp. Họ đã làm cho bộ máy cai trị của chúng không thể yên ổn. Hoạt động đấu tranh của các hội kín đã chứng tỏ rằng bất cứ trong hoàn cảnh nào, nhân dân cũng sẵn sàng vùng dậy đánh đổ thực dân đế quốc, giành lại độc lập, tự do.
Qua những nội dung đã trình bày ở trên, xin được rút ra một số nhận xét sau:
Vào những thập niên cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một phong trào yêu nước dưới hình thức hội kín đã hình thành và phát triển ở nhiều tỉnh Nam Kỳ. Quá trình ấy gắn liền với hoàn
48
cảnh chính trị - xã hội, gắn liền với những bước thăng trầm của phong trào dân tộc trên vùng đất này.
Các hội kín của người dân Nam Kỳ có nguồn gốc từ các Thiên Địa hội của người Hoa.
Đây là những hội kín "Phản Thanh phục Minh" ở Trung Quốc theo chân người Hoa di cư đến nước ta. Từ nửa sau thế kỷ XIX trở đi, các Thiên Địa hội xuất hiện ngày càng nhiều ở Nam Kỳ.
Trong quá trình hoạt động, chúng đã thu hút sự tham gia của một số đông người Việt. Sau đó người Việt đã tách ra thành lập các tổ chức riêng trên cơ sở học tập cách tổ chức và lề lối sinh hoạt của hội kín Hoa kiều.
Với khẩu hiệu "Phản Pháp phục Nam" các hội kín của người dân Nam Kỳ đã thể hiện tinh thần yêu nước rõ rệt.
Cho đến đầu thế kỷ XX, các hội kín của người Việt đã xuất hiện ở khắp Nam Kỳ. Với mục tiêu mang tính dân tộc, các tổ chức này là nơi phát sinh một phong trào yêu nước mới.
Khác với phong trào Minh tân vốn chỉ có ảnh hưởng ở thành thị, phong trào hội kín có sức hút mạnh mẽ ở vùng nông thôn. Đồng thời, do cách thức hoạt động bí mật (giống Thiên Địa hội của người Hoa), các hội kín cũng không có nhiều hoạt động "bề nổi". Vì vậy, chỉ đến khi các hội kín phát động nổi dậy ở Sài Gòn và một số nơi khác, chính quyền thực dân mới nhận ra rằng đây là một lực lượng yêu nước mà họ không thể xem thường.
49