CHƯƠNG 2: HỘI KÍN Ở NAM KỲ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX
2.2. Thành ph ần tham gia, nguyên tắc tổ chức và lề lối hoạt động
2.2.2. Nguyên t ắc tổ chức và lề lối hoạt động
Đối với các hội, đảng hoạt động trong phong trào yêu nước, việc tổ chức luôn là một vấn đề quan trọng. Sự tồn vong của chúng phụ thuộc rất lớn vào vấn đề này. Các đảng phái hoặc các hội bí mật sẽ vững mạnh và có điều kiện phát triển nếu được tể chức bài bản, chặt chẽ.
Ngược lại, việc tổ chức lỏng lẻo, tùy tiện sẽ làm cho chúng khó đứng vững trước khó khăn và dễ tan rã khi kẻ thù ra tay đàn áp. Bên cạnh vấn đề tổ chức, việc đặt ra nguyên tắc và lề lối hoạt động của các hội, đảng cũng có tầm quan trọng không kém. Nếu nguyên tắc hoạt động và lề lối hoạt động không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, các tổ chức này khó tránh khỏi nguy cơ thất bại.
38
Ở Nam Kỳ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các hội kín Thiên Địa hội của người Việt được tổ chức như thế nào? Lề lối hoạt động ra sao? Cách thức tổ chức và hoạt động của các hội kín có gì khác biệt so với các phong trào khác? Sự tan rã của phong trào hội kín có phải một phần là do cách tổ chức và lề lối hoạt động không còn phù hợp với tình hình lúc bấy giờ?
Như đã trình bày trên (phần 1 chương 2) các hội kín người Việt ở Nam Kỳ vốn có nguồn gốc từ các Thiên Địa hội của người Hoa. Do vậy cách tổ chức và hoạt động của hai bên có nhiều nét giống nhau. Nói cách khác, hội kín của người Việt đã chịu ảnh hưởng rõ nét cách tổ chức của các hội kín mà người Hoa du nhập vào Việt Nam. Mỗi hội kín đều có một một bộ phận chỉ huy và điều hành công việc với các chức vụ (theo thứ bậc rõ ràng) như Đại ca (còn được gọi là Vạn Đại Ca), Nhị ca, Tiên sanh, Tiên phong, Hồng côn, Tài phú, Thảo hài. Đại ca, Nhị ca được gọi là anh Hai, anh Ba; Tiên sanh lo huấn luyện người mới vào hội, Tài phú là thư ký, Thảo hài là thám báo. ở một vài hội, các chức vụ có khác. (Thí dụ chức Bạch phiến thay cho chức Tài phú, có chức Chủ lư và phó Chủ lư lo về nghi lễ, Ngũ hổ lo về an ninh, Thiên lý mã lo việc do thám). Ngoài ra, một số hội kín còn đặt các chức vụ chỉ huy các đạo binh như sau:
- Cổ trưởng, chỉ huy từ 5 đến 49 hội viên.
- Bộ trưởng, chỉ huy từ 50 đến 100 hội viên.
- Thông thuộc, chỉ huy từ 100 đến 249 hội viên.
- Lãnh thuộc, chỉ huy từ 250 đến 500 hội viên.
- Tổng thuộc, chỉ huy từ 500 đến 1.250 hội viên.
- Đề đốc, chỉ huy từ 1.250 đến 12.500 hội viên
- Nguyên thuộc, chỉ huy từ 12.500 đến 37.000 hội viên.
Hội kín của Nguyễn Văn Hay (ở Thủ Dầu Một) còn có các chức chỉ huy quân sự như Chúa đảng, Chánh soái, Phó soái, Ngũ hổ, Đốc binh, Khâm sai. Bản thân Phan Xích Long (người lập hội kín ở Chợ Lớn) cũng xứng là Chánh nguyên soái [14, tr. 154-155].
Bên dưới các chức vụ chỉ huy, điều hành là các hội viên. Để trở thành hội viên, những người xin gia nhập phải trải qua một nghi lễ kết nạp. Mỗi hội có nghi lễ kết nạp không hoàn
39
toàn giống nhau. Song, tất cả đều buộc người nháp hội phải ăn thề. Coulet đã mô tả lễ kết nạp của một số hội kín như sau:
Ở hội Nhị Bình (Mỹ Tho) lễ kết nạp hội viên được tổ chức theo sáu bước. Trước bàn thờ, hội viên cũ và mới đứng vòng quanh hội chủ. Mọi người rửa tay trong một chậu nước. Hội chủ lạy bốn lạy. Hội viên mới cũng làm như vậy. Tiếp theo hội viên mới bưng một chén rượu quỳ dâng lên đàn lạy ba lạy rồi đọc lời khấn. Cứ xong một đoạn, các hội viên có mặt giơ tay và đứng im. Sau đó, tất cả những người có mặt sang một phòng khác trích máu ở tay vào chén rượu. Hội chủ trở về đàn cầm chén rượu đọc lời răn, hội viên mới đọc lời thề. Mọi người lạy bốn lạy và nhấp chung chén rượu máu, hội chủ nhấp trước.
Bước tiếp theo, mọi người dâng đồ cúng; hội chủ đọc lời thề trên giấy, các hội viên cũ và mới đều thế rồi đốt.
Cuối cùng mọi người ăn cỗ chung kết thúc buổi lễ.
Ở hội kín Nghĩa Hòa (Mỹ Lợi - Mỹ Tho), nghi lễ nhập hội có phần đơn giản hơn. Những người tổ chức cũng lập đàn, đặt nhiều loại bùa. Trên đàn có một bình hương, năm chén trà, một ngọn nến, bánh trái... Chủ lễ thắp hương, đọc lời thề và hỏi những người xin vào hội:
"Anh đi đâu?"
Trả lời: "chúng tôi đến xin nhập hội". "Có thật thà không?"
- "Có".
"Có chính trực không?"
- "Có".
Tiếp đó, hội viên mới quỳ trước bàn. Chủ lễ trích máu ở ngón tay giữa bàn tay trái hòa rượu uống chung.
Ở hội kín của Hồ Văn Dậu, lễ nhập hội diễn ra như sau:
Người ta lập một cái đàn và đặt len đó ba nén hương, ba chén rượu, một con dao sắc, ba con ngựa, ba con chó, ba con lợn (tất cả các con vật đều làm bằng bột).
Sau đó, chủ lễ hỏi người xin nhập hội:
40 - Anh đi đâu?
- Tôi đi đầu quân, trả thù cho chúa, đền ơn cha mẹ, trả oán, trả hận cho anh em.
Hội viên mới cầm dao chĩa mũi nhọn vào cổ họng đọc lời thề, rồi chém đầu các con vật làm bằng bột. Ở một số hội kín, cùng với lễ kết nạp còn có thêm lễ "trui" để thử thách hội viên mới. Lễ trui có nhiều cách (bỏ than hồng vào lòng bàn tay hoặc vào chân, trích đầu ngón tay cho chảy máu rồi viết chữ...) Người nào chịu trui giỏi được xem là anh hùng, ai không chịu được thì bị loại [Dẫn theo: 22, tr. 340-341].
Nhìn chung, nghi lễ gia nhập của các hội kín ở Nam Kỳ đều ít nhiều mang tính ma thuật, thần bí. Tuy có đôi chỗ khác biệt, nhưng đại để, nó giống với lễ kết nạp trong các Thiên Địa hội của người Hoa (6).
Trong lễ gia nhập hội kín, điều đáng chú ý là nội dung lời thể của hội viên. GS Trần Văn Giàu đã dịch một bản lời thề từ sách Le Sociétés Secrétès en terre d'Annam của G.Coulet như sau:
Giữa bạn bè, phải giúp nhau làm cho hết nghĩa vụ, phải cứu nhau trong lúc khốn cùng.
Không bao giờ bỏ nhau, ngay cả trong cơn nguy biến.
Phải nghe lời thầy, yêu đất nước, nhớ tới vua, làm việc nghĩa. Nói năng phải lễ phép, ôn tồn. Phải sửa chữa sai lầm. Không được say rượu. Đừng tham lam. Không bao giờ phản bội.
Không tranh chấp với láng giềng. Không ăn cắp. Không nói xấu người vắng mặt. Đừng nghĩ một đường mà nói một nẻo. Đối với kẻ địch thì phải trả thù, đối với người ân thì phải đền nghĩa. Dù nhà túng thiếu, vẫn phải là con hiếu; dẫu nước có loạn, vẫn phải là tôi trung. Không sợ đương đầu với khó khăn mệt nhọc. Không sợ kẻ gian ác.
Nếu ta phải chết vì làm nghĩa vụ thì đó là anh hùng. Nếu phản phúc thì bị trời tru đất diệt, bị chết cháy, bị chết chém, bị rắn cắn, bị chết vì đường tên mũi giáo, thịt nát xương tan... Thần thánh sẽ phù trợ cho những ai góp sức giúp vua cứu nước, đánh đuổi giặc Tây, khôi phục nước Nam... [3, tr. 571-572]. Qua bản tuyên thệ này, có thể thấy hội kín của người Việt đã hướng đến hai mục tiêu chính: tương tế và cứu nước. Đây là những mục tiêu rất thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của người dân. Bên cạnh đó, nội dung lời thề cũng chứng tỏ hội kín rất xem trọng các giá trị đạo đức. Nó khuyên răn hội viên không được làm trái luân thường, đạo lý. Đặc
41
biệt các quy tắc đạo đức Nho giáo (ví dụ: làm tôi phải trung với vua) đã được nhấn mạnh. Điều đó cho thấy trong cách thức tổ chức của hội kín, tư tưởng phong kiến còn rất đậm nét.
Cùng với việc yêu cầu hội viên ăn thề, hội kín cũng đặt ra điều lệ và buộc hội viên phải tuân thủ. Ví dụ như điều lệ của hội kín mang tên Thiên - Địa - Hội - Sơn: "Dẫu sống chết cũng không bỏ hội... Hội viên bị bắt, bị tù không được khai báo, làm trái sẽ có ngày phải đền tội."
[17, tr 116].
Quy định này thể hiện rõ tính răn đe đối với hội viên. Những ai đã vào hội thì phải tuyệt đối trung thành và bảo vệ hội tới cùng. Kẻ nào phản bội và làm phương hại đến tổ chức sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Ngoài những chi tiết vừa đề cập, cũng cần kể đến một vấn đề khác khi nói về cách tổ chức các hội kín. Đó là việc các hội kín đã sử dụng cờ, bằng cấp, ấn và bùa như thế nào.
Theo Coulet, ở đất An Nam, hội kín không có cờ riêng. Khi thành lập, hội không chọn một lá cờ để làm biểu tượng, vả lại, vì là hội kín, hội không muốn chọn cho mình một biểu tượng khiến người ngoài có thể nhận ra. Tuy nhiên, khi tiến hành các hoạt động nổi dậy, hội kín vẫn có cờ. Nói cách khác, cờ có ý nghĩa chủ yếu về mặt quân sự. Phan Xích Long từng trưng cờ như là dấu hiệu chiêu tập những ai sẽ tham gia vào đạo quân của ông. Coulet cũng cho rằng cờ thực chất là một lá bùa lớn và do thầy phù thủy của hội kín làm ra [28, tr 69-73].
Về bằng cấp (còn gọi là hồng tánh), Coulet dẫn lời khai của Võ Văn Quới (trưởng hội Nghĩa Hòa ở Mỹ Lợi, Mỹ Tho) cho biết: "Vào năm 1911, một người tên Năm Cường, quê ở Thơi Định (Vĩnh Long) đến nhà Võ Văn Quới và lưu lại một thời gian. Năm Cường cho biết đã lập một hội kín tên Nghĩa Hòa ở Chợ Lách và mời Quới gia nhập. Võ Văn Quới nhận lời và được phong làm người quản lý hội Nghĩa Hòa trong khu Kênh 27 và Tháp Mười. Nửa đầu tháng 6 (âm lịch) năm 1916, Năm Cường quay lại và đưa cho Quới 25 mảnh vải trắng hình vuông có dấu ấn màu đỏ và hình bát quái. Năm Cường giải thích mảnh vải này gọi là hồng tánh. Để có hồng tánh, hội viên phải nộp hơn 3 đồng. Nó có ích trong mọi hoàn cảnh. Chẳng hạn, người có hồng tánh bước vào nhà một hội viên khác và đưa nó ra, anh ta sẽ được đón tiếp niềm nở." [28, tr. 174-175].
42
Như vậy, bằng cấp (hồng tánh) là một tín vật để các hội viên nhận biết và liên lạc với nhau. Các hồng tánh này khá giống với các "Lòng phái" của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đinh Văn Hạnh cho biết "Về nghi thức gia nhập Thiên Địa hội không có điểm tương tự Tứ Ân Hiếu Nghĩa... nhưng trên lá (lòng) phái có nhiều điểm giống nhau" [5, tr. 78].
Phải chăng giữa chúng có mối liên hệ nào đó?
Về bùa chú, tất cả các hội kín đều sử dụng. Hội viên được phát rất nhiều loại bùa để uống, đeo hoặc để dán ở nhà. Họ được tuyên truyền rằng việc đeo bùa sẽ giúp tránh được tà ma, bệnh tật, súng đạn bắn không chết... Rõ ràng, trong lúc chưa có điều kiện trang bị súng đạn cho nghĩa quân, những ngươi lãnh đạo phải dùng bùa để cổ vũ nhân tâm. Bằng cách này, họ làm cho nghĩa quân thêm vững tinh thần khi tiến hành các cuộc nổi dậy.
Ngoài cờ, bằng cấp và bùa chú, các hội kín còn có một vật khá đặc biệt, đó là chiếc ấn.
Coulet cho rằng, cùng với cờ, bùa, bằng cấp, ấn cũng là một thứ do thầy phù thủy làm ra.
Giống như các tổ chức yêu nước khác, hội kín cũng dùng ấn để đóng vào các loại bằng sắc, yết thị... Trong phong trào hội kín, có lẽ chiếc ấn của Phan Xích Long là đáng chú ý nhất. Chiếc ấn có hình đầu rồng trên cái ngừ, phía dưới có khắc dòng chữ "Đại Minh quốc, Phan Xích Long hoàng đế, Thiên tứ ngọc tỉ". Với hình dạng và dòng chữ như vậy, rõ ràng chiếc ấn này là biểu tượng quyền lực theo kiểu phong kiến.
Trong quá trình tổ chức, ngoài việc sắp đặt các chức chỉ huy, thu nhận hội viên... các hội kín cũng rất quan tâm đến vấn đề tài chính. Để có kinh phí, các hội thường bày ra lạc quyên, vận động hội viên và dân chúng đóng góp. Có hội còn phát hành trái phiếu để ghi lại khoản đóng góp của các thành viên và hứa hẹn phong chức tước cho họ sau khi phục quốc (Người góp từ 5-49 đồng sẽ được làm hương bộ, từ 50 đến 249 đồng được làm chủ quận...) [14, tr 155].
Nhìn chung, việc vận động tài chính thu được kết quả khá tốt. Người dân trên khắp các tỉnh đã tích cực đóng góp tiền bạc cho hội. Ở hội kín Phan Xích Long, những người lãnh đạo đã quyên góp được hàng chục ngàn đồng.
Về địa điểm hội họp, tổ chức các nghi lễ... hội kín thường chọn chùa, miếu hoặc những nơi vắng vẻ để tránh sự theo dõi của chính quyền. Ví dụ ngôi chùa trên núi Voi (Kampot - Campuchia) là nơi hội họp bí mật của hội kín Phan Xích Long. Đồng thời, đây cũng là nơi chứa lương thực, khí giới... chuẩn bị cho các cuộc nổi dậy. Coulet nhận xét "cũng như các nhà
43
sư, chùa cũng có thể phục vụ cho các hội kín. Đó là nơi hội họp chắc chắn... Hơn nữa, một vài ngôi chùa còn là biểu tượng huyền bí làm phấn khởi nghị lực của các hội viên..." [28, tr. 191].
Cùng với nguyên tấc tổ chức, các hội kín còn đặt ra lề lối hoạt động hết sức nghiêm mật.
Mỗi hội kín đều có hàng loạt mật hiệu để hội viên nhận diện hoặc trao đổi thông tin với nhau.
Ví dụ như mật hiệu của hội kín Thiên - Địa - Hội - Sơn ở Gia Định: bước qua cửa vào nhà thì chân trái đi trước. Có ai đến xin lửa thì người cho lửa phải đưa điếu thuốc đang cháy dở ra, nhưng đầu thuốc đang cháy phải quay về phía mình, dầu thuốc kia phải quay về phía người xin lửa. Làm đúng những mật hiệu đó thì mới được tiếp nhận là thành viên của hội [17, tr. 18].
Ngoài nguyên tắc bảo mật, kỷ luật trong các hội kín cũng rất nghiêm minh. Hội viên không được có những hành vi phi đạo đức hoặc làm trái với tôn chỉ của hội... Họ phải luôn giữ lòng trung thành, sấn sàng sống chết với nhiệm vụ được giao. Nếu hội viên vi phạm kỷ luật của hội, họ sẽ bị xử lí nghiêm khắc.
Trong quá trình hoạt động, mỗi hội kín đều có địa bàn riêng. Giữa các hội kín không có một hệ thống chỉ huy thống nhất. Tuy nhiên, "các hội kín Nam Kỳ đều suy tôn Phan Xích Long và Cường Để làm Vua nước Nam. Một số hội chủ như Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Văn Hiệp tự nhận là đại diện của hai vua để ra mệnh lệnh và được các hội kín chấp hành nghiêm chỉnh."
[22, tr. 342].
Như vậy, do cùng chung mục đích "Phản Pháp phục Nam", giữa các hội kín vẫn có mối liên hệ với nhau. Song, mối liên hệ ấy không đủ sức gắn kết các tổ chức này thành một khối thống nhất. Vì thế, phong trào không có được một sức mạnh tổng hợp, đủ sức lay chuyển bộ máy cai trị của thực dân.
Nhìn chung, cách thức tổ chức và lề lối hoạt động của các hội kín tương đối chặt chẽ, có kỷ luật. Hội viên luôn được giáo dục tinh thần yêu nước và tương thân tương ái. Đây là những mặt tích cực, góp phần làm nên sức sống cho phong trào. Tuy nhiên, cách tổ chức của hội cũng mang nhiều yếu tố thần bí. Hội quá thiên về việc dùng phương thuật và bùa chú. Đó là chưa kể, các hội kín thường hoạt động theo kiểu phân tán, thiếu sự thống nhất, đồng bộ. Với những hạn chế như vậy, phong trào yêu nước do hội phát động sẽ rất khó đi đến thành công.