CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG DÂN CƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
2.2. Thực trạng chất lượng cuộc sống dân cư TP. Hồ Chí Minh
2.2.4. Về y tế, chăm sóc sức khỏe
Muốn phát triển kinh tế thì người dân phải có sức khỏe và thực sự có sức khỏe thì mới cống hiến được cho đất nước, giúp đất nước phát triển. Nguồn nhân lực tốt có đầy đủ:
trí lực và thể lực. Vì vậy, vấn đề chăm sóc sức khỏe vô cùng quan trọng trong đời sống hiện tại. Xác định được điều này, cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách và phương hướng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tại thành phố, ngoài các bệnh viện, cơ sở y tế cấp thành phố còn có các bệnh viện Trung ương, đặc biệt phải kể đến một số lượng lớn bệnh viện tư nhân và phòng khám tư nhân thành lập hàng năm. Tính đến năm 2011 toàn thành phố có 102 bệnh viện, tăng 64 bệnh viện so với năm 2002, số trạm y tế trung bình mỗi xã, phường 1 cái nên tăng lên không đáng kể, 322 trạm y tế ( 2011), tăng 19 trạm y tế so với năm 2002. Số bệnh viện tăng lên nhanh chóng là do sự ra đời của các bệnh viện tư và bệnh viện quốc tế trong thời kỳ hội nhập. Trung bình mỗi quận, huyện có 1 đến 2 bệnh viện, như vậy 100% các quận, huyện có bệnh viện và 99,6% các xã, phường có trạm y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe.
Bảng 2.13. Số bác sĩ và số giường bệnh/ 1 vạn dân của TP. Hồ Chí Minh qua các năm
Số bác sĩ/1 vạn dân
(người) Số giường bệnh/ 1 vạn dân (giường)
2002 8 31
2004 9 32
2008 10 41
2010 12 42
2011 13 42
Nguồn: NGTK 2011- Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh Với mục đích nâng cao chất lượng y tế tại cơ sở, hàng năm số lượng giường bệnh và số y bác sĩ được tăng cường. Số bác sĩ năm 2011 là 10.077 người tăng so với 2002 là 5.496 người, y tá 12.750 người tăng 7.351 người, nữ hộ sinh 2.684 người tăng 998 người. Vì vậy, số bác sĩ/1 vạn dân cũng tăng, năm 2002 là 8 bác sĩ, năm 2011 là 13 bác sĩ, tương tự vậy, số giường bệnh/1 vạn dân cũng tăng lên, năm 2002 là 30 giường tăng lên 42 giường. Dễ dàng nhận thấy, số bác sĩ hàng năm tăng lên đáng kể nhưng số bác sĩ/1 vạn dân tăng rất chậm, số giường bệnh/1 vạn dân cũng vậy. Nguyên nhân là do dân số tăng nhanh hơn sự tăng lên của số bác sĩ và giường bệnh… Vì vậy, mặc dù lượng bác sĩ, y tá của thành phố cao nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. (bảng 2.13).
Số bác sĩ/1 vạn dân và số giường bệnh/1 vạn dân có sự phân bố không đồng đều giữa các quận, huyện. Xét trong chỉ tiêu này, ta thấy rằng còn phụ thuộc rất lớn vào số dân sinh sống tại quận, huyện đó và số cơ sở y tế đặt tại đó nhiều hay ít. Nếu mật độ dân số đông thì số bác sĩ và giường bệnh/1 vạn dân sẽ rất thấp và ngược lại. Điển hình ở khu vực thành thị các quận 4, quận 8, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận có số bác sĩ/1 vạn dân rất thấp, trong khi những quận khác, đặc biệt là quận Tân Bình tới 51 bác sĩ/ 1 vạn dân và 105 giường bệnh/1 vạn dân. Các quận vùng ven số cơ sở y tế ít, số dân lại đông nên số bác sĩ và giường bệnh trên 1 vạn dân thấp, tiêu biểu như quận Thủ Đức, quận Tân Phú, Quận 12 chỉ có khoảng 5 - 8 bác sĩ/1 vạn dân, và khoảng 11- 18 giường bệnh/1 vạn dân. Ở các huyện số bác sĩ và giường bệnh trên 1 vạn dân thấp nhất như Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè. Đây là những huyện giáp ranh với các quận thành phố nên số lượng dân cũng tương đối lớn vì vậy số giường bệnh và số bác sỹ/1 vạn dân nhỏ, trong khi đó huyện Cần Giờ và Củ Chi có số lượng bác sĩ và giường bệnh trên 1 vạn dân cao hơn, khoảng 28 bác sĩ/ 1 vạn dân và 35 - 37 giường bệnh/ 1 vạn dân. (hình 2.4)
So với cả nước và các tỉnh thành khác thì số bác sĩ/1 vạn dân, số giường bệnh/1 vạn dân của TP. Hồ Chí Minh khá cao. Năm 2011, số bác sĩ/1 vạn dân của cả nước là 6, số giường bệnh/1 vạn dân là 26, các con số tương ứng cho các địa phương khác, Hà Nội: 2, 6;
Đà Nẵng: là 8, 36, Bà Rịa – Vũng Tàu: 5, 14, vùng Đông Nam Bộ: 6, 26. Hà Nội cùng với TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội hàng đầu nhưng so với TP. Hồ Chí Minh các chỉ số trên của Hà Nội nhỏ hơn rất nhiều, do lượng dân của Hà Nội quá đông, đặc biệt là sau khi sát nhập Hà Tây.
Tuổi thọ trung bình của người dân thành phố cũng có xu hướng tăng qua các năm khi được chăm sóc tốt về mặt y tế và dinh dưỡng. Theo UNDP VN 2011 tuổi thọ trung bình của người dân thành phố là 75,7 tuổi, cao hơn so với trung bình cả nước, cao hơn cả Hà Nội.
Số lượng thăm khám bệnh của người dân tăng qua các năm khi chương trình bảo hiểm y tế (BHYT) được nhân rộng trong toàn thành phố. Số lượt khám năm 2011 là 35.550 nghìn lượt, tăng so với năm 2002 là 15.143 nghìn lượt, số bệnh nhân chữa bệnh nội trú cũng tăng 636 nghìn lượt so với năm 2002. Có một thực tế là tất cả các quận, huyện đều có cơ sở y tế, bệnh viện và trạm y tế nhưng hầu như không được sử dụng một cách triệt để. Các bệnh viện quận, huyện tuyến dưới rất vắng bệnh nhân thăm khám. Chỉ có những bệnh thông thường thì người dân mới đi cơ sở khám của huyện, quận tuyến dưới. Còn lại người dân thường tới các bệnh viện lớn của thành phố như bệnh viện Bình Dân, bệnh viện 175, bệnh
viện Thống Nhất, bệnh viện Đại học Y Dược, bệnh viện Từ Dũ… Bên cạnh đó thành phố còn tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân trong cả nước, đặc biệt là vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long về khám và chữa bệnh nên quá tải ở những bệnh viện này, số giường bệnh không đủ đáp ứng. Khi đến những bệnh viện trên ta sẽ thấy bệnh nhân nằm 2 - 3 người/1 giường, nằm la liệt dưới sàn và ra tận hành lang.
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm có những tiến bộ trong khám chữa bệnh so với cả nước. Trang thiết bị được đổi mới và hiện đại. Tuy nhiên, số thiết bị y tế hiện đại này chỉ tập trung ở các bệnh viện lớn, còn các bệnh viện tuyến dưới hầu như chưa được đổi mới. Các bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế ra đời nhiều nhưng giá chi phí khám chữa bệnh khá đắt đỏ vì vậy chỉ có một lượng nhỏ nhóm dân cư có điều kiện kinh tế khám chữa bệnh tại đây.
Hình 2.4. Bản đồ các chỉ số y tế của TP. Hồ Chí Minh năm 2010