CHƯƠNG 3: ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG DÂN CƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
3.3. Những nhóm giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư thành phố Hồ Chí
3.3.9. Nhóm giải pháp đảm bảo cuộc sống cho dân nhập cư
Tiếp nhận dân nhập cư có chọn lọc, đăng ký tạm trú dài hạn cho bộ phận người dân này để quản lý về các vấn đề an ninh cũng như có những chính sách hỗ trợ. Hạn chế sự nhập cư ồ ạt dẫn đến tình trạng đô thị hóa không gắn liền với quá trình công nghiệp hóa. Khuyến khích và tiếp nhận bộ phận nhập cư có trình độ kỹ thuật và chuyên môn, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho thành phố.
Với những sinh viên đã học tập và tiếp tục ở lại làm việc là nguồn nhân lực đáng quý cho thành phố. Trong các doanh nghiệp cũng như thành phố cần có chính sách hỗ trợ như cho vay vốn không lãi suất để bộ phận này mua nhà, chung cư ổn định cuộc sống.
Với bộ phận lớn dân ngoại tỉnh vào thành phố không đăng ký tạm trú cần nghiêm ngặt quản lý và bắt buộc đăng ký tạm trú để quản lý. Công nhân nhập cư ở trong các khu nhà trọ gần các khu công nghiệp cần được giám sát kỹ càng tránh các tình trạng mất ổn định và dễ gây ra các tệ nạn xã hội.
Tạo điều kiện cho con em người nhập cư có thể hòa nhập và đến trường nhằm xói mù chữ ở trẻ em, mở các lớp học bồi dưỡng giáo dục vào ban đêm cho các dân nhập cư mù chữ.
Hỗ trợ xây nhà, cung cấp điện, nước sinh hoạt cho bộ phận lớn dân nhập cư để giải quyết những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.
3.3.10. Nhóm giải pháp về môi trường sống và ứng phó với biến đổi khí hậu
Thực thi đầy đủ các Nghị quyết, Chỉ thị, các chương trình hành động của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, các chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia của thành phố. Đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, chiến lược sản xuất sạch hơn.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi gây ảnh hưởng đến môi trường, trong đó, đặt trọng tâm đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả và các hình thức xử lý tạm thời như đình chỉ hoạt động, buộc di dời trong trường hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Khuyến khích đầu tư vào các ngành sử dụng công nghệ sạch, giảm chất thải, bảo vệ cải thiện chất lượng môi trường sinh thái. Hạn chế đầu tư vào các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều đất, tiêu hao nhiều năng lượng; không chấp nhận đầu tư công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường.
Tăng cường điều tra, thống kê các nguồn thải, loại chất thải và lượng phát thải ra môi trường nước trên lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai, tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, xử lý các nguồn thải nhằm đảm bảo chất lượng nước cung cấp cho người dân.
Phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận (Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai) trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh như cải tạo kênh Ba Bò, kiểm soát các vấn đề ô nhiễm xả thải ra sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, kênh Thày Cai - An Hạ; giải quyết ô nhiễm và bồi thường thiệt hại ở sông Thị Vãi; xây dựng khu xử lý chất thải rắn chung giữa thành phố Hồ Chí Minh và Long An; xây dựng năng lực ứng phó với sự cố tràn dầu ở vùng hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai.
Xem xét điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với các chất thải rắn thông thường theo Quyết định số 88/2008/QĐ- UBND ngày 20/12/2008 đối với các đối tượng chủ nguồn thải khác nhau. Tuyên truyền nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn tại nguồn, giảm thiểu tái chế, tái sử dụng chất thải rắn.
Xử lý nghiêm ngặt các trường hợp xả rác thải sinh hoạt ra các sông, kênh rạch trên địa bàn. Khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước sinh hoạt. Không lấn chiếm lòng sông, kênh rạch để làm nhà, chăn nuôi thủy sản.
Trong sản xuất nông nghiệp phải có chế độ tưới nước, bón phân phù hợp. Tránh sử dụng thuốc trừ sâu dư thừa, không rõ nguồn gốc. Áp dụng các biện pháp sinh học để tiêu diệt sâu bọ. Chăn nuôi gia súc nên nuôi trong chuồng trại có hệ thống xử lý chất thải. Không chăn thải rong dễ dàng dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và môi trường.
Phải xử lý nước thải khi xả vào cống, ao hồ, kênh rạch. Không đổ nước thải chưa qua xử lý vào hố để tự thấm hoặc để chảy tràn lan trên mặt đất. Không cho nước thải, rác thải nguy hại vào lòng đất.
Giảm thiểu tiếng ồn từ các phương tiện giao thông vận tải bằng cách xây dựng các tuyến đường hành lang, giảm lượng xe vào nội thành thành phố. Tuyên truyền ý thức người dân sử dụng phương tiện công cộng để giảm tình trạng kẹt xe giờ cao điểm, giảm việc sử dụng còi khi tham gia giao thông. Xử phạt nghiêm ngặt với các loại xe có trọng tải lớn lưu thông vào nội thành vào ban ngày.
Tuyên truyền, giúp đỡ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án “Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng ra biển Đông nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu”. Có các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố đến
năm 2020; các dự án hỗ trợ kỹ thuật cao Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực giao thông và năng lượng do ADB tài trợ.
Nâng cao nhận thức về nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với sự phát triển bền vững, các hành động phòng tránh khi xảy ra sự cố. Phối hợp với các địa phương trong vùng và mở rộng hợp tác với quốc tế về biến đổi khí hậu, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.
Các vùng ven biển của thành phố chịu ảnh hưởng của hiện tượng nước dâng vì vậy nguồn nước bị nhiễm mặn. Cần xây dựng các bờ kè ngăn cản sự dâng cao của nước biển trong mùa mưa. Di dời các hộ dân ở vùng sạt lở đến nơi an toàn.
Hỗ trợ và tuyên truyền người dân làm nông nghiệp biết cách ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ mùa màng và thực phẩm, rau xanh.
Tiểu kết chương 3
CLCS dân cư TP. Hồ Chí minh được nâng cao là sự cố gắng rất lớn của Đảng bộ và các cấp ban ngành thành phố. Trong từng thời kỳ phát triển kinh tế, tùy vào tình hình kinh tế trong và ngoài nước mà thành phố đã có những điều chỉnh các chính sách cho phù hợp.
Trong các giải pháp nâng cao CLCS dân cư TP. Hồ Chí Minh cần tập trung vào tăng thu nhập, xây dựng cơ sở vật chất cho y tế và giáo dục, ổn định cuộc sống dân nhập cư và đặc biệt là quan tâm đến môi trường sống của người dân trước biến đổi khí hậu toàn cầu.