1.2. Tình hình Phật giáo trước thời kỳ nhà Đường
1.2.3. Phật giáo triều đại nhà Tấn (280 – 419)
Sau khi nước Ngụy diệt nhà Thục, Tư Mã Viêm cướp ngôi vua, lập nhà
Tây Tấn đóng đô ở Lạc Dương. Mấy năm sau, Tư Mã Viêm tiến quân về Nam, diệt nhà Ngô rồi thống nhất thiên hạ.
Từ khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc đến thời đại Tây Tấn, Phật giáo đã được phổ cập rộng rãi. Thời vua Huệ Đế trị vì ông cho dựng chùa Hưng Thành ở Lạc Dương và đặt tiệc trai cúng giàng cho 100 vị tăng. Vua Mẫn Đế dựng chùa Linh Thông và Bạch Mã ở kinh thành Tràng An, hết sức bảo hộ Phật giáo.
Trong cuốn “Biện chính luận” của tác giả Vương Lâm có viết rằng: “Tự viện tất cả có 108 ngôi, tăng ni có hơn 3.700 người” [17; 42]. Tuy vậy, Phật giáo đời Tây Tấn cũng không có thay đổi gì lớn, ngoài công việc phiên dịch kinh điển.
Về sự nghiệp phiên dịch kinh điển của thời Tây Tấn: Với sự phát triển về chùa chiền, tăng lữ, tín đồ, kéo theo sự yêu cầu cấp thiết của kinh điển để đáp ứng cho việc học hỏi, nghiên cứu, thuyết giảng. Trong thời kì này có các vị sư người Tây Vực, các vị sư và các cư sĩ người Trung Quốc đã có công trong dịch kinh như: Đàm ma la sat, An Pháp Khâm, cư sĩ Nhiếp Thừa Vãn, cư sĩ Nhiếp Đạo Chân… Trong số các Tăng sĩ và cư sĩ nêu trên, người thì dịch từ 1 bộ, 2 bộ, 5 bộ, có vị dịch được 24 bộ, 50 bộ…Nổi bật nhất thời nay là ngài Đàm ma la sát dịch được 175 bộ, gồm 354 quyển.
Cuối thời Tây Tấn tình hình chính trị xã hội bắt đầu loạn lạc. Các rợ Hung Nô, Tiên Tỵ, Yết ở phương Bắc, các rợ Chi, Khương ở phương Tây, hợp lại thành 5 dân tộc Ngũ Hồ tràn xuống chiếm lĩnh những bình nguyên trù phú, các thành thị sầm uất của Trung Quốc, dần đà họ tiến về phương Nam.
Trong số đó có Lưu Thông, thuộc rợ Hung Nô là có thế lực nhất, ông tiến quân về Lạc Dương, diệt nhà Tây Tấn, lập nên nhà Tống. Dòng dõi cuối cùng của nhà Tây Tấn là Tư Mã Duệ, rút lui cố thủ miền Giang Nam, lập ra nhà Đông Tấn, đóng đô ở Kiến Khang.
Nhà Triệu lập quốc ở phương Bắc, được hai đời là Tiền Triệu và Hậu Triệu thì các nước còn lại của Ngũ Hồ lại nổi lên tranh cướp đất đai không chia thắng bại, kết quả bị phân chia thành 16 nước Ngũ Hồ ở phương Bắc gồm các
nước: Thành Hán (303 – 437), Hán Triệu (304 – 329), Hậu Triệu (319 – 350), Tiền Lương (324 – 376), Tiền Yên (337 – 370), Tiền Tần (351 – 394), Hậu Tần (384 – 417), Hậu Yên (384 – 409), Tây Tần (385 – 431), Hậu Lương (386–403), Nam Lương (397 – 414), Nam Yên (398 – 410), Tây Lương (400 – 420), Bắc Lương (401 – 439), Hạ (407 – 431), Bắc Yên (409 – 436). Như vậy miền Nam Trung Quốc lúc này là nhà Đông Tấn, miền Bắc Trung Quốc là 16 nước Ngũ Hồ.
Mặc dù bị phân chia lãnh thổ nhưng Phật giáo thời kỳ này có điều kiện phát triển hơn trước.
Ở phương Bắc, Phật giáo rất thịnh đạt, đặc biệt là nhà Hậu Triệu, Tiền Tần, Hậu Lương và Hậu Tần. Điều này đã thúc đẩy Phật giáo được truyền bá và phát triển mạnh mẽ ở một vùng rộng lớn.
Hậu Triệu là một nước lớn có kinh tế phát triển thời đó. Vua Triệu là Thạch Lặc và con trai là Thạch Hổ nổi tiếng hung ác, nhưng sau được sự giáo hóa của vị danh tăng Phật Đồ Trừng mà hai cha con Thạch Lặc và Thạch Hổ đã hối cải từ đó đi rất tin tưởng và sùng Phật. Phật Đồ Trừng là người có công rất lớn đối với sự phát triển của Phật giáo nhà Hậu Triệu. Trong việc truyền đạo, ông suốt đời chỉ lấy đức độ và tài năng để cảm hóa con người. Tương truyền ông có rất nhiều phép lạ “Hòa thượng lấy ra một cái chậu, rồi đổ đầy nước vào trong chậu đó, sau đó thắp một nén hương và cầu khấn. Một lúc sau trong chậu bỗng nhiên mọc lên một bông hoa sen mầu xanh, rồi nó từ từ lớn lên, tỏa sáng long lanh lóa mắt” [2 ; 51]. Vì thế, cha con Thạch Lặc rất tôn kính Phật Đồ Trừng tôn ông là
“Đại Hòa thượng” và “Hòa thượng quốc chi đại bảo” tức vị Hòa thượng quý báu nhất trong nước.
Nhà Tiền Tấn, một nước mạnh nhất trong 16 nước Ngũ Hồ, Phật giáo cũng rất thịnh với sự đóng góp của Thích Đạo An. Sau khi được nghe tên tuổi của Đạo An, Tiền Tần vương là Phù Kiên kể với các quan đại thần của mình rằng
“Ngài Đạo An ở Tương Dương là một vị cao tăng có phép thần, nếu như có điều
kiện, nhất định ta sẽ mời ngài về giúp ta về việc chính sự” [13; 63]. Ông không chỉ là người thầy tôn giáo mà còn là cố vấn chính trị tối cao của vua Phù Kiên.
Nhờ sự sùng ái của vua, Thích Đạo An đã cho xây dựng nhiều chùa chiền để dịch kinh sách, tạo nên những tiền đề cơ bản quan trọng đối với sự phát triển của Phật giáo Trung Quốc.
So với thời Tiền Tần, Phật giáo nhà Hậu Tần còn phát triển hơn. Vua Hậu Tần là Diệu Thành, Diệu Hưng đều sùng đạo Phật. Đại biểu cho hoạt động truyền giáo thời kỳ này là Cưu Ma La Thập. Ông hoạt động tích cực và rất coi trọng việc dịch kinh sách. Ngài Cưu Ma La Thập tiếp nối sự nghiệp hoằng dương chính pháp của các bậc tiền bối và đưa Phật giáo Trung Quốc phát triển hơn các triều đại trước.
Như vậy, Phật giáo thuộc 16 nước Ngũ Hồ có bước phát triển hơn giai đoạn trước, nó đã có vị trí quan trọng trong lòng các bậc đế vương, chứng tỏ nó đã có ảnh hưởng lớn đến chính trị.
Ở miền Nam, lúc này là nhà Đông Tấn trị vì, ngoài việc dịch kinh điển ra đã bắt đầu có sự hình thành tổ chức giáo đoàn Phật giáo. Thời Đông Tấn, số tăng ni ở Trung Quốc đã lên tới 24.000 người với 1.780 ngôi chùa [25; 42].
Chính lý do tăng ni ngày càng đông, chùa viện ngày càng nhiều mà vấn đề giáo đoàn được chú ý quan tâm nhiều hơn.
Phật giáo thời Đông Tấn không chỉ chú trọng đến công việc phiên dịch kinh điển mà còn chú trọng đến việc nghiên cứu để phát triển tư tưởng của Phật giáo. Phật giáo thời này lấy tư tưởng “Không” trong kinh Bát Nhã làm trọng yếu, đã tách tư tưởng Lão Trang ra ngoài. Ngài Đạo Sinh sang tạo ra phương pháp chia khoa mục để chú thích kinh điển. Ngài Tuệ Quán khi sửa chữa bản dịch của kinh Niết Bàn đã đem giáo lý của đức Phật chia thành Đốn giáo, Tiệm giáo. Trong Tiệm giáo lại chia ra làm Ngũ thời giáo. Vì ở thời kỳ này, kinh A Hàm và Tiểu Thừa A Tỳ đã được dịch ra chữ Hán nên có phong trào nghiên cứu A Tỳ đàm học, sau này hình thành “A Tỳ đàm tông”. Từ chỗ ngài Cưu Ma
La Thập dịch các bộ luận Đại thừa như “Trung luận”, “Bách luận”, “Thập nhị môn luận” mà thành lập ra Tam luận tông. Từ thành thực lập luận ra Thành thực tông, tư tưởng kinh Niết Bàn trở thành cơ sở của Niết Bàn tông, tư tưởng kinh Hoa nghiêm trở thành cơ sở của Hoa nghiêm tông sau này.
Thời Đông Tấn nổi lên phong trào Tây du cầu pháp, tiêu biểu có chuyến Tây du của Pháp Hiển.
Pháp Hiển (399 – 418) họ Cung, là người Võ Dương ở Bình Dương thuộc tỉnh Sơn Tây ngày nay. Sử ghi lại rằng lúc còn nhỏ khi sống cùng cha mẹ, ngài luôn ốm đau, nhưng khi được gửi vào chùa thì lại khỏe mạnh, cường tráng. Do vậy ngài ở chùa từ lúc 3 tuổi và hiếm khi về nhà. Sau khi cha mẹ qua đời, ngài gia nhập tăng đoàn năm 12 tuổi và được thọ đại giới. Pháp Hiển rất quan tâm đến Luật tạng. Sau thời gian nghiên cứu học hỏi, ngài nhận thấy giới luật lưu hành ở Trung Hoa vào thời đó là chưa đầy đủ và rất lộn xộn. Do vậy, Pháp Hiển nuôi dưỡng ý nguyện du hành sang Ấn Độ để sưu tập thêm về Luật tạng.
Pháp Hiển không phải là người Trung Hoa đầu tiên đi Ấn Độ học Phật pháp mà từ khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc thời vua Minh Đế nhà Hán (58 – 75) đã có nhiều chuyến hành trình của đệ tử xứ Phật, xuất gia cũng như tại gia, từ Trung Quốc đi Ấn Độ với những động cơ khác nhau như tìm cầu kinh sách, tầm danh sư học đạo, hoặc hành hương tứ thánh tích: Lumbini, Bodhagaya, Sarnath và Kusinara. Con đường buôn bán nối kết vùng Đông Á với phía Tây rất thuận tiện cho sự thông thương giữa hai nước này nhưng không có ai trong tổng số người khởi hành trước Pháp Hiển trở về quê hương với những ước mong mà họ ấp ủ. Vì vậy, sự thành công của chuyến Tây du của ngài được xem như là mốc ngoặt lịch sử làm động lực thúc đẩy Phật giáo đồ tìm về quê hương của đức Phật.
Pháp Hiển lên đường cầu pháp vào lúc 65 tuổi. Pháp Hiển cùng với năm người bạn đồng hành gồm Huệ Cảnh, Đạo Chỉnh, Huệ Ứng và Huệ Ngỗi rời Trường An vào năm 399. Sau khi rời Trường An phái đoàn của Pháp Hiển đi
theo biên giới phía Tây của vịnh Tarim đến các kinh đô của vùng Trung Á như Shan – shan, Agni và Khotan. Từ đó họ du hành đến Chakarka, vượt qua Pamir và Agzi ngang qua Darada và thung lũng Indus, cuối cùng đến kinh thành của Uddiyana thuộc Bắc Ấn Độ. Sau 15 năm tha phương học đạo và đạt được mong ước, ngài trở về Trung Quốc năm 79 tuổi.
“Bách Khoa Phật Giáo” ghi rằng Thánh điển mà Pháp Hiển đem về Trung Quốc tổng cộng là 6 bộ bao gồm Luật tạng của Mahasamghika, Luật tạng Sarvastivada và một số luận giải của Mahasamghika [25; 67].
Sau khi về đến Nam Kinh, kể từ năm 412 cho đến khi qua đời, Pháp Hiển dồn hết tâm trí cho việc phiên dịch kinh sách mà ngài đã sưu tập ở Ấn Độ và Tích Lan. Năm 416 Pháp Hiển bắt đầu viết lại cuốn tự truyện Tây du với nhan đề “Phật Quốc Ký”. Đây là một tác phẩm quan trọng về lịch sử và tôn giáo của các nước Nam Á cũng như truyền thống Phật giáo.