Chương 2: ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ ĐƯỜNG (618 – 907)
2.2. Ảnh hưởng của Phật giáo trên lĩnh vực văn hóa
2.2.1. Ảnh hưởng của Phật giáo đến văn học
Phật giáo xâm nhập vào văn học Trung Quốc chủ yếu bằng hai hình thức:
Một là, từ các tác phẩm văn học đề cao tư tưởng Phật giáo do các giáo đồ sáng tác. Đây được xem là ảnh hưởng trực tiếp. Hai là, từ các tác phẩm văn học về tư tưởng Phật giáo do các nhà văn bản xứ viết. Đây chính là ảnh hưởng gián tiếp của Phật giáo đến văn học.
Cùng với quá trình hoàn thành Trung Quốc hóa Phật giáo thì Phật giáo đã mang lại cho văn học Trung Quốc những nội dung và hình thức mới, thúc đẩy văn học Trung Quốc phát triển.
Thời Đường Phật giáo liên tục được các đế vương đề cao và với những triết lý nhà Phật khuyên con người ta hướng vào việc thiện nên được đông đảo người dân đi theo.
Đời Đường đã hình thành một dòng văn học Phật giáo qua truyện, qua ký, qua thơ văn… nói về nhân quả, khuyến thiện, trừng ác, về thiên đường, địa ngục, về lẽ sống hiền thiện ở đời.
Văn học dịch: Tác động đầu tiên của Phật giáo đến văn học đó là hình
thành nên nền văn học dịch. Vào thời Đường hàng ngàn bộ kinh Phật được phiên dịch và biên soạn. Đây là một bộ phận quan trọng của kho tàng văn học, là minh chứng cho sự đóng góp to lớn của Phật giáo đối với văn học thời nhà Đường nói riêng và văn học Trung Quốc nói chung.
Hai tác giả nổi tiếng trong sự nghiệp phiên dịch kinh Phật đó là ngài Huyền Trang và Nghĩa Tịnh. Ngài Huyền Trang trải qua 17 năm đi sang Ấn Độ lấy kinh Phật ngài đã dịch được 75 bộ kinh gồm 1335 quyển với các tác phẩm như:
“Du già sư địa luận” (với 100 quyển), “Câu xá luận” (với 30 quyển), “Nhiếp đại thừa luận thích”, “Đại bát nhã ba la mật kinh”, “A tỳ đạt ma đại tỳ bà sa luận”…
Ngài Nghĩa Tịnh cũng đã sang quê hương của Phật giáo để mang kinh Phật về cho đất nước mình. Sau khi về nước từ năm 699 đến năm 711, Nghĩa Tịnh cũng đã dịch được 56 bộ kinh luật gồm 230 quyển. Các tác phẩm dịch nổi tiếng của ngài là: “căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ nại da”, “Căn bản Tát bà đa bộ luật nhiếp”… Ngoài hai vị đại dịch giả trên còn có các dịch giả nước ngoài như Thức xoa nan đà, Bồ đề lưu chi, Địa bàm ha la… cũng có những đóng góp to lớn cho việc phát triển văn học dịch thuật thời Đường.
Biến văn: Văn học dịch ảnh hưởng nhiều đến văn học Trung Quốc, nhưng ảnh hưởng rộng lớn của Phật giáo đến văn học là sự ra đời của thể loại biến văn.
Thời Đường các vị vua đều ra sức đề cao Phật giáo nên việc truyền đạt kinh Phật ngày càng được chú ý. Biến văn ra đời vốn chỉ là để giảng kinh Phật. Kinh Phật từ Ấn Độ truyền vào, có tản văn, có kệ tụng, tăng lữ Trung Quốc khi giảng kinh đã mô phỏng thể tài kết hợp giữa tản văn và vận văn của kinh Phật để vừa nói vừa hát, từ đó mà thức tỉnh người nghe. Đời Đường khẩu ngữ đã biến đổi, không thể không thay đổi các bản dịch cho phù hợp với khẩu ngữ đương thời, bởi vậy mới ra đời thể loại biến văn.
Biến văn có thể chia thành hai loại lớn là diễn giảng chuyện kinh Phật và diễn giảng chuyện ngoài kinh Phật. Biến văn diễn giảng kinh Phật cũng có thể
phân ra hai loại là thuyết giảng kinh Phật chặt chẽ và thuyết giảng kinh Phật tự do, xa rời kinh Phật.
Thuyết giảng kinh Phật chặt chẽ điển hình có tác phẩm “Duy ma cật kinh biến văn”. Bộ biến văn này có dung lượng hơn 30 quyển, rất giàu ý vị văn chương. Tác giả đã căn cứ vào kinh Phật rồi miêu tả phát triển ra, thường là từ hơn mười chữ hoặc là hơn hai mươi chữ trong lời kinh mà phát triển thành ba đến năm ngàn chữ. Ngoài ra, còn có “A di đà kinh biến văn” lấy lời kinh làm phần văn xuôi.
Thuyết giảng kinh Phật tự do, xa rời kinh bổn có các tác phẩm nổi tiếng như: “Địa ngục biến văn”, “Phật bản hành tập kinh biến văn” đều kể chuyện Phật Thích ca đắc đạo. Còn các cuốn “Hàng ma biến văn”, “Sửu nữ duyên khởi”, “Đại mục Càn Liên minh gian cứu mẫu biến văn” đều kể chuyện các Bồ tát nhà Phật.
Tiểu thuyết: Tư tưởng Phật giáo còn ảnh hưởng lớn tới sáng tác tiểu thuyết trong thời nhà Đường từ nội dung đến cấu kết chủ đề, tư tưởng.
Các câu chuyện thần thoại Phật giáo vốn giàu màu sắc huyền bí, lãng mạn chính là khởi nguồn thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các loại tiểu thuyết ma quỷ, thần tiên trong nền văn học nhà Đường.
Biến văn phát triển đã có ảnh hưởng to lớn đặc biệt là đối với tiểu thuyết.
Tiểu thuyết truyền kỳ thời Sơ Đường có “Du tiên quật” của Trương Sác thời Võ Tắc Thiên. Tác phẩm này kết hợp cả thơ lẫn văn xuôi xen kẽ nhau. Đến thời Trung và Vãn Đường, loại tục giảng giáo lý nhà Phật thịnh hành, biến văn cũng do đó mà phát đạt.
Phần thuyết thoại (kể chuyện) trong biến văn ngày càng có ảnh hưởng rõ rệt đối với tiểu thuyết bạch thoại đời sau. Những người kể chuyện chia làm bốn loại chuyện kể: Tiểu thuyết, giảng kinh và tham thỉnh, giảng sử sách, giảng hợp sinh và bàn về câu đối. Trong đó giảng kinh và giảng tham thỉnh là những chuyện thuyết giảng kinh Phật. Có không ít tiểu thuyết kể miệng trực tiếp lấy đề
tài ở kinh Phật. Các thoại bản (bản chép chuyện kể) mà lúc bấy giờ sử dụng như
“Ngũ đại sử bình thoại”, “Kinh bản thông tục tiểu thuyết”, “Đại Đường Tam Tạng pháp sư thủ kinh kí”…
Thơ ca: Phật giáo còn mang đến thơ ca thời Đường mang màu sắc mới.
Đặc biệt khi mà Thiền tông trỗi dậy Phật giáo chỉ ảnh hưởng đến nội dung và một ít từ hội trong thi ca. Sau khi Thiền tông hưng khởi, nhiều nhà thơ đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của thiền, lấy thiền trợ thơ, đưa thiền vào thơ, thiền đã can thiệp sâu vào thẩm mỹ vào sáng tạo nghệ thuật thơ ca, làm cho thơ ca thời cổ nhuần nhuyễn và sinh động.
Đại thi nhân thơ Đường là Vương Duy coi non nước là thiền cảnh, thơ đạt đến mức kiệt xuất được Tô Thức ngợi ca “trong thơ có họa”, được xưng là
“Thi Phật”. Có thể thấy điều đó qua bài “Qua chùa Hương Tích”:
“Chẳng biết chùa Hương Tích ở đâu Đi mấy dặm đến non cao ngất
Cổ thụ um tùm không có lối người qua lại Núi sâu thăm thẳm tiếng chuông chùa ngân dài Nước suối đập vào ghềnh đá như nghẹn ngòa nức nở Mặt trời xuyên qua lùm thông xanh thêm vẻ lạ lùng Chiều hôm còn trở lại khúc đầm
Muốn trị con rồng thì quy y cửa Phật” [7; 204].
Những câu thơ này vẽ lên bức tranh khá tiêu biểu về phong cảnh nơi dựng chùa. Con đường dẫn đến vào trong núi dưới những cây cổ thụ. Dấu chân người hoàn toàn không có. Suối chảy trên đá và tiếng của nó như nghẹn ngào. Nhằm tăng thêm cảm xúc, nhà thơ đã cho bóng chiều bao trùm lên tất cả và đưa vào một tiếng chuông chùa xa. Giữa tạo vật và con người, nơi khúc uốn lượn của con suối có một con người cô độc, tĩnh tọa trong tư thế suy tưởng. Con người này có thể là một tăng sĩ ở ngôi chùa nào đó đang chế ngự con rồng bằng tinh thần của mình. Con rồng này có thể đang ở dưới vực nước sâu, có thể là trạng
thái tâm thức của con người. Hình ảnh này đem lại cho phong cảnh một ý nghĩa đặc biệt. Bức tranh được vẽ bằng những câu thơ như vậy đã hoàn toàn trọn vẹn.
Có thể nói, ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn học Trug Quốc thời nhà Đường là hết sức rộng lớn. Tư tưởng Phật giáo cung cấp cả nội dung lẫn hình thức, từ sáng tác đến lí luận, thúc đẩy nền văn học cổ Trung Quốc phát triển. Nó có tác động trực tiếp đến luật thơ và văn học dân gian. Với thiền nhập thơ khiến cho thiền thi trở thành kỳ quan trên thi đàn thời Đường. Nguồn văn học lãng mạn đến thời thịnh Đường đã đạt tới đỉnh cao. Những cảnh tượng mê hoặc trong kinh điển Phật giáo đã làm tăng thêm màu sắc lãng mạn trong các tác phẩm văn học. Phật giáo đem lại cho văn học Trung Quốc nhiều nội dung mới và các nhân tố tích cực khác, thúc đẩy văn học Trung Quốc phát triển.