Chương 2: ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ ĐƯỜNG (618 – 907)
2.2. Ảnh hưởng của Phật giáo trên lĩnh vực văn hóa
2.2.3. Ảnh hưởng của Phật giáo đến hội họa, âm nhạc
Về hội họa: Hội họa đời Đường vượt hơn hẳn so với các triều đại trước là đỉnh cao ảnh hưởng đến nền hội họa của các nước phương Đông. Trong cuốn
“Đàm đạo với Phật Đà” khi nói về vấn đề thời gian hình thành Phật họa Trung Quốc Lý Giác Minh có cho rằng thời Đường là thời gian Phật họa chính thức hình thành dựa trên cơ sở nghệ thuật Phật họa vùng Tây vực và có sự đột phá
mới trong phong cách hội họa.
Phật họa chủ yếu thời Đường là bích họa. Các nhân vật đại biểu chủ yếu là Diêm Lập Bản, Ngô Đạo Tử, Chu Phỏng, Vương Duy, Lý Tư Huấn, Trương Tuyên, Uất Trì Ất..
Phương pháp hội họa của tăng nhân Uất Trì Ất là sự kết hợp giữa nghệ thuật Tây Vực và Trung Nguyên. Về mặt kỹ xảo là sự kết hợp giữa màu sắc pha trộn vùng Tây Bắc với lối vẽ tạo hình của Trung Quốc. Đây là phong cách hội họa riêng của thời Đường.
Ngô Đạo Tử, họa gia thời thịnh Đường ông sáng tạo hơn 400 bức bích họa chư Phật trong các ngôi đền ở Trường An và Lạc Dương. Ngô Đạo Tử được tôn là thánh họa, cùng với họa gia Bắc triều Tào Trọng Đạt, họa gia Tề Lương là Trương Tăng Dao, họa gia giữa và cuối đời Đường Chu Phỏng hợp thành tứ đại Phật họa, thành công đặc biệt trong nghệ thuật Phật họa. Tương truyền Ngô Đạo Tử vẽ được “Địa ngục biếm”, chuyên dung thủy mặc. Bức họa đó đã khiến cho nhiều tên đồ tể, người đánh cả ở Tràng An phải chuyển nghề, phong cách hội họa của ông còn ảnh hưởng cả đến hội họa thời Tống sau này.
Bích họa chịu ảnh hưởng của nền hội họa Phật giáo về các mặt kỹ xảo, hình thức làm cho nghệ thuật bích họa phát triển nhanh chóng. Trước đó, phong cách biểu hiện chủ yếu của hội họa Trung Quốc là đường nét, về sau hấp thụ thêm cách vẽ góc cạnh, phương pháp trộn màu của Tây Vực nên hội họa Trung Quốc có tiến bộ rõ về mặt kỹ thuật. Thời Đường khi mà nghệ thuật hội họa Trung Quốc hấp thụ nghệ thuật hội họa Phật giáo đã có những sáng tạo mới, thúc đẩy hội họa phát triển nhanh chóng về mặt hình thức.
Bức họa Đôn Hoàng như muôn ngàn ngôi sao sáng trong nghệ thuật bích họa, là hình ảnh thu nhỏ của lịch sử hội họa Đại Đường. Chiếm vị trí chủ đạo trong bích họa Đôn Hoàng là tượng Phật, tranh thần và những bức họa về truyện kinh Phật. Sự giao lưu văn hóa Trung Nguyên – Tây Vực đã đẩy mạnh sự phát triển của bích họa Đôn Hoàng về cả đề tài và nội dung, làm hội họa Đôn Hoàng
ngày càng rực rỡ. Những bức bích họa đó vừa kế thừa tranh lễ giáo nhà Nho, lại tiếp thu phong cách khỏa thân của người Tây Vực nên tranh Đôn Hoàng mang phong cách vừa trang trọng, vừa cởi mở, vừa ẩn hiện. Một biểu hiện sự tiếp thu hội họa Phật giáo của bích họa Đôn Hoàng, đó là sự tiếp thu cái thần trong nghệ thuật tôn giáo. Bởi vì nghệ thuật truyền thần của tôn giáo không chỉ phong phú đa dạng mà còn ẩn chứa cái “thần” rất riêng như cái “từ” trong tranh tượng Phật, “tiên” trong tranh Đạo. Sự tiếp thu này đã làm tăng sắc thái lãng mạn và sức tưởng tượng trong tranh Trung Quốc vốn chịu ảnh hưởng của nhà Nho, mở rộng giới hạn cái thần trong hội họa, khiến bích họa Đôn Hoàng trở thành đỉnh cao của nghệ thuật hội họa Trung Quốc.
Hội họa Phật giáo còn ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng mỹ thuật trong hội họa.
Hội họa đời Đường lấy cảm hứng từ Tịnh Độ tông và Thiền tông. Phong cách này thể hiện rõ nhất trong những bức tranh thủy mặc, đã thổi một luồng sinh khí mới cho các họa gia. Những bức tranh giản phác, lấy không gian bao la và tĩnh lặng làm chủ đạo đã thể hiện sự đậm đà bản sắc của Thiền tông và rất được giới tri thức ưa chuộng.
Ở khía cạnh khác Phật giáo cũng làm cho tranh Trung Quốc mang đậm ý cảnh. Trong văn học, ý cảnh có nghĩa là “ngôn từ có hạn nhưng ý tứ vô cùng”
thì trong hội họa, một bức tranh đầy ý cảnh phải là bức tranh có hồn, đầy sinh khí, họa ở trong tranh và nhất là phải truyền tải được tâm trạng cảm xúc của họa sỹ. Tác giả của nhiều bích họa Đôn Hoàng bị cuốn hút bởi phong cảnh, tâm tình Tây Vực nên tranh vẽ đậm đà ý thơ. Đặc biệt, sự du nhập của số lượng lớn tranh Phật làm phong cách truyền thống tiếp thu nhiều kỹ xảo về ánh sáng cũng như cách phối mầu của Tây Vực, tô đậm cho sự cảm nhận lập thể khiến cho bức họa đi sâu vào ý cảnh.
Một số tranh chứa đựng ý cảnh sâu sắc như bức tranh về câu chuyện 500 tên cướp trở thành Phật, nhất là bức tranh “Tây Phương tịnh phổ biến”, đã thể
hiện vẻ đẹp của thế giới cực lạc qua sức tưởng tượng phong phú của người nghệ sĩ. Ngoài ra, tác giả còn gửi gắm ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bức tranh “Di Lặc biến” khắc họa mắt thần năm người con gái và năm người con trai muốn cạo đầu đi tu với hình ảnh rất truyền thần, mỗi người một vẻ tâm trạng.
Như vậy, hội họa Phật giáo cùng với ảnh hưởng của Phật giáo ngày một mở rộng và trở thành dòng chính trong nghệ thuật hội họa thời Đường. Những tác phẩm truyền đời, những điều còn ghi lại phản ánh trình độ nghệ thuật hội họa Phật giáo đã đạt tới đỉnh cao trong nền hội họa Trung Quốc vốn chỉ lấy đường nét tạo hình làm chủ yếu. Hình thức bích họa đã trở thành một cao trào sáng tác trong lịch sử hội họa Trung Quốc và đạt được những thành tựu lớn.
Về nghệ thuật âm nhạc: Nghệ thuật âm nhạc Trung Quốc có lịch sử trải dài hàng ngàn năm. Tính đến triều đại nhà Hán (206 TCN - 220 sau CN), hầu hết các điệu múa hát đều có nguồn gốc dân gian. Nghiên cứu âm nhạc, vũ điệu (tập trung vào việc biên soạn tài liệu, cải tiến những bản nhạc hay điệu múa dân gian) chủ yếu dành cho những gia đình quan lại, quý tộc hoàng triều. Chỉ đến khi nhà Đường trị vì (618 - 907 sau CN), bởi có sự ổn định về chính trị và thịnh vượng về kinh tế nên thơ ca, nhạc hoạ và nghệ thuật múa mới có điều kiện phát triển hoàn thiện, dần hình thành phong cách riêng, đạt đến trình độ hoa mỹ.
Thời nhà Đường được xem là giai đoạn vàng son của nghệ thuật múa Trung Quốc. Chính nhờ đạo Phật phát triển cực thịnh, trở thành quốc đạo, quan hệ thương mại và giao lưu văn hoá không ngừng mở rộng nên nghệ thuật múa thời Đường ngoài việc kế thừa những kỹ xảo có từ các triều đại trước như Chu, Tần, Hán... còn tiếp nhận ảnh hưởng từ một số điệu múa dân gian của Ấn Độ, La Mã, Ba Tư, Triều Tiên, Campuchia, Miến Điện, Việt Nam và khu vực Trung Á.
Nó là sự kết hợp của các môn nghệ thuật tinh xảo khác gồm: Hội hoạ, trang trí sân khấu, hoá trang, thơ ca, âm nhạc cổ điển và hát tuồng. Thời Đường gồm có các điệu múa như: Múa trên quả bóng tròn, điệu múa nhanh, múa xoay tít như cù làm người xem không nhìn ra được mặt hay lưng nữa. Có điệu múa trên thảm
rất nhanh làm cho người xem cảm thấy như dưới ánh đèn đâu đâu cũng là bóng của người múa. Còn có một điệu nữa gọi là điệu múa chậm, người múa phất hai tay áo rộng, động tác của tay và lưng rất linh hoạt và mềm mại.
Âm nhạc Phật giáo ban đầu được người Hồ, Tây Vực hoặc tăng nhân Tây Trúc trực tiếp truyền vào. Trải qua một quá trình dài, đến thời đại Nam Bắc Triều âm nhạc Phật giáo mới chính thức hòa nhập được với âm nhạc truyền thống Trung Quốc. Thời Đường là thời kỳ âm nhạc Phật giáo hưng thịnh nhất.
Trên cơ sở hấp thu tinh hoa âm nhạc truyền thống của Trung Quốc, dần dần hình thành phong cách tự thân, từ đó mà hoàn thành quá trình Hán hóa.
Vào thời Đường, âm nhạc nói chung có bước tiến mạnh mẽ, có trình độ nghệ thuật cao. Đội nhạc có quy mô rất lớn, chủng loại nhạc khí rất nhiều, có khèn, sáo, tranh của đời xưa, đồng thời còn có tỳ bà, trống, bạt của Tây Vực và Trung Á đưa vào, hơn nữa còn có tù và bằng ốc ở ven biển miền Nam. Các thứ nhạc khí ấy hợp thành một đội nhạc có âm điệu nhịp nhàng êm ái. Bởi thế, âm nhạc thời Đường là một điển hình dung hòa văn hóa của các dân tộc châu Á. Vì âm nhạc phát triển như vậy nên lần đầu tiên một cơ quan quản lý và chủ trì các sinh hoạt âm nhạc đã ra đời do Đường Cao Tổ thành lập từ đầu năm Vũ Đức (618) gọi là Nội Giáo phường, phụ trách việc rèn luyện, giáo dục, biểu diễn âm nhạc, ca hát, vũ đạo hay các trò vui…
Thời Đường còn phát triển một loại hình âm nhạc Phật giáo mới biến văn kể hát kinh Phật. Đó là kể câu chuyện Phật giáo sử dụng hình thức âm nhạc nói truyền thống Trung Quốc, kể hát theo hình vẽ. Nó do tục giảng sư Văn Tự khởi sự vào những năm Trường Khánh, làm phong phú thêm nghệ thuật đất nước.
Sự hòa nhập giữa tính Phật với tính quần chúng trong âm nhạc là yếu tố quan trọng để tôn giáo này được truyền bá rộng rãi như trong “Cao Tăng truyện” có chép: “Chuyển tụng là cho sự tốt đẹp, quý ở chỗ được cả âm thanh lẫn lời kinh, nếu chỉ có âm thanh mà không có lời văn thì tâm đạo không thể sinh ra được, nếu có lời văn mà không có âm thanh thì tính trần tục không thể
sinh ra được” [27; 348]. Khi quan sát bức tranh đoàn nhạc đời Đường trên bích họa Đôn Hoàng có thể nhận thấy dấu ấn Phật giáo rất rõ nét từ hình ảnh vầng hào quang, đến các nét vẽ mặt, thân thể gần với tượng Phật.
Con đường truyền bá nhạc khúc Phật chủ yếu là từ các chùa chiền vì thế mà xuất hiện một số nghệ tăng xuất sắc trong nền âm nhạc Phật giáo. Tương truyền vào thời Đường Đức Tông, Đoạn Bản Thiện là một người khác về âm nhạc. Một lần Khang Côn Luân là người diễn tấu đàn bậc nhất trong cung. Vì cùng tấu đàn nên họ quen nhau, Khang Côn Luân khâm phục kỹ thuật của Đoạn Bản Thiện mà bái ông làm sư phụ. Điều đó cho thấy rõ kỹ nghệ diễn tấu của các nghệ tăng, đã nêu rõ âm nhạc Phật giáo thời Đường có được những thành tựu tương đối cao.
Âm nhạc Phật giáo đã làm cho âm nhạc Trung Quốc thêm phong phú, đa dạng. Chính sự phát triển cực thịnh của Phật giáo đã làm nên sự phong phú đa dạng ấy.