Chương 2: ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ ĐƯỜNG (618 – 907)
2.2. Ảnh hưởng của Phật giáo trên lĩnh vực văn hóa
2.2.2. Ảnh hưởng của Phật giáo đến kiến trúc, điêu khắc
Cùng với việc du nhập Phật giáo vào Trung Quốc thì nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Trung Quốc cũng chịu ảnh của tư tưởng Phật giáo. Đến thời Đường kiến trúc, điêu khắc Phật giáo đạt đến đỉnh cao của kiến trúc, điêu khắc Trung Quốc.
Về nghệ thuật kiến trúc: Tiêu biểu là kiến trúc chùa, viện, tháp, hang động.
Nghệ thuật kiến trúc chùa, hang động, tháp Phật của Trung Quốc là sự kết hợp hoàn mĩ giữa loại kiến trúc cổ điển của bản địa Trung Hoa với kiến trúc ngoại lai Phật giáo Ấn Độ. Trước khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, những chủ nhân của nền văn minh 5000 năm này đã từng có kiến trúc kiểu lầu, nhiều tầng.
Khi văn hóa Phật giáo truyền vào đã giao thoa với kiến trúc lầu, tầng đó để hình thành sáng tạo nên những ngọn tháp Phật mang dáng vóc của lầu các bên dưới, tháp ở bên trên. Các ngọn tháp thường được xây dựng ở giữa ngôi chùa, tháp là nơi lưu giữ xá lị Phật, kinh sách và nhiều cổ vật khác.
Kiến trúc chùa hang Ấn Độ truyền vào Trung Quốc từ thế kỷ thứ III và nhanh chóng được tiếp nhận và phổ biến. Đến nay còn tới hàng trăm chùa hang lớn nhỏ bên trong thờ Phật, nhiều nhất ở các tỉnh Tân Cương, Cam Túc, Thiểm
Tây, Sơn Tây, Hà Nam. Các triều đại đều mở mang hang động, có hang động được mở mang từ đời này sang đời kia, kéo dài đến mấy trăm năm như hang Mặc Cao và hang động Vân Cương. Đó cũng là hai hang độn hoàng tráng kỳ vĩ nhất ở Trung Quốc.
Hang Mặc Cao hay còn gọi là hang Đôn Hoàng thuộc phía Đông Nam tỉnh Cam Túc, chạy dài 1680m theo chiều Bắc Nam. Theo truyền thuyết có một vị hòa thượng đã nhìn thấy nơi đây hiện lên một ngàn vị Phật. Vì thế vào thế kỷ thứ IV, các nhà tu hành Trung Quốc bắt tay vào đào hang, tạc tượng. Đến nhà Đường khi Phật giáo phát triển thì công việc này được đầu tư nhiều hơn. Khu kiến trúc hang hiện nay gồm 1000 hang động lớn nhỏ, nằm trên sườn núi ở độ cao từ 15m đến 30m. Hiện nay còn lại 492 hang, khoét vào núi đá dài 4 dặm, chia làm ba bốn tầng, ở xa nhìn lên như một đô thị cheo leo trên sườn núi, trong dó còn giữ được 2400 pho tượng quý [1; 659].
Nghệ thuật hang động Đôn Hoàng thể hiện trí tuệ, tài năng của nghệ nhân Trung Hoa trong việc tiếp thu và dung hợp nghệ thuật du nhập từ Ấn Độ với nghệ thuật truyền thống dân tộc, mà đặc sắc là tượng tô màu và bích họa sáng tác vào thời Đường.
Bước vào thời kỳ nhà Đường, kiến trúc chùa, viện, tháp, tượng... đã thoát ly hẳn kiến trúc Ấn Độ, cụ thể là kiến trúc thời Asoka và thời Gupta, cũng đã thoát ly hẳn mẫu mã kiến trúc Ấn – Hy của các miền Trung Á. Kiến trúc đời Đường được lấy cảm hứng từ tư tưởng dung thông Tam giáo, có một sắc vẻ riêng của Phật giáo Trung Quốc.
Kiến trúc chùa thờ Phật trong thời nhà Đường nhìn chung không thay đổi so với các triều đại trước. Dấu ấn của kiến trúc này đến nay không còn nữa, tuy nhiên chúng ta vẫn thấy được hình vẽ chùa thờ Phật thể hiện trong hàng trăm bức bích họa lớn trong hang đá Đôn Hoàng.
Chùa thờ Phật trong bích họa cũng giống như các kiến trúc truyền thống khác, vẫn là kiểu sàn có đường trục tâm, kiến trúc đối xứng ngay ngắn. Các bức
họa đã thể hiện khu sân quan trọng nhất nằm trên đường trục trung tâm của toàn chùa, bố cục thông thường là: Sân do hành lang gấp khúc uốn lượn vòng quanh tạo thành, chính giữa hành lang trước có cổng lớn, bốn góc của hàng lang gấp khúc có xây bốn vọng lâu cao lên từ mái, bên trong vọng lâu cất kinh sách hoặc treo chuông lớn. Trên đường trục dọc của sân từ trước ra sau có từ một đến ba tòa điện đường, hoặc xây dựng một tầng hoặc cho xây thành lầu các, cũng có tháp hai tầng. Trục ngang nằm trước tiền điện, bên trái và phải trục ngang có xây điện thờ phụ, đa số là lầu các quy mô nhỏ hơn tiền điện. Trong sân thường có vẽ ao nước, trên mặt nước có nhiều đài thấp hình vuông, những hình vẽ này được vẽ ra dựa theo mô tả trong kinh Phật về cảnh tượng thế giới phương Tây cực lạc.
Phật giáo thời Đường quan tâm nhiều đến việc giảng giải nghĩa lý của đạo Phật nên đã xuất hiện các ngôi chùa có đại điện lớn để phục vụ cho việc giảng giải giáo lý. Kiến trúc điện trong chùa phần nhiều có kết cấu bằng gỗ tiêu biểu là đại điện chùa Nam Thiền và đại điện chùa Phật Quang.
Đại điện chùa Nam Thiền nằm ở phía Tây Nam núi Ngũ Đài, được xây dựng vào năm Kiến Trung thứ 3 đời Đường (782). Đây là một tòa điện đường rất nhỏ, mặt bằng gần như hình vuông. Độ sâu của đại điện không lớn. mái điện là mái đơn kiểu hình núi, sườn mái hơi dốc. Do mặt bằng gần như hình vuông nên nếu sử dụng kiểu mái kiểu như của vu điện (bốc sườn) thì sườn chính sẽ quá ngắn và kết cấu sẽ phức tạp, sử dụng kiểu mái như trên tỉ lệ rất phù hợp.
Đại điện chùa Phật Quang nằm ở thôn Đậu, chân núi phía Tây núi Ngũ Đài, được xây dựng vào năm Đại Trung thứ 11 của nhà Đường (857). Đây là một tòa điện đường loại vừa, nằm trên một đài cao ở vị trí sau cùng của chùa Phật Quang. Mặt bằng đại diện hình chữ nhật, mặt chính có bảy gian, trong điện có một vòng cột, chia không gian của tòa điện thành hai phần trung tâm và vòng xung quanh. Phần trung tâm có Phật Đàn, trên có năm nhóm tượng, rất ăn ý với tạo hình kiến trúc. Mái điện là mái hiên đơn kiểu vu điện, sườn mái thoai thoải.
Đại điện của chùa Phật Quang là một ví dụ quan trọng và gần như duy
nhất để chúng ta hiểu về không gian kiến trúc thời Đường. Trung tâm không gian của đại điện khá cao, thêm vào đó là những bức tường vách và Phật Đản giữa các cột. Bên trên là những thanh rui xếp nghiêng, dưới trần nhà để lộ khung xà nhà. Những thanh xà này vừa là kết cấu bắt buộc của kết cấu, lại vừa thể hiện nét đẹp của kết cấu và là cách để phân chia không gian. Giữa các cấu kiện gỗ trên xà là những khoảng trống, không gian ở đó được lưu thông rất linh hoạt và thông thoáng. Không gian bao quanh bên ngoài khá thấp và hẹp, làm nền cho không gian trung tâm. Nhưng thủ pháp xử lý xà và trần giống nhau, tất cả liền một mạch tạo nên cảm giác tổng thể và cảm giác có trật tự, hệ thống.
Qua lối kiến trúc này chứng minh được rằng nghệ thuật kiến trúc Phật giáo nhà Đường có khả năng thẩm mỹ và kỹ xảo xử lý không gian rất tinh xảo, thể hiện bước phát triển cao của kiến trúc Phật giáo cũng như kiến trúc thời Đường.
Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc đã mang theo loại kiến trúc trông giống như lầu các, nhưng hình dáng cao hơn lầu các. Loại kiến trúc này được gọi là tháp. Tháp là loại hình quan trọng trong kiến trúc Trung Quốc. Phật tháp của Trung Quốc chủ yếu theo kiểu lầu các và kiểu nhiều tầng mái hiên. Đây là sự sáng tạo kết hợp với hình dáng ban đầu của tháp Ấn Độ và những lầu các xuất hiện ở thời Hán ở Trung Quốc.
Thời Đường kiến trúc tháp đã mang phong cách của Trung Quốc, dấu ấn tháp Ấn Độ đã mờ nhạt đi. Tiêu biểu cho sự Trung Hoa đó là các kiểu tháp như tháp kiểu nhiểu tầng mái, tháp đình và tháp hoa.
Tiêu biểu cho tháp kiểu nhiều tầng mái hiên của đời Đường là tháp Pháp Vương ở huyện Đăng Phong tỉnh Hà Nam. Tháp có mặt bằng hình vuông, trông gần giống như lầu các. Tháp Pháp Vương có 15 tầng mái hiên dày, đường nét uốn lượn vừa phải, phần giữa hơi lồi, phần trên có phần hòa hoãn, cả tòa tháp trông giống như một con thoi, những điểm đầu liên tiếp của các tầng mái hiên tạo thành đường vòng cung mềm mại, khiến cho tháp trông thẳng đứng cao vút
mà không mất đi vẻ gấp gáp liên tiếp. Tỉ lệ không quá cao gầy, đồng thời lại giữ được dáng vẻ vững chắc, khỏe khoắn.
Tháp kiểu đình không giống như các kiểu tháp khác, nó trông giống đình chỉ có một tầng với một tầng mái hiên. Tháp kiểu đình thời Đường đa số có kết cấu bằng gạch, đá. Những tháp đình tiêu biểu là tháp Huệ Sùng ở chùa Linh Nham, tháp Tịnh Tạng ở chùa Hội Diên…
Về nghệ thuật điêu khắc: Trước khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc thì nghệ thuật điêu khắc ở Trung Quốc đã ở mức cao. Phong cách điêu khắc thời Tây Hán giản đơn nhưng mạnh mẽ. Xa hơn nữa là Tiền Tấn, nghề chạm khắc ngọc khí đã khiến mọi người phải khâm phục. Từ sau khi Phật giáo vào Trung Quốc, nghệ thuật điêu khắc Phật giáo đã ảnh hưởng đến sự phát triển điêu khắc Phật giáo Trung Quốc. Cuối cùng thì nghệ thuật điêu khắc thời Đường đã đạt tới đỉnh cao.
Kỹ thuật điêu khắc trên đá, trên gỗ, trên tường, trên đất sét bắt đầu tinh vi và xảo diệu hơn trước. Các biểu tượng cũng được lấy cảm xúc từ các tư tưởng kinh giáo. Điêu khắc Phật Thích ca dần dần vắng bóng, nhường chỗ cho các vị Phật giáo của các tông giáo như Phật Đa Bảo, Phật Di Lặc, Phật A di đà, Bồ tát, được điêu khắc tỉ mỉ, tinh tế, tuyệt vời hơn.
Phong cách tạc tượng của Phật giáo rất đa dạng, hình tượng sống động.
Kỹ xảo thuần thục, thời trước đó chưa hề có, hình dạng tượng đã được Trung Quốc hóa, thế tục hóa và có khuynh hướng lý tưởng hóa. Tượng Phật ở Trung Quốc và tượng Phật ở Ấn Độ đã có những khác biệt rõ rệt. Tượng ở Ấn Độ thường để trần vai phải, lộ rõ phần ngực. Một số tượng Phật lúc đầu ở Trung Quốc cũng vậy. Còn về sau tượng ở Trung Quốc không chỉ không để trần vai phải mà chiếc áo mỏng dính trước đây cũng được thay bằng áo rộng vạt dài. Đặc biệt đến thời Đường thì tượng Phật trông đẫy đà hơn, phục trang cũng rườm rà, hoa lệ hơn. Nhưng cũng phải thấy rằng nghệ thuật tạc tượng Phật giáo Ấn Độ đã làm tăng thêm đề tài và nội dung mới cho điêu khắc truyền thống Trung Quốc,
thúc đẩy điêu khắc Trung Quốc đạt đến trình độ cao.
Một ví dụ điển hình chứng minh cho sự phát triển của điêu khắc thời Đường mang đậm dấu ấn Trung Hoa đó là pho tượng Di Lặc ngồi khổng lồ. Pho tượng này cao 71m, tại vùng núi Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc được hòa thượng Hải Thông khởi tạc. Tượng Phật ngồi lộ thiên, lưng dựa vào vách phía Tây mỏm núi Lăng Vân Sơn thuộc núi Lạc Sơn nên tượng Phật còn có tên gọi là Lăng Vân Đại Phật hoặc Lạc Sơn Đại Phật. Hướng mặt Phật nhìn về phía Tây phương sông nước mênh mang, sau lưng Phật là triền núi cây xanh um tùm, xung quanh bao bọc vô số tượng Phật và khám Phật, chùa chiền miếu mạo, lâu đài nguy nga đồ sộ. Đầu tượng cao 14m, rộng 10m, khối hình uy nghiêm với nét mặt phi thường, kĩ vĩ. Đôi mắt lim dim trầm tư viễn vọng dưới đôi lông mày dài (mỗi mắt dài 3,3m, mày dài 5,6m) miệng mỉm cười thuần hậu có độ dài ngang với mắt, trán cao 3m, chiều ngang của vai 28m [1; 1126]. Sự chính xác kích cỡ tỉ lệ hợp lí đó đã mang lại hiệu quả nghệ thuật hình thần kiêm bi “cự tế hài hòa”, nghĩa là cả mặt hình thể và tinh thần, khái quát tổng thể và chi tiết tinh vi đều đạt đến trình độ hài hòa hoàn mĩ.
Như vậy, khi nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Ấn Độ mới vào Trung Quốc đã được hấp thụ phần lớn nhưng vẫn bảo lưu được đặc sắc của Phật giáo Ấn Độ.
Từ sau nhà Đường nghệ thuật Phật giáo đã dung hợp với nghệ thuật truyền thống hình thành nền nghệ thuật đặc sắc mới khác với Phật giáo Ấn Độ, hoàn thành quá trình Hán hóa trở thành một phần của nghệ thuật Trung Quốc và đưa nghệ thuật kiến trúc điêu khắc Phật giáo nhà Đường lên đỉnh cao.