Phật giáo thời Nam Bắc Triều (420 – 569)

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của phật giáo đối với sự phát triển của nhà đường (618 907) (Trang 26 - 33)

1.2. Tình hình Phật giáo trước thời kỳ nhà Đường

1.2.4. Phật giáo thời Nam Bắc Triều (420 – 569)

Thời đại Tây Tấn, Đông Tấn cùng 16 nước Ngũ Hồ tồn tại 130 năm thì mất.

Ở Đông Tấn, năm 420 Lưu Dụ thuộc dòng dõi nhà Hán, nổi lên diệt nhà Đông Tấn, lập nên nhà Tống, đóng đô ở Kiến Khang.

Năm 479, một viên tướng của nhà Tống là Tiêu Đạo Thành truất ngôi của nhà Tống, lên làm vua , lập nên triều Tề (479 – 502).

Năm 502, một người tên là Tiêu Diễn khởi binh lật đổ triều Tề, lên làm vua, đổi tên nước là Lương (502 – 557). Năm 548, một hàng tướng của Đông Ngụy (Bắc triều) là Hầu Cảnh lại phản Lương. Năm 549 Hầu Cảnh chiếm được kinh đô Kiến Khang đánh bại Tiêu Diễn. Đến năm 551, Hầu Cảnh truất ngôi nhà Lương, tự lập làm Hán đế, nhưng sang năm 552, bị thất bại và bị bộ hạ giết chết.

Nhà Lương được khôi hục và tồn tại thoi thóp trong mấy năm nữa.

Năm 557, một viên tướng có công lớn trong việc đánh bại Hầu Cảnh là Trần Bá Tiên bắt vua Lương phải nhường ngôi cho mình lập nên triều Trần (557 – 589). Đến năm 589, nhà Trần bị triều Tùy ở miền Bắc tiêu diệt.

Bốn triều đại Tống, Tề, Lương, Trần đều chỉ thống trị được miền Nam và đều đóng đô ở Kiến Khang nên được gọi chung là Nam Triều.

Ở phương Bắc, Bắc Ngụy đánh dẹp 16 nước Ngũ Hồ, thống nhất hơn nửa lãnh thổ Trung Quốc, đóng đô ở Bình Thành (tỉnh Sơn Tây) năm 439.

Như vậy, phương Nam là nhà Tống, Tề, Lương và Trần thay nhau cai trị còn phương Bắc là Bắc Ngụy, đã chia đôi Trung Quốc lập ra hai triều đại Nam Bắc. Các triều đại ở hai miền Nam Bắc này lăm le dòm ngó lẫn nhau, kéo dài 160 năm, lịch sử vẫn gọi là thời Nam Bắc triều.

Tại Nam triều: Là sự thay đổi của các triều đại, nhưng Phật giáo ở đây vẫn tiếp tục phát triển theo xu hướng trước đó. Giới Tỷ kheo tại miền Nam rất chú trọng đến triết lý và văn điển Phật giáo và vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với phong trào Tân Lão giáo. Ba giai đoạn phát triển quan trọng của Phật giáo Nam triều là thời kỳ Nguyên Hỷ (424 – 435) của Lưu Tống, thời đại hoàng tử Cảnh Lăng (484 – 495) và thời Lương Võ Đế (502 – 549).

Đặc điểm nổi bật của giai đoạn Nguyên Hỷ là việc kiến tạo chùa miếu. Sử liệu ghi lại rằng, tại kinh đô, có 15 ngôi chùa mới được dựng lên. Tuy nhiên, số lượng tu viện được xây dựng nhiều hơn so với thực tế. Một đặc trưng khác của thời Nguyên Hỷ là sự xuất hiện của nhiều trí thức, học giả quý tộc thực sự quan tâm đến giáo lý Phật giáo. Dưới triều đại Lưu Tống, có một số dòng họ nổi tiếng là đệ tử thuần thành của đức Phật. trong số đó có Tạ Linh Vận (385 – 433) là nhân vật trí thức nổi danh nhất, có sự liên kết chặt chẽ với Phật giáo.

Giai đoạn phát triển thứ hai của Phật giáo chủ yếu nhờ vào nỗ lực của hoàng tử Cảnh Lăng, con thứ hai của Võ Đế nước Tề. Ông là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của Phật giáo phía Nam. Nhờ vào sự hộ pháp của Cảnh Lăng, Phật giáo đã gây được ảnh hưởng sâu rộng trong giới trí thức và quí tộc quan lại tại Nam triều. Cảnh Lăng rất chú trọng đến vấn đề giới luật của tu viện, ông cũng rất quan tâm đến khía cạnh thực tiễn của giáo lý Phật giáo. Ông thường tổ chức ngày hội ăn chay, khuyến khích mọi người tránh sát sinh, bố thí

thức ăn và thuốc men… Phật giáo thời này có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển vì thế mà tăng đoàn cũng trở nên mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ chính trị của triều đình, vua quan và quần chúng.

Phật giáo thời nhà Lương được xem là phát triển nhất ở Nam triều. Người sáng lập ra nhà Lương là Võ Đế, là vị hộ pháp chính của Phật giáo trong giai đoạn thứ ba này. Gia đình Võ Đế là tín đồ truyền thống của đạo Lão, nhưng trước khi đăng vị, Võ Đế đã có tình cảm với Phật giáo do nhiều lần được hội kiến với các Tỳ kheo tại cung điện của hoàng tử Cảnh Lăng. Sau khi lên ngôi, lòng đam mê giáo lý Phật giáo của Võ Đế ngày càng mãnh liệt, nên vào năm thứ ba sau khi đăng vị (504) Lương Võ Đế phát nguyện quy y Tam bảo. Cũng vào năm ấy nhân ngày sanh đản của đức Phật, Võ Đế ban sắc lệnh loại bỏ các lễ hội tôn vinh Lão Tử. Vào năm 511, vua tự nguyện từ bỏ uống rượu, ăn thịt vì ông tin rằng lối ẩm thực ấy sẽ khiến người ta sanh vào đại ngục. Năm 517, Võ Đế ban hành chiếu chỉ cấm sử dụng sinh vật còn sống cho mục đích chế thuốc và làm đồ cúng tế, thay vào đó sử dụng hoa quả.

Cũng giống như các vua chúa của triều đại trước, cống hiến nổi bật nhất của Võ Đế với đạo Phật là việc xây dựng vô số chùa miếu. Trong số đó hoành tráng nhất là chùa Đồng Thái, khởi công năm 521 và hoàn tất năm 527. Ông còn xây dựng hai ngôi đại tự tên là Đại Ái dành riêng cho chư tăng để tưởng niệm cha và Đại Thị Tứ dành riêng cho chư ni để tưởng niệm mẹ.

Lương Võ Đế còn chú ý đến việc truyền đạo. Việc làm này ít thấy ở các triều đại trước. Võ Đế tổ chức rất nhiều pháp hội truyền bá giáo lý, thu hút đông đảo thính giả đến tham dự. Thường thì vua nghe chư tăng thuyết pháp, đàm kinh nhưng cũng có lúc chính Võ Đế diễn giải.

Một hoạt động khác do Võ Đế chủ trương là xây dựng kho tàng cho chùa chiền dưới sự bảo trợ của hoàng triều. Kho tàng ấy được gọi là “Vô Tận Tạng”, cất chứa những tài sản của các nhà bảo trợ giàu có của chùa, hoặc chứa đựng tài vật của giới tín đồ cúng dường cho nhà chùa. Lúc sinh thời, Võ Đế xây dựng

được 13 kho tàng nằm rải rác khắp lãnh thổ nước Lương. Vào năm 533, riêng vua cúng dường cho “Vô Tận Tạng” của chùa Đồng Thái 201 món, tổng giá trị lên đến 10.960.000 tiền, quan lại triều đình cũng góp tổng số 2.700.000 tiền [45; 148].

Được sự chỉ dạy và giúp đỡ của một số danh tăng đương thời như Tăng Mân, Pháp Sủng, Tuệ Siêu… Võ Đế cũng chứng tỏ năng lực của ông trong lĩnh vực nghiên cứu và sáng tác. Vua biên soạn sớ giải kinh “Niết bàn”, “Bát nhã”

“Duy ma cật”. Theo sách “Lịch đại Tam Bảo kỷ” nhà vua chú giải bộ

“Ma ha Bát nhã ba la mật đa Tư chủ kinh”, gồm 50 quyển [25; 76].

Có thể nói rằng Phật giáo đời nhà Lương là thịnh đạt nhất Nam triều. Vì bên cạnh cống hiến của Võ Đế và triều thần, tăng già Phật giáo còn có một số tăng nhân trí thức như Trí Tạng, Pháp Vân và Tăng Mân. Đặc biệt có sự hiện diện của các danh tăng ngoại quốc như Sanghapala (Tăng già ba la), Mandrarisi (Mạn đa la tiên) và Paramartha (Chân Đế) người nước Ujjain, thuộc Tây Ấn.

Ở Bắc triều, với sự hiện diện của Phật Đồ Trừng, Phật giáo tạo đã có mối liên hệ mật thiết với triều đình Bắc Ngụy, đặc biệt là vị hoàng đế đầu tiên của Bắc triều tức Thái tổ hoàng đế. Nhà vua dành nhiều đặc ân cho đạo Phật khi trị vì đất nước. Cụ thể là việc nhà vua quyết định mời Tăng Lãng làm cố vấn cho mình. Đặc biệt Thái tổ hoàng đế còn ban sắc lệnh với nội dung rằng: Phật giáo hiện hữu rất lâu tại Trung Hoa, nhưng việc làm tốt đẹp của tôn giáo này không chỉ lợi ích cho người sống mà còn ảnh hưởng đến người quá cố. Những khuôn mẫu và quy tắc thiêng liêng được truyền lại có thể chứng minh giá trị của nó. Do vậy, quan lại trong kinh thành phải xây dựng và trang hoàng hình tượng Phật và chuẩn bị chỗ ở cho giới tăng sỹ Phật giáo.

Phật giáo thời Bắc Ngụy rất phồn thịnh, nhất là trong thời gian trị vì của Thái Tổ Đạo Vũ Đế (386 – 409) và Thái Tông Minh Nguyên Đế (409 – 423).

Nhưng vào thời kỳ của Thái Vũ Đế (424 – 452), Phật giáo đã phải chịu nhiều cuộc khủng bố tàn khốc. Do tham vọng mở rộng biên cương, Vũ Đế luôn bận

rộn trong những cuộc chiến tranh xâm lấn. Nắm được điểm yếu ấy, Khấu Khiêm Chi (người theo chủ nghĩa Lão học cực đoan) và Tôn Hạo (tín đồ của Khổng giáo) tranh thủ được tình cảm của nhà vua, khuyến dụ Vũ Đế bỏ Phật theo Khổng – Lão. Kết quả là làn sóng khủng bố Phật giáo bắt đầu xảy ra vào năm 466. Sang đến thời Bắc Chu, Phật giáo tiếp tục trải qua pháp nạn lần thứ hai.

Trải qua hai lần pháp nạn, Phật giáo Trung Quốc bị giáng một đòn nặng nề và chịu nhiều tổn thất.

Nhìn chung, Phật giáo thời Nam Bắc Triều mặc dù xảy ra hai lần “pháp nạn” nhưng đạo Phật thời này phát triển về nhiều mặt như: Chùa viện, tăng ni, tổ chức giáo đoàn cho đến các loại hình nghệ thuật phật giáo như lễ hội, kiến trúc, mỹ thuật… ảnh huởng sâu rộng đến mọi tầng lớp dân chúng, có tác động lớn lao đến xã hội, chính trị… Đây là một điểm son của Phật giáo sử Trung Quốc.

Về tăng ni và chùa viện: Mặc dù đã có cơ sở vững chắc từ thời Tây Tấn và Đông Tấn, nhưng thời Nam Bắc Triều thì tăng ni và chùa viện phát triển rầm rộ hơn nhiều. Theo sử liệu của Pháp Lâm và Đạo Tuyền, ta có bảng thống kê sau:

Thời đại Tự viện

(ngôi)

Số tăng ni (người)

Tây Tấn 180 3.700

Đông Tấn 1.768 23.000

Tống 1.913 36.000

Tề 2.015 32.000

Lương 2.846 82.000

Trần 1.232 32.000

Ngụy 30.896 2.000.000

Bắc Tề 40.000 3.000.000

(Trích trong sách Lịch sử Phật giáo Trung Quốc của Thích Thanh Kiểm,

trang 134).

Nhìn vào bảng trên ta có thể thấy rằng số tăng ni và chùa viện tăng lên rất nhiều do hầu hết các đời vua đều bảo hộ Phật giáo, xây cất chùa viện đặc biệt có những chùa viện với quy mô rất lớn như chùa Vĩnh Ninh ở Lạc Dương đời vua Hiến Minh Đế Bắc Ngụy (516). Ngôi chùa tháp này với Phật điện có 3.000 pho tượng, khuôn viên của chùa có 1000 gian phòng và lầu tháp. Chùa Đại Ái của Lương Vũ Đế xây ở phương Nam gồm 36 viện, từ chánh điện đến tam quan dài bảy dặm, ở đây thường có 1000 vị tăng cư trú.

Về hệ thống tổ chức: Hệ thống tổ chức của giáo đoàn Phật giáo thời đại Nam Bắc triều có các chức Đại Thống, Tăng Chính, Quận Thống, Huyện Thống hay Duy Na… Như ở Bắc triều, có các ngài Tăng Hiển, Đàm Diệu lần lượt giữ chức Đạo Nhân Thống, và Tuệ Quang, Pháp Thượng, Linh dụ lần lượt giữ chức Sa Môn Đại Thống hoặc Sa Môn Thống để quản hạt tăng chúng. Ở Nam triều có các cơ quan trung ương của giáo đoàn không gọi là Sa Môn Thống hay Quốc Thống mà lại đặt ra chức Tăng Chính, Tăng Chủ, Pháp Chủ. Dưới Tăng Chính đặt ra các chức Đô Ấp Tăng Chính và Đô Ấp Duy Na. Ngoài ra, trong chùa còn đặt ra chức Thượng tọa là chủ chùa và các chức Duy Na để quản hạt công việc trong chùa.

Về lễ hội: Thời này, các ngày lễ của Phật giáo Đại thừa như ngày lễ Đản sanh mồng 8 tháng 4 âm lịch, lễ Vu lan bồn ngày 15 tháng 7 âm lịch, lễ Phật thành đạo mồng 8 tháng Chạp âm lịch, lễ Phật Niết bàn ngày 15 tháng 2 âm lịch đều được tổ chức long trọng ở cả hai miền Nam – Bắc.

Ngoài ra, lễ an cư kiết hạ từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 15 tháng 7 âm lịch là lễ truyền thống của tăng ni cả nước. Đặc biệt, các ngày lễ hội có rất đông Phật tử và quần chúng tham dự là lễ tắm Phật, quán Phật hội, lễ rước Phật…

Về sự nghiệp xã hội: Ở thời đại này, Phật giáo cũng chú trọng vào công cuộc cứu tế xã hội và giáo dục nhân dân. Các chùa viện phần nhiều là nơi trung tâm để giáo dục và truyền bá giáo lý. Như các ngài Đạo Chiếu, Tuệ Cử, Đàm

Tôn, Đàm Quang, Pháp Kính… là những vị có công thuyết giáo hóa cho dân chúng.

Trên phương diện cứu tế có Sa môn Đàm Diệu đã tâu vua xin lập những kho thóc dự trữ để giúp đỡ dân trong lúc đói kém, kho thóc đó gọi là “Tăng kỳ lục”. Các chùa nhiều việc như bắc cầu, xây quán, đào giếng và lập nhà trọ không mất tiền cho những khách nhờ đường.

Về mỹ thuật, kiến trúc: Vào buổi đầu, chùa viện Trung Quốc ảnh hưởng nghệ thuật Bamiyan và Afghanistan ở Trung Á nhưng dần dần họ thoát ly tạo cho mình một bản sắc riêng. Điều này ta thấy rõ trong dấu ấn kiến trúc tại các hang động nổi tiếng như Đôn Hoàng, Vân Cương và Long Môn… Những tượng Phật, Bồ tát khổng lồ được phác thảo từ các vùng thánh địa trên đất Ấn, các nhà sư mang về mô phỏng lại. Thời gian sau, do tín ngưỡng đa sắc, tinh thần Phật giáo Đại thừa với nhiều tôn giáo khác đã dung hòa với nhau để sáng tạo một loại kiến trúc đa dạng và phong phú hơn. Do vậy ở các hang động này ngoài đức Phật Thích ca, chúng ta có thêm Phật Di lặc, Phật A di đà và cảnh giới Cực Lạc, Phật Đa Bảo, Quan âm Bồ tát, cùng với hàng trăm kiểu kiến trúc trang trí nhiều màu sắc… Các vị tượng Phật và Bồ tát Trung Quốc đã thoát hình tượng phàm trần, trở nên siêu việt hơn, huyền bí hơn Phật và Bồ tát Ấn Độ. Các bức phù điêu, bích họa hoặc các hoa văn chi tiết trên đá, trên tường, trên gỗ, trên đất sét,… đã đạt được trình độ kỹ xảo, tinh tế.

Thời Nam Bắc triều, điêu khắc và mỹ thuật đã để lại dấu ấn vàng son là nền tảng để điêu khắc, mỹ thuật thời Tùy, Đường thăng hoa thêm một bậc nữa.

Về tư tưởng tông giáo: Thời Nam Bắc triều, Trung Quốc đã xuất hiện nhiều vị cao tăng nắm rõ được nền văn hóa bản địa nên họ đã bắt đầu tạo một phong cách Phật giáo cho phù hợp với dân tộc mình. Nói cách khác, họ nương tựa kinh luận Ấn Độ nhưng họ lại lập giáo, lập ngôn theo nền tư duy, tình cảm của người Trung Quốc. Nếu như ở Ấn Độ có bộ, có phái thì ở Trung Quốc có giáo, có tông như Tỳ đàm tông, Nhiếp luận tông, Địa luận tông,… Họ biến kinh luận thành

giáo thuyết cho phù hợp với tông giáo của mình. Đặc điểm này còn thấy ở cả Nhật Bản, Tây Tạng và Việt Nam.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của phật giáo đối với sự phát triển của nhà đường (618 907) (Trang 26 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)