CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ HIỆU QUẢ KINH TẾ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THUỶ SẢN
1.5. Tình hình các nghiên cứu trong nước và ngoài nước về hiệu quả kinh tế ngành thủy sản
1.5.1. Tình hình nghiên cứu ngoài nước
Có nhiều nghiên cứu ở nước ngoài liên quan đến đánh giá hiệu quả kinh tế của nông nghiệp nói chung và ngành thuỷ sản nói riêng. Một trong những nghiên cứu kinh tế đầu tiên trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản là của tác giả Huvanandana được thực hiện vào năm 1973. Ông đã nghiên cứu và so sánh doanh thu chi phí của 2 đội tàu lưới vây rút chì (purse seine) và lưới vây nổi (encirling) của Thái Lan và Trung Quốc khai thác cá thu ở vùng biển Ấn Độ Dương. Kết quả cho thấy ngư cụ nghề vây nổi mang lại lợi nhuận cao hơn nghề vây rút chì (Huvanandana, 1973).
Nghiên cứu của FAO trong ba năm 1995 đến 1997 về khả năng phát triển kinh tế trong lĩnh vực khai thác thủy sản của một số nước tiêu biểu thuộc bốn nhóm: Châu Á, Châu Phi, Châu Âu và Châu Mỹ La tinh. Sau đó, trong báo cáo của FAO về thành tựu kinh tế kỹ thuật nghề cá đã tóm tắt những kết quả kinh tế tài chính trong hoạt động khai thác hải sản của 15 nước thực hiện trong năm 1999 và 2000. Nghiên cứu này dựa trên kết quả điều tra đã được thực hiện từ năm 1995 đến năm 1997 và được xuất bản trên tạp chí FAO Fisheries Technical Paper số 377. Nghiên cứu cho thấy, trong 108 nghề được nghiên cứu tại 15 nước (Nam Mỹ, Châu Âu, Châu Phi và Châu Á) có 105 nghề đạt dòng tiền dương (positive gross cash flow) (dòng tiền = doanh thu thuần - chi phí hoạt động) chiếm 97%. Nghiên cứu cũng cho thấy khi xem xét chi phí sử dụng vốn như: chi phí khấu hao và chi phí lãi vay thì có 92 nghề đạt lợi nhuận khai thác dương, chiếm 85% tổng số nghề nghiên cứu.
Ola Flaaten, Knut Heen, và Kjell G. Salvanes đã so sánh sự khác biệt lợi nhuận của đội tàu khai thác lưới vây sử dụng giấy phép miễn phí và đội tàu khai thác lưới vây mua giấy phép theo giá thị trường tại Nauy. Các tác giả đã sử dụng phương pháp hồi quy OLS để phân tích những nhân tố tác động đến doanh thu và chi phí của 2 đội tàu khai thác lưới vây nhằm chỉ ra những khác biệt về doanh thu và chi phí của 2 đội tàu, từ đó xác định sự khác biệt về lợi nhuận, làm cơ sở tìm ra giá trị thật của giấy phép trên thị trường chuyển nhượng. Các ông nhận thấy rằng: các tàu vây được cấp hạn ngạch quota có lợi nhuận cao hơn so với các nhóm tàu vây khác. Nguyên nhân chính là do chủ tàu đã phải tốn chi phí vốn quá cao (Ola Flaaten, Knut Heen và Kjell G.
Salvanes, 1995).
Nauy cũng như một số nước Châu Âu (Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Anh) đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về doanh thu, chi phí của các đội tàu khai thác hải sản.
Các công trình nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào nghề cá đơn loài, kỹ thuật khai thác mang tính công nghiệp hóa rất cao và hoạt động khai thác được quản lý giám sát rất chặt chẽ (W.P Davidse, 1997).
Trong bài viết nghiên cứu về hoạt động kinh tế và tài chính các nghề cá biển ở 15 nước trên thế giới của các tác giả U. Tietze và J.Prado. J.-M.Le Ry. R. Lasch, trong tổng số 108 loại tàu khai thác thì có đến 105 (chiếm 97%) loại tàu có dòng tiền luân chuyển dương (gross cash flow) và bù đắp được mọi chi phí bỏ ra. Nếu trừ chi phí khấu hao và lãi suất, thì có 92 trên 108 loại tàu có lợi nhuận ròng. Chỉ có các loại tàu
lưới kéo cá và tôm tầng đáy có dòng tiền luân chuyển âm. Những tàu trước đây có kết quả lợi nhuận dương, nhưng một thời gian sau đó có lợi nhuận âm thường rơi vào những tàu có tuổi thọ khá lớn.
Bên cạnh đó, hội thảo khu vực Đông Nam Á tháng 12 năm 2005 tại Việt Nam cũng đã bàn đến việc ứng dụng các chỉ số trong công tác quản lý thích ứng nghề cá biển ở một số nước như Brunei, Malaixia, Indonesia, Thái Lan …, cũng là những nước có đặc điểm cá đa loài như ở Việt Nam.
Giáo sư Marcia Hamilton và giáo sư Steve Huffman thuộc trường Đại học Hawaii viện Nghiên cứu Thủy sản và Khí quyển trong hai năm 1995-1996 đã nghiên cứu doanh thu chi phí của bốn nhóm ngư dân hoạt động khai thác nghề cá nổi quy mô nhỏ: nhóm làm nghề đánh cá toàn thời gian (fulltime fishermen), nhóm làm nghề đánh cá bán thời gian (partime fishermen), nhóm lấy nghề đánh cá làm tiêu khiển (recreational fishermen) và nhóm làm nghề đánh cá với mục đích chỉ cần bù đắp được chi phí chuyến biển (expense fishermen). Kết quả cho thấy: nhóm làm nghề đánh cá toàn thời gian (fulltime fishermen) có doanh thu và chi phí cố định cao nhất, nhóm làm nghề đánh cá với mục đích chỉ cần bù đắp được chi phí chuyến biển (expense fishermen) có doanh thu và chi phí cố định thấp nhất. Riêng chi phí biến đổi chuyến biển khá đồng đều nhau giữa các nhóm, chỉ dao động nhẹ theo khả năng di chuyển ngư trường hoạt động. Sự khác nhau trong chi phí biến đổi là, chi phí nhiên liệu, chi phí đá và chi phí mồi câu, trong đó nghề cá toàn thời gian và bán thời gian thường tiêu tốn nhiều hơn so với hai nhóm còn lại.
Kumpa đã phân tích cấu trúc chi phí và khả năng sinh lợi của các đội tàu khai thác quy mô nhỏ ở thành phố Chumphon. Tác giả nhận thấy rằng các loại ngư cụ tầng nổi như lưới vây, lưới rê thường đem lại kết quả cao hơn so với các loại ngư cụ tầng đáy như lưới kéo (Kumpa, 1981).
Bàn về đánh giá tác động của Chương trình Hỗ trợ Tài chính của Chính phủ, nghiên cứu đã chỉ ra rằng tại hai quốc gia khảo sát, Ấn Độ và một số quốc gia khác thuộc châu Âu, hầu hết các tàu vốn từ trước đến nay nhận được khoản tiền trợ cấp của chính phủ vẫn có khả năng hoạt động có lãi mà không cần đến khoản trợ cấp đó. Ở Hàn Quốc, kết quả vẫn chưa rõ ràng trong khi tại Thái Lan, các tàu trong diện ưu đãi miễn thuế nhiên liệu chỉ có thể hoạt động có lãi nếu chính sách này tiếp tục được duy trì. Nghề cá Indonesia lại không nhận được khoản trợ cấp nào. Còn đối với nhiều quốc
gia khác, vẫn chưa thu thập được các thông tin thực nghiệm cụ thể về quy mô hỗ trợ của chính phủ đối với ngành khai thác cũng như hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp khai thác tư nhân. Chính vì vậy, cần thiết phải có các cuộc điều tra khảo sát thu thập dữ liệu và phân tích thông tin về số lượng và tác động của các khoản hỗ trợ từ phía chính phủ lên hoạt động nghề cá của các doanh nghiệp tư nhân nhằm mục đích giảm thiểu và hợp lí hóa việc sử dụng nguồn ngân sách eo hẹp từ phía chính phủ và đồng thời, tránh các khoản trợ cấp gây tác động tiêu cực lên nguồn lợi, môi trường biển và hoạt động thương mại (U.Tietze và J. Prado, 2001).
Tại Úc, một số công trình nghiên cứu về các chỉ số kinh tế cho một số nghề phục vụ cho mục đích nghiên cứu tối đa hóa lợi ích do tài nguyên mang lại (resource rent) là nhân tố làm cơ sở xác định thuế tài nguyên mà các đội tàu phải trả khi hưởng lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia (EconSearch Pty Ltd, May 2004 & Roger Rose).
Các công trình nghiên cứu của Pascoe, Đại học Portsmouth - Anh, chủ yếu liên quan đến kết quả kinh tế nghề khai thác hải sản, đồng thời phân tích các nhân tố tác động đến kết quả kinh tế và hiệu quả kỹ thuật các đội tàu khai thác tại một số quốc gia châu Âu. Các nghiên cứu này chủ yếu thực hiện bằng kỹ thuật phân tích hồi quy, kỹ thuật phân tích DEA (Data Envelopement Analysis) và kỹ thuật SPF (Stochastic Production Frontier) (Sean Pascoe 2003, 2005).