CHƯƠNG 2: TỔNG QUAN NGHỀ CÂU XA BỜ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
A. Tổng quan nghề câu xa bờ
2.3. Đặc điểm ảnh hưởng tới nghề câu xa bờ tại tỉnh Khánh Hoà
2.3.1. Điều kiện tự nhiên
* Địa lý:
Khánh Hòa là một trong những tỉnh nằm ở miền duyên hải Nam Trung bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên, phía Nam giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Tây giáp hai tỉnh Đắc Lắc và Lâm Đồng, phía Đông giáp biển Đông.
Trên bản đồ Việt Nam, Khánh Hòa nằm ở tọa độ địa lý từ 108 độ 40 phút 33 giây đến 109 độ 27 phút 55 giây kinh độ Đông và từ 11 độ 42 phút 50 giây đến 12 độ 52 phút 15 giây độ
vĩ độ Bắc. Diện tích tự nhiên của tỉnh Khánh Hòa cả trên đất liền cùng với hơn 200 đảo và quần đảo là 5.197 km2.
Bờ biển tỉnh Khánh Hòa kéo dài từ mũi Đại Lãnh (cap Varella) tới cuối vịnh Cam Ranh và có độ dài khoảng 385 km (tính theo mép nước) với nhiều cửa lạch, đầm, vịnh, với hàng trăm đảo lớn, nhỏ và nhiều vùng biển rộng lớn. Đặc biệt huyện đảo Trường Sa là nơi có vị trí kinh tế, an ninh quốc phòng quan trọng của cả nước.
(Tham khảo từ wedsite: wikipedia.org) Hình 2.1. Biển Khánh Hoà
Biển Khánh Hòa có nhiều tài nguyên phong phú, với nhiều loại hải sản như:
tôm, cua, mực, các loại cá… đặc biệt là yến sào, một loại đặc sản quý hiếm, được coi là “vàng trắng”, có giá trị xuất khẩu rất cao.
Sông ngòi ở Khánh Hòa không lớn nhưng mật độ sông suối khá dày. Toàn tỉnh có khoảng trên 40 con sông trong đó có hai sông chính là sông Cái Nha Trang (sông Cù) dài 75km và sông Cái Ninh Hòa (sông Dinh) dài 49km. Khánh Hòa có 8 cửa lạch lớn nhỏ, nhìn chung dài và nông (trừ Cam Ranh), các cửa lạch dễ thay đổi diện mạo sau mỗi kỳ mưa cho nên không thuận tiện cho việc nuôi trồng thuỷ sản và xây dựng cầu cảng.
Khánh Hòa có 10 đầm, vũng vịnh với diện tích 70.000 ha, trên các vũng vịnh có nhiều bãi triều và vùng nước nóng có khả năng xây dựng các công trình nuôi trồng thuỷ sản và đặc sản có giá trị kinh tế cao. Với 7 bán đảo lớn và trên 200 đảo nhỏ tạo thành nhiều đầm, vịnh kín gió tạo điều kiện cho các đàn cá di cư đến sinh sản. Ven bờ có nhiều rạn san hô là nơi có đa dạng hải sản sinh sống với giá trị kinh tế cao (Chu Tiến Luận, 2004).
* Khí hậu, thời tiết.
Nằm trong khu vực duyên hải miền Trung, Khánh Hòa chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng khô ráo ôn hòa, quanh năm nắng ấm, thường chỉ có hai mùa rõ rệt: mùa khô kéo dài từ 8 đến 9 tháng và mùa mưa ngắn chỉ từ 3 đến 4 tháng. Mưa bão, gió mùa Đông bắc cũng như áp thấp nhiệt đới chỉ ảnh hưởng đến vùng biển Khánh Hoà từ tháng 9-12. Vì vậy rất thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản, đặc biệt tàu dưới 30 CV có thể sản xuất từ 230 – 280 ngày/ năm. Nhiệt độ trung bình hàng năm trên dưới 260C, các tháng cuối năm và đầu năm hơi lạnh nhưng không rét buốt, mùa hè ít bị ảnh hưởng bởi gió tây. Lượng mưa cũng tương đối ít, trung bình từ 1.200 đến 1.800 mm.
Biển Khánh Hoà chịu ảnh hưởng của 2 dòng hải lưu chính: dòng chảy mùa gió Tây Nam và dòng chảy gió mùa Đông Bắc. Dòng hải lưu nóng đưa theo nhiều ấu trùng, thức ăn và nhiều loài cá đến tạo ngư trường phong phú với sản lượng cao. Dòng hải lưu mạnh đẩy cá đi xa bờ gây khó khăn cho nghề khai thác thuỷ sản. Hoạt động chế độ hải lưu tạo thành hiện tượng nước trồi lưu động từ tháng 4 đến tháng 10. Đây là mùa cá chính của Khánh Hoà. Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, ảnh hưởng của nước triều yếu dần cá di cư xa bờ làm sản lượng cá giảm rõ rệt.
Thuỷ triều Khánh Hoà thuộc loại thuỷ triều hỗn hợp thiên về nhật triều, trong một tháng có khoảng 20 ngày nhật triều. Trong năm, tháng có hoạt động thuỷ triều mạnh nhất là tháng 6 đến 7 và tháng 11 đến 12 (Nguyễn Tác An, 1998).
Nhiệt độ trung
bình/tháng Một Hai Ba Tư Năm Sáu Bảy Tám Chín Mười Mười một
Mười hai
Trung bình cao (°C) 27 28 29 31 32 32 32 32 32 30 28 27
Trung bình thấp (°C) 22 22 23 25 26 26 26 26 25 24 24 22
Lượng mưa (cm) 2.4 0.56 2.07 1.98 5.08 3.48 2.62 3.23 13.38 25.43 25.12 12.21
Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Nha_Trang
Hình 2.2. Thông tin về tình hình thời tiết năm 2013 tại Khánh Hoà 2.3.2. Điều kiện xã hội
Ngoài du lịch, Khánh Hòa cũng là địa phương phát triển công nghiệp mạnh trong khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Các thế mạnh công nghiệp truyền thống của Khánh Hòa là công nghiệp đóng tàu, chế biến thủy hải sản, vật liệu xây dựng, may mặc... Ngoài ra, Khánh Hòa cũng có nhiều loại khoáng sản; đến năm 2003 đã có 72 mỏ quặng được phát hiện và đăng ký trên địa bàn tỉnh. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong năm 2009 của Khánh Hòa đạt 14.095 tỷ đồng. Các khu công nghiệp lớn trong tỉnh như Khu công nghiệp Suối Dầu, khu công nghiệp Ninh Hòa, khu công nghiệp Bắc và Nam Nha Trang, cùng với những cảng biển lớn đang được đầu tư xây dựng, giúp cho Khánh Hòa trở thành một trong 10 tỉnh thành có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất nước.
Cũng như các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ khác có các dải đồng bằng nhỏ hẹp, trồng trọt không phải là thế mạnh của tỉnh. Lúa vẫn chiếm diện tích lớn nhất và được trồng tập trung tại đồng bằng Ninh Hòa và Diên Khánh. Cây công nghiệp ngắn ngày được trồng nhiều nhất là cây mía, sau đó là đậu phộng, cây lương thực được trồng nhiều nhất trong tỉnh là cây khoai mì và cây bắp. Việc trồng cây bắp đã mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Vĩnh.
Bên cạnh nông sản, tài nguyên thủy hải sản ở Khánh Hòa rất dồi dào. Khánh Hòa có tổng trữ lượng hải sản ước tính 150.000 tấn/năm và khả năng khai thác 40- 50.000 tấn/năm. Có 600 loài hải sản được các nhà khoa học xác định ở vùng biển Khánh Hòa, trong đó có hơn 50 loài cá có giá trị kinh tế cao.
2.3.3. Đặc thù khai thác của Khánh Hoà
Ngành thuỷ sản Khánh Hòa đã có sự phát triển từ rất lâu đời. Trước năm 1975, khai thác thuỷ sản phát triển chủ yếu với nghề lưới đăng truyền thống và chế biến chủ yếu là công nghệ phơi khô, ướp muối và làm nước mắm, dưới hình thức tự cung tự cấp trong đó chủ yếu phục vụ thị trường nội địa. Cho đến thập niên 80, với những kinh nghiệm vốn có của người dân tỉnh Khánh Hoà đã góp phần rất lớn đưa ngành thuỷ sản phát triển vượt bậc, sản lượng khai thác và nuôi trồng bắt đầu có xu hướng tăng nhanh, nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến ngày càng phong phú, đa dạng với nhiều chủng loại. Điều này đã kéo theo sư phát triển mạnh của lĩnh vực chế biến thuỷ sản, đặc biệt là xuất khẩu với các sản phẩm như chế biến khô, chế biến đông lạnh, từ phục vụ chủ yếu tiêu thụ nội địa chuyển dần sang phục vụ xuất khẩu là trọng điểm.
Như vậy, với sự phát triển của ngành thuỷ sản Khánh Hoà trong những năm qua đã chứng tỏ được người dân Khánh Hoà ngày càng có kinh nghiệm hơn trong các lĩnh vực của ngành thủy sản và chứng tỏ sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước nói chung và của Sở thuỷ sản Khánh Hoà nói riêng trong những năm qua cũng như trong những năm tới.