Lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào công tác quản lý và bảo tồn đất ngập nước tại địa phương

Một phần của tài liệu Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc lồng ghép các dịch vụ hệ sinh thái vào công tác quản lý và bảo tồn đất ngập nước ở việt nam (Trang 113 - 118)

CHƯƠNG III: THỬ NGHIỆM LỒNG GHÉP DỊCH VỤ

3.6. Lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào công tác quản lý và bảo tồn đất ngập nước tại địa phương

3.6.1. Tổng quan các chính sách liên quan đến quản lý và bảo tồn đất ngập nướctại địa phương

Các chính sách liên quan đến quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất:

Theo quy định của Luật Đất đai 2013 [11],Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế-xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.Kế hoạch sử dụng đất là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất.

Cũng theo Luật Đất đai 2013, nội dung Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh gồm:

a) Định hướng sử dụng đất 10 năm;

b) Xác định diện tích các loại đất đã được phân bổ trong Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất cấp tỉnh;

c) Xác định các khu vực sử dụng đất theo chức năng sử dụng;

d) Xác định diện tích các loại đất quy định tại điểm b khoản này đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;

đ) Lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;

e) Giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất.

Luật Đất đai 2013 cũng xác định nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh gồm:

a) Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh kỳ trước;

b) Xác định diện tích các loại đất trong kỳ kế hoạch sử dụng đất theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;

c) Xác định diện tích các loại đất cần chuyển mục đích sử dụng đất trong kỳ kế hoạch sử dụng đất theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;

d) Xác định quy mô, địa điểm công trình, dự án cấp quốc gia và cấp tỉnh sử dụng đất thực hiện trong kỳ kế hoạch sử dụng đất theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;

Đối với kế hoạch sử dụng đất, cần xem xét các nội dung sau khi lập kế hoạch:

- Xác định diện tích các loại đất trong kỳ kế hoạch sử dụng đất theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;

- Xác định diện tích các loại đất cần chuyển mục đích sử dụng đất trong kỳ kế hoạch sử dụng đất theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;

- Lập bản đồ kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;

- Giải pháp thực hiện kế hoạch sử dụng đất.

Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng:

Chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được đề cập cụ thể trong Nghị định số 99/2010/NĐ-CP quy định vềchính sách chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng. Theo đó, loại rừng và loại dịch vụ môi trường rừng được trả tiền dịch vụ môi trường rừnglà các khu rừng có cung cấp một hay nhiều dịch vụ hệ sinh thái rừng, bao gồm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất với năm loại dịch vụ hệ sinh thái: bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ các-bon; bảo vệ cảnh quan tự nhiên của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch; cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên cho nuôi trồng thủy sản. Nghị định cũng quy định đối tượng và loại dịch vụ, đối tượng được chi trả, mức, hình thức chi trả.

Chính sách liên quan đến đầu tư cho rừng ngập mặn:

Các quy định về đến đầu tư cho RNM đã được quy định trong một số văn bản, bao gồm:

- Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 quy định trồng rừng phòng hộ (RPH), rừng đặc dụng (RĐD) với mức hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/ha;

- Quyết định 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý rừng (Điều 17, 29) quy định về đầu tư và kinh phí đảm bảo duy trì bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;

- Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ngày 12/9/2010 của UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quy định về thực hiện một số chính sách bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Cà Mau;

- Quyết định số 92/2003/QĐ-UB ngày 31/12/2003 về việc Ban hành quy định áp dụng chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Đối với trồng rừng và chăm sóc rừng trồng thuộc lĩnh vực được hưởng ưu đãi đầu tư; chế biến lâm sản thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư.

Các chính sách khác liên quan:

UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 2015/QĐ-UBND ngày 19/11/2009 về ban hành Kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo đó, nhiệm vụ 2, Phần III về các nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch hành động đa dạng sinh học đã xác định các hoạt động liên quan đến bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước và biển, bao gồm:

- Xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của tỉnh về quản lý tổng hợp dải ven biển;

- Xây dựng và thực hiện quy hoạch các khu bảo tồn ĐNN và biển, trong đó chú trọng các phân khu chức năng và vùng đệm; xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo tồn cho từng khu;

- Phục hồi và phát triển các hệ sinh thái ĐNN ven biển.

3.6.2. Đề xuất lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào công tác quản lý và bảo tồn đất ngập nước tại địa phương

Áp dụng công cụ lập bản đồ để lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái khi xây dựng và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại địa phương:

Kết quả phân tích không gian các dịch vụ HSTcủa luận án có thể sử dụng như đầu vào cho việc xây dựng/điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh theo kỳ quy hoạch căn cứ vào việc xác định được các khu vực sử dụng đất theo chức năng sử dụng, hiện trạng các hệ sinh thái và dịch vụ HST của RNM theo địa giới hành chính, xác định những khu vực HST và dịch vụ HST đang bị suy giảm do tác động của chuyển đổi sử dụng đất theo thời gian và không gian, từ đó có những đề xuất phù hợp khi xây dựng quy hoạch (10 năm) và kế hoạch sử dụng đất (5 năm) tại địa phương, đặc biệt các nội dung liên quan đến xác định các khu vực sử dụng đất theo chức năng sử dụng, lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh (liên quan đến quy hoạch sử dụng đất) và nội dung về xác định diện tích các loại đất cần chuyển mục đích sử dụng đất trong kỳ kế hoạch sử dụng đất theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện (liên quan đến kế hoạch sử dụng đất).

Áp dụng lượng giá dịch vụ hệ sinh thái trong xây dựng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường tại Cà Mau để bảo tồn đất ngập nước và rừng ngập mặn:

Kết quả nghiên cứu về lượng giá dịch vụ HST của luận án cho thấy RNM tại VQG Mũi Cà Mau cung cấp rất nhiều giá trị sinh thái cho người dân và cộng đồng địa phương. Các dịch vụ này bao gồm: dịch vụ cung cấp (gỗ, củi, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản), dịch vụ điều tiết (hấp thụ các-bon, bảo vệ bờ biển), dịch vụ cảnh quan (du lịch). Các dịch vụ HST đã được tính toán quy đổi về giá trị tiền tệ cụ thể.

Việc lượng giá các giá trị mang lại từ HST RNM có thể cung cấp đầu vào quan trọng trong việc xây dựng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng áp dụng cho VQG Mũi Cà Mau.

Theo đó, các loại dịch vụ có thể đề xuất chi trả là hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng; bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch; dịch vụ bảo vệ bờ biển.

Các đối tượng hưởng lợi phải chi trả tiền cho các dịch vụ môi trường rừng có thể đề xuất bao gồm: tổ chức, cá nhân nuôi trồng, chế biến thủy sản; tổ chức, cá nhân có kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái và các đối tượng khác có các hoạt động kinh doanhcó liên quan đến diện tích rừng ngập mặn.

Các đối tượng được nhận chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng có thể bao gồm các chủ rừng (hộ gia đình, cá nhân và tổ chức) có cung ứng dịch vụ môi trường rừng và các hộ gia đình, cá nhân nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Áp dụng lượng giá dịch vụ hệ sinh thái trong xây dựng các chính sách liên quan đến đầu tư cho rừng ngập mặn tại Cà Mau:

Có thể nhận thấy, nội dung liên quan đến đầu tư cho RNM tại Cà Mau đã được xác định trong một số văn bản ở cấp trung ương và địa phương.Tuy nhiên, có thể nhận thấy mức đầu tư cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộnói chung và RNM nói riêng vẫn còn tương đối thấp, chưa thực sự tạo ra các khuyến khích về kinh tế và tài chính để tăng cường đầu tư cho RNM.

Các kết quả lượng giá dịch vụ HST của RNMđưa ra bức tranh tổng quát về giá trị mang lại của RNM thông qua việc cung cấp các dịch vụ đa dạng (dịch vụ cung cấp, điều tiết, v.v…) sẽ hỗ trợ trong việc xem xét các giá trị của dịch vụ HST của RNM khi xây dựng/chỉnh sửa các chính sách đầu tư liên quan đến RNM, từ đó có thểđưa ra những ưu đãi đầu tư thích hợp hơn để khuyến khích và tăng cường nguồn lực cho bảo tồn và phát triển RNM. Ngoài ra, các kết quả phân tích không gian các dịch vụ HST sẽ hỗ trợ trong việc xác định các khu vực cần được ưu tiên đầu tư cho RNM nhằm tăng cường vai trò của RNM trong việc giảm xói lở ven biển và giảm tính tổn thương cho người dân tại khu vực ven biển.

Lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái trongcác nội dung khác liên quan đến quản lý và bảo tồn đất ngập nước tại địa phương:

Xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐNN nói chung và RNM nói riêng là một trong những giải pháp quản lý ĐNN được áp dụng phổ biến trên thế giới với mục đích giám sát sự biến động của ĐNN, cung cấp thông tin phục vụ quy hoạch sử dụng ĐNN.

Các kết quả nghiên cứu liên quan đến các số liệu về biến động RNM theo không gian và thời gian và lượng giá HST RNM sẽ bổ sung những thông tin cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh trong việc xây dựng các chính sách, quy hoạch/kế hoạch và các chương trình quản lý và bảo tồn hệ sinh thái RNM tại địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị to lớn mang lại từ RNM.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc lồng ghép các dịch vụ hệ sinh thái vào công tác quản lý và bảo tồn đất ngập nước ở việt nam (Trang 113 - 118)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)