1. Trong cuộc sống đời thường, ai cũng khao khát được người khác quan tâm chú ý đến bản thân mình. Sự quan tâm chú ý, sự đùm bọc, thương yêu, sự chăm sóc, sự lắng nghe, sự khoan dung, động viên vỗ về của mọi người xùng quanh… đều rất có ý nghĩa và có giá trị tích cực giúp mỗi chúng ta trở thành con người lành mạnh, làm nảy nở trong tâm hồn chúng ta những giá trị cao quý, những tình cảm lớn…
Từ buổi sơ sinh cho đến thuở màn chiều xế bóng, mối tương quan giữa người và người vừa là nhu cầu, vừa là điều kiện có ý nghĩa và tác dung to lớn để biến chúng ta thành người với tất cả giá trị nhân văn cao cả của nó; có thể xem đó là nội dung sự biểu lộ đích thực của giao tiếp.
Vậy nội dung giao tiếp, trước hết là sự biểu lộ một nhu cầu trong quan hệ giữa chúng ta với mọi người – đó là một đòi hỏi bắt buộc, nghĩa là có tính tất yếu. Chúng ta khao khát ước mong có được quan hệ bình thường, tốt đẹp với mọi người và qua đó, những nhu cầu riêng tư của chúng sẽ được đáp ứng, thoả mãn, nhờ những ảnh hưởng qua lại trong các quan hệ đa dạng, phức tạp này. Sự thành công trong nghề nghiệp, hạnh phúc trong gia đình, tình bạn chung thuỷ, hạnh phúc riêng tư…, tất cả đều tuỳ thuộc ở các mức độ nhất định trong việc duy trì được các quan hệ lành mạnh, tốt đẹp với mọi người.
Qua tiếp xúc, giao lưu với người khác, chúng ta tự khẳng định được mình qua sự quan tâm săn sóc lẫn nhau và những niềm hân hoan, sự vui thích, niềm hứng khởi trong cuộc sống chúng ta cảm nhận thấy không khí ấm cúng, cảm thấy mình được hoàn thiện dần, hoà hợp được với mọi người, nhằm cùng nhau đạt tới mục đích của cuộc sống. Nói cách khác, cuộc sóng của chúng ta có ngày càng hoàn thiện hay không là tuỳ thuộc khá nhiều vào phẩm chất của các mối quan hệ tương giao mà chúng ta tạo lập nên đối với mọi người quanh ta.
2. Giao tiếp là con đường giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc trong cuộc sống
Các mối quan hệ giao tiếp giữa chúng ta và mọi người là rất cần thiết và có ý nghĩa sâu xa đối với hạnh phúc của mỗi cá nhân, với rất nhiều khía cạnh khác nhau:
– Tạo nên điều kiện và cơ hội cho sự tăng trưởng và phát triển về tri thức và hiểu biết xã hội nói chung.
Qua giao lưu, tiếp xúc với nhiều người với những cá tính khác nhau, chúng ta có thể hình thành cá tính của mình một cách độc lập và có sắc thái riêng.
Giữ được thăng bằng, duy trì được sức khoẻ và bình an về mặt tâm lý.
Toàn bộ quá trình phát triển của con người diễn ra song song với việc các quan hệ xã hội ngày càng được mở rộng, trong đó chúng ta vừa chịu sự tác động, ảnh hưởng vừa phụ thuộc lại vừa có ảnh hưởng, tác động ngược trở lại với mọi người. Đặc biệt là đối với trẻ em, thế giới xung quanh đột ngột mở rộng khi các em tự chính thức đến trường học. Còn đối với tuổi thanh niên, khi các em tham gia vào các hoạt động thực tế và nghề nghiệp, trở thành thành viên gắn bó với cộng đồng thì các quan hệ tương quan này càng được mở rộng hơn và họ luôn luôn vừa phải duy trì, củng cố lại vừa phải phát triển các mối quan hệ mới với mọi người xung quanh. Càng tăng thêm các mối giao tiếp, các quan hệ này càng được mở rộng và diễn biến rất linh hoạt.
Dù sao thì ở các mức độ khác nhau, muốn duy trì và phát triển chất lượng
của cuộc sống, chúng ta phải hợp tác với mọi người từ trong gia đình cho đến bạn bè, trang lứa, đồng nghiệp, qua đó chúng ta thâu tóm luôn tri thức, kinh nghiệm và các kỹ năng giao lưu tiếp xúc với mọi người.
Vậy là sự phát triển, tăng trưởng của chúng ta về tri thức và con người xã hội – tất cả đều được quyết định bởi tính chất và bản chất của các mối quan hệ, giao lưu với những người khác (Johnson – 1979).
Bản sắc riêng của cá nhân mỗi người sẽ dần dần được định hình và củng cố từ các mối quan hệ giao tiếp này. Khi giao tiếp, qua quan hệ với người khác, qua quan sát, ghi nhận các phản ứng, sự phản hồi của họ, ta hiểu đời, hiểu mình hơn nhờ thái độ và cách nhìn nhận đánh giá từ bên ngoài.
Từ thái độ, phản ứng của người khác, ta sẽ hình dung rõ nét về chính mình về các mặt trí tuệ, nhân phẩm và vai trò của bản thân. Tất cả giúp ta tin ở những hệ thống giá trị mà ta noi theo, những nguyên mẫu mà ta mong muốn đạt tới nhất là đối với những ai ta thán phục, kính nể – nghĩa là trong quan hệ với mọi người, chúng ta “sắm vai trò” xã hội của mình, “học” được nhiều điều bổ ích, tự phát hiện tư cách “con người” của mình.
Từ đó, chúng ta cố gắng tìm hiểu thế giới cuộc sống quanh ta, xác định cái “thực” cái “hư”, cái thiện, cái ác – nghĩa là biết cách củng cố, nâng cao, hoàn thiện trình độ nhận thức và cảm nghĩ của mình trong sự bề bộn, phức tạp của cuộc sống. Tất nhiên nhờ học hỏi trong thiên nhiên, trong xã hội, mọi điều hay dở, đúng sai, tốt đẹp hoặc ngược lại – chúng ta kiểm chứng qua ý kiến, thái độ của người khác – đó là cơ sở khách quan, thuận lợi để “nâng”
mình lên một cách vững chắc, đáng tin cậy.
Nhiều nhà tâm lý học, sinh lý học còn chứng minh rằng sức khoẻ và trạng thái tinh thần của mỗi người cũng phụ thuộc khá nhiều vào mối quan hệ bình thường, tốt đẹp với mọi người. Nhiều cứ liệu về tâm bệnh học cho thấy, một số người, vì những lý do nào đó, do không xác lập nổi các mối quan hệ giao tiếp bình thường với mọi người, thường sa vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, lo âu, trầm cảm, cảm thấy lẻ loi, cô đơn trong cuộc sống đời thường. “Dường như kỹ năng giao tiếp vụng về là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tâm bệnh” (Johnson 1980).
Nhìn rộng ra xã hội, một trong những giá trị nhân văn đòi hỏi con người phải và cần được sống hài hoà trong các quan hệ thân mật nhân ái chính là cơ sở của cuộc sống cộng đồng bền vững.
Vậy là mỗi cá nhân cần được khẳng định là con người chân chính thông qua giao tiếp với người khác, mà sự khẳng định này bao hàm cả sự đáp ứng của người khác, bằng nhiều cách để chúng ta tự khẳng định giá trị, nhân cách của mình; ngược lại điều đó cũng hàm ý đó là mối tương tác hai chiều: chúng ta cần cho mọi người và ngược lại, mọi người cũng đòi hỏi sự khẳng định, thừa nhận từ phía chúng ta.