Thuật ngữ “Tri giác xã hội” (Social Perception) lần đầu tiên được nhà tâm lý học người Mỹ J. Bruner đề xuất (1947) để chỉ hiện tượng về tính chế ước xã hội đối với sự tri giác của con người, về sự phụ thuộc của tri giác không chỉ vào tính chất của kích thích – khách thể, mà còn phụ thuộc vào kinh nghiệm quá khứ của chủ thể, vào mục đích, ý định của họ, vào ý nghĩa của tình huống v.v…
Sau này, thuật ngữ “Tri giác xã hội” được hiểu là sự tri giác toàn bộ của chủ thể không chỉ đối với các đối tượng của thế giới vật chất, mà đối với cả những cái được gọi là các khách thể xã hội (những người khác, các nhóm, các giai cấp, các dân tộc v.v…), các tình huống xã hội v.v…
Sự tri giác đối với các khách thể xã hội có một loạt đặc điểm đặc trưng, khác về chất so với sự tri giác các đối tượng vô tri giác. Thứ nhất, khách thể xã hội (cá nhân, nhóm v.v…) không thụ động và không dửng dưng, thờ ơ đối với chủ thể tri giác, như khi tri giác các đối tượng vô tri giác và khi tác động
vào chủ thể tri giác, người được tri giác cố làm thay đổi các biểu tượng về mình theo hướng có lợi cho các mục đít của mình. Thứ hai, sự chú ý của chủ thể tri giác xã hội được tập trung trước hết không phải vào các nhân tố làm nảy sinh hình ảnh với tư cách là kết quả của sự phản ánh hiện thực đang được tri giác, mà là vào sự giải thích ý nghĩa và giá trị của các khách thể tri giác, trong đó có những giải thích nhân quả. Thứ ba, sự tri giác các khách thể xã hội được đặc trưng bởi tính kết dính cao của các thành tố nhận thức với các thành tố xúc cảm, bởi tính phụ thuộc cao vào cấu trúc động cơ – ý nghĩa của hoạt động với chủ thể tri giác. Do đó trong tâm lý xã hội (Social Psychology), thuật ngữ “tri giác” được giải nghĩa rộng hơn so với thuật ngữ
“tri giác” trong tâm lý học đại cương (General Psychology). Trong cấu trúc của bất cứ hành động tri giác nào, người ta cũng đều tách ra chủ thể và khách thể của tri giác, quá trình và kết quả của nó. Nhưng nếu trong tâm lý học đại cương, điều cơ bản được nhấn mạnh là việc nghiên cứu các quá trình và cơ chế được nảy sinh các hình ảnh tri giác, thì trong tâm lý học xã hội, việc nghiên cứu tri giác xã hội lại được bắt đầu từ việc chính xác hoá đặc tính của chủ thể và khách thể tri giác, cũng như vai trò của tri giác xã hội trong việc điều chỉnh hành vi và hoạt động của từng cá nhân riêng lẻ và của các nhóm xã hội. Thoạt đầu (vào những năm 50 của thế kỷ XX), người ta chia ra 3 loại khách thể xã hội: người khác, nhóm và cộng đồng xã hội. Còn cá nhân riêng lẻ là chủ thể tri giác. Sau này (vào những năm 70 của thế kỷ XX), đã xuất hiện những công trình nghiên cứu mà ở đó chủ thể tri giác không chỉ là các cá nhân riêng lẻ, mà còn là một nhóm nữa. Tuỳ thuộc vào mối tương quan giữa chủ thể và khách thể tri giác, người ta chia tri giác xã hội làm 3 loại quá trình tương đối độc lập: tri giác liên nhân cách, tự tri giác và tri giác liên nhóm.
Trong tâm lý học xô viết trước đây, những nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực tri giác xã hội là nghiên cứu về tri giác và đánh giá con người bởi con người (A. A. Bôđaliốp: 1965). Sự tri giác và đánh giá con người bởi con người là một quá trình nhận thức lẫn nhau của con người trong những điều kiện giao tiếp trực tiếp. Đây là một loại tri giác đặc biệt, vì đối tượng của tri giác cũng là con người, hơn nữa cũng là một chủ thể, một nhân cách. Quá trình này bao
gồm tất cả các mức độ phản ánh tâm lý, từ cảm giác đến tư duy. Do vậy nó tuân thủ những quy luật chung của phản ánh tâm lý, mặc dù đặc trưng của đối tượng tri giác là do giá trị xã hội của nó quy định. Giá trị xã hội đặc biệt của con người như là một đối tượng của tri giác đã đưa nó lên vị trí hàng đầu trong quá trình nhận thức giữa các đối tượng khác.
Khi tri giác người chưa quen biết, chủ thể hướng sự chú ý vào những đặc điểm bên ngoài nào chứa đựng nhiều thông tin nhất về các thuộc tính tâm lý của nhân cách, đó là vẻ mặt và các động tác biểu hiện của thân thể. Trong quá trình tri giác con người bởi con người sẽ hình thành nên những biểu tượng của con người về nhau cũng như kỹ năng xác định các nét tính cách, năng lực, hứng thú, các đặc điểm cảm xúc, nghề nghiệp v.v… của người khác. Mối liên hệ giữa vẻ ngoài và đặc tính nhân cách là một trong những vấn đề chính của việc nghiên cứu tri giác xã hội. Tâm lý học hiện đại đã xem một liên hệ này như là sự giải thích tâm lý – xã hội về nhân cách căn cứ vào vẻ ngoài của nó. Thực nghiệm cho thấy có 4 phương thức giải thích chính là: a) giải thích có tính chất phân tích, khi mà mối liên hệ của vẻ ngoài được gắn với một thuộc tính tâm lý cụ thể của nhân cách (ví dụ “mỏng môi hay hớt, dày môi hay hờn”); b) giải thích thẹo cảm xúc, khi mà phẩm chất nhân cách được mô tả tuỳ theo mức độ hấp dẫn về thẩm mỹ của vẻ ngoài, c) giải thích theo sự tri giác xã hội, khi phẩm chất nhân cách được mô tả theo phẩm chất của một người khác có vẻ ngoài giống với nó, d) giải thích theo tiên tưởng xã hội, khi con người được mô tả theo phẩm chất của một kiểu nhân cách mà họ được xếp vào đó trên cơ sở tri giác bên ngoài.
Sự tri giác con người bởi con người có ý nghĩa thực tiễn to lớn, bởi vì nó thể hiện chức năng điều chỉnh của hình ảnh tâm lý trong quá trình lao động và giao tiếp, đặc biệt trong hoạt động dạy học và giáo dục.
Việc đưa nguyên tắc hoạt động vào sự nghiên cứu tri giác xã hội đã cho phép xem nhóm xã hội là chủ thể của hoạt động, và do đó cũng là chủ thể của tri giác. (G. M. Andrêeva, 1977). Từ đó người ta đã tách ra 8 loại tri giác xã hội: Tri giác giữa các thành viên của nhóm với nhau và với các thành viên của nhóm khác, tri giác của con người về mình, về nhóm của mình và về
nhóm “xa lạ”, tri giác của nhóm về các thành viên của mình và các thành viên của nhóm khác, tri giác của nhóm về nhóm (hay các nhóm) khác. Do vậy mà
“ngữ cảnh nhóm” (sự phụ thuộc về nhóm của mình hay nhóm “xa lạ”) đã được đưa và các nghiên cứu về tri giác xã hội, cũng như đã tính đến cả nguyên tắc về sự phụ thuộc của các quan hệ liên nhân cách vào hoạt động của nhóm. Điều này góp phần làm mở rộng việc nghiên cứu đặc trưng của các quá trình tri giác trong những điều kiện” cùng nhau ở các nhóm có mức độ phát triển khác nhau. Chẳng hạn như nghiên cứu sự hình thành các tiêu chuẩn và mẫu mực tri giác xã hội, phân kiểu học về sự tri giác liên nhân cách và liên nhóm, sự tri giác vị thế của cá nhân trong nhóm, độ chính xác và phù hợp của tri giác giữa con người với nhau, các quy luật và hiệu ứng của tri giác liên nhóm (hiệu ứng “tính thứ nhất”, hiệu ứng “vừa mới đây”, hiệu ứng
“ánh hào quang”).