E. CÁC YẾU TỐ BÊN NGOÀI ẢNH HƯỞNG TỚI VIỆC TRUYỀN TIN TRONG GIAO TIẾP
I. CƠ SỞ CHUNG CỦA VIỆC TÌM HIỂU CÁC ĐẶC ĐIỂM GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI VIỆT
Nghiên cứu về các đặc điểm trong giao tiếp, không thể không bắt đầu từ những nhân tố có liên quan đến tính cách, lối sống, và mở rộng ra là các yếu tố văn hoá xã hội – cơ sở của sự hình thành văn hoá giao tiếp ở con người.
“… Văn hoá là nền tảng tinh thần trong xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đầy sự phát triển kinh tế, xã hội. Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo các hoạt động văn hoá – văn nghệ có vị trí quan trọng trong việc hình thành nhân cách, làm phong phú đời sống tinh thần con người Việt Nam. Bản sắc dân tộc và tính chất tiên tiến của nền văn hoá phải được thấm đậm không chỉ trong công tác văn hoá – văn nghệ, mà cả trong mọi hoạt động xây dựng, sáng tạo vật chất, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ giáo đục và đào tạo…, sao cho trong mọi lĩnh vực chúng ta có cách tư duy độc lập, có cách làm vừa hiện đại vừa mang sắc thái Việt Nam.
Đi vào kinh tế thị trường, mở rộng giao lưu quốc tế, công nghệ hoá, hiện đại hoá đất nước, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, song phải luôn luôn coi trọng những giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc, quyết không được tự đánh mất mình, trở thành bóng mờ hoặc bản sao chép của người khác”…
(Báo cáo của BCHTƯ khoá VII về các văn kiện trình Đại hội VIII do Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười trình bày).
Đã từ lâu, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định các quan điểm trên, đã nhấn mạnh “xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội con người được giải phóng, nhân dân lao động làm chủ đất nước, có nền kinh tế phát triển cao và có nền văn minh tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mọi người sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; công bằng xã hội và dân chủ được bảo đảm”.
Theo các nhà văn hoá học, thì xã hội và con người Việt Nam, nền văn hoá Việt Nam đã và đang hình thành trên nền của văn hoá Nam Á và Đông Nam Á, trong sự giao lưu mật thiết với văn hoá khu vực – đặc biệt là văn hoá
Trung Hoa. Từ thời cận đại đến hiện đại và đương đại lại có phần ảnh hưởng qua giao lưu với văn hoá phương Tây, nhất là Pháp và gần đây là Mỹ.
Tuy vậy xét từ gốc, từ bản chất, dù phát triển, hiện đại đến đâu, văn hoá Việt Nam vẫn thể hiện rõ nét là nền văn hoá gốc nông nghiệp với các đặc trưng:
– Ở mọi nơi, mọi lĩnh vực từ triết lý, tổ chức xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, nghệ thuật đến sinh hoạt, giao tiếp…, đâu đâu cũng thể hiện đậm nét phong cách, tính chất của nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang tính thời vụ, với địa hình sông nước là chủ đạo.
– Trong lối sản xuất nông nghiệp kiểu này, con người và sản xuất luôn luôn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: nắng, mưa, thời tiết, mùa vụ…, do đó các mối quan hệ rất được chú ý, hình thành “lối tư duy biện chứng”, điển hình là triết lý âm – dương phản ánh trong giao tiếp ứng xử: đứng mực, hài hoà (trong bản thân con người; trong quan hệ con người với thiên nhiên, với những người khác); có một lối quan hệ ứng xử quân bình, linh hoạt, luôn luôn tự điều chỉnh để thích nghi cao độ với sự biến đổi của hoàn cảnh, môi trường…
Sự hài hoà, quân bình cũng không cứng nhắc, tuyệt đối trong thực tế sản xuất nông nghiệp luôn luôn có sự hài hoà, “thiên về âm tính” (Trần Ngọc thêm – 1995). Trong gia đình, thường là trái với định kiến thông thường, phụ nữ thường “giữ vai trò cao hơn nam giới”, trong xã hội thì ưa ổn định hơn phát triển, trong giao tiếp ứng xử thì “coi trọng tình cảm hơn lý trí”, ưa sự tế nhị kín đáo hơn là thô bạo, trong đối ngoại thì “hiếu hoà”.
Trong cuộc sống hàng ngày, lối tư duy tổng hợp có tính biện chứng đã được phản ánh vào đời sống cộng đồng: con người gắn bó với nhau “lá lành đùm lá rách”, sống kiểu tự trị cao (lệ làng cao hơn phép nước), lối ứng xử thiên về tổng hợp, linh hoạt ở mức độ cao trên cơ sở nhuần nhuyễn văn hoá và truyền thống dân tộc. Nhờ giữ được bản sắc và truyền thống văn hoá dân tộc mà trong giao lưu, giao tiếp đã không bị mai một mà biết “thích hợp” các giá trị văn hoá bên ngoài, làm phong phú thêm các giá trị văn hoá bản địa để phát triển và hoà nhập (Phan Ngọc – 1994).
Ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy sự thích hợp các giá trị văn hoá Đông – Tây, Cổ – Kim trong nền văn hoá Việt Nam. Từ những phạm trù lý luận trừu tượng cho đến sự kết hợp hài hoà giữa các sản phẩm vật chất và tinh thần hiệu hữu trong cuộc sống hàng ngày (trang phục, kiến trúc, giao tiếp…).
Học giả Cao Xuân Huy đã nêu lên “một giả thuyết làm việc” trong đó có nhận xét: “… Thế mà dân tộc ta đã thắng được cái hoàn cảnh thiên nhiên ấy, đã thắng được cái sức đồng hoá kinh khủng của một dân tộc khổng lồ là nhờ vào đâu?”
Là nhờ ở chỗ dân tộc ta có cái đặc tính mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động như nước. Sức sống của nước là ở nguồn, sức mạnh của nước là ở chỗ rất nhiều hạt nước cố kết lại với nhau một cách mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động, có thể uốn theo đường cong, chỗ lồi, chỗ lõm của đối tượng, đối phương, của kẻ địch để đánh phá nó hoặc xói mạnh vào chỗ mới, ngấm sâu vào những kẽ hở rất nhỏ của nó để làm cho nó vỡ nát. Nước lại còn dễ tính đến nỗi khi người ta rót nó vào chai, thì nó ngoan ngoãn rập khuôn theo hình dạng của chai, rót vào bầu, vào ấm cũng vậy. Đó không phải là vì nó không có cá tính. Trái lại, đó là cái khả năng thích ứng vô hạn của nó, mà chính cái khả năng thích ứng đó là cái tính ưu việt, cái bí quyết sinh tồn của dân tộc ta”.
II – MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM TRONG PHONG CÁCH GIAO TIẾP CỦA NHÂN DÂN TA
Không chỉ có chúng ta tự nhận xét về đặc điểm văn hoá, về quan hệ xã hội của chính mình. Đã từ rất lâu, nhiều người nước ngoài có dịp qua lại, quan hệ với nhân dân ta cũng đã nhận xét rằng:
Người Việt Nam với bản sắc dân tộc phương Đông, luôn mang trong mình tính chất “đồng hoá”, ưa chuộng cái “hài hoà” hơn là xung đột, có nhu cầu sống cộng đồng gắn bó với nhau hơn là yêu cầu giải phóng nhân cách.
Trong cuộc sống, họ thiên về lối sống hoà hợp, thuận với tự nhiên, hơn là ngược với quy luật ấy.
Trong cuộc sống người Việt, tính tình người bình dân thường chất phác, hồn nhiên, với tính cách rất hoà nhã, dịu dàng, mềm mỏng hơn phần đông các quốc gia khác”; họ “hay cười, vui tính, thích nói chuyện, hiếu khách, dễ gần”. Có tác giả nhận định “Dân tộc Anam rất tế nhị và có học thức. Ngay cả những người nhà quê cũng biết đọc, biết viết thông hiểu tường tận những quy tắc rất tỉ mỉ của thuật xử thế” (Lanesan J. L. 1895). Tất nhiên những đặc điểm trên đã được phát hiện từ thế kỷ trước, lại là nhận xét của người nước ngoài, nhưng dù sao cũng gợi nên những đặc điểm về tính cách, đặc điểm văn hoá có tính truyền thống của con người Việt Nam phần nào tiếp cận được sự thật”, gợi lên cho chúng ta nhiều cây nghi khi tìm hiểu về thái độ, hành vi giao tiếp của dân tộc.