CHƯƠNG 1: NỀN TẢNG GUT CÁ NHÂN CỦA HÀN QUỐC, ĐẠO MẪU VIỆT NAM VÀ VIỆC PHÂN LOẠI GUT VÀ ĐỒNG
1.2. Phân loại Đồng của Việt Nam và Gut của Hàn Quốc
1.2.2. Phân loại Gut của Hàn Quốc
1.2.2.3. Gut cá nhân và Saenamgut
Theo phạm vi tiến hành và mục đích tiến hành của các buổi lễ Gut mà Hàn Quốc chia ra làm ba loại lễ chính như đã nêu. Gut cá nhân là nghi lễ được tổ chức trong phạm vi của một gia đình, một người trong gia đình sẽ đứng ra tổ chức buổi lễ bằng cách mời các Mudang về làm lễ cho gia đình mình. Gut cá nhân được tiến hành không giống nhau giữa các tỉnh hay khu vực. Ở đây chúng tôi xin tập trung vào Gut cá nhân ở Seoul.
Gut cá nhân ở Seoul được gọi là Seoul Gut hay Hanyang Gut (한양굿). Do toàn bộ vùng Gyonggi (경기일대)1 sát nhập vào Seoul nên ngày nay phạm vi của Seoul Gut đã được mở rộng hơn đáng kể. Seoul Gut còn được gọi là Saenamgut – đây là một dòng thuộc Chondogut (천도굿). Gut cá nhân còn có những tên gọi khác nhau. Ở Gyonggi-do gọi là “Jinogwi (진오귀)”, ở Chungchon-do (충천도) gọi là Ogu Gut (오구굿), ở Hamgyong-do (함경도) gọi là Mangmugi Gut (망무기굿), ở PyongAn-do (평안도) gọi là SuWang Gut (수왕굿), ở Hwanghae-do (황해도) gọi là Jinogi (진오기), ở Gangwon-do (강원도) gọi là Ogujari (오구자리), ở Gyongsang-do (경상도) gọi là Ogwi Gut (오귀굿), ở Jonra-do (전라도) gọi là Shitgim Gut (씻김굿), và ở Jeju-do (제주도) gọi là Siwangmaji (시왕맞이)...v.v...
Thế nhưng, tên gọi chỉ là khác nhau giữa những vùng miền còn ý nghĩa chung của Gut thì vẫn giống nhau ở phần nội dung nghi lễ của tôn giáo đó là đưa người chết đến cõi cực lạc.
Seoul Gut đã được nhắc đến trong những tài liệu của nhiều trường phái nghiên cứu từ rất lâu. Việc phân loại Seoul Gut là dựa vào phân loại theo địa lý và dựa vào cách phân loại từ 4 giá trị. Cách phân loại theo địa lý được chấp nhận nhiều nhất được gọi là “3 phần của Seoul Gut”. Điều này nghĩa là phân biệt Seoul Gut
1Gyonggi: Năm 1963 Gyonggi được sát nhập vào Seoul
theo 3 vùng thuộc Seoul đó là Wangsipri (왕십리) lấy Wangsipri (왕십리) làm trung tâm, Noteul (노들) lấy Noryangjin (노량진) làm trung tâm, Gupabal ( 구파발) lấy Gupabal (구파발) làm trung tâm. Cũng có trường hợp gọi 3 phần trên là Gaksiljeomje (각실점제), Seodaenbakkje (서댄밖제), Nodeulje (노들제). Cách phân loại thứ 2 được gọi là “phân loại từ 4 giá trị” tức là dựa theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Phần hướng Đông gọi là Wangsipri (왕십리), phần hướng Tây là Mapo (마포), phần hướng Nam là Maljukgeori (말죽거리), phần hướng Bắc là Gupabal (구파발).
Ngoài ra còn có hai cách phân loại khác. Thứ nhất là Gungan Gut (궁안굿), đó là Gut mà Mudang được mời đến cung điện, Gut này được phân biệt với Gut thuộc bên ngoài cung điện. Những Nomudang (노무당) ngày nay – người mà tôn những Gungan Mudang (궁안무당) là thầy đã thảo luận và đưa ra phương thức phân loại này. Thứ hai là phân loại Gut ở bên trong Tứ đại môn và Gut ở bên ngoài Tứ đại môn. Những Mudang trình diễn Gut trong Tứ đại môn thì có uy lực hơn những Mudang trình diễn bên ngoài Tứ đại môn. Tuy nhiên những tài liệu nói đến việc phân biệt một cách đa dạng như vậy lại được xem là không mang nét đặc sắc và không chỉ ra được nét riêng đặc trưng của mỗi loại. Theo các nhà nghiên cứu thì lời giải đáp cụ thể cho điều này là phải có nghiên cứu so sánh đối chiếu tài liệu với điều tra cụ thể. Ở đây chủ yếu là tập trung phân loại theo góc độ địa lý, mà theo khu vực địa lý thì những Mudang sống và hành nghề tại khu vực nào thì sẽ bị chi phối theo thời đại tại khu vực đó, đồng thời họ đã truyền bá tài liệu của vùng đó một cách khác so với các vùng khác. Ngày nay, người ta vẫn đang tìm hiểu những đặc trưng riêng của Seoul Gut so với Gut của các vùng khác, sơ bộ có thể thấy những đặc trưng như sau: Thứ nhất, những trang phục được sử dụng trong Seoul Gut rất sang trọng và tao nhã, nó thể hiện mối quan hệ sâu sắc với quan phục trong triều đại Joseon (조선). Thứ hai, nhạc khí và điệu hát trong Seoul Gut cũng có liên quan đến nhạc cung đình và điệu hát có nội dung từ sự tích Bari Gongju (바리공주) . Thứ ba, có thể nói rằng Seoul Kut không chỉ chỉn chu mà nó còn được thăng hoa với tính
nghệ thuật cao. Thứ tư, trang phục sử dụng trong Seoul Gut là những trang phục mà quan văn võ mặc trong cung điện của triều Joseon1. Trên trang phục của Seoul Gut, nét ảnh hưởng từ trang phục cung đình không chỉ có màu sắc sang trọng và những trang trí trên trang phục cũng tao nhã mà còn rất tinh tế. Chủng loại của trang phục trong mỗi bước thực hiện lễ Gut rất đa dạng và đó là trang phục được mặc theo mỗi vị thần linh. Nó cũng giống với trang phục cung đình của triều đại Joseon và đi kèm theo đó là những phụ kiện như mũ mão, đai.
Gut cá nhân của Hàn Quốc nói chung và Saenamgut ở Seoul nói riêng được phân biệt rõ ràng với Gut quốc gia và Gut làng, ngoài ra Gut ở Seoul còn mang những đặc trưng riêng khác với các tỉnh thành khác. Chính vì thế mà Seoul được coi như tỉnh có Gut cá nhân phát triển mạnh mẽ nhất. Ngày nay Saenamgut được gìn giữ và bảo tồn như một loại hình nghệ thuật trình diễn đặc sắc của Hàn Quốc.
1 Các trang phục này gồm có: 1) Hongcheolrik (홍철릭)là trang phục màu hồng mà quan văn võ trong triều đại Joseon dùng; 2)Namcheolrik (남철릭)là trang phục màu xanh; 3) Byolsangot (별상옷) là trang phục thần Thọ, Lộc, Bình an dùng; 4) Jeonbok (전복) là chiến phục của quan võ.