CHƯƠNG 2: SỰ GIỐNG VÀ KHÁC NHAU GIỮA NGHI LỄ LÊN ĐỒNG VÀ GUT (LẤY TRƯỜNG HỢP Ở SEOUL VÀ HÀ NỘI)
2.2. Đối tượng cúng lễ, các giá nhập hồn và chức năng cơ bản của nghi thức nhập hồn
2.2.1. Đối tượng cúng lễ
Cả Hàn Quốc và Việt Nam đều thờ cúng Thành hoàng. Tuy nhiên, Thành hoàng làng có mặt trong hệ thống thần linh của Gut. Còn ở Việt Nam, Thành hoàng làng không có mặt trong hệ thống thần linh của đạo Mẫu.
Ở cả hai quốc gia, việc thờ Thần làng cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nhiều nhân tố, trong đó nhân tố môi trường chi phối đáng kể. Chẳng hạn như những người dân sống ở vùng núi thì thờ thần núi, những người dân sống ở vùng biển thì lại cúng tế và thờ thần rồng ở biển. Ở một số vùng phía Nam của Hàn Quốc thì sự hiện diện của thần làng rất dễ nhận thấy vì đó thường là những cây cổ thụ với tán lá rộng ở ngay trước cổng làng hoặc có khi giữa làng. Các cây đó được dân làng coi là vị thần giám hộ. Chúng được coi là rất linh thiêng và không ai được phép chặt đi.
Thần làng cũng có khi hiện hữu dưới hình dạng của một hòn đá. Hòn đá đó là đại diện của thần và thường được đặt trong một Điện thờ nhỏ hay miếu. Miếu được làm bằng gỗ, lợp ngói, đặt ở sau làng, trên một quả đồi hay một tán cây cổ thụ. Ở các tỉnh phía Đông Nam, thần làng được gọi là Golmaegi (골매기). Mỗi làng có một hoặc hai Golmaegi (골매기) – người được tôn kính như là “Ông” hoặc “Bà” – được dùng tên họ của gia đình nào lập nghiệp sớm nhất tại làng đó. Hay nói cách khác, những người người sáng lập ra làng thì sau đó sẽ trở thành thần làng. Ở các vùng núi thuộc tỉnh Gangwon (강원), thần làng được gọi là Seonhwang (선황). Có Seonhwang riêng của mỗi gia đình, mỗi dòng họ và cũng có Seonhwang chung của cả làng. Nói chung, ở mỗi làng thì đều có các vị thần làng khác nhau. Mỗi vị thần này được các Mudang ở vùng đó đưa vào trong nghi lễ Gut.
Một đặc điểm chung về đối tượng cúng lễ trong Lên Đồng và Gut là một số thần linh vốn là các quan lại trong triều đình. Đó là những người có công trạng hiển hách với quốc gia như chống giặc ngoại xâm, bảo vệ dân làng, tổ quốc. Tiêu biểu nhất trong các vị thần của Shaman giáo Hàn Quốc là tướng Choe Young (최영)1. Trong một buổi lễ Gut thì số lượng vị thánh được cúng lễ vốn là những danh tướng thường chiếm số lượng ít hơn trong buổi lễ Lên Đồng. Ở Việt Nam, các vị thánh xuất hiện trong nghi lễ Lên Đồng khá nhiều. Có thể kể đến những trường hợp như:
Ông Hoàng Đệ Nhất là danh tướng của Lê Lợi; Ông Hoàng Đệ Nhị (ông Hoàng
1 Choe Young (최영): là vị tướng có công lớn trong việc đẩy lùi lực lượng Hồng ân tặc của Trung Quốc và Hải tặc của Nhật Bản thường xuyên tấn công vào Cao Ly những năm 1351 – 1374. Nhưng do muốn thâu tóm quyền lực nên Choe Young đã bị viên tướng cùng thời với mình loại bỏ và khiến ông phải chịu một cái chết đầy bi thảm.
Đôi) có công chống giặc bảo vệ dân làng; hay ông Hoàng Bơ thờ ở đền Lảnh (Hà Nam) có công phò tá vua đánh giặc; Ông Hoàng Lục tức tướng Trần Lựu có công chống giặc Minh; Ông Hoàng Bảy là viên quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai – Yên Bái…
Các vị Thánh thần không chỉ là nhân vật có thực (những danh tướng, những nhân thần) mà còn là những nhân vật được dân gian hư cấu. Họ là đại diện cho một số dân tộc của Việt Nam như: Chầu Đệ Nhất là con gái của một gia đình người Mán ở Động Cuông (Yên Bái); Chầu Lục là người Nùng; Chầu Mười là người Thổ; Cô Chín là người Mán…
Sự đa dạng của đối tượng thờ cúng hay sự phong phú của những giá đồng trong nghi lễ Lên Đồng của Việt Nam so với Gut của Hàn Quốc có thể lý giải dưới góc độ xã hội. Bởi Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với hơn 50 các dân tộc anh em. Mỗi dân tộc lại có một hệ thống đối tượng thờ cúng phong phú riêng của mình.
Còn Hàn Quốc là quốc gia đơn tộc, thuần nhất. Vì vậy sự chênh lệnh ít nhiều trong đối tượng thờ cúng cũng là một điều dễ hiểu.
Tất cả các vị thần trong Đạo Mẫu đều là những nhân vật có công trạng với nhân dân, tổ quốc, hoặc là những người chuyên làm việc thiện mà theo dân gian gọi bằng từ đơn giản là “những người tốt”. Ngay cả trong điện thần của Đạo Mẫu còn có sự hiện diện của Hổ (Ngũ Hổ), Rắn (Ông Lốt). Bởi trong quan niệm dân gian Hổ là vị chúa cai quản rừng núi, còn Rắn thần ngự trị nơi sông nước. Ngũ Hổ cai quản bốn phương và là thần chiến trận, cứu giúp các chiến tướng trong trận mạc. Nếu như trong Hầu đồng mà vị thần Hổ này giáng thì mọi người có thể cầu xin thần Hổ giúp trừ tà hay dịch bệnh, phòng ngừa trộm cắp… Nhưng đối với Shaman giáo của Hàn Quốc thì họ thờ cả những thần gây tai họa. Họ tin rằng việc thờ những thần gây tai họa là cách để cầu xin các thần không thức dậy để tránh gây ra những dịch bệnh hay thiên tai. Các vị thần thường xuyên gây tai họa mà họ thờ cúng đó là thần Pyolsong – thần đậu mùa, Hogwi – thần bệnh sởi.
Thông thường mỗi Mudang của Hàn Quốc đều có một điện thờ vị thần bảo hộ và giữ các dụng cụ phục vụ lễ Gut của riêng mình. Khi Mudang được vị thần nào hợp căn mạng và đến trong giấc mơ thì Mudang đó sẽ phải theo và thờ vị thần đó tại