Vai trò của ông Đồng (bà Đồng), Mudang, Cận đồng và Ban cung văn

Một phần của tài liệu SO SÁNH NGHI LỄ LÊN ĐỒNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM VÀ GUT CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC (Trang 52 - 57)

CHƯƠNG 2: SỰ GIỐNG VÀ KHÁC NHAU GIỮA NGHI LỄ LÊN ĐỒNG VÀ GUT (LẤY TRƯỜNG HỢP Ở SEOUL VÀ HÀ NỘI)

2.3. Vai trò của ông Đồng (bà Đồng), Mudang, Cận đồng và Ban cung văn

Con người và thần thánh tồn tại ở hai thế giới khác nhau, một hư một thực.

Hai thế giới cách nhau vô định nhưng lại rất gần kề nhau thậm chí có lúc người ta không thể phân định được đâu là thế giới thực đâu là thế giới hư. Thế giới hư ở đây muốn nói đến đó là thế giới của Thánh thần, thế giới bên kia là thế giới của những người đã khuất, thế giới thực là thế giới trần tục chúng ta đang sống. Con người trần thế muốn biết và muốn chạm lấy thế giới hư hay thế giới bên kia, nhưng người bình thường thì không có được khả năng đó, chính vì thế họ phải thông qua những người có khả năng đặc biệt. Những người này đóng một vai trò trung gian, kết nối giữa hai thế giới.

Ông Đồng bà Đồng được coi như “cái giá” của các vị Thánh. Trên cùng một thân xác có thể có nhiều vị thánh nhập vào. Lúc Thánh nhập ông Đồng bà Đồng không còn là mình nữa, phần hồn chính là những vị thánh đang điều khiển tất cả

mọi hành động. Họ khoác trên mình diện mạo và phán truyền những lời của Thánh.

Những người tham gia lễ Đồng có thể thông qua đó để trò chuyện, cầu xin lộc thánh. Phỏng vấn một số ông Đồng bà Đồng về trạng thái và cảm giác trong cơ thể diễn biến như thế nào trong một buổi hầu đồng thì đa phần họ cho rằng trạng thái đó được biến đổi theo ba chặng đó là thăng hoa – hưng phấn, mệt mỏi, và sảng khoái – khỏe mạnh. Điều này nghĩa là gì? Trong khi các vị thánh nhập thì ông Đồng bà Đồng trong trạng thái ngây ngất, thăng hoa, bởi lúc này khối óc họ không điều khiển hành động của họ nữa. Đó là trạng thái “phiêu” cùng giá đồng, cùng với vị thánh nào đang nhập vào họ. Và khi các giá đồng kết thúc, tức là buổi lễ hầu đồng hoàn tất thì họ trở về với chính mình, lúc này cơ thể họ đã thấm mệt bởi phần khí lực đã dồn cho các giá đồng. Nhưng trạng thái này mệt mỏi này chỉ trong ít phút, sau đó họ như được tiếp thêm sức mạnh, họ cảm thấy sức khỏe và tinh thần trở nên tốt hơn.

Còn với Mudang sẽ như một người kết nối giữa những khách hàng với tổ tiên của những vị khách đó. Mudang sẽ chứng tỏ khả năng của mình bằng việc kể cho khách nghe về quá trình trở thành Mudang, là cách thức thần nhập vào người họ. Vì thế mà họ có thể truyền được lời của thần linh và tổ tiên tới khách hàng.

Theo Hong Tae Han (2009), Nhập vu đàm có thể được sắp xếp như sau:

1) Mudang là người có vận mệnh từ kiếp trước;

2) Có khả năng tiên đoán;

3) Mắc bệnh và luôn thất bại trong cuộc sống;

4) Phải trở thành Mudang mới gặp được thần;

5) Phải biết được vận mệnh của mình là Mudang và nhận việc thần giáng;

6) Đi theo con đường trở thành Mudang thì sẽ khỏi bệnh;

7) Sẽ được sống một cuộc sống bình an khi trở thành cầu nối giữa thần và người” [35, tr.37].

Nhập vu đàm được kể lại với mục đích là nhấn mạnh sự khác biệt giữa Mudang này với Mudang khác qua những lần được thần nhập vào. Trong Nhập vu đàm nhấn mạnh 3 yếu tố lớn. Thứ nhất là việc Mudang kể với khách hàng về khả năng của mình. Câu chuyện những người bình thường được thần nhập thông qua

kinh nghiệm nhập thần của bản thân có thể trở thành biểu tượng của sự thần bí tại nhà của người mời Gut. Thứ hai, nhấn mạnh vào những điều đặc biệt khác thường.

Ví dụ như bị mắc thần bệnh, nhìn thấy linh hồn, nghe thấy tiếng nói của linh hồn, nhìn thấy hình dáng của Thần. Với những điều trên nếu là người bình thường thì không thể có được kinh nghiệm được như vậy, họ bị coi như là những người bị điên và đang đi theo con đường của một Mudang. Những kinh nghiệm thần bí đã trở thành một công cụ để nhấn mạnh vào khả năng tiên đoán của Mudang. Thứ ba là việc vượt qua khổ nạn. Có nhiều loại thần bệnh, nhưng tựu chung lại đây là căn bệnh mà các bác sĩ cũng không thể chữa khỏi, hay nói cách khác là sức mạnh của con người không thể chữa trị được. Cơ hội cuối cùng của họ để thoát khỏi thần bệnh đó là phải đi Gut. Ngay ở trên sàn diễn Gut, họ tự tin có thể giải tỏa được những khổ nạn cho gia đình mời Gut.

Những câu chuyện “đi Gut” của Mudang là điều rất quan trọng cho việc lựa chọn Mudang đến nhà làm lễ của những gia đình mời Gut. Đôi khi đó không phải là lời phán đúng mà quan trọng hơn cả là những câu chuyện đi Gut của Mudang như một ma lực để hình thành lên mối quan hệ mới. Những nhà mời Gut tìm đến với Mudang đều muốn biết quá trình trở thành Mudang cụ thể như thế nào và căn nguyên cội rễ của những khác biệt và điều diệu kỳ đó là từ đâu, điều này là tiêu chuẩn quan trọng để quyết định mời Mudang.

Chung quy lại, những Mudang hoạt động như các thầy tế, thầy lang và các nhà tiên tri. Họ tổ chức các nghi lễ cầu xin thần thánh cho mưa và được mùa. Họ đọc những câu thần chú để xua đuổi các linh hồn độc ác, cố gắng thấy trước tương lai của dân tộc cũng như tương lai của từng cá nhân bằng sự tiên đoán. Trước đây, các Mudang là những người cai quản bộ lạc, được bầu ra do khả năng chiến đấu và quyền lực siêu nhiên của họ. Họ có thể bị gạt bỏ khỏi vị trí của mình do việc không thực hiện các nghĩa vụ tôn giáo một cách đầy đủ, ví dụ như khi xảy ra mất mùa, bệnh dịch hay bộ lạc bị thua trận. Dần dần khi các cơ cấu và nghĩa vụ chính trị được xác định rõ ràng hơn thì nhiệm vụ của các Mudang và những người cai quản bộ lạc được tách riêng.

2.3.2. Vai trò của Cận đồng

Cận đồng hay còn gọi là Tứ trụ, Hầu dâng. Ở mỗi nơi người ta dùng những thuật ngữ riêng, nhưng đều là chỉ những người giúp chính cho ông Đồng bà Đồng trong buổi lễ Lên Đồng. Cận đồng bao gồm có 4 người, thường là gồm 2 nam và 2 nữ ngồi ở bốn phía xung quanh ông Đồng bà Đồng. Hai nam thì ngồi ở trên, 2 bên tả hữu gần bàn thờ, hai nữ ngồi ở phía sau. Tùy theo nhu cầu của ông Đồng bà Đồng mà cần 2 hay 4 Cận đồng. Cận đồng là con số chẵn tương đương với tả - hữu.

Nam thì mặc áo dài the trong lót áo trắng, nữ đều mặc áo dài. Trang phục của Cận đồng cũng có lúc thay đổi, họ có thể mặc bộ áo nâu sòng màu nâu hoặc những màu khác, nhưng áo và quần là đồng màu. Cận đồng thường đều còn trẻ, vốn là những con nhang tin thờ Thánh Mẫu hay người đã ra đồng, là học trò hay người thân cận của bà Đồng. Cận đồng sẽ giúp cho ông Đồng bà Đồng trong việc thắp hương, dâng mồi1, dâng rượu, dâng khăn phủ diện, che quạt (mỗi Cận đồng có một chiếc quạt dùng để che cho ông Đồng bà Đồng mỗi khi họ uống rượu, hút thuốc, ăn trầu), thay lễ phục…trong suốt buổi hầu.

Cận đồng được xem là những người thân tín của ông Đồng bà Đồng giúp họ chuẩn bị gần như là tất cả cho buổi lễ. Họ là những người am hiểu và nhớ từng chi tiết trong buổi lễ, thậm chí còn là người hướng dẫn và nhắc cho những ông Đồng bà Đồng mới hầu Thánh. Họ đoán được ý của ông Đồng bà Đồng cần gì và phối hợp chặt chẽ, nhanh gọn và nhịp nhàng cùng với ông Đồng bà Đồng trong suốt buổi lễ.

Người dự lễ có thể nhìn thấy sự khéo léo của Cận đồng trong việc trang điểm, thay trang phục, quấn mũ trong mỗi giá đồng cho ông Đồng bà Đồng. Cận đồng thường phải đến nơi hầu đồng sớm nhất để chuẩn bị từ việc mua bán đến việc bài trí cho điện thờ và không gian xung quanh. Thông thường những lễ vật cầu kỳ như cây sơn trang, cắm hoa xung quanh chiếu đồng thì họ phải bài trí từ hôm trước. Trong khi phục vụ ông Đồng bà Đồng trong buổi lễ nếu thực hiện tốt thì Cận đồng cũng được nhận lộc thánh ban, nếu không tốt thì ông Đồng bà Đồng sẽ biểu hiện bằng cái chau

1 Mồi: mồi được làm bằng giấy bản dai và bện chặt, phía dưới có cuốn thêm giấy bạc có tẩm sáp nến cho dễ cháy. Mồi có độ vài khoảng 20cm. Khi múa các ông Đồng bà Đồng thường kẹp vào ngón tay. Mồi cũng là một loại lộc ban phát cho người tham dự.

mày, lắc đầu. Nếu như vậy họ không những không được nhận lộc trong giá đó mà thậm chí còn bị thánh hất nước hoặc hương vào.

Ở Hàn Quốc những người như Cận đồng thường là không rõ ràng. Mudang là người đạo diễn và thực hiện tất cả các việc mà Cận đồng của Việt Nam thực hiện trong buổi lễ. Mudang chỉ có nhờ những người bạn cùng nghề hoặc những người thân quen của mình giúp đỡ một số việc nếu cảm thấy cần.

2.3.3. Vai trò của Ban cung văn

Nếu nhìn từ đằng sau chiếu Đồng, tức đối diện điện thờ thì ban cung văn ngồi phía bên phải. Ban cung văn thường bao gồm có 3 người cố định, còn tùy thuộc vào từng lễ Đồng mà ban nhiều hơn 3 người. Một người hát chính và 2 người chơi các nhạc cụ, người hát chính thường cũng là người biết chơi nhạc cụ. Điều này không được phân định rõ ràng vai trò của từng người. Những nhạc cụ mà không thể thiếu trong Ban cung văn đó là trống, đàn nguyệt, sáo, ngoài ra còn có thêm phách, .. Ban cung văn có người chủ xướng, thường xuyên tập luyện để làm sao có thể ứng tác kịp thời, ăn nhịp với các hành động của ông Đồng, bà Đồng để không bị lỗi nhịp. Nếu thực hiện tốt thì sẽ được thưởng hậu, nếu không tốt sẽ bị phạt tùy thuộc vào từng vị thánh nhập lúc đó.

Trước đây thì ban cung văn thường là đi cặp với ông Đồng bà Đồng. Họ sẽ là người được ông Đồng bà Đồng lựa chọn và mời. Do đó, sự cộng tác này tồn tại trong thời gian ngắn dài là phụ thuộc vào sự hòa hợp, ăn nhập với ông Đồng bà Đồng trong các buổi lễ. Nhưng ngày nay, việc mời ban cung văn là dưới hai hình thức, một là ông Đồng bà Đồng được tự do lựa chọn, hai là nếu không thỏa thuận được thì ông Đồng bà Đồng phải chấp nhận ban cung văn mà mình không quen biết ở nơi mà họ tổ chức lễ đồng. Điều này tức là nếu lễ đồng được tổ chức ở điện hay chùa nào mà đã có sẵn ban cung văn rồi thì thường họ sẽ không đồng ý cho ông Đồng bà Đồng sử dụng ban cung văn của mình mà phải thuê ban cung văn có sẵn tại nơi đó. Theo chúng tôi nghĩ thì việc này xảy ra chỉ vì lý do kinh tế là chủ yếu.

Tuy nhiên, lễ Gut của Hàn Quốc thì không có ban cung văn. Mudang là người thực hiện cả việc hát múa và chơi nhạc cụ. Chính vì vậy mà trước khi trở thành Mudang một cách chính thức thì họ phải học rất nhiều điều, từ múa hát, chơi

nhạc đến cách thức thực hiện các nghi lễ. Mudang Hàn Quốc giống như những diễn viên chuyên nghiệp thực thụ. Họ được đào tạo bài bản hơn so với ông Đồng, bà Đồng. Chính vì thế khi xem Mudang trình diễn chúng ta thường có cảm giác không còn tính tự nhiên, yếu tố mờ ảo trong nghi lễ nữa. Dường như ngày nay việc trở thành Mudang nổi tiếng được nhiều người biết đến là rất khó. Bởi Mudang phải là người có tài năng thực sự và phải kiên trì học hành. Mudang phải biết cả nhạc lý và chơi nhiều nhạc cụ, nếu không thì cũng phải là những nhạc cụ thiết yếu nhất trong buổi lễ là trống. Nhưng khi Gut được coi như một loại hình nghệ thuật để trình diễn trên sân khấu thì người ta sẽ bắt gặp một đội ngũ nhạc công giống như ban cung văn của Việt Nam, và Mudang cũng cùng chơi nhạc với những người nhạc công này.

Một phần của tài liệu SO SÁNH NGHI LỄ LÊN ĐỒNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM VÀ GUT CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC (Trang 52 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w