Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TỔ CHUYÊN MÔN THEO NGHIÊN CỨU BÀI HỌC TẠI TRƯỜNG
1.4. Nội dung quản lý hoạt động tổ chuyên môn theo NCBH của Hiệu trưởng
1.4.3. Chỉ đạo tổ chuyên môn triển khai hoạt động NCBH
Tổ chuyên môn là đơn vị cơ sở, nền tảng để tổ chức và triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn một cách cụ thể và hiệu quả. Đồng thời đây cũng là nơi quản lý trực tiếp việc bồi dưỡng cho giáo viên về nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ; Tổ chuyên môn cũng là nơi thực hiện các hoạt động chia sẻ đồng nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ từ đó phát hiện ra những điểm mạnh, điểm yếu , thuận lợi, khó khăn của từng giáo viên trong việc thực hiện các mục tiêu đổi mới nội dung hoạt động tổ chuyên môn.
Hiệu trưởng nhà trường cần xác định tổ chuyên môn là đơn vị cơ sở trực tiếp tổ chức quản lý hoạt động NCBH của giáo viên. Vì vậy chỉ đạo hoạt động NCBH của hiệu trưởng cần luôn luôn gắn chặt chỉ đạo hoạt động của tổ chuyên môn. Hiệu trưởng cần quan tâm các vấn đề sau đây khi chỉa\ đạo hoạt động của tổ chuyên môn:
(1) Chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch NCBH
NCBH trong trường THCS là một quá trình thường xuyên, lâu dài. Vì vậy hiệu trưởng cần có hướng dẫn cụ thể cho tổ chức chuyên môn xây dựng kế hoạch mang tính ổn định. Kế hoạch NCBH của tổ phải rất cụ thể, chi tiết, có ưu tiên các vấn đề quan trọng trong mỗi năm học; phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng giáo viên, thời gian thực hiện và dự kiến kết quả đạt được trong từng giai đoạn. Hiệu trưởng cần quan tâm kiểm tra các khâu từ xây dựng kế hoạch đến tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch và tự kiểm tra đánh giá, để kịp thời chỉ đạo cho tổ điều chỉnh và bổ sung những điều kiện cần thiết cho hoạt động NCBH thực hiện được thuận lợi hơn.
(2) Phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên đầu đàn trong hoạt động NCBH của nhà trường và tổ chuyên môn.
Đội ngũ giáo viên đầu đàn trong mỗi tổ chuyên môn có vai trò đầu tàu, dẫn dắt cả tổ chuyên môn trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn nói chung, hoạt động NCBH nói riêng.
Tổ chuyên môn trên cơ sở thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu khoa học của từng GV khẳng định năng lực, phẩm chất nghề nghiệp của người học, từ đó phát hiện, xem xét, đề nghị hiệu trưởng bồi dưỡng bố trí nhiệm vụ để những giáo viên nổi trội về phẩm chất, năng lực tiếp cận với công tác quản lý;
tổ chức cho tập thể giáo viên trong tổ chuyên môn đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn nói chung và hoạt động NCBH nói riêng.
Cần lưu ý rằng, GV đầu đàn không phải tự nhiên mà có, cũng không phải chỉ giỏi chuyên môn là đủ. Đội ngũ giáo viên đầu đàn là sự phát hiện, bồi dưỡng phải được thừa nhận, tôn vinh của cả tập thể giáo viên trong tổ chuyên môn; đồng thời phải có một số kiến thức kĩ năng quản lý nhất định thì người giáo viên đầu đàn mới thực sự phát huy vai trò đầu tàu của mình. Việc phát hiện giáo viên đầu đàn chủ yếu được thực hiện thông qua hoạt động chuyên môn dựa trên NCBH.
(3) Giám sát việc thực hiện đúng quy trình NCBH tại tổ chuyên môn.
(4) Chỉ đạo tổ chuyên môn chú trọng nâng cao chất lượng các buổi thảo luận cho từng bài học được nghiên cứu.
(5) Phát triển mỗi tổ chuyên môn theo tinh thần “Tổ chức biết học hỏi”.
Việc xây dựng nhà trường, mỗi tổ chuyên môn theo tinh thần “Tổ chức biết học hỏi” sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để khuyến khích đổi mới PPDH dựa trên NCBH. Trong việc xây dựng “Tổ chức biết học hỏi”, học hỏi có tinh thần đồng đội, cần giúp cho GV rèn luyện kỹ năng hướng dẫn đồng nghiệp, mỗi giáo viên phải làm việc hăng hái để giúp cho tổ, nhóm giáo viên đồng thuận và làm việc một cách tập thể để đạt được tầm nhìn chung, mục tiêu chung chứ không chỉ theo đuổi những mục đích cá nhân của mỗi GV. Ở đây rất cần hình thành cho mỗi GV kỹ năng hướng dẫn đồng nghiệp. Hướng dẫn đồng nghiệp là phương pháp phát triển chuyên nghiệp và hiệu quả để cải tiến việc dạy học và tăng cường quan hệ cộng tác giữa các đồng nghiệp. Đó là quá trình trao đổi thông tin, qua đó GV chia sẻ kiến thức chuyên môn, đổi mới PPDH của mình với đồng nghiệp, trao đổi ý kiến hỗ trợ và giúp đỡ nhau để hoàn thành các kĩ năng hiện có, bổ sung những kĩ năng mới và giải quyết các vấn đề liên quan tới lớp học. “Tổ chức biết học hỏi” là một tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động HĐ TCM dựa trên NCBH.