CHƯƠNG 1: BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1986-1995 . 10
1.2 Quan hệ đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 1975-1986
Đại thắng mùa Xuân 1975 đã đem lại nền độc lập và thống nhất trọn vẹn cho dân tộc Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới: hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước đi vào xây dựng trong hòa bình, quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong bối cảnh lịch sử mới, nhiệm vụ đối ngoại của Việt Nam trong tình hình mới được đưa ra ngay trong Hội nghị Trung ương 24 (khóa III) tháng 8-1975 là: “tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, khoa học – kỹ thuật, củng cố quốc phòng và an ninh; kề vai sát cánh với các nước XHCN và các dân tộc trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ” [31, tr.105 . Các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV (1976) và lần thứ V (1982) đã xác định những nội dung chính trong chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kì mới là: xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước XHCN; củng cố và tăng cường hợp tác với Lào và Campuchia; mở rộng quan hệ hữu nghị với các nước không liên kết và các nước đang phát triển; đấu tranh với sự bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch. Tựu chung lại, có thế thấy nhiệm vụ của quan hệ đối ngoại giai đoạn này là ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi, tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế to lớn và nhiều mặt cho công cuộc xây dựng vào bảo vệ đất nước.
Thực hiện đường lối đối ngoại trên, trong quan hệ với các nước XHCN, Việt Nam đặc biệt chú trọng củng cố, tăng cường hợp tác về mọi mặt với Liên Xô, coi Liên Xô là “hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”
[19, tr.147]. Ngày 29-6-1978, Việt Nam gia nhập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV); ngày 3-11-1978 hai nước kí Hiệp ước hữu nghị và hợp tác tại Matxcova. Ngày 2-5-1979, Việt Nam và Liên Xô tiếp tục kí Hiệp định liên chính phủ về việc cho phép tàu thuyền hải quân Liên Xô được ra vào, gh đậu và máy bay Liên Xô được hạ cánh ở Cam Ranh. Việc Việt Nam gia nhập SEV và kí Hiệp định hữu nghị và hợp tác Việt – Xô là một bước ngoặt, mang ý nghĩa chiến lược đối với quan hệ đối ngoại của Việt Nam, và có tác động to lớn đến nhiều mối quan hệ quốc tế trọng yếu và truyền thống của Việt Nam.
Trên nền tảng quan hệ chính trị - ngoại giao, Việt Nam tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ to lớn về kinh tế của Liên Xô. Viện trợ của Liên Xô trong những năm 1981-1985 tăng gấp đôi so với 5 năm trước, giá trị tương đương hơn 4,5 tỉ đôla Mỹ. Sau chuyến thăm Liên Xô của Tổng Bí thư Lê Duẩn vào tháng 6- 1985, Liên Xô quyết định tăng viện trợ kinh tế cho Việt Nam lên 8,7 tỷ rúp chuyển nhượng gấp hai lần so với giai đoạn 1981-1985 [8, tr.297-298]. Liên Xô cũng tiếp tục giúp đỡ Việt Nam xây dựng một số công trình lớn như cầu Thăng Long, nhà máy thủy điện Hòa Bình, nhà máy xi măng Bỉm Sơn…
Cũng trong giai đoạn này, quan hệ giữa Việt Nam với các nước XHCN khác trong hệ thống XHCN cũng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt kể từ sau khi Việt Nam trở thành thành viên của SEV. Việt Nam đã nhận được từ các nước XHCN sự ủng hộ mạnh mẽ và giúp đỡ nhiều mặt. Viện trợ hàng năm của Liên Xô và các nước tăng dần (riêng năm 1979 tăng gấp 3 lần mức trung bình 1976-1978)… buôn bán giữa Việt Nam với các nước Liên Xô và các nước XHCN chiếm từ 70% đến 80% kim ngạch buôn bán của Việt Nam [38, tr.29].
Theo những hiệp ước hữu nghị và hợp tác đã ký giữa Việt Nam với các nước anh em, việc hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kĩ thuật đã được triển khai thực hiện và đạt những bước tiến đáng kể.
Tuy nhiên, từ năm 1975 quan hệ với Trung Quốc – nước XHCN láng giềng ngày càng xa cách do liên quan đến vấn đề biên giới, vấn đề người Việt gốc Hoa, vai trò của Liên Xô trong các vấn đề thế giới và khu vực, đặc biệt là Trung Quốc không hài lòng và coi Việt Nam đã “quay lưng lại” với sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước [52, tr.40].Do đó, cuối năm 1977, Trung Quốc chấm dứt cho Việt Nam vay. Tháng 7-1978, Trung Quốc rút toàn bộ chuyên gia và cắt toàn bộ viện trợ cho Việt Nam, đồng thời đơn phương đóng cửa ba Tổng lãnh sự quán của Việt Nam tại Quảng Châu, Nam Ninh, Côn Minh. Ngày 22-12-1978, Trung Quốc đình chỉ đường sắt liên vận và đến tháng 2-1979, quân đội Trung Quốc đồng loạt tiến công tất cả các tỉnh trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Sau khi Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam, quan hệ Việt – Trung tiếp tục căng thẳng k o dài cho đến thập kỉ 80. Tuy vậy, bước sang những năm 1980, Việt Nam đã thể hiện mong muốn khôi phục quan hệ bình thường với Trung Quốc với lập trường nhất quán: quý trọng, gìn giữ và vun đắp cho tình hữu nghị hai nước. Trên tinh thần này, trong vòng thời gian từ 1980-1987, Việt Nam đã nhiều lần gửi công hàm đề nghị nối lại đàm phán Việt – Trung nhưng phía Trung Quốc đều từ chối.
Đối với các nước Đông Dương, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh quan hệ đoàn kết, hợp tác Việt Nam – Lào – Campuchia. Trong những năm tiến hành kháng chiến chống Mỹ quan hệ giữa ba nước Đông Dương tương đối tốt đẹp.
Tuy nhiên, từ đầu những năm 70 tình hình Campuchia có nhiều biến động, lực lượng Khmer Đỏ đánh bại chính quyền Lon Nol, giải phóng thủ đô Phnom Pênh, thành lập chính quyền Campuchia Dân chủ. Từ đây, mối quan hệ giữa Việt Nam với Campuchia Dân chủ cùng ngày càng căng thẳng do sau khi lên nắm chính quyền, chính phủ Polpot đã gây ra nhiều vụ khiêu khích trên biên giới đất liền và biển với Việt Nam. Ngày23-12-1978, Campuchia Dân chủ thực hiện chiến tranh trên toàn tuyến biên giới phía Tây của Việt
Nam. Trước những hành động của Campuchia Dân chủ, vì sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đã mở cuộc phản công, đập tan cuộc tiến công toàn tuyến.
Trước yêu cầu của nhân dân Campuchia, của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Việt Nam đưa quân tình nguyện vào Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Polpot, song phản ứng quốc tế nói chung không thuận. Đây cũng là nguyên cớ để các nước tiến hành bao vây, phong tỏa cô lập Việt Nam.
Do đó, xuất hiện “vấn đề Campuchia” trong quan hệ của Việt Nam với một số nước và việc giải quyết “vấn đề Campuchia” được coi là một trong những chìa khóa giải tỏa các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam.
Đối với các nước ASEAN, Việt Nam thể hiện sự sẵn sàng thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với tất cả các nước thành viên. Ngày 5-7-1976, chính phủ Việt Nam công bố chính sách bốn điểm đối với các nước Đông Nam Á, trong đó thể hiện lập trường của Việt Nam về những nguyên tắc cơ bản cho việc xây dựng, phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Sau khi công bố chính sách bốn điểm, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước cuối cùng trong ASEAN là Thái Lan và Philippin. Nhờ vậy, không khí hòa dịu trong khu vực Đông Nam Á bước đầu được tăng cường. Tuy nhiên, từ sau “vấn đề Campuchia” các nước ASEAN thực hiện chính sách bao vây, cô lập Việt Nam, quan hệ Việt Nam và ASEAN vừa mới được “nhen nhóm” chưa lâu đã tiếp tục rơi vào tình trạng căng thẳng, đối đầu.
Bên cạnh đó, sau năm 1975, Việt Nam có nhiều hoạt động thiết thực giải tỏa trở ngại với các nước TBCN và tổ chức quốc tế, nhằm thiết lập, mở rộng quan hệ ngoại giao và quan hệ hợp tác kinh tế. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 23 nước [38, tr.35], tham gia vào 33 tổ chức quốc tế và 19 điều ước quốc tế. Tháng 9-1977, Việt Nam tiếp nhận ghế thành viên của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Liên Hợp Quốc [50, tr.47 . Đặc biệt, đối với Hoa Kỳ, ngay từ tháng 6-1975 chính
phủ Việt Nam đã chủ động đề nghị đàm phán bình thường hóa quan hệ hai nước. Tuy nhiên, đàm phán giữa hai bên diễn ra chậm chạp và không đem lại kết quả. Phía Việt Nam yêu cầu nếu Mỹ thực hiện bồi thường chiến tranh cho Việt Nam theo như cam kết của Mỹ tại điều 21 Hiệp định Paris (1973) song phía Mỹ không đáp ứng Từ sau khi xảy ra sự kiện Campuchia, Hoa Kỳ đình chỉ đàm phán bình thường hóa giữa hai nước và cùng với các nước phương Tây thực hiện bao vây, cấm vận Việt Nam. Trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Reagan (1981-1989), Hoa Kỳ luôn gắn bình thường hóa với việc giải quyết vấn đề Campuchia và POW/MIA1.
Tóm lại, trong giai đoạn 1975-1985 ngoại giao Việt Nam đã đạt được một số thành tựu góp phần bảo vệ được thành quả cách mạng vừa giành được sau 30 năm kháng chiến gian khổ, giữ vững an ninh và ổn định chính trị. Tuy nhiên, chính sách “nhất biên đảo” – ưu tiên xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước XHCN khác, tư duy chiến tranh Lạnh vẫn bao trùm trong chính sách đối ngoại khiến cho các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đặc biệt từ sau hai cuộc chiến tranh biên giới, Việt Nam rơi vào tình thế bị bao vây, cô lập bởi chính sách cấm vận của một số nước lớn, đặc biệt là Mỹ. Vấn đề đặt ra một cách cấp thiết là phải nhận thức được những sai lầm, hạn chế, đúc kết thành kinh nghiệm, phục vụ hiện tại, tránh “vết xe đổ” của quá khứ.