CHƯƠNG 3 MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ QUÁ TRÌNH PHÁ THẾ BAO VÂY, CẤM VẬN CỦA VIỆT NAM
3.2. Các hoạt động ngoại giao thể hiện sự thức thời, sáng tạo liên tục trong đổi mới tư duy và đường lối đối ngoại
Trong những năm 80 của TK XX, Việt Nam đứng trước những khó khăn hiểm nghèo. Ở trong nước, Việt Nam phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, kéo dài. Về đối ngoại, chúng ta phải đương đầu với tình trạng bị bao vây, cô lập về kinh tế, cấm vận về kinh tế. Trong khi đó, trên thế giới, cuộc cách mạng khoa học công nghệ diễn ra như vũ bão, xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa nổi lên, đặt ra những cơ hội và thách thức cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986), xuất phát từ tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đã phân tích và đánh giá đúng những thuận lợi và khó khăn của đất nước thông quan đường lối đổi mới toàn diện, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử cách mạng nước nhà. Trong
lĩnh vực đối ngoại, Đại hội VI tiến hành đổi mới tư duy trên cơ sở chủ trương được vạch ra từ Nghị quyết 32/BCT của BCT khóa V (7/19986) về cục diện đấu tranh mới, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, tạo thế ổn định để tập trung phát triển kinh tế.
Qúa trình đổi mới tư duy, hình thành đường lối đối ngoại đổi mới của Đảng ngày càng được hoàn thiện và làm phong phú thêm bằng những nhận thức mới.
Có thể thấy, sự sáng tạo trong đường lối đối ngoại của Đảng thời kỳ đổi mới được thể hiện rõ nét trên nhiều mặt. Trước hết, ĐCS VN chú trọng đổi mới việc nhận thức, đánh giá cục diện và xu thế phát triển của thế giới. Trước đây, khi phân tích tình hình thế giới, do tác động của chiến tranh lạnh và cuộc đối đầu Đông - Tây gay gắt, nên nhận thức của ta thường có biểu hiện mang tính một chiều. Bởi vậy chưa thấy hết những chuyển động phức tạp trong cục diện thế giới, nhất là quan hệ giữa các nước lớn và xu thế đi vào hòa hoãn giữa họ, chưa lường hết được diễn biến bất lợi đối với hệ thống XHCN, nhất là từ cuối thập niên 70 trở đi. Đại hội VI đặt vấn đề mở rộng quan hệ đối ngoại trước sự phát triển của xu thế hoà hoãn trên thế giới, xu thế quốc tế hoá và hợp tác kinh tế giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau. Đại hội chỉ rõ, muốn kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, nước ta phải tham gia sự phân công lao động quốc tế trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Thực tế cho thấy, ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 1975- 1985 vẫn là xây dựng mối quan hệ toàn diện với Liên Xô và các nước XHCN khác. Tuy nhiên, ở giai đoạn 1986-1995 trước những nhận thức mới về tình hình thế giới và xu thế quốc tế, Đảng đã có sự điều chỉnh chính sách đối ngoại với các đối tác cụ thể. Mặc dù vẫn khẳng định chính sách tăng cường đoàn kết hữu nghị với Liên Xô và các nước XHCN nhưng Đảng và Nhà nước không đưa vấn đề này thành một trong những nhiệm vụ đối ngoại trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực tham gia các cơ chế đối thoại quốc tế tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia, đồng thời đẩy mạnh đàm phán bình
thường hóa quan hệ với các nước trong khu vực và các nước lớn. Sau khi Hiệp đinh quốc tế về Campuchia được kí kết (1991), Việt Nam đã tiến hành bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực và các nước lớn, đưa nước ta vượt qua bao vây, cấm vận quốc tế.
Bước ngoặt mang tính đột phá sáng tạo đối với sự phát triển tư duy đối ngoại còn được thể hiện qua những nhận thức về thời đại. Trước những biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là sự khủng hoảng của CNXH vào cuối những năm 80 đến đầu những năm 90 của thế kỉ XX, ĐCS VN đã phân tích xu thế phát triển của thế giới, đưa ra những nhận thức mới về thời đại nhằm đề ra phương hướng phát triển của đất nước. Đảng xác định kiên trì theo con đường XHCN đã lựa chọn và khẳng định: Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, song cuối cùng loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử [52, tr.133]. Bên cạnh việc đánh giá cao những thành tựu của các nước XHCN, Việt Nam cũng nhận thấy những sai lầm, yếu kém của CNXH. Đảng nhận thấy, hiện tại cách mạng XHCN chưa có khả năng thắng lợi trực tiếp trên phạm vi toàn thế giới mà nhấn mạnh tính chất phức tạp, lâu dài của con đường tiến tới những mục tiêu đó. Ngoài ra, đối với CNTB, Đảng cũng đưa ra những nhận định khách quan hơn về bản chất, mâu thuẫn trong lòng hệ thống TBCN và tiềm năng phát triển của CNTB là không thể phủ nhận.
Bên cạnh đó, ĐCS VN cũng có nhiều sự đổi mới trong nhận thức về mâu thuẫn của thời đại. Đảng nhận định trong tình hình thế giới phức tạp có các mâu thuẫn cơ bản nhưng không còn là chủ yếu mà tất cả các mâu thuẫn này đan xen, kết hợp với nhau. Đồng thời cũng làm rõ thêm những đặc điểm chủ yếu của thế giới đương đại, như: vai trò của cách mạng khoa học công nghệ, xu thế hợp tác giữa các quốc gia, xu thế toàn cầu hoá và kinh tế tri thức đối với nhịp độ phát triển lịch sử và cuộc sống các dân tộc
Một sư đổi mới quan trọng khác về nhận thức thời đại là Đảng đã có cách tiếp cận mới về xu thế phát triển mới của nền kinh tế thế giới. Bên cạnh việc nhận mạnh tầm quan trong của cuộc cach mạng khoa học – công nghệ diễn ra như vũ bão, Đảng và Nhà nước đã chỉ ra xu thế quốc tế hóa của nền kinh tế thế giới và sự hình thành một thị trường toàn cầu.
Như vậy, những nhận thức mới về thời đại được mở ra từ Nghị quyết 13 của BCT (5-1988), sau đó được Nghị quyết Trung ương 6 khoá VI (3-1989) nâng lên một tầm cao mới. ĐCS VN trong khi vẫn nêu bật tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp, đã chỉ rõ khả năng đẩy lùi nguy cơ chiến tranh thế giới đang tăng lên, xu thế đấu tranh và hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau ngày càng phát triển; hòa bình, ổn định và phát triển càng nổi lên thành xu thế lớn của thời đại... Từ đây, Đảng xác định Việt Nam cần phá vây, kết nối với thế giới, đặc biệt sự suy yếu của CNXH đã khiến Việt Nam nhận thấy không thể dựa vào mỗi Liên Xô và Đông Âu càng làm cho nhu cầu này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trong đổi mới tư duy về quan hệ quốc tế, điểm mấu chốt nhất là Đảng ta ngày càng nhận thức rõ sự chuyển dịch lớn trong quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ giữa các nước lớn, từ tình trạng đối đầu gay gắt về chính trị - quân sự, khu biệt về kinh tế sang vừa đấu tranh, vừa hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình. Do đó, Đảng có nhận thức ngày càng sát hợp, đúng đắn hơn về vấn đề tập hợp lực lượng, về xử lý các vấn đề quốc tế liên quan trực tiếp đến nước ta.
Trước những động thái mới trên thế giới từ giữa thập niên 80 thế kỷ XX, tư duy về quan hệ quốc tế của Đảng có sự điều chỉnh, phát triển và ngày càng trở nên uyển chuyển, linh hoạt hơn.
Nhìn chung, kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới, Việt Nam đã kịp thời nắm bắt xu thế thời chung của thế giới và khu vực, từ đó sáng suốt đề ra đường lối, chủ trương đối ngoại thích ứng, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bao vây, cấm vận, nghèo nàn, lạc hậu và ngày càng hội nhập sâu rộng vào
quốc tế và khu vực, vị thế của Việt Nam dần được nâng cao. Đánh giá về những đóng góp của chính của Việt Nam trong những năm đổi mới, tháng 1994, Hội nghị đai biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII đã khẳng định:
việc mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao uy tín và vị trí của Việt Nam trên thế giới, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một trong ba thành tựu của công cuộc đổi mới [20, tr.394]