CHƯƠNG 2. CÁC HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI PHÁ THẾ BAO VÂY, CẤM VẬN CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1986-1995
2.4. Phá bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và các nước
2.4.1. Bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ
Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ có ý nghĩa chiến lược đối với yêu cầu an ninh và phát triển, góp phần củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế; tác động mạnh mẽ đến quan hệ của tất cả các nước, nhất là các nước phương Tây đối với Việt Nam; góp phần làm cân bằng quan hệ với các nước lớn và các trung tâm kinh tế trên thế giới; thúc đẩy quan hệ của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam; tranh thủ nguồn vốn, kỹ thuật và thị trường cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Xuất phát từ yêu cầu đó, Việt Nam chủ trương thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp và công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, giải quyết mọi bất đồng và những vấn đề tồn đọng giữa hai nước thông qua hòa bình. Đại hội VI của Đảng nêu rõ: “Chính phủ ta tiếp tục bàn bạc với Mỹ giải quyết các vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại và sẵn sàng cải thiện quan hệ với Mỹ vì lợi ích của hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á” [20, tr.115 , đẩy mạnh thực hiện chủ trương tranh thủ Mỹ, từng bước phá chính sách bao vây cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam . Đến Nghị quyết 13 của BCT (1988) đã khẳng định: “Cần có quan điểm mới về an ninh và phát triển trong thời đại ngày nay để khẳng định mạnh mẽ phương hướng ưu tiên tập trung cho sự nghiệp giữa vững hòa bình và phát triển kinh tế… với một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh cùng với sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ càng có nhiều khả năng giữ vững độc lập và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội hơn”[15, tr.62]. Những động thái của Việt Nam trong vấn đề Campuchia và tái bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và những tính toán lợi ích của Mỹ là những nhân tố mở đường cho việc cải thiện quan hệ quốc tế giữa hai nước.
Từ giữa những năm 80 của thế kỉ XX, xu thế đối thoại và hợp tác trong quan hệ quốc tế cùng với diễn biến tích cực của việc giải quyết vấn đề Campuchia đã làm thay đổi thái độ của Mỹ đối với Việt Nam. Từ lập trường ủng hộ ASEAN là chính, Mỹ đã chuyển sang chủ động thúc đẩy giải pháp cho vấn đề Campuchia, đồng thời tính đến quan hệ Việt Nam, Đông Dương. Sự chuyển biến đó của Mỹ diễn ra trong bối cảnh chính phủ Mỹ nhận thấy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam có lợi cho việc tăng cường lợi ích của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung, cũng như ngăn chặn những ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này.
Do vậy, trước những kết quả đạt được giữa Việt Nam và ASEAN, các cuộc gặp không chính thức giữa Hun Sen và Sihanouk, Mỹ có phản hồi tích cực hơn. Ngày 18-7-1990, Ngoại trưởng Mỹ Baker đã tuyên bố Hoa Kỳ rút lui khỏi việc ủng hộ Campuchia dân chủ và sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Việt Nam về vấn đề Campuchia. Tuyên bố này thể hiện bước điều chỉnh lớn trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam kể từ năm 1979
Sau tuyên bố này, ngày 20-9-1990 tại New York, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai đã có cuộc gặp gỡ trao đổi với Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Solomon về những vấn đề mà hai cùng quan tâm. Sau bốn vòng đàm phán ở New York và chuyến thăm Hoa Kỳ của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch ngày 17-10-1990, hai bên nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc giải quyết các vấn đề nhân đạo liên quan tới hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam. Hai bên khẳng định sự hợp tác tiếp tục trong một giải pháp toàn diện về “vấn đề Campuchia” và cùng với đó là thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước. Như vậy, lần đầu trong lịch sử bang giao của hai nước đã có cuộc hội đàm giữa hai ngoại trưởng Việt Nam và Hoa Kỳ ngay trên đất Mỹ và cũng là lần đầu tiên một quan chức cấp chính phủ của Việt Nam đến thủ đô nước Mỹ theo lời mời từ phía Hoa Kỳ[66, tr.35].
Sau những động thái mang tính khởi động tích cực thúc đẩy việc cải thiện quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, ngày 9-4-1991, Hoa Kỳ đã đưa ra bản Lộ trình cho việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Bản lộ trình gồm bốn bước, với mục đích bao trùm là: thứ nhất, dùng bình thường hóa làm điều kiện ép Việt Nam tích cực giải quyết vấn đề Campuchia và vấn đề POW/MIA; thứ hai, bảo đảm việc Việt Nam ký kết Hiệp định Campuchia và tôn trọng Hiệp định sau khi được ký kết, đồng thời bảo đảm việc Việt Nam tiếp tục hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn đề POW/MIA [50, tr.153]. Việc Hoa Kỳ đưa ra bản lộ trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam là quan điểm riêng của phía Hoa Kỳ chứ không phải là kết quả của sự bàn bạc, thảo luận để đi đến sự thỏa thuận nhất trí giữa hai bên. Tuy nhiên, bản Lộ trình cũng phản ánh sự tiến bộ hơn trong chính sách của Mỹ, vì đây là lần đầu tiên Mỹ chính thức và công khai đưa ra chính sách của họ đối với Việt Nam. Hơn nữa, điều này cũng cho thấy thiện chí của Việt Nam khi có những hoạt động hợp tác giải quyết những vấn đề người Mỹ mất tích (MIA), tù nhân chiến tranh (POW) đã tác động tới thái độ của Mỹ, tạo điều kiện thúc đẩy Mỹ nới lỏng dần các biện pháp cấm vận và trừng phạt chống Việt Nam. Sau khi bản Lộ trình được công bố, phía Hoa Kỳ đã có một số hành động thiện chí đầu tiên: mở văn phòng đại diện ở Hà Nội để giải quyết vấn đề MIA cùng với Việt Nam (8-7-1991).
Ngay sau khi Hiệp định Paris về hòa bình ở Campuchia (1991) được ký kết với sự tham gia của Hoa Kỳ, Việt Nam và các bên liên quan. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã có các cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker để thảo luận về các biện pháp tiếp theo thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và đề nghị hai bên cử đoàn cấp chính phủ nối lại đàm phán. Baker đồng ý và cử đoàn nối lại đàm phán và chỉ nêu yêu cầu ta tập trung giúp giải quyết vấn đề MIA. Đồng thời, Mỹ bắt đầu có những động thái rõ ràng hơn nhằm hướng tới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam như: tuyên bố hủy bỏ lệnh cấm du lịch có tổ chức
vào Việt Nam, cho ph p cơ quan viện trợ quốc tế Mỹ được trực tiếp viện trợ nhân đạo đối với Việt Nam (4-12-1991), tiếp theo là việc Hoa Kỳ công bố viện trợ cho Việt Nam 3 triệu USD để đáp lại thiện chí của Việt Nam trong vấn đề POW/MIA [48, tr.129].
Từ năm 1992 dến năm 1994, quan hệ Việt Nam – Mỹ được cải thiện ở nhiều cấp độ khác nhau. Đặc phái viên của tổng thống Mỹ là Tướng J.Vessey tiếp tục thực hiện các chuyến thăm Việt Nam và nối tiếp các cuộc thảo luận về các vấn đề nhân đạo, vấn đề MIA và nhiều vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm làm tiền đề cho quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước. Ngày 18 tháng 10 năm 1992 Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Bộ Ngoại giao Mỹ bàn về bình thường hóa quan hệ hai nước. Sau các bức thư trao đổi giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Lê Đức Anh, ngày 27 tháng 7 năm 1993, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm gặp Bộ trưởng Ngoại giao W.Christopher tại Xingapo trao đổi một số vấn đề về lộ trình bình thường hóa quan hệ Việt –Mỹ. Ngày 2 tháng 7 năm 1993, Tổng thống Mỹ Clinton quyết định giải tỏa quan hệ của Việt Nam với Qũy tiền tệ quốc tế (IMF), cho phép Việt Nam có thể nhận tiền vay của quốc tế. Hoa Kỳ sẽ không phản đối việc các nước hỗ trợ Việt Nam trả các khoản nợ quá hạn của Qũy tiền tệ quôc tế. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức Hội nghị quốc tế về tài trợ cho Việt Nam ở Pari với sự tham gia của đại diện 22 nước. Tiếp đó, ngày 13 tháng 9 năm 1993, Tổng thống Mỹ Bill Clinton ra quyết định nới lỏng lệnh cấm vận, cho pháp các công ty Mỹ tham gia các dự án phát triển ở Việt Nam do các cơ quan tài chính quốc tế tài trợ. Những động thái cụ thể này đã góp phần tạo nên những bước tiễn đồng thời từ cả hai phía trên con đường xích lại gần nhau. Cũng trong thời gian này, nhiều phái đoàn nghị sĩ, thương nhân và những cựu chiến binh Mỹ đã sang thăm, tìm hiểu và tạo cơ hội làm ăn ở Việt Nam.
Các hoạt động ngoại giao sôi động đó đã thúc đẩy chính phủ Mỹ tiến gần hơn việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ngày 3 tháng 2 năm 1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam và hai bên mở cửa cơ quan đại diện của nhau và thông báo cho phéo các doanh nghiệp Mỹ tiến hành các giao dịch tài chính, thương mại và các giao dịch khác đối với Việt Nam và các kiều dân Việt Nam. Sự kiện này đã đánh dấu việc chấm dứt cuộc bao vây cấm vận Việt Nam suốt gần 20 năm của Mỹ và mở đường cho hai nước tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Ngay sau dấu mốc lịch sử này, hai nước đã có những động thái tích cực nhằm thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ngày 28-2-1994, Mỹ và Việt Nam tiến hành hội đàm về vấn đề nhân quyền và các vấn đề khác tại New York. Từ ngày 28-2 đến 4-3, phái đoàn hai nước tiến hành đàm phán cấp chuyên viên về vấn đề tài sản và các vấn đề liên quan đến việc chuẩn bị thiết lập cơ quan liên lạc tại Washinhton và Hà Nội. Đến tháng 5 năm 1994, Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận mở cơ quan liên lạc tại thủ đô hai nước.
Ngày 28 tháng 1 năm 1995, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ kí Hiệp định về tài sản ngoại giao và khiếu nại tài sản tư nhân, đồng thời thỏa thuận lập cơ quan liên lạc của mỗi bên ở thủ đô hai nước. Tháng 2 năm 1995, cơ quan liên lạc của hai nước chính thức được khai trương.
Từ ngày 15 đến 17 tháng 5 năm 1995, đoàn Đại diện của Tổng thống B.Clinton do Trợ lý ngoại trưởng W.Lord dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam lần thứ hai. Căn cứ kết quả của đoàn, ngày 13 tháng 6 năm 1995, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ W.Christopher chính thức đề nghị Tổng thống Clinton thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam. Ngày 11 tháng 7 năm 1995, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ. Một ngày sau tuyên bố bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ của Tổng thống Bill Clinton, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra tuyên bố đánh giá đây “là quyết định quan trong
phản ánh nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân Mỹ muốn khép lại quá khứ chiến tranh, xây dựng mối quan hệ bình thường, hữu nghị và hợp tác với Việt Nam”[6, tr.1]
Việc bình thường hóa quan hệ và thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ là một thắng lợi quan trọng của đường lối ngoại giao mới “đa phương hóa, đa dạng hóa”, đồng thời nó mở đường cho Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với các nước phương Tây và nhiều nước khác, cũng như tạo tiền đề để Việt Nam gia nhập các tổ chức khu vực và thế giớii, xác lập và nâng cao địa vị của Việt Nam trên trường quốc tế.