Chương 2: ĐÁNH GIÁ VÀ CAN THIỆP MỘT TRƯỜNG HỢP RỐI LOẠN KHÍ SẮC CHU KỲ
2.2.3. Định hình trường hợp
Định hình theo Mô hình 5P:
* P1: Vấn đề hiện tại - các biểu hiện trên nền RLKSCK:
- Suy nghĩ: thân chủ thấy cuộc sống vô nghĩa, không muốn sống nữa vì không chấp nhận mình bị bệnh, uống thuốc không khỏi.
- Cảm xúc: tự ti, ghen tị với tất cả những người hơn mình, trên mọi khía cạnh;
mệt mỏi tinh thần vì phải cố cư xử như người bình thường.
- Hành vi: cố tỏ ra bình thường, dễ bị kích động mất kiểm soát hành vi.
* P2: Yếu tố/sự kiện kích hoạt:
- Thân chủ nhận thấy mình có các biểu hiện cảm xúc thất thường, đến một cách tự nhiên, xuất hiện các pha hưng và pha trầm xen kẽ từ năm học lớp 6 - bắt đầu tuổi dậy thì - thời điểm thân chủ có nhiều tâm sự nhưng không chia sẻ được cùng ai.
- Sự kiện kích hoạt dẫn đến thân chủ phải nhập viện lần này bắt nguồn từ tình huống em thân chủ nói “chị ngu”, dẫn đến thân chủ mất kiểm soát hành vi.
* P3: Yếu tố tích tụ, sâu xa: Gen, tiểu sử,..:
- Yếu tố di truyền: trong phạm vi 3 đời có cậu ruột em trai mẹ chậm phát triển tâm thần; ông nội nghiện rượu nhiều năm (đã mất); bố thân chủ trước đây có giai đoạn trầm cảm.
- Trải nghiệm bị các bạn trong lớp chế giễu, miệt thị từ lớp 1 đến lớp 10:
body shaming “béo thế”, “ngu”, “chậm”,...
- Môi trường gia đình không thật sự gắn bó, lành mạnh, nhất là trong giai đoạn thân chủ ở tuổi dậy thì: thân chủ không thân, không chia sẻ, tâm sự được với các em, bố mẹ; Bố thường buồn phiền, đập phá đồ đạc khi tức giận; Bố mẹ thường cãi nhau trước mặt thân chủ; Bố mẹ đối xử với thân chủ thất thường: khi thì chiều, khi thì mắng chửi thậm tệ vô cớ.
* P4: Yếu tố duy trì: cơ chế gây ra và củng cố vấn đề của thân chủ
- Có thể giả thuyết rằng một trong những cơ chế gây ra và củng cố vấn đề của thân chủ là yếu tố sinh học: thân chủ có cậu ruột chậm phát triển tâm thần; thân chủ có ông nghiện rượu, mà nghiện chất đã được chứng minh thường là hệ quả của các rối loạn cảm xúc; thân chủ có bố đã từng trầm cảm; thân chủ có bố mẹ thường phản ứng thất thường; Bệnh của thân chủ khởi phát sớm, vào tuổi dậy thì, độ tuổi có nhiều thay đổi về các chất trong cơ thể (Lý thuyết Sinh học).
- Có thể giả thuyết rằng RLKSCK bắt nguồn từ khí chất KSCK của thân chủ, hay nói cách khác từ một đặc tính nhân cách, như phản ứng cảm xúc cao, bốc đồng, nhạy cảm với các kích thích từ môi trường. khi gặp những điều kiện xúc tác thì khí chất này phát triển thành rối loạn. Vì thân chủ cũng có nhận định là vào lớp 6 tự nhiên bắt đầu xuất hiện những hiện tượng pha hưng - trầm xen kẽ. Thường ở tuổi dậy thì trẻ có những bất ổn về tâm lý nhưng không phải đều phát triển thành rối loạn khi vị thành niên. (Lý thuyết Nhân cách).
- Thân chủ có suy nghĩ méo mó, chẳng hạn như những suy nghĩ tiêu cực tự động và các lược đồ nhận thức không thích nghi, nhận thức tiêu cực và niềm tin không hợp lý về bản thân, về thế giới và về những người xung quanh:
Bị bệnh -> Không chấp nhận -> Không muốn sống nữa
Em nói “chị ngu” -> liên tưởng đến ở lớp bị nói là ngu -> kích động, có hành vi toan tự hại
Tự ti, ghen tị với tất cả những người hơn mình ở mọi khía cạnh
Những suy nghĩ méo mó, niềm tin tiêu cực và nhận thức không thích nghi này góp phần gây ra sự bất ổn về cảm xúc của thân chủ. (Lý thuyết Nhận thức).
- Thân chủ có hành vi né tránh và kiểm soát lo âu: cố cư xử bình thường ở nhà và ở lớp vì không muốn mọi người nghĩ mình là người tâm thần; Hành vi này tăng cảm giác trầm cảm ở thân chủ (Lý thuyết Hành vi).
- Thân chủ thiếu những củng cố tích cực để tăng cường niềm tin vào bản thân: thân chủ học không tốt, không có hoạt động ưa thích. (Lý thuyết hành vi)
- Sự phát triển của RLKSCK ở thân chủ có thể bị ảnh hưởng bởi quãng thời gian tuổi dậy thì của thân chủ (từ lớp 6 đến lớp 8). Đây là giai đoạn ở thân chủ có sự thay đổi tâm sinh lý mạnh mẽ, có nhiều nhu cầu nói chuyện, bộc lộ cảm xúc, được thấu hiểu, yêu thương. Nhưng thời điểm này thân chủ không có mối quan hệ nào đủ tin tưởng và thân thiết. Ở nhà bố mẹ thường xuyên cãi nhau, mắng mỏ thân chủ vô cớ “vô tích sự”, “vô dụng”, khi thân chủ muốn tâm sự thì bố mẹ bảo “vớ vẩn”; thân chủ cũng không thân thiết và chia sẻ được với các em. Ở lớp thân chủ không có bạn thân, còn thường xuyên bị chê bai, miệt thị “béo”, “ngu”. Những trải nghiệm tiêu cực cộng với sự phát triển sinh lý, thay đổi hormon trong giai đoạn cuộc đời này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển RLKSCK ở thân chủ. (Lý thuyết Phát triển)
- Cũng có thể phân tích quá trình từ nhỏ đến hiện tại của thân chủ, đặc biệt là giai đoạn tuổi dậy thì bằng Lý thuyết xã hội. Ở thân chủ, từ lớp 1 đến lớp 10 thân chủ thường xuyên bị các bạn trong lớp chê bai, miệt thị. Mà đối với trẻ em, học đường có thể nói là một trong những môi trường xã hội quan trọng nhất. Vì vậy có thể nói thân chủ khá thiếu sự hỗ trợ xã hội. Ở trong gia đình thân chủ thì bố mẹ thân chủ cũng là những người rất thất thường: khi thì rất chiều nhưng khi thì mắng vô cớ.
Bố thân chủ cũng thường xuyên đập phá đồ đạc khi tức giận. Do đó mối quan hệ trong gia đình thân chủ cũng khá là bất ổn. Lý thuyết xã hội đề xuất rằng rối loạn khí sắc chu kỳ là do các yếu tố xã hội và môi trường gây ra, chẳng hạn như các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống, thiếu sự hỗ trợ xã hội và các mối quan hệ gia đình
rối loạn. Những yếu tố này có thể kích hoạt sự thay đổi cảm xúc và làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn. (Lý thuyết xã hội).
Như vậy có thể nói: từ các thông tin về thân chủ có thể giải thích được cơ chế gây ra và củng cố vấn đề của thân chủ bằng tổng hợp các Lý thuyết khác nhau.
* P5: Yếu tố bảo vệ: điểm mạnh, nguồn lực
- Cá nhân: chủ động, tích cực phối hợp điều trị, có mong muốn thay đổi, có tư duy khá tốt.
- Gia đình: hiện tại quan tâm, đã nhận ra tính cấp thiết cần phải điều trị bệnh của thân chủ, tôn trọng chỉ dẫn của bác sỹ tâm thần, chuyên viên tâm lý và nhân viên y tế.
Định hình trường hợp theo cơ chế giải thích bệnh lý và cơ chế trị liệu của CBT và DBT: Định hình trường hợp này cần dựa trên các nguyên lý cơ bản của CBT và DBT, tập trung vào cơ chế hình thành và duy trì rối loạn cũng như cách trị liệu can thiệp để giải quyết vấn đề.
Theo DBT:
- Nhận thức sai lệch (Cognitive Distortions): Thân chủ có những suy nghĩ méo mó, chẳng hạn: "Mình vô dụng," "Mình không đủ tốt," "Mọi người giỏi hơn mình." Những suy nghĩ tiêu cực này làm tăng cảm giác tự ti, buồn bã và tuyệt vọng.
- Hành vi không thích nghi: Thân chủ phản ứng với cảm giác tiêu cực bằng cách tự cô lập, tiêu pha không kiểm soát, tự hại, hoặc trốn tránh (qua ăn uống và ngủ nhiều). Những hành vi này không giải quyết được vấn đề mà còn làm trầm trọng thêm rối loạn của thân chủ.
- Chu kỳ nhận thức - cảm xúc - hành vi: Suy nghĩ tiêu cực dẫn đến cảm xúc tiêu cực → Hành vi không thích nghi → Xác nhận lại các suy nghĩ tiêu cực
→ Duy trì vòng luẩn quẩn bệnh lý.
Theo DBT:
- Khó khăn trong điều tiết cảm xúc: Thân chủ có các cảm xúc mãnh liệt và mất kiểm soát (tự ti, tức giận, tuyệt vọng). Sự kiện kích hoạt nhỏ (VD như câu nói của em trai) dễ dẫn đến hành vi cực đoan (tự hại hoặc gây tổn thương).
- Chấp nhận không hoàn toàn: Thân chủ khó chấp nhận thực tế rằng mình có rối loạn và có thể cần điều trị lâu dài. Điều này dẫn đến cảm giác tuyệt vọng, mệt mỏi tinh thần và nỗ lực "giả vờ bình thường" để che giấu tình trạng, gây căng thẳng hơn.
- Cảm giác bất lực và thiếu hỗ trợ: Môi trường gia đình không hỗ trợ, lời nói tiêu cực từ bố mẹ và bạn bè làm thân chủ cảm thấy cô đơn và không được công nhận.
Như vậy, vấn đề của thân chủ xuất phát từ sự tương tác giữa nhận thức sai lệch, hành vi không thích nghi và khó khăn trong điều tiết cảm xúc. Môi trường gia đình và xã hội không hỗ trợ, cùng với việc thân chủ không chấp nhận bản thân, đã làm vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.