1.7. Những lĩnh vực ứng dụng của thương mại điện tử
1.7.7. Dịch vụ công trực tuyến
Dịch vụ công là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp và người dân, không nhằm mục tiêu lợi nhuận và giúp thiết lập hành lang pháp lý để người dân thực hiện các quyền hợp pháp của mình. Dịch vụ công là một bộ phận tất yếu trong đời sống, là công cụ của Nhà nước trong việc quản lý, phục vụ cá nhân và tổ chức. Do đó, hoạt động cung cấp dịch vụ công trở thành đặc thù của cơ quan hành chính nhà nước.
Cung cấp trực tuyến dịch vụ công là việc ứng dụng môi trường mạng để cung cấp một phần hoặc toàn bộ dịch vụ công, bao gồm thông tin về quy trình, thủ tục, biểu mẫu, tiếp nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ, thông báo kết quả và các văn bản liên quan tới dịch vụ công đó. Cung cấp trực tuyến dịch vụ công sẽ góp phần giảm các thủ tục giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, góp phần xây dựng một hệ thống chính quyền hoạt động minh bạch và hiệu quả.
Cuối năm 2009, 20 trên tổng số 22 Bộ đa công bố công khai toàn bộ các quy trình liên quan đến dịch vụ công do Bộ quản lý lên trang thông tin điện tử của Bộ mình.
- Các mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Theo phân loại của Bộ Thông tin và Truyền thông, dịch vụ công được cung cấp trực tuyến theo bốn mức độ sau:
• Mức độ 1: Cung cấp đầy đủ hoặc phần lớn thông tin về quy trình thực hiện dịch vụ; thủ tục thực hiện dịch vụ; các giấy tờ cần thiết; các bước tiến hành; thời gian thực hiện;
chi phí thực hiện dịch vụ.
• Mức độ 2: Đạt được tiêu chí cấp một; cho phép người sử dụng tải về các mẫu đơn, hồ sơ để có thể in ra giấy hoặc điền vào mẫu đơn. Việc nộp hồ sơ được thực hiện qua đườngbưu điện hoặc trực tiếp tại cơ quan thụ lý hồ sơ.
• Mức độ 3: Đạt được tiêu chí cấp hai; cho phép người sử dụng khai trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và nộp trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ sau khi đa khai đầy đủ thông tin tới cơ quan thụ lý hồ sơ. Các giao dịch trong quá trình thụ lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện qua mạng. Tuy nhiên, việc thanh toán chi phí và trả kết quả sẽ được tiến hành trực tiếp với đơn vị cung cấp dịch vụ.
• Mức độ 4: Đạt được tiêu chí cấp ba; việc thanh toán chi phí được thực hiện trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện.
- Lợi ích của việc cung cấp trực tuyến dịch vụ công
Lợi ích đối với các cơ quan quản lý nhà nước: nâng cao chất lượng, tính công khai, minh bạch, tính kịp thời và hiệu quả của hoạt động cung cấp dịch vụ công; nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công; giảm tải công việc cho các cơ quan quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho cán bộ nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công;
thuận lợi hóa thương mại; tạo nền tảng xây dựng chính phủ điện tử; nâng cao niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Lợi ích đối với người dân và doanh nghiệp: tiết kiệm chi phí và nhân lực trong hoạt động đề nghị cấp phép; chủ động trong việc chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp phép;
lên kế hoạch kinh doanh một cách phù hợp; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp;
giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ công của các cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ Công Thương là cơ quan đi tiên phong trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ hoạt động thương mại của doanh nghiệp. Đầu năm 2006, Bộ đã triển khai Hệ thống eCoSys19 để cấp C/O20 cho doanh nghiệp. Đến nay, eCoSys đã được triển khai toàn diện trên cả nước, tất cả doanh nghiệp có nhu cầu cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu có thể gửi đơn đề nghị qua hệ thống cấp C/O điện tử tới các tổ chức cấp C/O thuộc Bộ Công Thương và VCCI21 mà không cần phải trực tiếp đến làm thủ tục. Hết tháng 11 năm 2009, đã có trên 1.200 doanh nghiệp tham gia eCoSys với tổng số C/O điện tử khai báo qua mạng đạt trên 70.000 bộ.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010, hiện nay các Bộ ngành và địa phương cũng đã và đang đẩy mạnh việc cung cấp trực tuyến nhiều dịch vụ công khác. Hầu hết dịch vụ công của các Bộ, ngành đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2.
CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 1
1. Hãy nêu khái niệm về thương mại điện tử? Thương mại điện tử có đặc điểm gì khác so với thương mại truyền thống?
2. Thương mại điện tử đã xuất hiện ở Việt Nam chưa? Những thuận lợi hay hạn chế khi ứng dụng thương mại điện tử ở Việt Nam là gì?
3. Ủy ban Châu Âu đưa ra định nghĩa về thương mại điện tử:
“Thương mại điện tử được hiểu là việc thực hiện hoạt động kinh doanh qua các phương tiện điện tử. Nó dựa trên việc xử lý và truyền dữ liệu điện tử dưới dạng văn bản, âm thanh và hình ảnh”.
Lập danh sách lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử được bao phủ bởi khái niệm trên?
19 eCoSys: Electronic Certificate of Origin Systerm - Hệ thống cấp chứng nhận xuất xứ điện tử
20 C/O: Certificate of Origin - Chứng nhận xuất xứ
21 VCCI: Vietnam Chamber of Commerce and Industry - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
4. Với mỗi lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, lập danh sách các phương tiện điện tử được sử dụng để thực hiện các hoạt động kinh doanh. Thảo luận về việc phân loại các lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử theo các cách hiểu về khái niệm thương mại điện tử.
5. Nêu các mô hình kinh doanh thương mại điện tử điển hình. Nêu ví dụ.
6. Có những loại hình giao dịch thương mại điện tử nào?
7. Hãy nêu các lĩnh vực kinh doanh thuận lợi khi ứng dụng hoàn toàn phương thức thương mại điện tử, các lĩnh vực không thể ứng dụng thương mại điện tử và các lĩnh vực mà thương mại điện tử có thể hỗ trợ trong kinh doanh.
8. Hãy chọn một ý tưởng kinh doanh điện tử rồi viết một bài mô tả mô hình kinh doanh trực tuyến theo những nội dung ở mẫu bài tập trang 174 – phần phụ lục.