Chương I. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU CẢI TIẾN PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC THỰC HÀNH, THỰC TẬP THEO NĂNG LỰC THỰC HIỆN KẾT HỢP VỚI SẢN PHẨM THỰC TIỄN
1.2 Dạy học theo năng lực thực hiện
1.2.1 Các khái niệm cơ bản
1.2.1.1 Năng lực:
Năng lực của người lao động kỹ thuật thể hiện ở sự hiểu biết công việc, nghề nghiệp và kết quả thực hiện, hoạt động trong nghề nghiệp đảm bảo chuẩn định mức ở các mức độ khác nhau. Năng lực ấy biểu hiện bằng năng suất hiệu quả đã và đang thực hiện trong nghề nghiệp hoặc tiểm ẩn trong con người lao động để có thể sử dụng trong tương lai.
Theo từ điển giáo dục học [2], năng lực là “khả năng hình thành hoặc được phát triển cho phép con người đạt được thành công trong một hoạt động thể lực, trí lực hoặc nghề nghiệp”. “Năng lực được coi như khả năng của con người khi đối mặt với những vấn đề mới, gợi tìm lại được những tin tức và những kỹ thuật đã được sử dụng trong những thực nghiệm trước đây”
[3] .Như vậy, năng lực được hiểu là khả năng của con người về một lĩnh vực nào đó. trong giảng dạy, năng lực của người giáo viên là các khả năng tổ chức điều khiển quá trình dạy học, truyền đạt, hướng dẫn, tư vấn .. năng lực của người học sinh là khả năng nhận thức, tư duy, thực hiện thao tác…
23
Cấu thành năng lực bao gồm có kiến thức, kỹ năng, thái độ và thói quen làm việc. Năng lực cũng còn là sự tổ hợp của các loại năng lực nhận thức (tư duy), năng lực thực hành (hành động), năng lực xã hội …
1.2.1.2 Sự thực hiện:
“Sự thực hiện là một danh từ muốn nói đến hành động hay thành tích, muốn nói tới thực tại hoá khả năng “ [4]. Trong đào tạo dạy nghề, học sinh chỉ biết thôi chưa đủ, họ phải có khả năng làm được một cái gì đó - được gọi là thực hiện hay là sự “thực tại hoá khả năng”.
Theo John Collum, sự thực hiện là “một quy trình có thể quan sát được, đòi hỏi cả kiến thức, kỹ năng và thái độ để làm một việc gì đó theo tiêu chuẩn thực hiện được chấp thuận và đem lại một sản phẩm, dịch vụ hay một quyết định” .
1.2.1.3 Năng lực thực hiện:
Có nhiều quan điểm về khái niệm “ năng lực thực hiện” từ nhiều lĩnh vực, góc độ khác nhau trong lao động sản xuất và đào tạo.
Ở Anh, khái niệm năng lực thực hiện được coi là sự phản ánh những mong đợi của việc làm và tập trung vào các vai trò của lao động hơn là vào các công việc.
Ở Australia người ta coi năng lực thực hiện là “một cấu trúc gồm tất cả các thuộc tính nhân cách tạo nên khả năng thực hiện thành thạo công viêc” hay là “khả năng thực hiện được các hoạt động trong nghề hoặc nhiệm vụ theo tiêu chuẩn mong đợi ở công việc” [5] .
B.Mansfied cho rằng “năng lực thực hiện là khả năng thực hiện được toàn bộ vai trò lao động hay phạm vi công việc … chứ không phải chỉ là từng kỹ năng, từng công việc riêng rẽ của chúng” [5].
24
* Khái niệm vận dụng trong đề tài về năng lực thực hiện là khả năng thực hiện được các hoạt động (nhiệm vụ, công việc) thực hành kỹ thuật theo tiêu chuẩn (mục tiêu) đặt ra đối với từng nhiệm vụ, công việc đó.
* Nội dung của năng lực thực hiện: là tổ hợp các kiến thức, kỹ năng thái độ đòi hỏi đối với một người để thực hiện hoạt động có hiệu quả trong một công việc hay một nghề nghiệp theo các chuẩn mực yêu cầu. có nghĩa là: khi một người thật sự có năng lực thực hiện là người đó phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, có kỹ năng tay nghề giỏi, có phẩm chất, thái độ tốt, luôn đáp ứng với yêu cầu thực tế công việc và làm việc hiệu quả theo chuẩn mực thực hiện công việc.
* Cấu trúc của năng lực thực hiện: bao gồm năng lực trí tuệ và năng lực thực hành. cấu trúc này thể hiện các kỹ năng trí tuệ; các kiến thức và kỹ năng thực hành; kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng thích ứng để thay đổi; khả năng áp dụng kiến thức vào công việc; có ý thức và khả năng hợp tác.
* Đặc điểm của năng lực thực hiện là tính thực thi và tính tiêu chuẩn - Tính thực thi: tính thực thi bao hàm sự thể hiện của tính hành động và tính thực tế.
- Tính tiêu chuẩn: tính tiêu chuẩn luôn cụ thể, tiêu chuẩn quy định cho các nhiệm vụ, công việc của một nghề và dạy học theo các tiêu chuẩn đó.
Những đặc điểm này nói lên bản chất của năng lực thực hiện, kỹ năng thực hành thông qua tính hành động là biểu hiện cao nhất của năng lực thực hiện. quá trình hình thành năng lực thực hiện phải gắn với luyện tập, thực hành theo các nội dung, công việc thuộc nghề nào đó và đảm bảo thực hiện với chất lượng, hiệu quả cao.