CHƯƠNG 4 QUY TRÌNH VÀ BIỆN PHÁP TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TRONG DẠY HỌC MÔN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI LỚP 3 NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TÌM HIỂU TỰ NHIÊN - XÃ HỘI XUNG QUANH
4.3. Tổ chức một số hoạt động trải nghiệm trong dạy học Tự nhiên và Xã hội lớp 3 nhằm phát triển năng lực tìm hiểu tự nhiên xã hội - xung quanh cho học sinh
4.3.2. Tổ chức các trò chơi học tập trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3 để phát triển năng lực tìm hiểu tự nhiên - xã hội xung quanh
4.3.2.1. Ý nghĩa của hoạt động trò chơi học tập
- Trò chơi học tập là một hình thức học tập bằng hoạt động, hấp dẫn, lôi kéo sự chú ý của HS vào nội dung học tập. Trò chơi làm thay đổi hình thức học tập không chỉ bằng hoạt động trí tuệ, làm giảm đi sự căng thẳng của giờ học.
- Trò chơi học tập còn giúp HS có thể tự tìm hiểu kiến thức, tự rèn luyện kỹ năng và vận dụng những kiến thức đã học để giải mã kiến thức bài học vận dụng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, rèn luyện khả năng tư duy, khả năng phản ứng nhanh, khả năng hàng động
- Nội dung môn TNXH lớp 3 có nhiều bài phù hợp với hoạt động trò chơi học tập và rất phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi lớp 3, HS rất thích thú, năng động trong các hoạt động trò chơi, tạo được không khí vui tươi, thoải mái và tinh thần học tập tích cực, nếu tổ chức tốt hiệu quả học tập sẽ cao hơn, phát triển được các NL cho HS, đặc biệt là NL THTNXHXQ.
4.3.2.2. Cách thực hiện hoạt động trò chơi học tập
Tổ chức trò chơi học tập trong dạy học môn TNXH lớp 3 được thực hiện theo các bước sau đây:
a. Xác định yêu cầu cần đạt của bài học
- Yêu cầu cần đạt của mỗi bài học chính là kết quả mong muốn về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và NL mà HS đạt được sau bài học, nó định hướng và chỉ đạo các hoạt động dạy học nhằm hướng đến các kết quả.
- Muốn lựa chọn được các hình thức, phương pháp dạy học phù hợp, trước hết phải xác định được yêu cầu mà HS cần đạt được về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực ở từng bài học. Thông qua xác định yêu cầu cần đạt, GV biết bài học này có cần thiết và phù hợp để tổ chức các trò chơi học tập cho HS hay không và GV có thể lựa chọn các hình thức trò chơi phù hợp cho HS trong dạy học môn TNXH lớp 3.
b. Lựa chọn trò chơi học tập và xác định mục tiêu của trò chơi học tập
- Sau khi xác định yêu cầu cần đạt, GV nghiên cứu nội dung bài học để lựa chọn hình thức trò chơi cho phù hợp với nội dung, dung lượng kiến thức bài học, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, vừa sức với HS.
- Khi xác định hoạt động trò chơi học tập, cho dù chọn hình thức nào thì GV cũng phải xác định mục tiêu của trò chơi: tức là cho HS chơi trò chơi để đạt được những mục tiêu về kiến thức bài học, vận dụng đươc các kiến thức kỹ năng ở mức đơn giản, tạo hứng thú học tập, giúp HS tích cực tham gia vào bài học để chiếm lĩnh và khắc sâu kiến thức bài học, hướng đến phát triển NL THTNXHXQ.
- Để xác định đúng mục tiêu của trò chơi, GV phải trả lời được câu hỏi: Chơi trò chơi này để làm gì? HS lĩnh hội được những kiến thức gì qua trò chơi này? Thông qua trò chơi này HS rèn luyện được những kĩ năng nào? Phát triển những năng lực nào? Điều này giúp GV khẳng định được trò chơi lựa chọn là phù hợp và hiệu quả nếu tổ chức tốt
c. Lập kế hoạch thực hiện trò chơi học tập
- GV cần xác định thời gian, thời điểm thực hiện trò chơi: trò chơi thực hiện trong thời gian bao nhiêu phút; thời điểm thực hiện: tùy vào nội dung bài học mà GV cho HS chơi. Nếu là ôn tập kiến thức cũ, tạo hứng thú và kích thích HS chiếm lĩnh kiến thức mới thì nên tổ chức trước bài học; nếu để khai thác kiến thức mới, tìm hiểu thực tế MTXQ thì nên tổ chức trong giờ học bài mới; nếu để mở rộng kiến thức, vận dụng kiến thức đã học thì nên tổ chức sau khi hoàn thành một nội dung bài học hoặc một chủ đề bài học.
- Xác định địa điểm và phương tiện cần thiết để thực hiện trò chơi: địa điểm cho HS chơi trong lớp hay ngoài sân trường; các phương tiện, dụng cụ cần thiết thực hiện trò chơi để HS chuẩn bị (GV cần phân công cho HS chuẩn bị trước).
- Xác định các hoạt động cụ thể mà HS cần thực hiện (hoạt động cá nhân hay nhóm); cách thức, tiến trình thực hiện.
- Xác định kết quả mà HS cần đạt được sau khi chơi (cả sản phẩm nếu có).
- Xác định phương pháp và công cụ đánh giá hoạt động trò chơi học tập.
d. Tổ chức thực hiện trò chơi học tập
- Bước 1: GV Giới thiệu trò chơi: nêu tên trò chơi và mục tiêu của trò chơi cho HS nhận thức rõ để thực hiện chơi
- Bước 2: Hướng dẫn HS cách chơi (GV vừa mô tả vừa làm mẫu, có thể gọi HS chơi thử); Phổ biến luật chơi.
- Bước 3: Tiến hành chơi: HS tham gia chơi; GV quan sát, cổ vũ, động viên, khích lệ. GV chỉ hỗ trợ khi cần thiết còn tất cả quá trình chơi phải để HS tự trải nghiệm và rút ra những bài học cho riêng mình.
đ. Đánh giá hoạt động trò chơi học tập
- GV nhận xét, đánh giá: ở tinh thần thái độ tham gia chơi và kết quả chơi.
- Đánh giá nhóm nào chơi đúng luật, hoàn thành tốt.
- Thưởng – Phạt rõ ràng, công bằng, sao cho HS chấp nhận, thoải mái, giúp trò chơi thêm hấp dẫn, kích thích hứng thú trong học tập.
- Chuẩn lại kiến thức bài học thông qua trò chơi.
4.3.2.3. Ví dụ minh họa (các bài ví dụ minh họa được lấy trong bộ sách kết nối tri thức với cuộc sống môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3)
Bài 18: Cơ quan tiêu hóa (SGK – TNXH lớp 3, trang 74-77) a. Xác định yêu cầu cần đạt của bài học:
Sau bài học này HS cần đạt được:
- Xác định được vị trí và tên các bộ phận chính của cơ quan tiêu hóa trên cơ thể người.
- Nhận biết được chức năng của các bộ phận của cơ quan tiêu hóa và chức năng của cơ quan tiêu hóa qua sự tiêu hóa thức ăn (ăn, uống, thải bã,…)
- Có ý thức ăn uống hợp lý để bảo vệ cơ quan tiêu hóa
- Phát triển các NL THTNXHXQ: tìm hiểu được các bộ phận chính của cơ quan tiêu hóa của người và biết được chức năng của cơ quan tiêu hoá trong quá trình tiêu hoá thức ăn, uống)
b. Lựa chọn trò chơi và xác định mục tiêu của trò chơi Bài học này được thực hiện trong 2 tiết
- Ở tiết 1, để HS tích cực, chủ động nhận biết được vị trí, tên của các bộ phận chính của cơ quan tiêu hóa trong cơ thể người, GV lựa chọn tổ chức trò chơi học tập
“Ai nhanh, Ai đúng” là phù hợp
- Trò chơi “Ai nhanh, Ai đúng”, nhằm mục tiêu:
+ Phát huy tính tích cực, chủ động, tư duy nhanh trí trong việc tự chiếm lĩnh kiến thức bài học, HS sẽ nhận thức nhanh và nhớ lâu, nâng cao hiệu quả tiết học.
+ Tạo hứng thú học tập, giảm sự căng thẳng, nhàm chán cho HS, phát huy tinh thần hợp tác, sáng tạo trong khi thực hiện trò chơi.
c. Lập kế hoạch thực hiện trò chơi “Ai nhanh, Ai đúng”
- GV xác định thời gian, thời điểm thực hiện:
+ Trò chơi được thực hiện trong 15 phút qua 2 vòng
+ Chơi theo nhóm (lớp chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm là 1 đội chơi)
+ Thời điểm chơi: HS chơi sau hoạt động mở đầu và hoạt động GV giới thiệu về sơ đồ các bộ phận của cơ quan tiêu hóa trên cơ thể người; trò chơi được thực hiện ở trong lớp học.
- Các phương tiện, dụng cụ cần thiết để thực hiện trò chơi:
+ GV chuẩn bị: 3 sơ đồ về cơ quan tiêu hóa của cơ thể người cho 3 đội chơi, băng keo 2 mặt
+ Mỗi nhóm HS chuẩn bị bút lông, 10 thẻ giấy trắng dài: 20 cm, rộng: 10 cm để ghi các cơ quan tiêu hóa và dán
- Các hoạt động cụ thể mà HS cần thực hiện:
+ Các cá nhân trong nhóm phối hợp với nhau nhanh để nhận biết, ghi và dán các thẻ chữ vào vị trí của các bộ phận của cơ quan tiêu hóa
- Kết quả cuối cùng mà nhón cần đạt được sau khi chơi: nhận biết, viết, dán nhanh và đúng
- Phương pháp và công cụ đánh giá: tính điểm nhanh, đúng; rubric đánh giá NL THTNXHXQ
d. Tổ chức thực hiện trò chơi học tập
- Bước 1: + GV giới thiệu tên trò chơi: “Ai nhanh, Ai đúng”
+ Nêu mục tiêu của trò chơi: Nhận biết nhanh, viết, dán, chỉ đúng các bộ phận của cơ quan tiêu hóa vào sơ đồ
- Bước 2: Hướng dẫn HS cách chơi: trò chơi thực hiện qua 2 vòng chơi, mỗi lần cả 3 đội cùng chơi
+ Vòng chơi thứ nhất: dán các thẻ chữ thích hợp vào sơ đồ (5 phút): GV dán 3 sơ đồ các bộ phận của cơ quan tiêu hóa lên bảng cho 3 đội. Khi có lệnh chơi, các thành viên cửa đội nhận biết từng bộ phận, viết vào thẻ giấy và dán vào vị trí thích hợp, lần lượt đến hết
Nhiệm vụ của các thành viên là chỉ đúng và đọc đúng tên bộ phận tiêu hóa
Luật chơi: mỗi thành viên trong đội chỉ được dán 1 lần, hết thời gian quy định phải dừng lại, các nhóm ngồi quan sát chấm điểm nhanh và đúng của từng nhóm
+ Vòng chơi thứ hai: Chỉ và đọc tên đúng bộ phận của cơ quan tiêu hóa (5 phút):
Mỗi nhóm lần lượt cử 2 bạn: 1 bạn chỉ vào bộ phận của cơ quan tiêu hóa, 1 bạn đọc tên các bộ phận đó, cứ lần lượt đến hết các bộ phận.
Nhiệm vụ của các thành viên là chỉ đúng và đọc đúng tên bộ phận tiêu hóa
Luật chơi: mỗi thành viên cũng chỉ được lên đọc hoặc chỉ 1 lần, hết thời gian quy định phải dừng lại, các nhóm ngồi quan sát chấm điểm nhanh và đúng của từng nhóm
- Bước 3: Thực hiện chơi
+ Khi hiệu lệnh bắt đầu, các đội nhanh chóng thực hiện chơi
+ GV quan sát, cổ vũ, động viên, khích lệ các nhóm chơi và chấm điểm đ. Đánh giá hoạt động trò chơi học tập
- GV nhận xét, đánh giá kết quả chơi:
+ Quan quan sát, ghi chép GV nhận xét được tinh thần thái độ tham gia chơi của các đội và dự vào kết quả trò chơi được tính theo thời gian thực hiện và kết quả đúng để đánh giá điểm cho các đội và xếp vị thứ các đội
- Đối chiếu đánh giá NL THTNXHXQ theo rubric đã xây dựng.
- GV khen thưởng: đội nhất: thưởng (phần thưởng có thể là điểm tốt, hoặc là một món quà nhỏ).
- GV nhắc nhở: đội chưa tốt, GV nhắc nhở, rút kinh nghiệm
Việc thưởng, phạt rõ ràng, công bằng, HS sẽ chấp nhận một cách thoải mái, giúp trò chơi thêm hấp dẫn, kích thích hứng thú trong học tập.
4.3.2.3. Những lưu ý khi tổ chức trò chơi học tập trong dạy học Tự nhiên và Xã hội lớp 3 để phát triển năng lực tìm hiểu tự nhiên xã hội xung quanh cho học sinh
- Trò chơi học tập phải phục vụ thiết thực cho bài học, thông qua trò chơi giúp HS tiếp thu được nội dung bài học một cách tự nhiên, thoải mái, HS nhớ lâu và có thể tái hiện lại sau một thời gian.
- Trò chơi học tập phải hướng đến mục tiêu nhằm phát triển NL THTNXHXQ cho HS, vì vậy nội dung trò chơi cũng phải đáp ứng được các biểu hiện của NL, và nhằm vào các tiêu chí đánh giá NL
- Đối với HS lớp 3 còn nhỏ, lượng kiến thức chưa nhiều, kinh nghiệm chơi còn ít, GV nên chọn những trò chơi học tập đơn giản, dễ thực hiện, thời gian chơi ngắn phù hợp với đặc điểm tâm lý và trình độ nhận thức của HS.
- Trò chơi học tập phải gây được hứng thú học tập, không khí vui vẻ, thu hút được nhiều HS tham gia và sau khi tham gia HS thích thú. Trò chơi học tập không nên tốn kém về thời gian, sức lực và vật chất của HS.