CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN TRẠM BIẾN ÁP TRUYỀN TẢI
3.2. CÁC GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN TRẠM BIẾN ÁP TRUYỀN TẢI
3.2.5. Giải pháp 5: Hoàn thiện công tác đấu thầu
Căn cứ thực hiện giải pháp
Đứng trên mọi góc độ (chủ đầu tư, nhà thầu và Nhà nước) của quá trình đấu thầu ta có thể thấy công tác đấu thầu được thực hiện nhằm mục đích đảm bảo sự cạnh tranh công khai, lành mạnh và bình đẳng giữa các nhà thầu nhằm tạo cơ hội nhận hợp đồng trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của Chủ đầu tư trong hồ sơ mời thầu.
Như vậy có thể nói rằng mục đích của công tác đấu thầu chính là chất lượng, giá thành, tiến độ xây lắp, an ninh, an toàn … của công trình tương lai, hiệu quả của công tác đấu thầu, nhất là của hình thức đấu thầu cạnh tranh rộng rãi đã được khẳng định và là khâu không thể thiếu trong quản lý đầu tư xây dựng.
Hiện nay công tác này tại Tổng công Ty truyền tải Điện Quốc gia là công tác nhạy cảm và cũng gặp nhiều bất cập, cần phải có những giải pháp cụ thể để hoàn thiện.
Nội dung giải pháp
– Hoàn thiện công tác lập kế hoạch đấu thầu
Kế hoạch đấu thầu cần phải được xây dựng rõ ràng và kèm theo kế hoạch phối hợp để biến kế hoạch thành hiện thực. Trong kế hoạch đấu thầu có 7 nội dung chính cần phải xác định là:
+ Phân chia gói thầu;
+ Giá gói thầu;
+ Hình thức lựa chọn nhà thầu;
+ Phương thức đấu thầu;
+ Thời gian đấu thầu;
+ Thời gian thực hiện hợp đồng;
+ Nguồn vốn.
Tất cả các nội dung trên nằm trong mối quan hệ mật thiết với nhau được thiết lập trên cơ sở mục tiêu tổng hợp được xác định trong bước dự án đầu tư của dự án và là cơ sở quan trọng để dự án thực hiện các bước tiếp theo.
Ví dụ như phân chia gói thầu yêu cầu phải làm trước và thực hiện theo hình thức chỉ định thì có nghĩa là chúng ta đã phải giải quyết câu hỏi trước đó là tại sao cần làm trước và chỉ định thầu. Khi đã có kế hoạch thì các bước tiếp theo phải định hướng để đảm bảo có thiết kế trước, có đủ hồ sơ để chỉ định và ký được hợp đồng và thực hiện gói thầu theo tiến độ đề ra.
– Nâng cao chất lượng hồ sơ mời thầu
Hồ sơ mời thầu là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả đấu thầu. Hồ sơ mời thầu phải đảm bảo chất lượng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu và tạo thuận lợi cho việc xét thầu. Trong hồ sơ mời thầu phải đầy đủ, chính xác, rõ ràng và phù hợp với quy chế đấu thầu và các văn bản có liên quan, không có các điểm trìu tượng dễ phát sinh tranh chấp sau này. Khi xây dựng hồ sơ mời thầu (đối với đấu thầu quốc tế ) cần lưu ý các văn bản quy định về thuế xuất nhập khẩu, chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu...
Cần quy định chặt chẽ trong HSMT về năng lực kinh nghiệm, tài chính và các sai sót chậm trễ trong việc thực hiện các dự án trước để loại bỏ các nhà thầu yếu hoặc cấm dự thầu một thời gian.
– Nâng cao chất lượng đánh giá thầu
Đây là công tác rất quan trọng vì nếu đánh giá không chính xác thì sẽ không lựa chọn được đúng nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực, tài chính và giá dự thầu tốt nhất. Do vậy,các Ban QLDA phải thành lập tổ chuyên gia xét thầu bao gồm những cán bộ có kinh nghiệm trong công tác đấu thầu. Các thành viên trong tổ xét thầu phải được đào tạo, tập huấn qua các lớp về đấu đầu và phải có chứng chỉ về đấu thầu theo quy định của Luật đấu thầu. Một số các gói thầu của dự án có quy mô lớn, phức tạp, công nghệ hiện đại nên các cán bộ của các Ban sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong xét thầu, vì vậy cần phải mời thêm các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này tham gia vào tổ xét thầu để công việc được thực hiện chính xác, đúng quy định của Nhà nước và lựa chọn được nhà thầu thực hiện công việc một cách tốt nhất về kỹ thuật, về tài chính thì mới mang lại hiệu quả cho dự án đầu tư.
Khi xét thầu, đầu tiên cần kiểm tra năng lực kỹ các năng lực kỹ thuật, kinh nghiệm xem có đáp ứng được theo hồ sơ mời thầu hay không. Hiện nay, nhiều nhà thầu thường hay tự khai tăng năng lực của mình để cho phù hợp với yêu cầu của gói thầu, nên Ban cần có biện pháp xác minh giữa năng lực thực tế của các nhà thầu với hồ sơ kê khai xem có phù hợp hay không. Không nên quá xem trọng giá dự thầu thấp mà phải đánh giá xem giá nào là phù hợp, bởi vì đã có nhiều đơn vị để muốn nhận được thầu bằng mọi cách nên đã hạ giá dự thầu xuống rất thấp để được trúng thầu.
Trong Luật Xây dựng đã có quy định mới, trong đó nói rõ những nhà thầu đạt các yêu cầu về chất lượng và có giá bỏ thầu hợp lý sẽ trúng thầu. Như vậy giá bỏ thầu rẻ nhất chưa chắc đã được lựa chọn. Tuy nhiên Luật Xây dựng mới chỉ định hướng có tính chất định tính mà chưa định lượng cụ thể. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ, việc đánh giá xếp hạng hồ sơ dự thầu theo tiêu chuẩn nào để chọn được nhà thầu hợp lý về giá thành nhưng phải đảm bảo chất lượng xây dựng công trình. Nếu muốn
có chất lượng công trình tốt thì trong thang điểm chấm thầu phải cho điểm cao đối với các nhà thầu có chính sách và kế hoạch đảm bảo chất lượng, ví dụ các nhà thầu quản lý chất lượng theo hệ thống ISO-9001:2000, chỉ có như vậy mới khuyến khích được các nhà thầu tự đảm bảo chất lượng xây dựng công trình, gây uy tín trong thị trường xây dựng để tiếp tục đấu thầu các công trình tiếp theo, tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh, tiến tới xây dựng được một “Văn hoá xây dựng” cho ngành Điện.
– Hoàn thiện công tác đàm phán, ký kết hợp đồng
Việc đàm phán, ký hợp đồng phải được tiến hành khẩn trương ngay sau khi thông báo trúng thầu của bên mời thầu, nhờ thế có thể rút ngắn thời hạn đấu thầu, công trình sớm đưa vào vận hành, hiệu suất sử dụng vốn cao.
Để thực hiện đàn phán thực hiện hợp đồng, bên mời thầu và bên nhà thầu đều phải chuẩn bị kỹ bằng một kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Kế hoạch đàm phán phải chứa đựng các thông tin cần thiết, các mục tiêu có phân loại và các biện pháp thực thi nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Ngoài ra việc xây dựng chính xác mục tiêu, công tác đàm phán đạt được còn phụ thuộc vào tính khả thi của các biện pháp đưa ra.
– Nâng cao chất lượng cán bộ xét thầu
Để chất lượng công tác đấu thầu được nâng cao thì việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu rất cần thiết. Họ phải là những người am hiểu về các quy định có liên quan đến đấu thầu, do đó phải có các chuyên gia giỏi về các lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế, pháp lý…
Phải tổ chức, đào tạo, trang bị kiến thức về đấu thầu bằng các cuộc hội nghị, hội thảo, thập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn trong và ngoài nước. Đội ngũ làm công tác đấu thầu không những cần phải có năng lực, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn mà cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp.
Lợi ích của thực hiện giải pháp
Thực hiện tốt công tác đấu thầu sẽ giúp chủ đầu tư đảm bảo tiến độ dự án, chọn ra được nhà thầu có năng lực. Việc chọn nhà thầu có năng lực ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng vật tư thiết bị, tiến độ cấp hàng (đối với nhà thầu cấp hàng),
chất lượng và tiến độ thi công (đối với nhà thầu thi công), từ đó ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả dự án
Ngoài ra thực hiện tốt công tác đấu thầu có thể chọn ra được nhà thầu đáp ứng yêu cầu và có giá thành hợp lý nhất, điều này sẽ làm giảm thiểu chi phí của toàn dự án.